Người phóng viên phải đổ mồ hôi, công sức, đôi khi cả máu và nước mắt để có được thông tin “đắt” cho tác phẩm báo chí của mình, để truyền tải thông điệp báo chí đến với độc giả. Giá của thông tin báo chí được hình thành từ quá trình tiếp cận thông tin, xác định thông tin, truyền tải thông tin đến hiệu ứng của thông tin đối với độc giả.
Để có được tác phẩm báo chí, đặc biệt là các tác phẩm phản ánh những mặt trái của xã hội, những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, phóng viên phải lăn lội, dấn thân với nhiều kỹ năng tác nghiệp để có thể ghi lại được những thông tin quý giá, có sức nặng đưa vào tác phẩm báo chí để tác phẩm có chất lượng, hiệu quả truyền tải thông điệp cao nhất. Ngàn lời bình không bằng một bức ảnh, đoạn ghi âm, ghi hình “sống” thể hiện chân thực vấn đề muốn phản ánh trong tác phẩm báo chí. Để có được những thông tin “đắt” này đòi hỏi phóng viên phải đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí nguy hiểm để lấy thông tin.
Chính vì sự giá trị của thông tin nên đòi hỏi người phóng viên phải xông xáo, năng động, không ngừng rèn luyện kỹ năng. Có như vậy, phóng viên mới có thể tiếp cận thông tin nhanh nhất và cũng giúp nhà báo khai thác thông tin, lật mở những “màn che” để thấy được sự thật đằng sau những màn che này. Từ đó giúp độc giả, khán thính giả có cái nhìn đúng cũng như có cách hành xử đúng về sự kiện, vấn đề.
Là phóng viên được giao tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường vốn luôn “nóng” với nhiều thông tin đa chiều. Tôi nhớ có một lần khi đang đi cơ sở làm việc về một nội dung đã sắp xếp từ trước nhưng khi nghe tin về vừa phát hiện một trường hợp đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Yên Mỹ. Xác định đây là thông tin có giá trị và cần được “ghi” lại ngay hiện trường nóng hổi này nên tôi đã nhanh chóng quyết định sắp xếp lại lịch làm việc với cơ sở để có thể tới hiện trường vụ việc sớm nhất. Phóng xe máy vượt qua gần 20 km với đường đi ngoằn nghèo, có đoạn trải gạch đá cực kỳ khó đi, nhiều lần suýt ngã xe nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi. Càng gần hiện trường sự việc đường càng khó đi, tôi phải dừng xe bên đường và tiếp tục đi bộ thêm khoảng 500 mét. Nơm nớp lo sợ xe máy dựng bên đường có nguy cơ bị mất trộm nhưng “máu nghề” nổi lên khiến tôi quyết định phải dấn thân để chứng kiến, ghi lại ý kiến của các bên để đưa thông tin lên báo. Đường đất lầy lội trơn trượt khiến giầy và quần áo tôi dính bẩn. Sau gần 2 giờ đồng hồ làm việc tại hiện trường tôi đã quên khuấy chiếc xe máy của mình. Khi có trong tay tương đối đầy đủ các thông tin về sự việc và quyết định ra về tôi mới sực nhớ đến nó và không khỏi hoảng hốt, cuống cuồng chạy ra chỗ để xe. Chắc do “trời thương” nên chiếc xe vẫn còn ở nguyên đó nhưng tôi được một phen “đau tim”. Hệ quả của chuyến đi đó là tôi bị hỏng mất đôi giày do dính nước và bùn đất quá nhiều, quần áo thì phải ngâm xà phòng và vò sái tay mới sạch.
Cái giá tôi đã bỏ ra không thấm tháp gì so với những phóng viên khác khi dấn thân phản ánh những mặt trái của xã hội như: tham nhũng, tiêu cực, làm ăn phi pháp đã được đăng tải trên truyền hình, trên báo mà tôi đã từng đọc, từng xem nhưng với tôi đó cũng là một bước trưởng thành hơn trong nghề. Qua đó giúp tôi quý trọng thông tin và chịu khó dấn thân hơn trong quá trình khai thác, tìm kiếm thông tin khi viết báo. Phóng viên: Mai Nhung
(Báo Hưng Yên)