Người lớn ở đâu khi trẻ em bị xâm hại tình dục?

Thứ hai - 01/11/2021 17:05
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) có tới 150 triệu bé gái và 73 triệu bé trai bị xâm hại tình dục. Đã có 65 nghiên cứu tại 22 quốc gia năm 2018 cho thấy, tỷ lệ xâm hại tình dục cao nhất xảy ra ở châu Phi (34,4%) và châu Á (23,9%), trong khi ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 10,1% và 9,2%. Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ xâm hại tình dục ở cả bé gái (43,7%) và bé trai (60,9%) cao nhất thế giới...

Từ lâu, xâm hại tình dục trẻ em đã trở thành vấn nạn nhức nhối mà cả xã hội quan tâm. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, mỗi năm có hơn 1200 trẻ em bị xâm hại tình dục, trung bình cứ mỗi 8 giờ trôi qua, lại có một trẻ em Việt Nam bị cưỡng bức, động chạm. Cứ bốn bé gái thì có một bé bị xâm hại, cứ sáu bé trai thì có một bé bị xâm hại. Trước đây, đa số trẻ em bị xâm hại nằm trong độ tuổi 12 - 18 tuổi, thì nay đã xuất hiện nhiều vụ việc nạn nhân dần trẻ hóa: chỉ từ 4 - 13 tuổi. Và điều khiến tất cả chúng ta phải bàng hoàng: 93% thủ phạm xâm hại thường là những thân quen… trong đó 47% là những kẻ có họ hàng với các cháu.
 
111
ảnh nguồn: báo Dân Việt
Ngày 21/8/2021, Công an CSĐT tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án, ra lệnh bắt tạm giam Phạm Văn Đỏ (SN 1973, ngụ ấp 2, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), để điều tra và làm rõ về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Giết người”. Trước đó, vào tháng 4/2021, liên tiếp nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị vạch trần: vụ bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị giết hại rồi xâm hại tình dục, vụ một bé gái mới chỉ 2 tuổi ở Bình Thuận bị hiếp dâm. Vụ việc cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ ở Tiền Giang suốt từ tháng 8/2019 đến cuối tháng 3/2021… tất cả, khiến chúng ta phải rùng mình!

Trong khi, pháp luật ngày một nghiêm minh, tăng nặng hình phạt đối với những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều quỹ nhi đồng, tổ chức bảo vệ trẻ em được lập ra… Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê duyệt: Công ước về quyền trẻ em, với những chế tài thể hiện sự khá cứng rắn và quyết liệt nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng này. Tuy vậy, tính chất và mức độ của những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng  trở nên nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

Nhiều bé gái mới chỉ 13, 14 tuổi đã mang thai lần đầu. Nhiều trẻ em nam sau khi bị động chạm vào bộ phận nhạy cảm hoặc bị ép quan hệ tình dục đã mắc chứng bệnh về tâm lý, nhiều em có ý định tự tử. Biết bao trẻ em vẫn còn lang thang, vất vưởng ở: bến xe, khu chợ, công viên… rồi ‘‘lao đầu” vào những tệ nạn xã hội, nhiều em mới trong độ tuổi vị thành niên đã là “cò ấu dâm trẻ em”… Nhiều trẻ em bị mắc những chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản… những vết thương về thân xác có thể được chữa lành, nhưng liệu: những tổn thương trong tâm hồn các em có còn được nguyên vẹn? Vậy những lúc đó, những bậc làm cha mẹ ở đâu? Nhưng các bậc phụ huynh có biết rằng: đứa con của họ quan hệ tình dục, bị xâm hại tình dục năm bao nhiêu tuổi?

Trong nhiều gia đình Việt Nam, vẫn xuất hiện những tư tưởng cũ: họ né tránh việc chia sẻ giới tính, chia sẻ dục vọng với con cái - họ coi đó là những chuyện dâm tục. Nhiều cha mẹ bận bịu đến nỗi xa rời con cái và chính họ cũng thiếu kiến thức về giáo dục giới tính. Đặc biệt, tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng… Bố mẹ ở đâu khi con cái họ vẫn cầm chiếc điện thoại và xem những cuốn phim, bức hình gợi cảm, gợi dục? Trong khi trẻ em ngày càng phát triển về: chiều cao, cân nặng, và tâm sinh lý… nhiều đứa trẻ khi bị xâm hại tình dục nhưng lại không ý được hành vi đó, thậm chí vì một chút “tò mò”, một chút “sướng” đã tự nguyện yêu cầu được giao cấu, quan hệ. Nhiều trẻ em khi bị xâm hại không dám chia sẻ với ai, hoặc chính nhiều bậc phụ huynh vì thể diện mà không dám tố cáo đối tượng tới những cơ quan chức năng.

Trong nhà trường, chỉ chú trọng dạy những kiến thức để đi thi, mà ít trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để phòng tránh xâm hại tình dục. Công tác truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn thiếu thiết thực, chưa hiệu quả. Và khoảng trống trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế, là những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Dân Việt), người từng điều tra và vạch trần nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chia sẻ những giải pháp nhằm giảm thiểu vấn nạn này: “Cách đây chục năm, tôi được một luật sư mời với tư cách là nhà báo điều tra đi giải cứu các cháu bị lạm dụng tình dục, ngăn chặn những đường dây ấu dâm trẻ em. Tôi đã trực tiếp cầm chiếc USB có những bằng chứng mà được ghi âm lại, và chụp ảnh để đưa cho đồng chí trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội. Tôi cũng đã viết thư gửi đại biểu Quốc hội với mong muốn thay đổi những quy định liên quan tới vấn đề này. Nhưng đặc biệt, tôi xin nhấn mạnh: chỉ có gia đình mới bảo vệ được các cháu đích thực. Có những cháu nói rằng: mẹ cháu đang đầu độc cháu, một người mẹ để con cái mình bán dâm hằng đêm, bố thì nghiện ma túy và sống sự vô trách nhiệm của người lớn. Chưa kể những trại giáo dưỡng, những trung tâm bảo trợ trẻ em còn nhiều hạn chế, thiếu thốn: nhiều em vào đó sống, rồi lại được thả ra đường… nhiều nơi: ôm bát bỏ đĩa. Vậy những đứa trẻ đó sẽ ra sao? ”

Ở Indonesia:Tăng khung hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em, cho phép tử hình hoặc thiến hóa học kẻ phạm tội. Thiến hóa học tức là tội phạm sẽ bị hoạn bằng hóa chất để “tiêu diệt dục tính”. Bên cạnh đó, tội phạm chịu mức án tối thiểu 10 năm tù giam. Sau khi ra tù, họ phải đeo thiết bị điện tử giúp cảnh sát theo dõi nhất cử nhất động suốt 24/24”.
Tại Mỹ: “Tội xâm hại tình dục trẻ em có thể chịu các hình phạt như: phạt tiền, phạt tù, bị ghi tên là tội phạm tình dục suốt đời hoặc hạn chế ân xá và tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc mà áp dụng hình phạt. Nhiều bang tại Mỹ: Illinois, Ohio, California và Arkansas của Mỹ, kẻ tái phạm có thể chọn một trong các hình phạt gồm thiến hoặc phẫu thuật hay tiêm hóa chất trước khi được ra tù.”.
Một số quốc gia: Hàn Quốc, Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga từ rất lâu và đã áp dụng hình phạt “thiến hóa học” với tội phạm ấu dâm.

Hình phạt “thiến hóa học” đã từng được đề xuất áp dụng tại Việt Nam, nhưng vấn đề này vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều về mặt đạo đức, sự khoan hồng trong pháp luật… Nhưng hơn hết, cách bảo vệ con cái từ trong gia đình, trong môi trường giáo dục vẫn là yếu tố cốt lõi, thiết thực nhất. Ai cũng muốn sống trong một xã hội văn minh, cao đẹp… và một xã hội như vậy thì cần phải loại bỏ vấn nạn xâm hại tình dục.


 
Nguyễn Đức Cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây