Một cái Tết đang cận kề, đây là dịp của nhiều lễ hội lớn nhất trong năm. Quan niệm: “trần sao âm vậy” biểu hiện rõ nhất là tập tục hóa vàng đã có từ hàng ngàn năm, đặc biệt phổ biến trong những ngày Tết… Nhưng, hóa vàng mã thời nay đang dần biến tướng, tốn kém, thừa thãi… và đặt ra nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội…
Trước hết, trong Đạo Phật không có tục lệ hóa vàng mã cho người âm. Đây là phong tục của Trung Quốc, xuất hiện vào thế kỷ thứ II nhằm để cầu an, xin phù hộ độ trì của người đã khuất… Việt Nam đã tiếp nhận phong tục đó, nhưng khi xã hội càng tiến bộ hiện đại, tục đốt vàng mã đang có nhiều biến tướng rất bất bình… Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị bài trừ tục lệ đốt vàng mã, nhiều ngôi chùa treo biển cấm hóa vàng. Nhưng, ta vẫn bắt gặp những ô tô chở đầy vàng mã, những khu đất ngùn ngụt lửa cháy, những con người mắt mũi cay xè nhưng vẫn ra sức đốt…
Đốt vàng có nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Nhiều sự việc thương tâm, đau lòng từ nhiều hộ chế biến, sản xuất vàng mã. Nhiều gia đình trước khi hóa vàng đã chất đầy trong nhà, rất nguy hiểm khi để gần với những dụng cụ, thiết bị dễ cháy. Nhiều người trong quá trình đốt vàng mã đã bị lửa bén vào người… Đó là còn chưa kể, đốt vàng mã quá đà sẽ gây ra những tổn hại về sức khỏe: hô hấp, mắt… Đốt vàng mã bừa bãi còn là biểu hiện thiếu ý thức về môi trường. Những đám đen cao ngút tuôn vào bầu không khí, những đống tro bụi vương vãi khắp nơi - để lại những hình ảnh rất phản cảm.
Càng ngày, nhiều giá trị cốt lõi bị mai một, đảo lộn. Thật - giả, tốt - xấu đan xen nhau và mê tín dị đoan trở thành một căn bệnh ngày càng trầm kha trong đời sống hiện nay. Có thờ có thiêng có kiêng có lành, dẫu biết đó là câu nói thể hiện sự bấu víu về tinh thần hướng tới tâm linh, nhưng để sự cuồng tín, dị đoan đi quá xa thì thật đáng báo động… Dường như người ta càng giàu có về vật chất thì sẽ càng hoang đường, ảo mộng. Có những xe ô tô chất đầy vàng mã, đủ các loại dụng cụ: iphone, ô tô, nhà cửa, máy bay… Họ đốt đến trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng chỉ để làm những thứ vàng mã thêm lạ và phong phú. Họ cho rằng: những gì mà người âm khi ở dương gian chưa có được, thì khi sang thế giới bên kia phải sống đầy đủ vật chất. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm và hoang đường. Khi con người ta về với cõi Phật là hướng tới cái thiện, hướng tới những điều an nhàn, thanh cao và thường tránh xa những phàm tục, vật chất - người âm sẽ chẳng nhận được bất cứ thứ gì sau những lần hóa vàng. Có nhiều người còn cho rằng: đốt càng nhiều nhà cửa, ô tô, tiền vàng thì sẽ được thành thần phù hộ và sau này sẽ làm ra được nhà cửa, ô tô thật… Đốt vàng mã bừa bãi, lãng phí, còn là cách để những tay thầy bói, thầy cúng bất lương lừa gạt nhằm chiếm đoạt phần lợi lộc từ gia chủ… Đa phần những người đốt vàng mã tốn kém, lãng phí… là những người thượng lưu có vai vế trong xã hội, những người bán đất buôn nhà, những quan chức đang có nhiều biểu hiện tham nhũng, tham ô… những tay xã hội đen làm nhiều điều phi pháp, bất chính… Thì càng đốt nhiều vàng mã, để mong trời Phật sám hối, mong có sự bấu víu, chấn an về tinh thần. Khi thế giới tâm linh của trời Phật, thánh thần bị biến tướng, để nhiều kẻ lộng hành lợi dụng, sa lầy vào nhiều tệ nạn đáng buồn khác.
Mỗi một năm, nước ta tốn kém đến cả nghìn tỷ vì đốt vàng mã. Thử hỏi, nếu số tiền đó làm từ thiện, làm phúc lợi cho người nghèo, xây cầu cống, xây trường học, bệnh viện…?Muốn thể hiện tấm lòng với thần Phật, thì phải hướng tâm, cái tâm phải tốt và làm nhiều việc thiện. Đến chùa với lòng thành, sám hối, mong giải được: tham, sân, si... Nhà chùa không thể ban phát tài lộc gì cho ai, mà chỉ hướng tới cho con người những điều thiện… Nơi Phật - của chùa là nơi hướng con người tới những điều nhân văn cao đẹp, không phải là để chứa đựng những suy nghĩ cơ hội, lợi dụng tín ngưỡng để che đi những việc làm sai trái của mình. Và không thể đốt quá nhiều tiền thật, cho việc đốt tiền âm phủ, lẫn vàng mã. Tục hóa vàng mã chỉ nên đốt vừa phải, đốt với lòng thành với người đã khuất…
Nguyễn Đức Cầm