Bài kiểm tra

Thứ hai - 01/04/2019 09:28
Bạn Nguyễn Đức Cầm sinh viên năm thứ nhất, lớp Báo ảnh, Phân viện Báo chí Tuyên truyền gửi cho BBT Truyện ngăn “Bài kiểm tra”. Truyện ngắn được Đức Cầm viết khi đang học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, TP Hưng Yên. Người làm báo Hưng Yên xin giới thiệu cùng bạn đọc. 
111

Gió ngoài trời thổi mạnh quật gãy cành cây bằng lăng trước nhà. Cành cây rơi xuống mái tôn vang lên những tiếng sột soạt khiến Thi thức giấc. Anh quay sang kéo chăn cho Thuý – vợ anh, chị đang có mang được năm tháng, đứa con đầu lòng của hai anh chị…

Thi là thầy giáo dạy văn cấp hai, anh vừa chuyển về địa phương này công tác, đồng thời anh mới thuê một ngôi nhà cho hai vợ chồng để thuận lợi cho việc giảng dạy… Gió ngoài trời vẫn rít lên từng cơn, Thuý vẫn đang say trong giấc ngủ còn Thi thì đã mất giấc, anh nằm vắt tay lên trán nghĩ lại ngày thứ bảy vừa rồi đến nơi mới nhận công tác. Sáng hôm đó anh có hai tiết văn ở lớp 8B, mấy cô giáo trong trường vẫn ca: “Con trai lớp 8B nói chuyện và nghịch nhất trường”. Quả thật không sai, khi anh bước vào lớp, lớp nhao nhao lên vì có giáo viên mới. Tiết đầu anh không dạy bài nữa, anh bắt đầu kể chuyện, kể trên giời dưới biển, kể một tràng giang đại hải, cả lớp chăm chú nghe đầy thú vị. Tiết thứ hai anh cho làm bài kiểm tra…. “Ôi chết” tự nhiên anh sực nhớ ra “Thôi chết còn bài kiểm tra chưa chấm trả lớp đó, mà mai là tuần đầu”. Là một thầy giáo Thi quan niệm rằng thất hứa với học sinh là điều tối kị - anh vội tung chăn.

- Anh dậy làm gì thế ? – Thuý gắt.

- Em ngủ đi, anh dậy chấm nốt bài

Thi vén chăn đắp cho vợ, hôn lên trán cô thay lời xin lỗi vì đã làm Thuý tỉnh giấc.

- Giời! vẽ chuyện.

Thuý vẫn gắt quay mặt về phía góc tường. Thi ra bàn làm việc vặn to chiếc đèn bàn. Anh nhìn vào chiếc đồng hồ quả lắc – mới có hai giờ sáng. Anh lục lại trong cặp lấy ra một tập bài kiểm tra:

- Đây rồi… Hainr!

Anh tìm bút đỏ và tự pha cho mình một ly cà phê đắng cho tỉnh ngủ. Sáng hôm đó anh ra đề cho lớp: “Hãy kể về ước mơ của em” Thi muốn kiểm tra năng lực viết văn của từng trò trong lớp và ước mơ lẫn nguyện vọng. Anh bắt đầu đọc và chấm bài, những câu văn ngây ngô đậm chất trẻ con hồn nhiên đầy trong sáng, có cả bài viết thắm thiết tình cảm… đủ các ước mơ, đủ các ngành nghề khác nhau: ca sĩ, bác sĩ, đầu bếp… Sự thú vị tinh nghịch ở từng bài viết khiến anh quên đi cái buồn ngủ, mệt mỏi vì dậy lúc nửa đêm. Nhưng Thi vẫn tìm kiếm một bài viết thật sự  xuất sắc khác biệt so với các bài khác. Bỗng một bài viết của em Trần Thị Kiều Kim khiến Thi phải đọc chậm…
      
“… Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả có đầy đủ bố mẹ, cái tên ông tôi đặt cho tôi – Trần Thị Kiều Kim là ghép tên tôi từ một mối tình tuyệt đẹp giữa Thuý Kiều và Kim Trọng. Ông tôi mê Kiều lắm, ông thuộc lòng cả quyển truyện Kiều. Vì là con một nên gia đình rất cưng chiều tôi, muốn gì là được thứ đó. Sinh nhật lần thứ 6 bố tôi đã không tiếc tiền mua cho tôi một cây dương cầm, đến ngày cuối tuần bố mẹ lại đưa tôi đi chơi, đi ăn kem, đi mua truyện tranh… Chao ôi cuộc sống thật hạnh phúc biết bao! Bản nhạc gia đình vẫn luôn cất lên…”

Đọc những câu văn đầu tiên, Thi chẳng hiểu ước mơ của cô học trò này là gì? “Có lẽ lạc đề chăng?”. Thi cứ ngồi vẩn vơ chẳng hiểu, rồi anh lại cố đọc tiếp… Nhưng về sau Thi phải giật mình… đó là ước mơ mà có lẽ Kim không có được.

“… Cuộc sống yên ả tưởng rằng cứ tiếp trôi, nhưng rồi những bi kịch lại xảy ra với gia đình tôi… Bắt đầu là những lục đục giữa bố mẹ, họ cãi cọ nhau nhiều hơn từ những việc nhỏ nhặt nhất thì cũng xé ra to. Mẹ chẳng chịu nghe, chẳng chịu hiểu bố và bố hay làm cho mẹ phải bực mình tức lên. Hai người họ sống chung một nhà mà cứ như nước với lửa, chẳng ai chịu ai. Bố ít về nhà hơn, hầu như chỉ nhậu nhoẹt bia rượu đến đêm mới về. Những bữa cơm của hai mẹ con tôi chan đầy nước mắt. Họ đã dần xem nhau người kia không tồn tại nữa rồi. Cuộc sống luôn ngọt ngạt bế tắc. Và điều kinh khủng hơn là mẹ phát hiện ra bố có quan hệ ngoài luồng với người khác, làm mẹ suy sụp rất nhiều.

Cuộc sống đã thiếu hẳn hạnh phúc rồi, thay vào đó chỉ toàn những cuộc cãi vã trong nước mắt khổ đau. Ngày mai đây, bố mẹ tôi sẽ đường ai nấy đi, mỗi người một ngả - gia đình này sẽ đổ vỡ, giá như mẹ chịu hiểu bố, giá như bố không bị mê hoặc người đàn bà kia thì có lẽ… Hai từ giá như và sự níu kéo thật viển vông xa sỉ…

Và buổi sáng ác mộng cũng đến, bố mẹ tôi ra toà. Mẹ ngồi ôm chặt tôi vào lòng, cố mạnh mẽ để không để tôi nhìn bà khóc. Nước mắt tôi lã chã rơi, tôi không ngăn được tuyến nước mắt của mình nữa. Những giây phút ngồi trong toà thật khủng khiếp lê thê. Toà phân xử tài sản và tôi về ở với mẹ. Bố ôm chặt tôi:

- Cố lên con, con gái yêu của bố, hứa với bố dù sao đi nữa thì vẫn sống tốt nhé con.

- Tại sao lại ra nông nỗi này hả bố?

- Mọi chuyện sẽ qua thôi, bố sẽ thường xuyên về đón con đi chơi.

Bố còn yêu tôi nhiều lắm, nhưng tôi chẳng phải là sợi dây để níu kéo cuộc đổ vỡ này. Mẹ bước đến hai người nhìn nhau một ánh mắt sắt đá vô cảm, như chưa hề quen biết. Mẹ chìa tay:

Đi thôi con.

Tôi nắm lấy tay mẹ rồi ra khỏi lòng bố, chân bước đi mà đầu còn ngoảnh lại, bóng hình bố khuất mờ xa xôi.

Rồi mai đây tôi sẽ chuyển đến một nơi khác sống. Gia đình nhỏ bé của tôi sẽ mãi không còn nữa, ước mơ của tôi chỉ nhỏ bé như bao người – có một gia đình hạnh phúc mà sao xa vời đến vậy…? Dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn phải mỉm cười, vẫn phải bước đi và vẫn phải sống tiếp…

- Thi nghẹn ngào, cái gì chặn ở cổ họng anh. Những câu văn của Kim làm anh xót xa, đau nhói. Một ước mơ nhỏ bé vậy thôi sao quá xa vời với Kim? Đôi bàn tay Thi đan vào nhau, anh cố nuốt cái gì ở cổ họng. Đôi mắt anh thăm thẳm rồi ưu tư, nhìn ra ngoài cửa sổ, lại một cành cây bằng lăng bị gió thổi gẫy rơi xuống đất. Những chiếc lá thu cũng vội vã từ biệt cây. Từ ngoài trời lạnh lẽo kia Thi cũng nhìn thấy một sự đổ vỡ.

Thứ hai đầu tuần Thi lại bước vào lớp 8B

- Lớp trưởng đi trả bài cho các bạn… Hôm nay lớp đủ không em?

- Dạ đủ Thầy ạ! Nhưng bạn Kim mới chuyển trường đi nơi khác sống…

Thi giật mình, như có gì đó chạy soẹt qua người anh. Bài kiểm tra của Kim anh vẫn chưa kịp trả và vẫn còn đây…!!!
                                                              Phố Hiến, mùa Đông 2014.
                                                                           Nguyễn Đức Cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây