Có lẽ, đối với các phóng viên, nhà báo trẻ, “bí” đề tài là câu chuyện muôn thuở, mà để giải quyết vấn đề này, cần thời gian, kinh nghiệm và cả sự sáng tạo trong tư duy của người làm báo.
TẠI SAO LẠI BÍ ĐỀ TÀI?
Có một kỷ niệm khá buồn mà tôi không thể quên trong quá trình học tập và làm báo của mình, liên quan đến khóa luận tốt nghiệp đại học. Tôi quyết định chọn thực hiện khóa luận bằng một tác phẩm truyền hình, dù trước đó, kinh nghiệm về sản xuất truyền hình của bản thân rất hạn chế, Thêm vào đó, vì ít đi thực tế, nên việc lựa chọn đề tài của tôi gặp nhiều khó khăn. Sau cùng, tôi quyết định thực hiện một phóng sự có tựa đề “Rừng ngủ”. Nội dung của phóng sự nói về thực trạng một khu rừng nguyên sinh tại huyện Hà Trung, dù có rất nhiều tiềm năng về du lịch, khoa học và kinh tế, nhưng gần như chưa được khai thác. Đây là đề tài khó thực hiện, nhất là với một người non kinh nghiệm như tôi. Giảng viên hướng dẫn cũng như các anh chị phóng viên đi trước đều khuyên tôi nên cân nhắc. Tuy nhiên, tôi quyết định vẫn thực hiện đề tài, và kết quả, phóng sự không được đánh giá cao. Đây là bài học cho tôi, và có lẽ, cho rất nhiều, sinh viên báo chí chuẩn bị ra trường hoặc mới ra trường. Ở thời của mình, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chúng tôi cũng được nhà trường tạo điều kiện cho đi thực tế. Tuy nhiên, về căn bản, kiến thức thu lượm được vẫn chủ yếu là lý thuyết. Do đó, khi đi làm, chúng tôi mất khoảng một thời gian để tiếp cận thực tế, làm quen với đặc thù công việc của cơ quan báo chí mà mình công tác. Và tất nhiên, với những phóng viên trẻ, trong giai đoạn này, việc “bí” đề tài sẽ diễn ra thường xuyên hơn so với các phóng viên có kinh nghiệm. Đó là chưa kể, do thiếu kĩ năng, kinh nghiệm, dù có đề tài hay thì chưa chắc phóng viên trẻ cũng có thể triển khai thành tác phẩm báo chí chất lượng cao.
TÌM ĐỀ TÀI TỪ CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY, VỚI GÓC TIẾP CẬN MỚI
Khi tôi mới về Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, chuyến công tác xa đầu tiên của tôi là được theo những phóng viên lớn tuổi lên các xã Mường Mìn, Sơn Thủy của huyện Quan Sơn. Thời ấy, đường đến Mường Mìn, Sơn Thủy còn rất gập ghềnh, gian khổ. Suốt chuyến đi, tôi băn khoăn vì không biết mình sẽ phải tìm kiếm đề tài như thế nào, khi chưa một lần đặt chân tới vùng đất xa xôi đó.
Thế nhưng, chỉ trong 3 ngày đi thực tế vào các bản làng của hai xã, tôi được trải nghiệm nhiều phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Trong các bản, mỗi khi vào mùa, những người phụ nữ sẽ lên đồi lấy bông lau về làm thành chăn ấm nệm êm phục vụ gia đình. Những cô gái chưa chồng, khi xuất giá, sẽ mang theo chăn đệm tự làm, vừa như một món hồi môn, vừa thể hiện được sự khéo tay, đảm đang của mình. Hay tục xuống suối bắt cá, rồi đem về ủ chua trong ống nứa để tạo thành một món ẩm thực đặc sắc cũng đem lại cho tôi nhiều cảm nhận thú vị. Từ những “thông tin” có vẻ rất đời thường ấy, tôi đã viết được một tuyến bài phát thanh, phản ánh những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Mìn, Sơn Thủy...
Có khá nhiều phóng viên trẻ quan niệm rằng, đề tài báo chí là điều gì đó rất to tát, có tính vĩ mô. Trong khi thực tế, đề tài luôn ở rất gần chúng ta, luôn hiện hữu trong đời sống xã hội, chỉ là chúng ta có chịu khó quan sát và tìm hiểu hay không mà thôi.
Nhiều đề tài báo chí, tưởng chừng như đã rất quen thuộc, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận theo cách nhìn hoàn toàn mới, để tạo ra tác phẩm mang “màu sắc” riêng. Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát trở thành điểm nóng trên báo chí cả nước, bởi tình trạng nghiện ma túy, nhiễm HIV của người dân diễn ra rất trầm trọng. Khi tôi tiếp cận đề tài, đã có nhiều báo trung ương và địa phương phản ánh vấn đề này. Thay vì đưa số liệu bao nhiêu người bị nhiễm HIV, bao nhiêu người nghiện ma túy, sự hoang mang của dân bản..., tôi tìm cách thể hiện mới, khi chọn nhân vật chính cho phóng sự của mình là 2 chị em Hà Thị Thoái, Hà Văn Thường, có bố và mẹ bị nhiễm HIV đều đã qua đời. Bi kịch của gia đình, bi kịch của bản làng, qua lăng kính của hai đứa trẻ, dù đầy xót xa nhưng cũng đượm màu hy vọng về ngày mai đổi thay.
SỰ HỖ TRỢ CỦA ĐỒNG NGHIỆP, KHÁN GIẢ TRONG LỰA CHỌN ĐỀ TÀI
Trong cuộc đời làm báo, có lẽ ai cũng từng trải qua những thời điểm “bí” đề tài, chứ không riêng gì các phóng viên trẻ. Vậy nên, sự hỗ trợ của đồng nghiệp hay thông tin từ khán giả, bạn đọc đôi khi sẽ rất cần thiết để phóng viên tìm kiếm đề tài cho mình. Khi tôi mới về Đài công tác được vài tháng, chưa có tác phẩm báo chí nào để lại dấu ấn, nhà báo Mai Hương đã gợi ý tôi nên làm phóng sự về một cô bé mới 12 tuổi ở huyện Thạch Thành bị xâm hại tình dục, dẫn đến có con. Tôi tiếp nhận đề tài ấy và triển khai. Quả thật, khi về đến Thạch Thành, mới thấy cô bé và gia đình em phải chịu bi kịch lớn đến nhường nào. Trong căn nhà lụp xụp, giữa mùa hè nóng bức, cô bé 12 tuổi ôm con trong lòng, liên tục khóc. Gia đình bức xúc, bởi tại địa phương, rất nhiều đồn đoán ác ý làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng, tâm sinh lý của “bà mẹ trẻ con”. Phóng sự “ Câu chuyện của sản phụ 12 tuổi...” sau đó đã nhận được khá nhiều sự quan tâm và tôi có giải thưởng báo chí đầu tiên, một giải thưởng nhỏ, nhưng là sự động viên rất lớn để tôi càng gắn bó với sự nghiệp báo chí.
Việc tiếp cận thông tin phản ánh của khán giả cũng là một trong những kênh giúp chúng tôi có đề tài làm chương trình. Từ những đơn thư bạn đọc, nhiều đồng nghiệp của tôi đã triển khai thành tác phẩm, và giành được những giải thưởng báo chí quan trọng.
Có lẽ, với người làm báo, nhất là người làm báo trẻ, tình trạng “bí” đề tài vẫn diễn ra lúc này lúc khác, chỉ là nhiều hay ít đối với từng cá nhân nhà báo. Nhưng, khách quan nhìn nhận, đề tài báo chí luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Vậy nên, việc “bí” đề tài hay không, đa phần nằm ở tư duy nhà báo. Nếu chúng ta đam mê và tâm huyết với nghề báo, chịu khó tìm hiểu, nắm bắt thông tin, cọ xát nhiều với cơ sở, tôi cho rằng, tình trạng này sẽ được giải quyết tốt.