Tiên học lễ, hậu học văn

Thứ sáu - 19/02/2021 10:11
Mới đây, trên mạng xã hội phát tán một đoạn clip chỉ vỏn vẹn 16 giây, ghi lại cảnh một nam học sinh chửi bới, rồi tát cô giáo ngay trên bục giảng trước sự bàng hoàng của mấy chục học sinh trong lớp… Hành vi này đã vi phạm điều 41, thông tư 12 năm 2011 của Bộ GD - ĐT, không biết học sinh nam kia sẽ bị xử phạt như thế nào. Nhưng đây là vụ việc thể hiện sự băng hoại đạo đức nghiêm trọng trong nhà trường. Bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối: học sinh đánh nhau, phụ huynh học sinh đánh thầy cô giáo và giờ là học sinh đánh cả cô giáo. Phải chăng, xã hội ngày càng hiện đại, càng tiến bộ thì con người đối xử với nhau càng bạc, càng lạnh thì phải? Đặc biệt là người trẻ, họ sống buông tuồng hơn, sống bản năng hơn, sống sốc nổi hơn…
111
Nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên trong đoạn clip đang được lan truyền. Ảnh cắt từ clip.
Phát triển giáo dục vẫn là quốc sách hàng đầu của mỗi đất nước, vì thế ở tất cả những mái trường đều có những triết lý về giáo dục: “Không thầy đố mày làm nên” “Tôn sư, trọng đạo”. Ngày tôi đi học, học sinh thường sợ thầy cô giáo hơn bố mẹ mình. Có thể không yêu, không mến thầy cô… nhưng luôn sợ thầy cô một phép. Kể cả đó là học sinh cá biệt, nghịch đến mấy cũng không bao giờ dám hỗn hào với thầy cô… Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển tính dân chủ luôn được đề cao. Những chiếc Camera luôn được gắn trong lớp học, bất cứ một sự vô tình, sơ xảy nào của thầy cô cũng bị đem ra mổ xẻ. Phụ huynh phẫn nộ, cộng đồng mạng xã hội bình phẩm bài xích. Thầy cô sẽ bị phán xét về phẩm giá nhà giáo, một nghề cao quý hơn tất cả mọi nghề. Và mọi hình thức kỷ luật, thậm chí là ra khỏi ngành như một vết sẹo không bao giờ chữa khỏi của mỗi nhà giáo… Và hôm nay, chúng ta phải chứng kiến một sự việc rất bàng hoàng, phẫn nộ. Do cái tôi được đề cao, chủ nghĩa các nhân đã vượt qua mọi khuôn phép của giới hạn đạo đức. Một thực tại đáng buồn là ngày càng nhiều học sinh có những hành động bộc phát, thiếu kiềm chế… Và hành động tát cô giáo là cực điểm của sự băng hoại đạo đực trong nhà trường.

Dĩ nhiên, vấn đề gì cũng có hai mặt. Hình thành tính cách xấu của trẻ em không thể thoát ly vai trò, trách nhiệm của người lớn. Sự việc trên là hậu quả của điều đó. Trong mỗi lớp học luôn có khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn. Cụ Nguyễn Du có câu: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Vậy mà, nhiều nhà trường chỉ chú trọng vào kiến thức sách vở, kiến thức để thi thố, mà xem nhẹ cách phát triển nhân cách đạo đức con người của học sinh. Đặc biệt, môn đạo đức hay Giáo dục công dân bị coi nhẹ, nhiều tiết học thầy cô không dạy, để trống giờ. Nhiều thầy cô giáo tự biến mình thành cái máy dạy, tức là: dạy cho xong, dạy cho đúng giáo án, dạy cho hết tiết… và ít có sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh. Sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình còn có nhiều khoảng cách. Gia đình thường: “Trăm sự nhờ thầy” nhưng cha mẹ đâu biết rằng: chính họ mới là những người gần gũi nhất với con trẻ… Và, người trẻ được tiếp xúc với công nghệ từ sớm, đa phần từ lớp 8, lớp 9 là mỗi học sinh sẽ có một chiếc điện thoại. Không thể phủ nhận những tiện ích từ chiếc smart phone, nhưng cũng đồng thời kéo theo bao hệ lụy khác. Người trẻ thường tò mò xem những thứ bạo lực, thích chơi những game bạo lực. Ở xung quanh trường học luôn có nhiều quán game thu hút học sinh. Ở cái tuổi vị thành niên, khi bắt đầu hình thành nên nhân cách con người, thì rất dễ bị kích động và tiếp thu cái xấu…

Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại cách định hướng con người ngay từ nhỏ. Sự lẫn lộn giữa đức trịpháp trị cần phải được xem xét lại. Đây là hành vi bị lên án về mặt đạo đức, nhưng cần phải có hình phạt đủ nghiêm khắc theo pháp luật. Một xã hội văn minh, thì không thể có những hành vi như vậy… Có thể cô giáo trên không đau đớn về mặt thân xác, cái tát kia khó có thể kết vào tội: Đánh người gây thương tích. Nhưng hệ lụy của sự việc mang lại ảnh hưởng tồi tệ đến những người trong cuộc: cô giáo và học sinh nam. Mới đây, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT rà soát, kiểm tra tại các đơn vị trường học trên địa bàn, đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị chức năng vào cuộc xác minh tính xác thực của nội dung clip "nam sinh tát cô giáo ngay trên bục giảng". Mạng xã hội có rất nhiều bình luận phẫn nộ, chửi bới mang nhiều điều tiêu cực… với ý muốn trừng trị học sinh nam kia. Nhưng chúng ta không thể đẩy một con người còn quá trẻ vào bước đường cùng, hệ lụy về tâm lý luôn rất khó lường. Cần phải có một hình phạt nghiêm khắc nhưng đủ bao dung để có thể cảm hóa những hành động sai lầm như vậy.

Nguyễn Đức Cầm
Mùng 7 tết Tân Sửu 2021

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây