Giấy khen giả

Thứ hai - 10/05/2021 11:42
Dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra rất phức tạp, đã làm đình trệ gián đoạn công tác giảng dạy. Một năm học nữa chuẩn bị kết thúc, nhiều trường từ bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, Phổ thông trung học chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp. Và điều quan tâm hằng đầu của nhiều cô cậu học sinh: Làm thế nào để đạt học sinh giỏi? Làm sao để có được giấy khen?

Để có được giấy khen là cả một quá trình cố gắng, nỗ lực bản thân của nhiều học sinh. Một lớp học ngày xưa vài chục học sinh, nhưng chỉ có vài ba em được học sinh giỏi và giấy khen. Giấy khen học tập là một thứ thiêng liêng, quý giá mà trong mỗi gia đình Việt Nam đều được treo ở những nơi cao, trang trọng trong nhà.

Nhưng, dường như, trong xã hội ngày nay, giấy khen là một thứ được mặc định phải có của mỗi học sinh. Giấy khen trở thành thước đo so sánh và đánh giá con người. Điều đó tạo nên những áp lực vô hình cho nhiều cô cậu học trò. Vì không đạt được tấm giấy khen, nhiều cô cậu học sinh đã không dám về nhà, nhiều bố mẹ chì chiết con cái vì thua con nhà này, nhà nọ. Nhiều bố mẹ cho rằng: chỉ khi có giấy khen học sinh giỏi, thì con mới là học sinh giỏi, chỉ có giấy khen mới làm mở mày mở mặt bố mẹ, Liệu điều đó có đúng không…? Nhiều lớp học ở Việt Nam có kiểu khoe khoang thành tích: đến ngày tổng kết năm học, những em học sinh giỏi sẽ cầm giấy khen để chụp ảnh. Ta còn nhớ một bức ảnh năm ngoái: một em nam ngồi bàn đầu lọt thỏm vì không có giấy khen, giữa cả lớp đạt giấy khen. Bức ảnh đã gây ra những tranh cãi, thậm chí là phẫn nộ đối với người giáo viên đã chụp bức ảnh đó. Nhưng cũng thể hiện đúng tâm lý thành tích trong một xã hội thu nhỏ.

Một hiện tượng ngày một phổ biến trong một lớp học, cứ báo cáo thi đua: lớp có tới 90 - 95% học sinh giỏi, chỉ một vài em tiên tiến và không có học sinh trung bình. Liệu đó có là kết quả thật? Dù là trường Chuyên lớp chọn đi chăng nữa nhưng một lớp học có nhiều người giỏi đến vậy sao? Liệu những giấy khen đó đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh? Nhiều cha mẹ biết được thực chất học lực của con cái mình, nhưng bằng một cách nào đó con cái họ vẫn có những tấm giấy khen loại giỏi. Bố mẹ thường muốn sĩ diện con cái mình với con cái người khác, sự hơn thua thiệt kém đã ăn sâu vào tư tưởng và lan truyền từ bố mẹ sang con cái. Giấy khen cũng trở thành một thứ gây ảo tưởng, đánh lừa năng lực học tập thật sự của học sinh. Dần dần, càng có nhiều giấy khen, thì giấy khen sẽ mất đi nhiều giá trị vốn có.

Từ lâu, bệnh thành tích đã trở thành một vẫn nạn xuất hiện trong nhiều gia đình và nhà trường. Nhiều trường Chuyên, trường trọng điểm chỉ chú trọng đào tạo những môn học mũi nhọn để đi thi cấp tỉnh, thi quốc gia… cố gắng đem về thành tích cao. Dẫn đến hậu quả: nhiều học sinh học lệch, chỉ giỏi một vài môn, buồn hơn những kỹ năng mềm cần thiết của một con người lại thiếu trầm trọng. Một câu hỏi đáng suy ngẫm: đến trường để đào tạo phát triển bản thân của mỗi học sinh hay cố gắng tạo ra bằng khen, giấy khen?

Từ nhỏ đã trọng giấy khen, thì lớn sẽ trọng bằng cấp… đó là hệ quả của vấn nạn thành tích đã ăn sâu vào xã hội. Một đất nước có quá nhiều cử nhân, quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Liệu tất cả bằng cấp, những chức danh mà họ đạt được có đúng năng lực của họ. Nhiều ngôi trường có việc hối lộ, mua bằng cấp, bằng giả được bán ở nhiều nơi với giá cả khác nhau. Hồ Chủ tịch từng nói về giáo dục rất sâu sắc, mỗi cấp bậc Người chỉ dùng một câu: “Dạy mẫu giáo thì phải giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các cháu. Tiểu học phải dạy đức tính để làm người. Trung học phải dạy kiến thức cơ bản, học xong có thể làm thợ được ngay, rồi sẽ tiếp tục học lên. Đại học là đào tạo chuyên gia cho nên phải dạy theo phương pháp nghiên cứu”. Nhưng hiện nay, một xã hội đua nhau vào Đại học, cho nên nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, thậm chí thạc sĩ hay tiến sĩ vẫn phải đi làm những công việc trái với ngành nghề từng theo học.

Khi bệnh thành tích đã ăn sâu vào tư tưởng của một xã hội, thì con người vẫn là nạn nhân của những tác động tiêu cực. Những người được ngồi trên ghế nhà trường cần được chú trọng đào tạo phát triển toàn diện, chứ không phải đào tạo để in giấy khen và bằng cấp.
 

Hà Nội, đầu hạ 2021
Nguyễn Đức Cầm
      

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây