Hoàng đặt cốc trà xuống, đôi mắt anh hoe lệ nhìn cha mẹ, cất giọng buồn bã:
- Có lẽ con sắp phải xa mọi người mãi mãi… Con đã quá mệt mỏi rồi, vận trời đã định, mong Thầy U đừng buồn. Cám ơn cuộc đời, con cám ơn Thầy U đã cho con được sống, đã hi sinh quá nhiều vì con, giúp con chiến đấu với bệnh tật. Giờ con muốn ra ngoài để tận hưởng những ngày tháng cuối đời mình. Để không khỏi lãng phí cuộc đời này.
- Ừ đi đi con… đi đến những nơi nào mà con muốn đến.
- Vâng con đi thưa Thầy, thưa U!
Nói xong, Hoàng lấy chiếc áo choàng khoác lên mình rồi bước thẳng ra cửa. Mẹ Hoàng với những tiếng nấc nghẹn ngào, còn người cha thì quay mặt đi che giấu những giọt nước mắt vừa lăn… Ông nhìn theo con, hình ảnh Hoàng khuất dần, khuất dần sau bóng cây dâm bụt, ông ngồi xuống - ông hoài niệm về một thời chiến tranh bom đạn lại ùa về trong tiềm thức ông. Chiến tranh đã lấy đi của con người ta quá nhiều… quá nhiều. Ông miên man suy nghĩ, nhớ lại thời trai trẻ, hừng hực khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ông may mắn còn sống, nhưng cũng giống hàng triệu gia đình khác bị nhiễm chất độc Dioxin. Tội ác ngàn kiếp của đế quốc Mỹ. Đứa con duy nhất của ông, Hoàng phải gánh chịu căn bệnh ung thư máu do nhiễm Dioxin gây ra… Dù ông bà đã cố gắng chữa trị nhưng chỉ là hi vọng trong tuyệt vọng…
Hoàng bước ra khỏi nhà, trời thật rét, hàng cây lảo đảo nghiêng theo chiều gió thổi. Gió thổi lạnh buốt đến cắt da cắt thịt, những hạt mưa bay bay như đang khóc cho một số phận bạc mệnh. Anh bước đi vô định thật chậm, thật chậm qua những con phố tấp nập đông người, hàng quán nhộn nhịp, công viên, giáo đường… Tất cả những nơi này đều quá đỗi xa lạ với Hoàng. Vì lẽ tuổi thơ đầy cay đắng của anh chỉ gắn chặt với chiếc giường bệnh. Tuổi thơ ấy chỉ với nước mắt nhiều hơn nụ cười của mẹ, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui của cha… Cứ thế, cứ thế anh bước đi một cách vô hồn, nỗi buồn nặng trĩu… bất chợt anh dừng lại để nghe có tiếng thanh âm gì đó. Ôi có tiếng nhạc du dương, réo rắt đâu đây. Tiếng đàn có một sức mạnh gì đó níu kéo đôi chân anh ở lại. Quá tò mò, anh lần theo, đôi tai anh chỉ lối cho anh, rồi anh dừng chân tại một hiệu sách, ghé mắt nhìn qua cửa sổ, Hoàng thấy một cô gái đôi mươi, mái tóc dài đang nhẹ nhàng kéo những bản vĩ cầm da diết. Hoàng bị cuốn hút hồn theo tiếng đàn của cô gái, mắt không rời… Đứng bên ngoài một lúc vì trời quá lạnh, Hoàng lấy hết can đảm bước vào mua sách.
- Ở đây có bán sách không cô?
Giật mình, cô gái hạ cây vĩ cầm xuống, giọng nói niềm nở hiếu khách:
- Dạ… dạ ở đây có rất nhiều sách, anh muốn mua sách gì ạ?
Hoàng cứ đắm đuối nhìn theo cô gái mà quên đi lời giới thiệu của cô, để cô hỏi đến hai, ba lần Hoàng mới giật mình, lúng túng...
- Tìm cho tôi một cuốn thơ.
- Đây có rất nhiều, thơ Việt Nam hay thơ nước ngoài?
Anh vội vơ lấy cuốn thơ tình gần nhất, sự lúng túng của Hoàng làm cho cô bán sách cứ tủm tỉm.
- Cho tôi cuốn này đi.
- Vâng mời anh ra đây thanh toán.
Hoàng ra thanh toán tiền mà đôi mắt vẫn không rời khỏi cô gái. Mỗi khi đôi mắt cô chạm vào đôi mắt anh thì anh lại đỏ mặt ngượng ngùng… cô cũng e thẹn. Anh chạy thật nhanh về nhà, đôi chân anh hối hả vội vã, thậm chí quên mất cả mục đích ra khỏi nhà là gì? Tinh thần trở lên phấn chấn, những ý nghĩa tiêu cực từ bệnh tật dường như đã tan biến trong anh. Ngót gần ba chục năm giam hãm trong bức tường, hầu như anh chỉ giao tiếp với xã hội qua báo đài, sách vở…
Con tim anh giờ đang loạn nhịp, nói chính xác hơn thì con tim anh đang in dấu hình bóng của cô bán sách kia. Anh thấy cuộc sống này thêm thi vị hơn, cuốn sách sáng nay anh mới mua anh chẳng đọc…
Và ngày nào cũng vậy, Hoàng đến hiệu sách đó mua sách mà anh cũng chẳng biết mình định mua cuốn gì? Và dĩ nhiên anh cũng chẳng đọc sách. Anh đến tiệm sách chủ yếu là để gặpcô bán sách.
- Anh lại đến mua sách à? Cô vẫn hiếu khách – Anh mua gì vậy?
- Anh đang tìm một cuốn thơ của nhà thơ Puskin… A đây rồi.
- Anh có muốn mua gì nữa không?
- Thôi em ạ!
- Vậy anh ra đây thanh toán.
- À khoan… từ từ… Em có thể chơi cho anh nghe một bản nhạc được không? Anh thích nghe em chơi nhạc.
- Dạ được anh… - Cô bán sách vui vẻ.
Cô đưa cây vĩ cầm lên vai, nhẹ nhàng đung đưa mình. Cây violon vang lên một tiếng nhạc da diết, trầm buồn, chạm tới sâu thẳm trái tim người nghe. Đó là bản nhạc: “Romeo và Juliet”: “Mi sol fa sì… sì rê sì mi…”. Hoàng ngất ngây nhìn theo cô bán sách chơi đàn, con tim anh rung lên lạc nhịp. Cứ đung đưa vang vọng cả quầy sách, tiếng đàn của cô như đưa anh đến một thế giới khác chỉ có cô và anh… Bản nhạc kết thúc. Hoàng lấy từ trong chiếc áo choàng ra một bông hoa hồng.
- Anh tặng em!
Hoàng đưa cho cô, mắt họ ngây ngất chạm nhau chứa chan xúc cảm…
Hoàng ra thanh toán tiền, đi ra cửa anh khự lại.
- À tên em là gì ấy nhỉ?
- Dạ Hiền, còn anh ?
- Anh là Hoàng… mai anh sẽ đến.
- Vâng tạm biệt anh !
Hiền có một sức mạnh gì đó làm cuộc sống Hoàng như nảy nở vậy?! Giúp anh chiến đấu với cái điều éo le đang chập chờn đến bên anh, con tim anh thổn thức, thầm yêu trộm nhớ cô…
Còn Hiền từ khi thấy vị khách ấy cùng thấy một điều là lạ. Cô cũng rung động và mến anh, cô nhớ lại lời một người bạn cô bảo: «Con trai mà tặng hoa con gái tức là anh ta đang yêu cô…» có lẽ là thế chăng? Hiền cũng mơ mộng lắm. Cô ngắm nhìn bông hồng mà Hoàng tặng, mùi hương tình yêu thơm ngan ngát…
Anh vẫn đến chỗ cô, ngày nào cũng đến để được gặp cô, nghe cô chơi đàn, chồng sách ở nhà anh càng ngày càng cao lên như tình cảm của anh dành cho cô vậy… Nhưng rồi một hôm, Hoàng đến cửa hàng sách thì chẳng thấy Hiền nữa, anh hỏi một nhân viên mới, hôm nay anh mang cả một bông hồng to đến để tặng cô.
- Em ơi! Cho anh hỏi cô gái bán sách hôm trước đâu rồi nhỉ? Cô Hiền ấy em!
- A chị Hiền… chị ấy về quê chăm mẹ đang bị ốm rồi anh ạ!
- Thế em có biết bao giờ cô ấy lên không?
- Em cũng không rõ nữa, chắc đến khi mẹ chị ấy khỏi ốm chị ấy mới trở lại … thế anh có nhắn gửi gì không?
- Chị ấy trở lại, em đưa cho chị ấy cái này giúp anh nhé!
Hoàng hẫng hụt ra về trong thất vọng, anh chẳng bận mua sách, suốt mấy ngày liền anh vẫn đến tìm Hiền, nhưng vẫn không thấy cô. Những ngày đó với anh thật lê thê:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết
Hai tháng sau, mẹ Hiền khỏi bệnh, cô trở lại với công việc bán sách của mình. Cô trò chuyện với nhân viên:
- Mấy tuần chị nghỉ có ai hỏi chị không?
- Có… có một anh mấy hôm đầu chị nghỉ thì hôm nào cũng đến, còn gần đây thì không thấy đến.
- Thế à! Hiền gật đầu.
- À… chị ơi anh ấy để hoa và thiếp cho chị kia kìa - nhân viên chỉ tay.
- Ừ! Để chị ra lấy.
Hoa hồng đã héo, chỉ còn lại tấm danh thiếp của Hoàng để lại, nhìn vào đó Hiền bấm số gọi:
- Alo! Ai đấy? – Một bà lão nhấc máy.
- Dạ đây có phải số của anh Hoàng không bác? Sao mấy hôm nay cháu không thấy anh Hoàng ra chỗ cháu ạ?
- Hoàng nó… nó … đi rồi, được hai tuần rồi cô ạ!
Mẹ Hoàng nén tiếng nghẹn ngào… Hiền đánh rơi chiếc điện thoại, đôi chân cô khuỵ xuống đất, cô không tin vào tai mình nữa…
- Chị làm sao vậy? nhân viên mới hốt hoảng
Có lẽ mẹ Hoàng cũng hiểu ra được mọi chuyện. Bà lặng lẽ bước vào phòng con trai. Mọi thứ vẫn vậy, phòng của Hoàng vẫn ngăn nắp như ngày nào… lòng bà nặng trĩu, bước tới bàn làm việc của Hoàng, chồng sách vẫn mới tinh, chưa đọc. Giữa mặt bàn được nhét một tấm hình - tấm ảnh của Hiền đang kéo violon trong hiệu sách. Hai hàng nước mắt của bà lã chã rơi…
Và từ đó, cứ vào mỗi buổi chiều chủ nhật người ta lại thấy một thiếu nữ đến bên mộ Hoàng, đặt lên đó một đoá hồng và chơi đàn với những bản nhạc violon buồn da diết…
Phố Hiến, mùa Đông 2014
Đức Cầm