Trong lịch sử nhân loại luôn bị ám ảnh bởi ba điều: chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai… Năm 2021 đã chập chững gõ cửa từng nẻo đường, góc phố để khép lại năm 2020 đầy rẫy những mất mát khiến người ta không thể nào quên. Dù trên dải đất hình chữ S này không còn tiếng súng đạn, nhưng năm 2020, Việt Nam đã đối diện hai hiểm họa lớn: dịch bệnh và thiên tai - khủng khiếp chưa từng có. Và trước những giờ khắc hiểm họa như vậy, trước ranh giới sự sống và cái chết, ta cảm nhận được - phận người thật mong manh…
Thứ nhất, là dịch bệnh Covid 19. Đây là đại dịch khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Ngay trong đêm 28 Tết Canh Tý 2020, Vũ Hãn - ổ dịch đầu tiền trên thế giới, đã phong tỏa đóng cửa toàn thành phố. Tuy nhiên, trước lệnh phong tỏa đó, nhiều chuyến bay, nhiều chuyến tàu từ Vũ Hán đã tỏa ra khắp nơi. Ở Việt Nam, Chính Phủ đã có những bước đi đầu tiên vô cùng đúng đắn, kịp thời để ngăn chặn những mầm bệnh. Nước ta có một cái Tết 2020 yên ấm, nhưng nơm nớp hiểm họa Covid 19 đang tới gần… Và, bắt đầu từ Sơn Lôi, dịch bệnh đã chớm vào nước ta, đa phần là những người lao động từ Trung Quốc trở về. Chưa bao giờ học sinh, sinh viên có kỳ nghỉ Tết dài như vậy… Tưởng rằng dịch bệnh đã dần ổn định, 24 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, tối 06/3/2020, ca nhiễm số 17 đầu tiên đã xuất hiện tại Hà Nội. Toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, tất cả dân tộc đồng lòng và đặc biệt ngành Y Tế nước nhà "sắn tay áo" chiến đầu với đợt dịch tiếp theo. Những chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới đã mang theo những mầm bệnh vào nước ta. Những cảnh tượng vắng lặng chưa từng có: nhiều cửa hàng, cửa hiệu buộc đóng cửa, tạm dừng tất cả các hoạt động dịch vụ, khẩu hiệu: "hãy ở nhà" được lan truyền khắp nơi… Đợt dịch lần này, đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, quan niệm của nhiều người. Và đến tháng 8, ổ dịch ở Đã Nẵng đã bùng phát lan ra Huế, Quảng Nam… Và, điều tồi tệ nhất từ dịch bệnh đã đến: Việt Nam đã có những ca tử vong vì Covid 19, dù toàn bộ hệ thống chính quyền, đặc biệt ngành Y Tế đã gồng mình để chiến đấu lại dịch bệnh, nhưng sự mất mát là điều khó tránh khỏi. Nhưng chúng ta phải tự hào rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch hiệu quả hàng đầu thế giới. Dù nước ta có dân số đông: gần 100 triệu dân, có đường biên giới dài ngay sát với Trung Quốc và nền y tế vẫn còn nhiều thiếu thốn so với các nước phát triển. Nhưng thành quả trong cuộc chiến chống dịch, tối thiểu hết mức có thể những thiệt hại về con người. Tính đến hết năm dương lịch, Việt Nam 1456 ca mắc và 35 ca tử vong, so với thế giới đây là con số đáng tự hào (83 triệu ca mắc và 1,81 triệu người chết)… Đại dịch Covid 19 đã khiến con người ta ngộ ra nhiều điều: giá trị của sự sống, thêm quý trọng sức khỏe của bản thân, sức khỏe là tài sản lớn nhất của mỗi người. Người ta đã bỏ ra nhiều tiền của để mua khẩu trang, nước rửa tay - những thứ cần thiết để bảo vệ bản thân mình. Dù là nguyên thủ quốc gia hay một gã hành khất thì cũng có thể mắc Covid 19, ai cũng có thể bị tổn thương. Có lẽ, dịch bệnh sẽ chấm dứt là mong muốn của đa phần người dân trên thế giới này. Nhưng khi Tết Tân Sửu 2021 đang cận kề, thì ở nhiều vùng biên giới Việt Nam đang xuất hiện nhiều kẻ bất chấp vượt biên trái phép mang nhiều hiểm họa lây bệnh. Cuộc chiến với Covid 19 sẽ bước sang năm 2021 và không biết bao giờ mới kết thúc, nhưng khi nào con virus này vẫn còn xuất hiện trên đời thì vẫn đe dọa sự sống con người…
Thứ hai, năm 2020, Việt Nam là một trong những đất nước bị thiên tai tàn phá nặng nề nhất. Trận lũ lụt lịch sử diễn ra vào đầu tháng 10, từ tỉnh Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… Cảnh báo lũ lụt mức độ IV - mức nguy hiểm, rủ ro cao nhất. Áp thấp, mưa lớn, bão nối tiếp bão đã gây ra những cảnh tượng chưa từng có. Đặc biệt ở: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… nhiều nơi bị nhấn chìm trong biển nước. Ruộng vườn, làng mạc, tài sản bị cuốn vào dòng lũ. Đau đớn nhất đã có hằng trăm người chết và mất tích. Những thi hài được tìm thấy nhưng không thể làm lễ tang, phải gác ở nơi cao. Vụ sạt lở ở Rào Trăng Ba, sạt lở ở Hướng Hóa - Quảng Trị đã cướp đi sự sống của bao chiến sĩ, cán bộ - những con người kiên trung, dũng cảm đã vào tận nơi hiểm họa thiên tai để hỗ trợ nhân dân. Hình ảnh người chồng ở Phong Điền - Huế gào khóc quỳ lậy giữa biển nước khi người vợ đang mang giọt máu của anh bị nước cuốn đi, đã ám ảnh vào tâm trí của rất nhiều người… Thiên tai tiếp tục là nỗi đau của những tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mưa lớn dài, đặc biệt địa hình đồi núi cao thẳng đứng là tiền đề của những trận sạt lở. Sạt lở ở huyện Nam Trà My có lẽ gây đau thươn hơn, trong đó cả một xã Trà Leng bị chôn vùi dưới đống đất đá. Chỉ sau một đêm, tất cả những gì quý giá nhất của con người, trong đó có sự sống đã bị cướp đi. Nhiều gia đình trở thành đại tang, nhiều mô đất cao trở thành nghĩa địa, một ngôi làng với nhiều tiếng nói cười hóa thành miền đất chết. Ông Hồ Văn Đề, 77 tuổi, ông từng đi đánh Mỹ, 21 năm trước ông đã lập ra làng này được gọi là Già, vậy mà… ông đã mất đi 8 đứa cháu, nhưng giờ chỉ tìm thấy 2. Và người ta vẫn thấy ông hằng ngày vẫn ra mảnh đất chết để mong muốn tìm được thi hài còn lại… Tất cả, là những nỗi đau không gì có thể đong đếm nổi. Con người thật mong manh nhỏ bé trước thiên nhiên…
Nhưng suy xét cho cùng, con người cũng là tác nhân của những đau đớn, mất mát này. Không tự nhiên là dịch bệnh xuất hiện, không tự nhiên mà lây lan ra khắp thế giới nếu không xuất phát từ ý thức kém của con người. Người ta vẫn săn bắn, giết hại những con vật từ tự nhiên, vẫn ăn những thứ hoang lạ mang nhiều hiểm họa dịch bệnh… Và không cớ gì mà thiên nhiên lại giáng xuống đầu những người dân vô tội bao nhiêu mất mát đến vậy. Chặt phá rừng bừa bãi, khai thác vô lối, xây dựng nhiều công trình còn nhiều sai lầm, bất trắc là những nguyên nhân hàng đầu của thiên tai… Và trước những hiểm họa: thiên tai, dịch bệnh mới thấy được giá trị của sự sống quý giá nhường nào. Phải sống hiền hòa, sống có ích thì mới tận hưởng được nhiều giá trị mà con người mong muốn.
Phố Hiến, ngày đầu năm 2021
Tác giả: Nguyễn Đức Cầm