In Art We Trust nằm trong chiến dịch truyền thông “He Can” được tài trợ bởi Investing In Women của Chính phủ Úc, thực hiện bởi: Wise Vietnam, Ơ Kìa Hà Nội, Heritage Space. Các đối tác đồng hành bao gồm: Viện Goethe, Cổ Động, Vietnam Local Artist Group, Art Republik, Hanoi Grapevine, Complex 01, Devtify.
Dự án In Art We Trust được thiết kế đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào sáng tạo nghệ thuật bình đẳng giới. Sau khi kết thúc cuộc thi vẽ tranh Cổ động về bình đẳng giới, chương trình mở triển lãm, trao giải và tọa đàm trực tuyến tại Viện Goethe (Hà Nội)
Dự án In Art We Trust đã cho thấy nhiều góc nhìn sáng tạo về chủ đề bình đẳng giới. Thông qua ngôn ngữ mỹ thuật của người trẻ Việt, đề tài này hiện lên với nhiều hình thái đa dạng, kết hợp với hình thức tranh cổ động độc đáo.
(Tranh của tác giả trẻ Phan Trường Vũ, sinh năm 2002)
Phát động từ tháng 11/2021, sau hơn 2 tháng triển khai, dự án In Art We Trust đã diễn ra thành công với một cuộc thi vẽ tranh cổ động, triển lãm các tác phẩm đoạt giải và tọa đàm chủ đề bình đẳng giới.
Với mục đích nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề xã hội, dự án không chỉ thu hút giới trẻ tham gia mà còn biểu dương góc nhìn bình đẳng giới thông qua nghệ thuật. Đồng thời đánh thức lại tranh Cổ động - một trong những hình thức nghệ thuật công cộng quen thuộc trong quá khứ, đóng vai trò truyền đạt thẩm mỹ bằng ngôn ngữ đồ họa-hội họa cô đọng, ít nhiều theo khuôn mẫu.
Nếu như trước đây, tranh Cổ động từng là một trong những phương tiện truyền đạt thông điệp nâng cao nhận thức xã hội và giáo dục cộng đồng hiệu quả, thì tới hiện tại, loại hình này đang dần được đổi mới nhờ sự phát triển của mỹ thuật kỹ thuật số. Qua đó, In Art We Trust cho thấy sự kết hợp đương thời giữa tư duy hiện đại và chất liệu nghệ thuật cũ.
Bước ra từ cuộc thi vẽ tranh Cổ động In Art We Trust, loạt tác phẩm của người trẻ Việt đã làm công chúng bất ngờ khi đem đến một bữa tiệc thị giác thú vị, giàu sức tưởng tượng và không rập khuôn như tranh Cổ động khi trước.
Đã có 80 thí sinh với hơn 100 bài dự thi gửi tham gia. Các thí sinh có lứa tuổi vô cùng phong phú (lớn tuổi nhất sinh năm 1954 và trẻ nhất sinh 2013). Trong đó thế hệ “gen Z” (sinh năm 2000 trở lại) chiếm đa số, chứng tỏ sự quan tâm của giới trẻ đến dự án. Số lượng thí sinh cũng đến từ nhiều vùng miền trên khắp Việt Nam, cho thấy sức lan tỏa mang tính bao trùm của cuộc thi và chủ đề xã hội mà nó đặt ra.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, một trong những Giám khảo của cuộc thi vẽ tranh, nhận xét về chất lượng tác phẩm tham dự: “Có những sáng tác của tác giả chỉ vừa 8 tuổi, 11 tuổi, lại có tác giả đã xấp xỉ 80. Ngắm tranh và đọc statement (diễn giải) của họ mới thấy bình đẳng qua lăng kính tuổi tác cũng là một cơ hội rất đáng nghĩ suy… Thế nhưng, riêng bình đẳng giới, nó lại là một thứ khá gần và khá là nằm trong tầm với của cá nhân mình. Chỉ cần một em bé từ khi nho nhỏ đã được biết về, được tiếp cận với, được tranh luận để, được khám phá hoặc được nêu lên chính kiến về cơ hội cho con người nhìn ở góc độ giới. Chỉ vậy thôi, đã là một sự gieo cực kỳ hứa hẹn”.
Giám khảo Đặng Thị Khuê - nữ họa sĩ tranh Cổ động nổi tiếng một thời cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho thí sinh trẻ. Theo bà, sáng tác tranh Cổ động vốn rất khó vì nó đòi hỏi cả kỹ thuật lẫn tư duy nghiêm túc. Bởi vậy, sự sáng tạo của giới trẻ bây giờ đã làm tranh Cổ động “thay áo mới” - khoác lên mình màu sắc trẻ trung, hợp thời đại mà vẫn không xa rời phong cách vẽ truyền thống.
Đáng chú ý hơn cả là số lượng áp đảo của thí sinh nữ tham dự và đoạt giải thưởng lớn. Loạt tác phẩm của họ không chỉ mang suy nghĩ mạnh mẽ, tức thời mà còn thể hiện quan điểm nữ quyền về bình đẳng giới. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Nam Giới Không Cứ Phải Nam Tính” đoạt giải Nhất của tác giả Phạm Thiên Dương, cô học trò sinh năm 2004 đã sử dụng nhân vật nam để nói về định kiến giới. Góc nhìn xã hội của thí sinh này cũng rất trưởng thành dù mới đang là học sinh trung học.
Trong phần mô tả tác phẩm của mình, thí sinh Phạm Thiên Dương viết: “Có một chiếc hộp mang tên Định Kiến vô hình trung đã bọc lấy mỗi một người đàn ông. Dường như, nam giới phải lớn lên trong chiếc hộp đó và không có lựa chọn nào khác cho bản thân.”
Còn đối với tác phẩm “Gái Trai Như Một - Trụ Cột Tương Lai” đoạt giải Bình chọn của Nguyễn Khánh Vy - sinh năm 2003, tác giả đã thể hiện quan điểm bình đẳng giới thông qua hình ảnh thai nhi. Qua đấy, em khai thác tình trạng “trọng nam khinh nữ” cổ hủ, đồng thời nhắc nhở dư luận về tình trạng mất cân bằng giới tính.
Thí sinh Nguyễn Khánh Vy chia sẻ về ý tưởng tác phẩm: “Em muốn nói về việc không lựa chọn giới tính thai nhi, vì thực tế đã và đang tồn tại tình trạng phá thai vì trọng nam khinh nữ. Dù là trai hay gái thì trẻ nhỏ đều xứng đáng được trân trọng như nhau. Em vẽ thêm hình ảnh đôi cánh vì quan niệm mọi trẻ em đều là ‘thiên thần', được che chở bởi bàn tay của cả cha lẫn mẹ.”
Nhìn chung, các tác phẩm tranh vẽ trong dự án In Art We Trust đã thổi một làn gió mới vào loại hình tranh Cổ động. Bằng tình yêu nghệ thuật kết hợp với suy nghĩ tức thời, hiện đại; giới trẻ Việt không chỉ miêu tả bình đẳng giới qua lăng kính đa chiều, mà còn dùng màu sắc, hình ảnh sáng tạo để chạm tới cảm xúc công chúng.
Danh sách tác phẩm được giải từ dự án In Art We Trust - vẽ tranh Cổ động về bình đẳng giới:
Giải Nhất: Nam Giới Không Cứ Phải Nam Tính: Phạm Thiên Dương (Hà Nội)
Giải Nhì: Giới tính hay Giới hạn?: Triệu Thu Hằng (Hà Nội) Bình đẳng về cơ hội: Hợp tác xã Vụn Art (Hà Nội) EQUAL: Ngô Nguyễn Nam Phúc (Bạc Liêu)
Giải Bình chọn: Gái Trai Như Một - Trụ Cột Tương Lai: Nguyễn Khánh Vy