Chuyện nghề báo, nghiệp văn: Văn học và báo chí

Thứ ba - 02/07/2019 09:33
Ngày ấy, làm luận văn tốt nghiệp khóa Đại học Báo chí mà mỗi khi nghĩ lại tôi cảm thấy quá liều. Nhận đề tài “Ngôn ngữ báo chí và văn học”, có người bảo sao mà anh chơi “ngông” thế, dám chọn cái đề tài quá tầm, quá sức. Nhà trường giới thiệu nhà báo Quang Đạm (Báo Nhân dân) là người hướng dẫn tôi làm luận văn. Tôi tới gặp nhà báo Quang Đạm đặt vấn đề, ông do dự một lúc rồi hỏi lại: "Cậu có cảm thấy đề tài này quá rộng không?" Tôi bảo: "Em cũng biết vậy nhưng muốn qua luận văn này để mở rộng nhận thức về hai lĩnh vực văn học và báo chí ạ!" Rồi ông bảo: "Mình biết cậu đã làm báo và viết văn. Thế thì cậu cứ nghiên cứu xem thế nào. Cứ tìm vào để biết lối mà đi..."
 
111

Vào cuộc, tôi mới thấy là khó thật! Khó ngay từ mục đặt vấn đề. Tôi tìm hiểu các luận văn khóa trước cũng không thấy sinh viên nào đề cập đến vấn đề này. Tôi gặp thầy chủ nhiệm xin chuyển đề tài, thầy bảo: "Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên đề cập nghiên cứu làm luận văn về những vấn đề mới! Anh tham khảo tài liệu từ các tạp chí chuyên ngành, rồi cứ viết theo tư duy của mình. Khoa Báo chí của trường mới hình thành, rất cần những đóng góp trí tuệ của giáo viên và cả sinh viên nữa. Các anh có cái thuận lợi là đã qua thực tiễn, cộng với lý luận vừa học, tôi hy vọng các anh sẽ làm tốt!" Tôi dành thời gian tới các thư viện tìm tài liệu nghiên cứu, đặc biệt là những tác phẩm trên báo Nhân dân, báo Văn nghệ và một số tạp chí chuyên ngành lý luận. Đúng là theo nội dung bài giảng thì văn học phản ánh hình tượng, báo chí là phản ánh sự kiện có thật. Thực sự là chưa có bài giảng nào đi sâu phân biệt rõ hai lĩnh vực này. Rồi tôi xem lại các bài báo, những tác phẩm văn học tôi đã viết, so sánh với nội dung bài giảng về báo chí để tìm ra cái khác và giống nhau khi thể hiện tác phẩm.Tôi nhớ lại, khi nhà báo Hữu Thọ tới lớp trao đổi nghiệp vụ làm báo, ông nói về quá trình tiếp cận thực tiễn khai thác tư liệu thực tế rồi về viết bài. Từ thực tế tư liệu đã có, thể hiện theo thể loại nào cho phù hợp với đề tài mà độc giả dễ tiếp thu, mà quan trọng nhất là tính thuyết phục của bài báo ở tư liệu và sự kiện có thực, không chung chung, không lập lờ được. Ông dẫn chứng loạt bài phóng sự điều tra của nhóm phóng viên kinh tế báo Nhân dân viết về khoán quản trong nông nghiệp ở Hải Phòng bằng những tư liệu sinh động đang xảy ra mâu thuẫn giữa người xã viên với ban quản lý HTX. Qua thực tế phức tạp từ cơ sở đã giúp cho Trung ương kịp thời đưa ra chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn... Nhà báo Hữu Thọ cũng nói: "Tôi là người quản lý nội dung của tờ báo, tuy không có thời gian đi thực tế nhiều, nhưng tôi phải bám sát phóng viên để điều hành tác nghiệp. Do không đi, không có nhiều số liệu thì tôi phải nắm nội dung cơ bản để viết những bài ngắn dạng tiêu đề phân tích bình luận, có cả ý kiến phản biện để thu hút độc giả cùng bàn luận, để tìm ra hướng đi đúng. Trên cơ sở thực tiễn đó mà Ban Bí thư ra Chỉ thị 100 về vấn đề khoán quản trong nông nghiệp, nông thôn...". Từ thực tế đó đã khẳng định tác phẩm báo chí phải phải phản ánh sự thật đang diễn ra sinh động trong thực tiễn. Còn văn học nói chung, tác phẩm theo từng thể loại nói riêng, tôi nhớ lại trong dịp cùng đoàn cán bộ lý luận Trung ương với các nhà báo, nhà văn đi thâm nhập thực tế khoán quản trong nông nghiệp ở Hải Phòng, trong đoàn có nhà văn Đào Vũ, dáng ông cao ngều mà lại ngất nghểu đi vào các ngõ xóm, dò hỏi cả cụ già đến những đứa trẻ chăn trâu, rồi đến chiều muộn vẫn ngất ngưởng đi trên đồng. Sau chuyến thâm nhập thực tiễn, ông cho in tác phẩm “Cái bờ gió” trên báo Văn nghệ . Anh em chúng tôi ngớ người: Ở cánh đồng chia ruộng khoán cho nông dân được đắp từng ô thửa, mấy ông lý luận hỏi chúng tôi: "Lão nhà văn này nhìn thấy cái bờ nào là bờ gió, ở đâu nhỉ?". Tôi đọc lại tác phẩm của Đào Vũ mới ngộ ra, ý nghĩa sâu sa và cũng là hình tượng nói về nhưng cái bờ nhỏ với những ô thửa ruộng khoán chỉ là nhất thời, vài vụ qua đi rồi đến một ngày nào đó cơ sở vật chất cho nông nghiệp phát triển, cái bờ nhỏ như cơn gió thoảng qua nhường lại cho những ô thửa lớn của cánh đồng mẫu lớn trong công nghiệp hóa trong nông nghiệp. Tôi mới nghiệm ra văn học có cách thể hiện riêng, hình tượng hóa trên thực tiễn mà nhà văn đã đi, đã gặp, đã tư duy cảm xúc. Tôi và bác Quang Đạm đã đồng nhất quan điểm: "Tư duy báo chí là tư duy logic từ thực tế đến chủ trương; còn tư duy văn học là tư duy hình tượng!"

Nghĩ lại, những chuyến đi thực tế ở Báo Hải Phòng và Báo Quảng Ninh về quá trình tiếp cận thực tế để về viết bài, xem lại sổ ghi chép từ thực tế, bao nhiêu là con số và chi tiết tôi ghi được ở xã Giang Biên (Vĩnh Bảo) nhưng về làm tin chỉ dùng số liệu để so sánh. Khi viết phóng sự thì cần nhiều chi tiết cuộc sống trong lao động và sinh hoạt, số liệu chỉ chốt lại làm rõ chủ đề của phóng sự. Ở Báo Quảng Ninh cũng vậy, đưa tin về thành công của một số đề tài khoa học thăm dò than phải có số liệu chính xác. Còn khi viết bài ở thể loại phóng sự, bút ký: “Dòng than chảy từ Vàng Danh và Mỏ lộ thiên Mông Dương, than phơi mình giữa đất trời” và bài “Từ lòng đất mỏ Mạo Khê nhìn về Phả Lại” phải dùng cả hình tượng nghệ thuật và số liệu để chứng minh. Tôi đọc lại cái tin “Dùng than xoan thay than hoạt tính nhập ngoại để phân tích vàng”. Nhưng khi sáng tác văn học, tôi lại lấy tên truyện “Vàng trong than” mà không dùng một số liệu nào, chỉ đi sâu vào hình tượng nữ kỹ sư hóa nghiệm Trần Thị Thúy. Khi dựng thành truyện, tôi lại lấy tên nhân vật chính là Thảo Mộc, tự “đốt cháy” mình làm nên nguyên liệu hóa chất phân tích vàng. Tôi đọc lại các gương người tốt: Ông Tích trồng một sào mướp bán xơ, thu gấp hai lần bán lúa. Một cái gương người tốt ca ngợi ông Tích khi làm bảo vệ ở cửa hàng cơm phở Kiến An, hàng tháng phải đi mua xơ mướp về rửa bát. Khi về hưu, ông dùng sào ruộng khoán của bà vợ trồng mướp bán xơ. Nhưng khi xây dựng tác phẩm văn học về đề tài này tôi chỉ dựa một chút sự thật là có một người trồng mướp ở Kiến An bán xơ. Còn chuyện cả làng ông Đống trồng mướp bán xơ là tôi dựng lên với ý tưởng cảnh báo cho nhà nông sản xuất, phải gắn với thị trường, chống biểu hiện quy luật chạy theo đám đông, dẫn đến sản phẩm dư thừa. Như vậy, cùng một đề tài tôi đã thể hiện ba thể loại: Gương người tốt việc tốt về một người tự chủ trên thửa ruộng trồng mướp bán xơ; truyện ngắn văn học “Chuyện nhà ông Đống”; kịch sân khấu truyền thanh “Xơ mướp hóa”.

Tôi báo cáo lại với nhà báo Quang Đạm, ông khen tôi có sở trường sáng tác văn học và bảo: "Trong quá trình tác nghiệp từ thực tế cơ sở, các số liệu, sự kiện nào cậu cần thiết cho viết tin, viết phóng sự; còn cái gì cậu dùng để viết văn thì đó là cách thể hiện khác nhau đấy!". Đúng là thực tế tôi cũng nhận thức ra. Nhưng thể hiện vào các chương, mục của luận văn thì rất khó vì luận văn là bộ lý luận rút ra từ thực tế. Nhà báo Quang Đạm bảo: "Cậu xây dựng một bộ khung có các đề mục, sau đó cứ viết theo nhận thức và thực tiễn của mình!".

Thế rồi tôi nghe lời nhà báo Quang Đạm xây dựng bộ khung theo đề mục, nào là phần đặt vấn đề, phần lý luận, phần rút ra từ thực tiễn, phần kết luận. Lúc đầu, tôi viết quá dài do kể lể nhiều. Ông xem kỹ, đánh dấu từng dòng, chỗ nào thay vào đó bằng lý luận đã học, chỗ nào được rút ra, chỗ nào dẫn chứng. Phải nói là ông cũng vất vả với tôi. Tôi phải sửa chữa tới ba bốn lần.

Đúng là quá tầm nghiên cứu của tôi và cũng là vấn đề nhà báo Quang Đạm giúp đỡ tôi. Ông bảo: "Lúc đầu tôi sợ cậu không làm nổi luận văn này. Vấn đề cậu đặt ra mà luận văn Báo chí cấp đại học chưa cần tới mức đó! Thật tình cậu cũng giúp tôi làm rõ thêm một vấn đề trong nghề viết mà chưa mấy ai đề cập". Tôi bảo: "Đây cũng là vấn đề mà người làm báo lại đèo bòng cả nghiệp văn thường mắc phải. Đúng là vừa làm vừa học, vừa nghiên cứu... Qua luận văn này giúp người viết không bị lẫn giữa thể loại văn học và báo chí!". Khi chấm luận văn, thầy Nguyễn Thế Lạng nói: “Những người cầm bút cần phải đi vào các thể loại để chủ động thể hiện!”.

Luận văn tuy không đạt điểm cao, song cũng là một vấn đề mới, nhất là những năm tháng tác nghiệp làm báo in, báo nói, báo hình và viết văn tôi đều phân định rõ ràng cho từng thể loại của từng tác phẩm. Tôi luôn tâm niệm sự kiện báo chí diễn ra rất nhanh mà người làm báo phải nhanh nhạy chộp lấy, phản ánh kịp thời. Còn văn học là những hiện thực diễn ra và tồn tại theo thời gian mà văn học phải dựng lại qua hình tượng nghệ thuật làm xúc động lòng người... Đúng như lời thầỳ Nguyễn Thế Lạng nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí, khi đọc tiểu thuyết “Cổng làng” của tôi đã nói: "Tác phẩm Cổng làng là lắng đọng được tích lũy qua nhiều năm làm báo…". Đúng là ngày ấy tôi đã tìm váo lĩnh vực tưởng như không cần thiết, quá mông lung, nhưng thực tế đã giúp tôi rất nhiều trong nghề báo, nghiệp văn bốn mươi năm qua.
 
Nhà báo Nguyễn Thanh Cải
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Dương   

* Tác phẩm “Xơ mướp hóa” đoạt giải Vàng Liên hoan Phát thanh toàn quốc tại Khánh Hòa năm 1996.
** Tiểu thuyết Cổng làng đoạt giải thưởng Văn học Côn Sơn 2010-2015.                                          

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây