Người tài xế xe tải Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã có hành động trèo lên mái tôn để cứu sống cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chiều 28 - 2. Hành động cao cả nghĩa hiệp đó đã lan tỏa hơi ấm tới nhiều người. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư biểu dương và trao bằng khen về hành động của anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Những cơ quan đoàn thể, các mạnh thường quân đã trao nhiều phần quà tới anh. Trên mạng xã hội tràn ngập những lời cảm kích, lời cảm tạ gửi tới anh, nhưng anh giản dị đáp lại: “Tôi thấy mọi người gọi thế cao quý quá, khi họ hỏi tôi cũng cố gắng lảng tránh. Thực sự tôi chỉ muốn cuộc sống của tôi như cũ thôi, sự việc này đột xuất quá, ảnh hưởng đến các dự tính của tôi. Bây giờ rất nhiều mạnh thường quân, nhiều người gọi điện giúp đỡ, chắc tôi phải tắt nguồn điện thoại mất”. Người ta khai thác và tìm kiếm thông tin từ vợ và mẹ của anh, người ta biết được rằng trong quá khứ anh từng làm điều tốt, trả lại tiền cho người đã mất… Anh Mạnh, một người lao động bình thường như bao người, nhưng đã có hành động thật phi thường, theo tính toán của vật lý: trọng lượng của cháu bé ba tuổi khi rơi từ tầng 12 là 365kg, một trọng lượng kinh khủng có thể tước đi mạng sống của anh. Anh chia sẻ là nhân viên giao hàng, việc đỡ hàng thường xuyên, có lẽ đã trở thành một kỹ năng hữu ích giúp anh đỡ được cháu bé. Có lẽ sau hành động dũng cảm này, đã khiến cuộc sống của anh sẽ không còn như trước nữa: nhiều người biết tới anh, ngưỡng mộ anh… Dù chia sẻ trên báo chí, từng cử chỉ, lời nói của anh thật giản dị của một con người nhân hậu. Người ta gọi anh là: anh hùng, siêu nhân… nhưng anh chỉ bẽn lẽn và cho rằng đó là hành động nhỏ và ai trong tình huống nguy cấp đó cũng sẽ làm như anh: “Gọi em là anh hùng thì thực sự em không muốn. Đang ở dưới đất mà mọi người đưa em lên chín tầng mây thì nó cũng cao quá. Không phải em thì cũng sẽ có người khác, có anh hùng khác. Anh hùng em nghĩ đó phải là cái gì đó cao siêu…”. Một hành động bản năng nhưng rất tình người, trong phút giây sinh tử, anh đã coi đứa trẻ 3 tuổi là con gái mình vì có những nét giống con gái anh: tết tóc, da trắng và trạc tuổi nhau… Mong ước duy nhất của anh là đứa bé được an toàn tính mạng và coi việc làm của mình để đem lại phúc đức cho con cái sau này… Trong quá khứ, anh từng đâm xe vào một ông cụ 87 tuổi, nhưng ông cụ và gia đình đã bỏ qua và thậm chí còn hỏi han lại anh. Một việc tử tế đã nhân lên một việc tử tế khác… Hành động của anh Mạnh không chỉ cứu sống sinh mạng một đứa trẻ, mà đã thức tỉnh nhân tính của cả một xã hội đang ngày một xuống cấp. Khi cuộc sống có những guồng quay bon chen, khi vật chất, đồng tiền và danh lợi lên ngôi thì con người đối xử với nhau ngàng càng bạc, tội ác một càng nhiều hơn. Người ta sẵn sàng đối xử tàn nhẫn với nhau vì đủ mọi thứ: vật chất, danh vọng, tiền bạc… Từ nhà trường: học sinh sẵn sàng đánh nhau, đánh cả thầy cô giáo. Trong gia đình: anh em tranh giành nhau, từ mặt nhau chỉ vì miếng đất, ngôi nhà, thậm chí xuất hiện nhiều nghịch tử làm nhiều việc táng tận… Mỗi ngày, chúng ta thấy được đọc không ít những sự việc buồn, những hành động xấu xa đáng lên án. Khi một xã hội, tưởng chừng là văn minh, hiện đại nhưng thực tế nhiều giá trị về đạo đức bị lệch chuẩn và đi xuống… Hành động nhân văn của anh Mạnh đã đánh thức cho cho chúng ta về nhân tính con người. Không có một bài học đạo đức nào, không có một cuốn sách giảng dạy Giáo dục công dân nào, có ý nghĩa và truyền cảm hứng bằng hành động cụ thể như anh Mạnh.
Ai trong chúng ta cũng có một trái tim, và ẩn chứa trong đó nhiều phẩm chất tử tế, cao đẹp. Trong nhiều tình huống nguy cấp nhất tình, bản chất của một con người lương thiện sẽ phát tiết và xuất hiện những hành động đẹp… Ai cũng mong được sống trong một xã hội tử tế, có nhiều điều nhân văn như vậy. Hành động của anh như truyền niềm tin: ai cũng có thể trở thành một người hùng như thế…
Hà Nội, đầu xuân 2021
Nguyễn Đức Cầm