Phật ở đâu, đất Phật ở đâu?

Thứ sáu - 19/03/2021 11:29

Lâu nay ở ta có tình trạng rất nhiều những khu “Du lịch tâm linh” liên tục mọc lên, có nơi chiếm tới 5.100 héc ta đất như khu tâm linh chùa Tam Chúc (Hà Nam). Vừa rồi, mới có qui định nới gián cách, khu tâm linh Tam Chúc có ngày đã đón tới… 5 vạn khách viếng thăm, gây nên sự kinh hoàng cho những người lãnh đạo có trách nhiệm chống Covid-19. Trong khi lòng nhân đạo lúc này chính là ý thức về sự an toàn sinh mệnh cho con người, và với tinh thần ấy, nhiều ngôi chùa lớn đã tạm thời đóng cửa, nhiều lễ hội tâm linh tạm dừng tổ chức, như chùa Hương, chùa Yên Tử... Tuy nhiên từ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, tại 2 ngôi chùa là Tam Chúc và Bái Đính vẫn mở cửa đón khách, và chỉ riêng cuối tuần vừa qua, đã có khoảng 4-5 vạn khách đến chùa Tam Chúc, con số kỷ lục kể từ khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ mùa lễ hội năm ngoái cho đến nay. Trước đó, những ngày cuối tuần, chùa Tam Chúc vẫn đón vài nghìn khách…

Chỉ cần lọt vào vài người mang mầm bệnh, thì không biết khối người khổng lồ ấy sẽ “toang” như thế nào?

***

Tôi vừa đón hai nhà văn nghệ về thăm Quảng Ngãi. Ngồi uống cà phê với nhau, hai anh hỏi Quảng Ngãi có chùa nào thanh tịnh thanh vắng có thể viếng thăm, tôi nói có chùa Thình Thình ở huyện Bình Sơn. Những năm trước tôi có lên chùa này, thì đúng là chùa thanh tịnh thật, vắng vẻ thật. Sư ông trụ trì chùa, năm đó đã tròn trăm tuổi, vẫn rau dưa hàng ngày cùng mấy đệ tử. Không có hòm “Công đức” to đùng, cũng không thấy khách viếng thăm cho tiền cúng bạc gì. Chùa như thế, bây giờ vẫn còn, nhưng rất ít được khách quan tâm. Họ chỉ quan tâm tới những chùa “hoành tráng” xây mất mấy nghìn tỉ, chiếm hàng nghìn héc ta đất, hình thức phải hao hao như Tử Cấm thành của Trung Quốc, tới viếng thăm mới hả dạ. Nghe nói có chùa “to nhất thế giới” còn thờ cả… vợ của người xây dựng chùa, đã quá cố. Một nhà thơ facebook đã viết hai câu lục bát thú vị:

Ở nhà mắng mẹ nhiếc cha

Lên chùa bái vợ đại gia Xuân Trường

Nhưng với khách viếng thăm, họ vẫn không lấy làm điều, vẫn thành tâm cúng bái, thật lòng cầu nguyện công danh phú quí. Nghe nói, có mỗi một cái ghế “tốt” mà có tới trăm người cầu xin Phật ban cho mình, khiến Phật rất lúng túng.

Tôi nghĩ, Phật không bao giờ quan tâm tới những chùa “khủng” như thế. Ngài bình sinh ngồi dưới gốc cây bồ đề tu tâm dưỡng tính, không màng công danh phú quí, chẳng ham tiền bạc vì chẳng biết dùng làm gì, thì lẽ đâu Phật lại mở lòng cho chúng sinh cầu xin toàn những thứ mình không hề bận tâm như thế ?

Có lẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên khuyến cáo chúng sinh nên tới thăm những ngôi chùa cổ, những ngôi chùa vắng vẻ thanh tịnh, vì ở đó có Phật. Và chỉ nên cầu nguyện an lành cho mình và gia đình, cầu cho đất nước thái bình, chúng sinh an lạc. Như thế hiệu quả hơn là cầu công danh phú quí, và Phật sẽ đón nhận những lời cầu nguyện thanh tịnh và thành tâm ấy, hơn là những lời cầu xin có phần quá thực dụng.

Trong mùa dịch bệnh chưa thật sự “lui quân”, có lẽ mỗi người dân chúng ta nên thờ Phật tại gia, thờ Phật trong lòng, vừa bảo đảm yêu cầu chống dịch, lại khỏi phải chen chúc ở những nơi có thể mang mầm bệnh tật. Những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, những cánh đồng mênh mang hoa dại đẹp rực rỡ trong mùa xuân, là nơi chúng ta có thể tới chiêm nghiệm, chiêm ngưỡng, và cầu mong cho nền trời xanh hơn, bớt ô nhiễm hơn, và con người đối với nhau chân thành hơn, tốt bụng hơn.

Đó mới thật là những nơi chân ta như chạm vào đất Phật.


Tác giả: Thanh Thảo
Nguồn Văn nghệ số 12/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây