Tự hào nghề báo
Thứ năm - 21/05/2020 08:12
Có những người thợ, từng ngày từng giờ vẫn miệt mài lao động trên cánh đồng chữ. Không như những người thầy truyền chữ cho bao thế hệ học trò mà những người thợ này lại chuyển tải thông tin đến với cộng đồng thông qua nhịp đập rộn ràng của con chữ. Họ là những người thợ làm nghề báo - cái nghề sống bằng nghiệp viết và “chơi” với con chữ để làm nên các tác phẩm báo chí phản ánh muôn mặt cuộc sống. Nhắc đến nghề báo, người trong cuộc vừa tự hào, vừa thấm thía bao nỗi buồn lo. Bởi lẽ, nghề báo hoàn toàn xứng đáng để vinh danh nhưng theo nghiệp báo cũng lắm truân chuyên và không khác gì “làm dâu trăm họ”.
Không tự hào sao được khi bằng nghiệp vụ của mình, người làm báo có thể vẻ lên những bức tranh muôn màu, sống động, chân thực về mọi mặt đời sống. Đó có thể là những câu chuyện cảm động về tình người, hay chỉ là những lát cắt giản đơn về cuộc sống ở những vùng, miền khác nhau của đất nước và trên thế giới. Đó cũng có thể là sự vạch trần những thói hư, tật xấu trong xã hội, là những bài viết thẳng thắn chỉ ra những mặt tiêu cực còn tồn tại nhằm định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tốt hơn. Tự hào thay cho những người làm báo khi chính họ, bằng ngòi bút của mình, góp tay cùng chính quyền tuyên truyền, phản ánh sâu rộng các chính sách phát triển, biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến để xã hội noi theo, dũng cảm đối mặt với những hành vi nguy hiểm chống lại xã hội, vạch mặt kẻ xấu và chỉ ra những hành vi tham nhũng, lãng phí… Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người vẫn ví hệ thống báo chí như một cơ quan “quyền lực thứ tư”. Bởi báo chí tác động trực tiếp đến dư luận xã hội, là kênh truyền thông nhanh nhạy và đến với người dân một cách dễ dàng, hiệu quả nhất. Nhiều tác phẩm báo chí đã góp phần làm thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận của những người lãnh đạo, để rồi có những điều chỉnh cần thiết trong các quyết sách đưa ra, tạo dư luận đồng tình trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Tự hào là vậy nhưng người làm báo cũng ngày đêm trăn trở với muôn vàn nỗi lo. Không phải ai viết được cũng làm báo được và không phải ai cũng có những tác phẩm gây tác động tốt trong dư luận xã hội. Người làm báo vì thế vẫn hằng ngày lo toan, lăn lộn với cuộc sống, cốt sao phát hiện được đề tài hay, hấp dẫn, mới lạ, chân thực để bạn đọc, người nghe, người xem hưởng thụ thành quả của họ với trạng thái tâm phục khẩu phục. Đi và viết. Viết để rồi tiếp tục tìm tòi và sáng tạo. Nghề báo không cho người làm báo nghỉ ngơi. Chỉ cần dừng bút là đôi tay và khối óc như chùng xuống. Năng lượng và nhiệt huyết với nghề do vậy mà phải vun đắp liên tục. Cái bản lĩnh khi dấn thân vào nghề cũng lớn dần lên qua những chuyến đi, qua những thành công trên các tác phẩm sáng tạo từ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Bản lĩnh đó là sức mạnh ý chí để người làm báo vượt qua những cám dỗ vật chất hay những nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp. Để rồi, khi những đứa con tinh thần ra đời, họ có thể tự hào về chính mình và hạnh phúc vì đã góp phần không nhỏ để xây dựng một xã hội tốt đẹp, giúp dư luận có cái nhìn cận cảnh, sâu sắc về mọi lĩnh vực đời sống.
Nghề báo không cho phép những người theo nghiệp này được dẫm chân tại chỗ trên chặng đường tác nghiệp. Bởi người làm báo phải chạy theo dòng chảy không ngừng của cuộc sống để kịp thời phản ánh những sự kiện, vấn đề phát sinh. Cũng bởi vì vậy mà sống với nghiệp báo thì phải học hỏi, rèn luyện, tự bồi dưỡng kiến thức thường xuyên, liên tục để không lặp lại chính mình. Yêu cầu đặt ra cho tác phẩm báo chí là cái mới, lạ, chính xác, chân thực. Vì lẽ đó, người làm báo phải học hỏi không ngừng, phải đi và tiếp cận với thực tế cuộc sống để sáng tác những bài báo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, người nghe, người xem. Lắm lúc có người cho nhà báo là những kẻ lắm chuyện nhưng nhận xét như vậy cũng chẳng sai. Bởi nhà báo phải đi, nghe, nhìn, cảm nhận, soi vào tận ngóc ngách của vấn đề thì mới phát hiện được đề tài hay, mới vẽ lên những bức tranh chân thực về cuộc sống. Cái sự tò mò của người làm báo có thể khiến ai đó khó chịu nhưng nếu không như vậy thì làm sao chỉ rõ những mặt trái của xã hội, làm sao phân tích được ngọn nguồn vấn đề để bạn đọc, người nghe, người xem hài lòng.
Trong làng báo Việt Nam, không ít những nhà báo đáng được tôn vinh, khen thưởng nhưng cũng chẳng thiếu những “con sâu” làm rầu làng báo. Cho dù là vậy, nhưng những ai theo nghiệp báo cũng tự hào, tự tin sống với nghề. Bởi nghề báo cho họ những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, bồi đắp bản lĩnh, ý chí và sức mạnh để giúp họ tự tin dấn thân vào nghề và chuyên tâm sáng tạo không ngừng những tác phẩm tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội.
PV