Muốn viết hay, trường báo là chưa đủ

Thứ năm - 14/03/2019 16:36
* PV Phạm Hà, Phòng Thời sự, Đài PT-TH Hưng Yên

Muốn viết được một tin đáp ứng đủ 5W + 1H, có lẽ chỉ cần trải qua một lớp tập huấn ngắn ngày. Thế nhưng để viết được một bài báo hay, có sức ảnh hưởng, được công chúng đón nhận có khi mất vài năm, thậm chí là vài chục năm lăn lộn với nghề.
 
111


Đi, tìm hiểu và viết

Những năm tháng đại học của tôi, có thể nói là đúng chuẩn sinh viên ngoan, quanh quẩn với giảng đường, thư viện, giáo trình, tiểu luận,… với mong muốn kiếm được một tấm bằng đẹp khi ra trường. Những năm cuối, khi phải tham gia kiến tập, thực tập và trải qua những ngày lăn lộn giữa các công ty truyền thông, cơ quan báo chí, tôi mới nhận ra, giảng đường đại học là chưa đủ. Trường báo dạy tôi viết tin đúng nhưng muốn viết hay thì không thể thiếu những trải nghiệm thực tế. Giảng đường, sách vở không dạy sinh viên phải liên hệ với cơ sở thế nào, không dạy cách để khai thác, xử lý thông tin, cũng chẳng chỉ cách phát hiện đề tài,… Tất cả những kiến thức đó, từng chút, từng chút được góp nhặt từ những lần trực tiếp viết bài, trực tiếp làm việc, tiếp xúc với cơ sở. Lớp chúng tôi ngày đó, hầu hết những người sớm cộng tác, làm việc trong môi trường báo chí, truyền thông thì hiện nay đều trưởng thành, vững vàng với nghề. Có một anh bạn rất hay nợ môn, thi lại, tốt nghiệp cũng chẳng phải bằng khá, bằng giỏi nhưng lại là người duy nhất của lớp đạt giải báo chí quốc gia. Cũng có bạn nữ ngay từ học kỳ đầu tiên đã cộng tác với các công ty truyền thông, từ thư ký trường quay chuyên nhắc kịch bản, chạy việc vặt, nay trở thành một phóng viên truyền hình có nghề. Là sinh viên báo chí, đừng ngại đi, tìm hiểu và viết. Có thể những bài viết, những bức ảnh đầu tay, không có toà soạn nào sử dụng, nhưng qua đó, bạn sẽ không ngừng trưởng thành.

Đọc, nghiên cứu và học

Trải nghiệm rất quan trọng, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua những kiến thức trong nhà trường. 4 năm học đại học thì có một nửa thời gian, chúng tôi học các môn đại cương như Mỹ học, Lôgic học, Xã hội học, Triết học, Lịch sử,… Ngày đó, tôi vẫn luôn tự hỏi, tại sao mình phải học những môn này, những môn này có ích gì cho nghề. 6 năm ra trường và gắn bó với nghề, tôi thấy thật may mắn vì mình đã không bỏ qua những môn học này, bởi đây là những kiến thức nền tảng rất quan trọng, là cơ sở để phóng viên trau dồi vốn sống, kinh nghiệm và sự hiểu biết.

Trong thời đại 4.0, khi mà công nghệ phát triển, đòi hỏi báo chí càng phải nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Đồng thời cũng yêu cầu phóng viên có sự thay đổi. Một người làm báo hiện đại là phải đa năng, vừa có thể viết, vừa có thể quay phim, chụp ảnh, vừa có thể dựng hình. Bởi vậy ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, nên đọc, nghiên cứu và học hỏi tất cả các kỹ năng làm nghề.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây