Vui buồn chuyện đi cơ sở

Thứ năm - 14/03/2019 16:23
* PV Lan Phượng, Phòng Khoa giáo, Đài PT-TH Hưng Yên

Là một phóng viên trẻ, khi bước chân vào nghề tôi cũng gặp không ít những khó khăn, từ quá trình tập tành làm quen  với công việc cho đến việc sáng tạo ra những "đứa con tinh thần". Để có tác phẩm hay, đòi hỏi người phóng viên phải có sự gắn bó với  cơ sở. Chính từ những va chạm thực tế sẽ cho ra đời những tác phẩm được công chúng đón nhận. Lúc đó, những phóng viên trẻ như chúng tôi cảm thấy hứng thú và say mê hơn với nghề mà mình đã chọn.
 
111

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước chân vào nghề báo là như bị “chết đuối”. Tôi như chìm nghỉm trước các luồng thông tin, không biết đặt bút viết từ đâu, chọn lựa đề tài như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của công chúng trong điều kiện thông tin tràn lan trên các mạng xã hội như hiện nay.

Đặc biệt, đối với những đề tài mang tính thời sự, đòi hỏi người phóng viên phải nhanh nhạy trong việc xử lý các nguồn thông tin sao cho kịp truyền tải đến công chúng. Thêm vào đó, nhiều lúc phóng viên còn bị từ chối tiếp xúc hoặc trả lời phỏng vấn vì lý do "Bạn về Đài từ bao giờ? Hình như tôi chưa gặp bạn thì phải. Thôi để lúc khác nhé!". Mỗi lần như vậy, cánh phóng viên mới vào nghề như chúng tôi phải tự động viên mình: "Nghề nào mà không có những khó khăn, huống chi nghề làm báo lại là nghề đặc thù. Cái quan trọng phải biết vượt qua khó khăn ấy để trưởng thành hơn, gắn bó lâu dài với nghề mà mình đã chọn".

Nhớ lại một lần đi tác nghiệp về một gia đình có con tham gia vào Hội Thánh Đức Chúa Trời đã khiến tôi băn khoăn trăn trở đến tận bây giờ. Tại thời điểm đó, dư luận cả nước đang rất nóng với những nguồn thông tin về Hội Thánh kia đã lôi kéo nhiều sinh viên, nhiều phụ nữ tham gia, làm tan nát nhiều gia đình. Khi tôi tiếp nhận được thông tin trên địa bàn tỉnh ta bắt đầu manh nha có một số hội nhóm của Hội Thánh này, tôi đã trăn trở rất nhiều để làm sao người xem thấy được những tác hại của việc cuồng tín và đặc biệt là mong muốn chính những nhân vật tìm về được với gia đình.

Ngày hôm đó khi tôi và đồng chí quay phim đến gặp gia đình cô T. Tôi thực sự xúc động trước câu chuyện của cô. Chồng cô thì bị bệnh đã nhiều năm nay, một mình cô vất vả nuôi hai con ăn học. Thế nhưng, khi người con gái của cô theo học một trường cao đẳng tại Hà Nội đã bị lôi kéo vào Hội Thánh Đức Chúa Trời. Khi biết chuyện, cô T đã bắt con gái bỏ học và theo học một trường cao đẳng khác tại Hải Dương. Thế nhưng, con gái cô vẫn tiếp tục tham gia vào Hội Thánh và còn rủ theo cả anh trai mình. Khi thấy hai con có những biểu hiện lạ như: đòi phá bỏ ban thờ, không ăn cơm cúng, lúc nào cũng nói đã được uống nước Thánh nên rất khỏe,… cô T đã bắt hai con ở nhà nên chúng đã bỏ đi. Và giờ mong muốn duy nhất của cô T là hai con nhận ra và tìm đường quay về  với gia đình, lúc nào cô cũng dang rộng tay đón hai con. Sau đó, tác phẩm của tôi đã truyền tải đúng những lời nhắn của người mẹ mong mỏi hai con trở về nhà. Khi tác phẩm được đăng tải trên mạng xã hội Facebook đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về nhân vật trong phóng sự của tôi. Khi đó, một anh bạn đồng nghiệp đã hỏi tôi: “Em có nghĩ sau phóng sự này hai bạn đó có về được nhà không?” Thực sự, khi nghe câu hỏi đó đã khiến tôi trăn trở rất nhiều, tôi đọc từng comment của bạn đọc trên fanpage Tin tức Hưng Yên 24/7. Người thì khen tác phẩm của tôi cảm động, người thì có chung mong muốn giống tôi mong gia đình cô T được đoàn tụ nhưng cũng không ít người đã để lại những bình luận thô tục về hai người con trong phóng sự. Sau này, qua nhiều luồng thông tin, tôi được biết người con gái đã quay về nhà còn người con trai có về nhà vài lần rồi không biết đã đi đâu.
Mặc dù tác phẩm ấy tôi được khen thưởng nhưng trong lòng vẫn trăn trở về các nhân vật. Nếu như, trong thời điểm ấy tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, xử lý thông tin một cách tinh tế hơn như: không viết rõ tên và địa chỉ của nhân vật, làm mờ hình ảnh của nhân vật,… thì có lẽ sẽ vừa đạt được hiệu quả truyền thông và còn giúp được gia đình cô T nhiều hơn.

Những ngày tháng gắn bó với nghề báo đã cho tôi thấy, làm báo không chỉ biết nghe, quan sát mà còn phải biết nhìn xa, nhìn đúng định hướng và phải biết phân tích tình hình chứ không phải thấy gì cũng viết, cũng đưa tin. Mỗi bài báo viết ra không chỉ mang một lượng thông tin đến cho người đọc mà còn phải hữu ích cho xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây