Từ lâu, lang băm là danh từ không còn quá xa lạ với nhiều người và càng ngày được sử dụng nhiều trong xã hội hiện đại. Tại sao khi Y học công nghệ ngày càng phát triển tiến bộ, nhưng vẫn xuất hiện cơ sở khám bệnh phản khoa học và vẫn nhiều người bệnh tin vào lang băm? Chữa bệnh xoang bằng cách bắt sâu, chữa bệnh ung thu bằng cách sờ mó, đi trên lưng người bệnh của thầy lang ở Đồng Nai. Mới đây nhất, vụ việc thần y Võ Hoàng Yến chữa bệnh phản khoa học đã làm rung động, tiếp đến là hai mẹ con ở Vĩnh Yên chữa bệnh bằng cách nhổ nước bọt và tuyên truyền mê tín dị đoan…
Nhiều sự việc đau lòng và để lại hậu quả từ những trò lang băm bịp bợm đã xảy ra. Đã có hơn 18 nghìn người mắc bệnh bại liệt, 8 nghìn người bị câm điếc bẩm sinh và hơn 14 nghìn người mắc các bệnh liên quan đến xương khớp đã tìm đến thần y Võ Hoàng Yến. Nhưng sự thật là không có bệnh nhân nào khỏi bệnh từ phương pháp điều trị của ông… Nhiều người tìm đến những cơ sở khám bệnh dưới danh nghĩa của lương y, tiền mất vậy mà bệnh tình ngày một nặng hơn, nhiều trường hợp bị hoại tử và để lại những di chứng vô cùng nguy hiểm.
Nỗi ám ảnh về bệnh tật từ lâu đã đeo đẳng con người, càng ngày lại có nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Nhiều người bệnh đến với lang băm vì nỗi sợ phải mổ xẻ dao kéo của những phương pháp Tây y, đặc biệt nỗi lo chi phí thuốc men. Họ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Họ tìm đến thầy lang với những cách chữa bệnh thô sơ, ít đau đớn, ít tốn kém và được đồn thổi là hiệu quả, chữa dứt bệnh. Người Việt từ lâu vẫn quan niệm: Có bệnh thì vái tứ phương, hành động vái là biểu hiện của lòng tin, cao hơn là sự mê tín tôn thờ. Thậm chí, nhiều người bệnh khi đang điều trị trong những bệnh viện lớn tuyến đầu vẫn tin theo lời lang băm, giấu bác sĩ để uống thuốc của thầy lang… Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, một đồn mười, mười đồn trăm nhiều cơ sở khám chữa bệnh phản khoa học đã mọc ra như nấm ở khắp nơi. Nhiều ông lang, bà mế không có chứng chỉ hành nghề, thậm chí không có sự am hiểu về y học… nhưng tự nhận bản thân có khả năng đặc biệt, và mở cơ sở khám chữa bệnh phản khoa học…
Từ ngàn đời nay, những phương pháp điều trị, những bài thuốc trong Đông y được tích lũy trở thành những giá trị quý của nền y học. Chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa phương pháp chữa bệnh Đông y: xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt… với những cách chữa kỳ dị không có cơ sở khoa học. Nhiều thầy lang băm đã giả mạo nhiều phương pháp chữa bệnh trong Đông y để chuộc lợi. Chung quy, nguồn gốc của sự lừa gạt, tuyên truyền mê tin dị đoan trong nhiều phương pháp khám bệnh cũng chỉ vì tiền. Người bệnh phải mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc và không có tác dụng… Và phải điều trị những thứ vô bổ, không hiệu quả.
Mạng xã hội phát triển, nhiều lang băm còn tự lên mạng chữa bệnh Online, quảng cáo phương pháp chữa bệnh và thuốc đông y gia truyền. Càng những bệnh nan y, mãn tính, bệnh hiểm nghèo khó chữa thì càng nhiều thầy lang tự nhận mình có khả năng chữa bệnh. Nhiều thầy lang được ví như thánh thần, thay mặt thánh thần để cứu dân độ thế, chữa bệnh làm phúc… Do trình độ nhận thức thấp của người dân là nguyên nhân chính xuất hiện nhiều lang băm. Ở các nước phát triển, có trình độ kinh tế xã hội tiến bộ… hầu như không xuất hiện lang băm. Nhưng ở nhiều nước Á Đông, đặc biệt nhiều dân tộc sống duy tâm, sống theo cảm tính và có trình độ nhận thức của người dân thấp… Tình trạng chữa bệnh phản khoa học thường rất phổ biến. Dĩ nhiên, muốn khỏi bệnh, muốn người bệnh phải lạc quan thì cần phải có niềm tin, có sự lạc quan. Nhưng đặt niềm tin sai chỗ, và để niềm tin biến tướng thành sự mê tín dị đoan thì quả là đáng trách.
Tại sao nhiều cơ sở khám chữa bệnh phản khoa học lại tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài, có nhiều thầy lang băm hành nghề đến cả chục năm trời mà vẫn không bị phát hiện. Vậy trách nhiệm đó của ai, tại sao nhiều cơ sở khám chữa bệnh như vậy vẫn được tồn tại bất chính? Cách quản lý hời hợt, thờ ơ của các cấp chính quyền địa phương là cơ hội cho nhiều lang băm hành nghề. Nhiều cơ sở lang băm không có biển quảng cáo, không có những thiết bị y tế khám chữa bệnh cần thiết… nhưng vẫn là địa chỉ thu hút được nhiều người đến khám chữa bệnh. Nhiều sự việc khi bị phanh phui khi báo chí vào cuộc, hoặc xảy ra những hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Và cách xử phạt với nhiều thầy lang băm còn nhẹ: chỉ bị đình chỉ hoạt động trong thời gian nhất định, phạt tiền vài triệu… chẳng đủ sức nặng để ngăn chặn hoàn toàn nạn lang băm.
Y học là quốc sách hàng đầu của một dân tộc, nhưng y học không thể phát triển được khi vẫn còn nhiều thầy lang băm, và người dân vẫn tin ở thầy lang băm. Ảnh hưởng của nhiều phương pháp chữa bệnh phản khoa học là khó có thể sửa chữa… Người dân cần phải nâng cao trình độ nhận thức, các nhà quản lý cần phải có những chế tài đủ nghiêm khắc để ngăn chặn vấn nạn này.
Hà Nội, tháng ba 2021
Nguyễn Đức Cầm