Làm báo và những điều chưa được học ở trường

Thứ tư - 18/09/2019 07:30

Có những con đường bạn chọn để đi, bắt đầu rất bằng phẳng, lại có hoa thơm và trái ngọt, bạn nghĩ mình giỏi, mình may mắn. Bạn tự tin bước tiếp, nhưng rồi gặp chướng ngại vật và ….vấp ngã, bạn mới biết, mình còn “non”. Tôi, một cô sinh viên chuyên ngành Truyền hình, ra trường với tấm bằng khá, tạm hài lòng với quá trình học hành chăm chỉ trên giảng đường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tự tin bước vào nghề. Và rồi, mỗi bước đường tác nghiệp tôi mới thấy cuộc đời sẽ dạy cho ta nhiều kinh nghiệm làm báo hay hơn những gì mà bạn chăm chăm “trả bài” cho mỗi kì thi .

Sự tự tin của tuổi nghề non trẻ

Tự làm được phim tài liệu 25 phút để tốt nghiệp, ra trường với tấm bằng khá, tôi tự tin tham gia kỳ thi tuyển phóng viên của Đài PT&TH tỉnh nhà. Lại càng tự tin hơn nữa khi biết rằng trong số tất cả các bạn tham gia tuyển đợt đó, chỉ riêng mình tôi học đúng chuyên ngành báo chí truyền hình. Rồi tôi trúng tuyển, được nhận làm cộng tác viên. Ngay tháng đầu tiên đi làm ở Đài, tôi đã có phóng sự ngắn được Ban Giám đốc thưởng. Rồi được tham gia ekip và dẫn chương trình Tọa đàm, điều mà thường những “phóng viên cứng”sẽ  làm. Vài tháng sau lại được giải nhì một cuộc thi do Hội nhà báo tỉnh tổ chức… Khi đó, nghĩ mình thế chắc cũng…ổn. Tôi tự tin vào nghề.
111

Vấp ngã để học…khôn

Vâng, hoa thơm trái ngọt đâu dễ kiếm. Tôi bắt đầu vấp. Phóng xe mấy chục km trong trời mưa gió tầm tã đi tác nghiệp, dồn bao tâm huyết viết, dựng và khi phát sóng xong thì … phạt.  Phạt vì nội dung chung chung, phạt vì hình ảnh phản cảm…. Đứa con tinh thần của mình được mang ra trước hội nghị giao ban toàn cơ quan để cùng xem xét. Cảm giác ê chề! Và khi ấy tôi biết mình non, biết mình kém. Tôi biết mình lý thuyết nhiều quá mà thiếu thực tiễn. Đó là sự ngộ nhận và ảo tưởng về khả năng, năng lực bản thân, về bằng cấp, kiến thức. Không phải cứ học tốt  những điều thầy cô dạy trên giảng đường là sẽ làm báo tốt

Thiếu kiến thức nền
 

Làm gì cũng cần phông kiến thức rộng nhưng làm báo thì đặc biệt cần điều đó. Bởi bạn sẽ phải thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống, tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khác nhau, hay cũng nhiều mà dở cũng lắm. Nếu không có kiến thức phông nền rộng thì mỗi lần tác nghiệp đều vô cùng khó khăn. Những cuộc nói chuyện rất ngu ngơ với cơ sở, không khai thác được thông tin và bị từ chối cho những lần hẹn gặp thường là do bạn thiếu kiến thức và bản lĩnh chưa đủ. Điều này thầy cô đã dạy nhưng chỉ có điều thực tế cuộc sống bao la, tùy từng trường hợp mà bạn tự ứng biến và rút ra kinh nghiệm cho lần sau. Người làm báo phải là người cực kì ham học hỏi, viết về bất kì lĩnh vực nào phải có kiến thức về lĩnh vực đó. Bạn không thể giỏi như người học chuyên ngành thì cũng phải có kiến thức về lĩnh vực đó. Những điều ấy phải rèn luyện . Thiếu thì phải học, phải đọc, phải hỏi. Tôi hỏi những phóng viên đi trước, nói chuyện với những người nắm chuyên môn những ở lĩnh vực đó, đọc sách, tạp chí chuyên ngành, lao vào mạng để tìm kiếm… tất cả mọi cách , miễn làm sao học được nhiều nhất có thể.

Nhãn quan chính trị… điều sinh viên rất thiếu.

Đến tận bây giờ, nhiều lúc, tôi cũng chưa thực sự thấy tự tin với nhãn quan chính trị của mình dù đã có gần chục năm làm báo. Phải sắc bén để nhìn nhận được đúng - sai của vấn đề. Nên viết ở khía cạnh nào đậm, khía cạnh nào nhạt. Thời điểm nào thì đưa vấn đề cho hợp lý. Bạn phải luôn tâm niệm dù làm báo trong bất cứ thời kỳ nào đều phải làm cho xã hội tốt đẹp hơn, làm vì lợi ích của cộng đồng, của cái chung.

Nghề báo luôn mới

Ngồi trên ghế nhà trường, tôi được học về xu hướng của báo chí thế giới. Nhưng đó là xu hướng được nhìn nhận ở những năm trước đó, còn bây giờ công nghệ làm báo đã thay đổi rất nhiều. Sinh viên được học lý thuyết báo chí truyền thống rất nhiều, nhưng hiện tượng lý thuyết mới và những phát triển tiếp theo của lý thuyết báo chí hiện đại thế giới thì chưa được cập nhật nhiều.  Truyền thông đa phương tiện, xu hướng tòa soạn hội tụ,  sự trở lại mạnh mẽ hơn của loại hình báo chí phát thanh, xu hướng sản xuất mới  ở loại hình báo điện tử với long form… Rất nhiều điều chúng ta phải học hỏi từ thực tiễn phát triển quá mạnh mẽ của báo chí hiện nay.

Cốt lõi là những kiến thức chuyên môn được các giảng viên truyền đạt nhưng kỹ năng, vốn sống và vốn nghề thì ở  trường đời sẽ làm bạn tiến bộ hơn rất nhiều. Vậy nên học tốt ở trường báo là điều kiện cần nhưng “đủ” để làm nghề tốt thì phải có cả một quá trình nỗ lực không chùn bước.
 
Ngọc Oanh
 Đài PT&TH Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây