Phóng viên Quỳnh Hoa – báo Nhân Dân: Lăn lộn thực tế là cuộc chinh phục chính mình
Thứ ba - 26/03/2019 10:26
“Xây dựng Đảng khó, khô và khổ nhưng chúng tôi luôn có cách để tạo ra những điều khác biệt, để mọi người có thể thấy rằng, viết về Xây dựng Đảng cũng có những nét buồn vui, trầm lắng, sôi nổi và sức hấp dẫn riêng của nó”- nữ phóng viên Nguyễn Thị Quỳnh Hoa chia sẻ về công việc của mình.
Sự thông minh, cá tính của nữ phóng viên 9X Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã tạo nên một cuộc trò chuyện thú vị giữa những người trẻ.
Tôi sẽ phải đi nhiều hơn, đọc nhiều hơn và viết nhiều hơn
+ Là một phóng viên trẻ, nhưng lại tham gia công tác tại Phòng Xây dựng Đảng, một lĩnh vực có thể nói là khó, chắc hẳn sẽ khiến chị gặp không ít trở ngại trong tác nghiệp?
- Đúng vậy, càng làm ở lĩnh vực này thì tôi lại càng phải khẳng định rằng, viết về Xây dựng Đảng là khó, khô và khổ. Bạn không biết đâu, khi mới bắt đầu thử sức trong lĩnh vực này, tôi đã rất áp lực. Tôi bắt đầu thực hiện công việc với một nền tảng kiến thức quá mỏng về hoạt động của các cơ quan Đảng, của bộ máy Nhà Nước, chưa từng đọc và hiểu Nghị quyết. Lúc đó tôi chỉ có chút ít lý thuyết làm báo mà 4 năm đại học thầy cô trong trường đã dạy. Còn lại tất cả mọi thứ với tôi đều là con số 0 tròn trĩnh. Rồi lại chuyện tác nghiệp cũng nhiều nỗi niềm lắm, khi tôi xuống cơ sở, họ cũng có vẻ e dè vì nhìn thấy phóng viên còn quá trẻ. Thế nên, nhiều khi họ ngại chia sẻ thông tin và bộc bạch vấn đề mà mình đang tìm hiểu. Để có được niềm tin từ cơ sở là cả một quá trình rất khó khăn. Thêm nữa là làm truyền hình về Xây dựng Đảng, về mặt hình ảnh cũng dễ trùng lặp, nhàm chán và thực sự thiếu hấp dẫn.
+ Tiếp cận lĩnh vực đã khó, để cuốn hút say mê lĩnh vực này và có những tác phẩm tạo dấu ấn, Quỳnh Hoa đã “bắt nhịp” như thế nào?
- Dĩ nhiên phải là những nỗ lực lăn lộn với thực tế - Tôi đã xem đó như một cuộc chinh phục chính mình vậy! Có lẽ trong thời gian tới, tôi sẽ phải đi nhiều hơn, đọc nhiều hơn và viết nhiều hơn để khám phá những vùng đất mới, con người mới và khám phá chính bản thân mình để rồi ngày không xa tôi có thể tự tin nói rằng: “Đúng! Xây dựng Đảng khó, khô và khổ nhưng chúng tôi có cách để tạo ra những điều khác biệt, để mọi người có thể thấy rằng, viết về Xây dựng Đảng cũng có những nét buồn vui, trầm lắng, sôi nổi và sức hấp dẫn riêng của nó”.
+ Phải chăng “điều khác biệt” mà chị nói đã đem về cho chị và đồng nghiệp Giải thưởng báo chí Búa liềm vàng năm 2017 - niềm tự hào với bất kỳ nhà báo trẻ nào?
- Tác phẩm đoạt giải thưởng ấy là sản phẩm báo chí mà tôi có nhiều cảm xúc nhất. “Dựa vào dân để xây dựng đội ngũ vững mạnh” đã đoạt giải A - Giải Báo chí Toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ 2 - năm 2017 không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực rất lớn để những người làm báo trẻ như tôi được tiếp thêm niềm tin yêu với nghề. Làm về xây dựng Đảng, về những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tôi không hề thấy khô cứng như hình dung ban đầu. Khi được gặp lãnh đạo, tôi cảm nhận được cái tâm của họ từ lối làm việc, cách nói, cách tiếp xúc với người dân, không hề có khoảng cách địa vị hay thái độ bất hợp tác. Còn khi phỏng vấn những người dân, họ nói về lãnh đạo cũng rất gần gũi và chia sẻ, điều đó khẳng định rằng Chủ trương, Nghị quyết của Đảng thật sự đã đi vào cuộc sống. Chúng tôi thấy phấn khởi và tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn.
Để mỗi bài “Xây dựng Đảng” không còn khô cứng, sáo rỗng và tẻ nhạt
+ Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực Xây dựng Đảng chính là việc tạo nên chiếc cầu nối giữa lãnh đạo và người dân. Chị đã làm như thế nào để chiếc cầu nối trở nên gần gũi nhất qua từng tác phẩm của mình?
- Để tìm ra một vấn đề đang thực hiện đến mức độ nào, đang có hiện trạng ra sao và kết quả như thế nào, chúng tôi không bao giờ tìm hiểu từ cấp lãnh đạo đi xuống mà thường xuất phát bằng cách tìm hiểu từ cơ sở đi lên. Chúng tôi chủ động gặp những người trực tiếp chịu tác động của các chủ trương như người dân, cán bộ công chức, trao đổi và tìm hiểu sự việc của họ, sau đó mới đi phỏng vấn và đề cập với lãnh đạo cấp quản lý để có những phản biện và câu trả lời. Tôi cố gắng chuyển tải mong muốn của người dân đến lãnh đạo cũng như kết nối được sự chỉ đạo của chính quyền tới người dân để họ có thể hiểu nhau và gần gũi với nhau hơn.
+ Để sản xuất được một chương trình truyền hình vốn rất nhiều khâu, với chị, khâu nào là khó nhất?
- Với tôi, khâu khó nhất là tư duy hình ảnh và kỹ thuật dựng hậu kỳ. Bởi vì việc này không phải một mình mình có thể làm được mà còn phải phối hợp với bộ phận quay phim, kỹ thuật. Lúc đó không chỉ là chuyên môn mà còn phải dùng kỹ năng làm việc nhóm để đạt được hiệu quả cao nhất cũng như có được sản phẩm hoàn thiện tối ưu cả về nội dung lẫn hình ảnh. Làm báo hình, cách làm việc theo nhóm những ngày đầu là không hề dễ dàng với một người mới ra trường không có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Ban đầu, do chưa hiểu được tính cách, chưa hiểu từng điểm mạnh, điểm yếu của đồng nghiệp trong ê-kíp của mình, cho nên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng sau thời gian làm việc và hiểu nhau hơn, cả ê-kíp phối hợp rất ăn ý và cho đến bây giờ đã tốt hơn rất nhiều.
+ Vậy với kinh nghiệm dạn dày trong mảng xây dựng Đảng, theo chị, đâu là yếu tố cần thiết với những phóng viên chuyên về mảng đề tài này?
- Xây dựng Đảng là mảng có nhiều màu sắc, nhất là khi lựa chọn đề tài và đi tác nghiệp ở cơ sở, gặp gỡ từ lãnh đạo cho tới những người dân, tôi thậm chí còn thấy khá thú vị. Tất nhiên khi làm chương trình truyền hình về những vấn đề xây dựng Đảng không hề dễ chút nào, từ khâu xây dựng kịch bản truyền hình, phải làm hết sức mình với mong muốn làm sao để những vấn đề tưởng như khô khan ấy trở nên gần gũi, liên quan đến lợi ích của người dân, trở nên dễ hiểu, sản phẩm làm ra làm sao dễ xem, dễ tiếp nhận. Ít tuổi, kinh nghiệm và trải nghiệm chưa nhiều cũng là những khó khăn với tôi. Vì vậy tôi vẫn luôn luôn trau dồi và trang bị kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức xã hội, từ đó để dần dần có thể làm chủ được vấn đề mình tác nghiệp cũng như nâng cao kỹ năng thể hiện để sản phẩm báo chí của bản thân sẽ ngày một tốt hơn. Dẫu vậy, tôi luôn nghĩ về trách nhiệm của người cầm bút, phải làm sao để mỗi bài “Xây dựng Đảng” không còn khô cứng, sáo rỗng và tẻ nhạt mà thay vào đó là những chất liệu cuộc sống, hơi thở cuộc sống trong từng tác phẩm. Và tôi luôn tâm niệm rằng: “Trách nhiệm của tuổi trẻ, của người làm báo là cống hiến sức lực và trí tuệ, là tạo ra sự thay đổi có ích cho xã hội”.