Tản văn: Ký ức Tết quê

Thứ năm - 18/02/2021 16:23
Trước ngày ông Táo lên chầu trời (23 tháng Chạp), làng rậm rịch không khí Tết. Nhà nhà mang lưới vét cá; bắc guồng, dựng gầu sòng, sắp gầu dai… để tát ao. Đêm nghe tiếng tát nước uồm uồm hoặc tiếng nổ bành bạch của máy bơm, lòng nôn nao mong Tết. Bất chấp cái lạnh mùa Đông, mới sáng sớm đàn ông các nhà đã hò nhau dồn ao, quây vũng bắt cá. Họ hào hứng bắt riêng từng loại, thả vào thuyền nan, thau chậu cho các bà đi chợ bán. Xong nửa ao này thì quây sang góc khác. Những đứa trẻ nhà nghèo, những người phụ nữ tảo tần chỉ đợi đến lúc ấy, rón rén bước xuống hôi những tép lẹp còn sót lại. Đôi khi họ mừng húm vì tóm được chú cá rô, cá quả béo ú rúc sâu đáy bùn ngạt nên giờ mới ngoi lên…
111
Ngày Tết quê tôi. (ảnh minh họa)
Chợ quê những phiên giáp Tết như thâu gọn tất cả những cảnh sắc đời sống của mọi nếp nhà. Đi chợ, nhìn cung cách người ta bán mua, tính toán thì đủ biết hoàn cảnh, điều kiện đời sống kinh tế, văn hoá gia đình ấy là phong lưu, đủ ăn hay còn túng đói. Trong khí lạnh của cuộc chuyển mùa Đông- Xuân, lòng người dường như chùng xuống, êm ái hơn. Những tiếng ra giá, mặc cả như cũng nhẹ nhàng hơn. Cuối Đông, trời càng rét dữ. Ở một góc chợ, người ta kháo nhau trâu bò nhà nào chê cỏ, hợp tác xã sẽ làm thịt chia cho xã viên. Lợn trong chuồng được vỗ béo, gà trống thiến cầm lồng hàng tháng trời. Ai cũng mong Tết. Cái gì cũng để dành cho Tết.

Hợp tác xã không tháo cạn nước để trồng cây vụ Đông như bây giờ, mà giữ lại trên các thửa ruộng. Mặt ruộng giờ đây loang loáng ánh bạc. Gió nhẹ thổi làm sóng nước liu riu. Lúa vụ chiêm phải được cấy xong trước Tết. Trong giá rét, những bó mạ “thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng”. Các mẹ các chị lội bùn, lom khom cấy lúa. Mạ non cắm thẳng hàng, dần phủ xanh mặt ruộng. Khi hoàng hôn xuống, bọn trẻ mục đồng cưỡi trâu về.  Giữa tầng không chợt vẳng nghe vi vu sáo diều; dõi nhìn đàn sếu hình chữ V bay đi tránh rét mà lòng nôn nao về một điều gì rất khó tả. Chúng tôi, đứa nào đứa nấy đếm ngược thời gian mong Tết. Ngày Tết, sẽ được ăn no và ngon, sẽ được nghe tiếng pháo nổ ran đêm giao thừa… 

Chừng 27, 28 tháng Chạp, công việc đồng áng vừa xong, người quê tôi mới lo Tết cho gia đình. Thường thì vào sáng Hăm tám, thày u tôi ngả nong ra gói bánh chưng. U sai em gái nhớn tôi múc nước đầy chậu để đãi đỗ. Sai em gái thứ hai rửa lá dong. Em trai nhận việc khuân các gộc nhãn, gộc tre về chái nhà, chỗ sẽ bắc bếp luộc bánh. Tôi phụ cùng thày dọn dẹp ban thờ, trong nhà ngoài ngõ tinh tươm. Bánh gói xong lúc ngang chiều thì thày nhắc tôi phụ xếp bánh vào nồi, nổi lửa nấu. Thày bện nùn rơm làm vung nồi, trên để thau nước khi nóng lên thì lấy mà chế vào nồi luộc. Đêm, cả nhà quây quần canh nồi bánh chưng. Củi khô nổ lách tách. Củi nhãn thật đượm. Lửa ấm áp, reo vui. Giờ đã vãn việc, u tôi ngồi nhẩm xem đứa cháu nào đã về ăn Tết, đứa nào học xa không về. Nhân tiện, nhắc các con làm nốt các việc nay mai. Rồi Người kể chuyện hai bên nội ngoại, thời mới về làm dâu. Bao giờ cũng bắt đầu bằng “Ngày xưa, tao…”

Đã thêm nước mấy lần. Chừng nửa đêm bánh được vớt. Thày đã chuẩn bị sẵn hai thau nước mưa to. Bánh nóng hôi hổi, vớt ra đến đâu nhanh tay rửa đến đó, xếp ngay ngắn lên kệ. Đợi bánh nguội bớt, thầy dùng ván gỗ cùng các vật nặng nén cho bánh được mịn, thêm rền. Lòng như mở cờ, chúng tôi chờ thày u chia cho mấy cái bánh muội (*) không có thịt, gói từ chỗ gạo và ít đỗ còn dư. Ôi chao cái bánh muội chờ đợi cả một năm nó mới ngon làm sao!

Chiều Ba mươi Tết, u nấu cỗ cúng tất niên, báo cáo với tổ tiên công việc làm ăn cả một năm qua. Mấy hôm trước, nhà tôi đụng với mấy nhà hàng xóm một con lợn lửng. Mổ thịt, làm lòng chia nhau. Bữa cơm tất niên có đầy đủ lòng lợn, giò nạc, giò mỡ, bánh chưng, dưa cải nén lẫn hành tím. Thày nhâm nhi chén rượu trắng, bảo đây là bữa cơm ngon nhất chứ mấy bữa sau thì “dửng dừng dưng như bánh chưng ngày Tết!”. Cơm nước xong rồi, thày uống chén trà, thong thả sai đám con trai ít việc lặt vặt, giục u chuẩn bị làm gà, thổi xôi nấu chè cúng giao thừa.

Thời gian trôi thật nhanh. Hai mâm cúng đã chuẩn bị xong. Trong nhà, ngoài mâm ngũ quả, ban thờ bày ngay ngắn hai cặp bánh chưng, một con gà luộc mào cờ, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Đĩa xôi gấc. Năm bát chè bà cốt nấu mật mía thơm mùi gừng. Đèn nến sáng choang. Hương trầm ngào ngạt. Lọ hoa thược dược sặc sỡ, xen những cành violét tim tím mơ màng. Không gian đầm ấm, trang nghiêm. Trong khói hương kia như có cả linh thiêng đang tụ về dõi nhìn nếp nhà cùng con cháu.

Thày kê bàn đặt mâm cỗ cúng ở sân trước. Mâm cỗ kính cáo Trời - Đất đầy đủ hương đăng trà quả tửu thực, gạo muối, thịt mồi. Con gà trống luộc buộc chéo cánh, mỏ ngậm hoa hồng đỏ xếp chĩnh chiện giữa mâm, cạnh đĩa xôi gấc đỏ ối, hạt gạo bóng mẩy như thoa mỡ, bên những vàng tiền sặc sỡ giấu ước mơ về một năm mới sung túc, đủ đầy. Thày trải chiếu xì xụp lễ lạy, khấn vái hồi lâu. Lũ con nem nép trong nhà nhòm ra, không dám chí choé, ồn ào kẻo mà ăn mắng. Sáng mai, thày sẽ cầm cặp chân gà, ngắm những ngón, những tia gân luận về xu hướng làm ăn của gia đình năm tới, thấp thỏm mừng xen lẫn âu lo…

Đúng 12 giờ đêm, khi tiếng chuông binh boong, binh boong vọng ra từ chiếc đài phát thanh cổ lỗ thì ngoài trời bỗng sáng hừng lên. Đó là ánh sáng từ bao nhiêu pháo to pháo nhỏ, từ làng trên xóm dưới, trong đê ngoài bối, xa và gần… đồng loạt nổ. Tiếng pháo tép xè xè tạch tạch. Pháo trung độp độp, tạch đùng. Pháo đại xé tai đùng đoàng, chát chúa. Đôi lúc, một tiếng “ùng” cực lớn, như tiếng mìn âm âm. Bọn trẻ con ky cóp được đồng nào là mua pháo tép, đốt đì đẹt từ giao thừa đến suốt sáng mồng Một. Hớn hở, chúng nhìn dây pháo cháy xoèn xoẹt, nghe tiếng nổ tè tạch và tận hưởng mùi thơm khói thuốc. Kể ra cũng vui. Vừa thích thú vừa sợ...

Thường thì thày đã cẩn thận coi lịch, xem tuổi, xem hướng xuất hành xông nhà. Có năm còn cẩn thận dặn trước chú, bác họ nhà tôi (thày tôi là con một) đến xông nhà giúp. Còn thì thày tự mình đi khỏi nhà (Người bảo là xuất hành đầu năm) một vòng, trước lên chùa lễ Phật, sau ra đền lễ Thánh, đặng bẻ một nhành cây nhỏ, có lá già, lá tơ, búp (cành Lộc) về dâng lên ban thờ, ước vọng năm mới tài vật thật dồi dào. Trong hương trầm vấn vít, làn khói pháo lan xa, thoảng vương lên má hạt mưa rây lất phất. Đó là những hạt mưa đầu năm, nhẹ nhàng, mới mẻ, mang theo niềm tin và hy vọng mưa thuận gió hoà.

Được dặn dò kỹ, chúng tôi không dám tự tiện đến các nhà sớm Mùng một Tết. Khoảng 9-10 giờ sáng, sau khi đã có người “xông nhà” cho, u cho chúng tôi diện quần áo mới đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Lũ chúng tôi xúng xính trong những bộ cánh còn thơm mùi hồ, rồng rắn theo đuôi thày u, chú thím, kết thành một đoàn, qua mỗi nhà càng đông thêm. Đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười, tiếng chào, tiếng chúc Tết. Bọn trẻ hí hửng nhận tiền mừng tuổi, cất kỹ làm “vốn riêng”, nhí nháu khoe nhau, cãi nhau đứa nhiều đứa ít.

Ba ngày Tết qua nhanh. Thịt mỡ dưa hành sắp hết nhưng bánh chưng thì vẫn còn ít nhiều. Nhà tôi với các gia đình khác lại trở về với cuộc sống thường nhật với những bữa cơm đạm bạc, ấm cúng. Nhưng dư âm của Tết vẫn còn trong gió, trong hương hoa cỏ mùa xuân. Ngày mai, ngày kia, chúng tôi lại đến trường; thày u lại ra đồng làm cỏ, be bờ, tát nước… Và chúng tôi, những đứa trẻ vô tâm sẽ lại mong chờ cái Tết sang năm với những háo hức thơ ngây muôn thuở.   

Giờ thì tôi sống ở thành phố. Mỗi năm, khi giao thừa tới, gặp hạt mưa rây trong gió se, nhớ những cái Tết ở làng, bên thày u mà giờ đã ra người thiên cổ, lòng tôi không khỏi xao xuyến, rưng rưng thương nhớ tuổi hoa niên đã đi xa, xa mãi…
                                                         Nguyễn Thị Hương


(*) Muội: nhỏ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây