Nhà báo trẻ với nghề “làm dâu trăm họ”

Thứ năm - 14/03/2019 16:17

* PV Ngọc Oanh, Phòng Khoa giáo, Đài PT-TH Hưng Yên

Nếu như bạn là bác sỹ chuyên khoa thì cần nhất là nắm rõ những kiến thức chuyên ngành đó, nếu bạn là đầu bếp thì bạn phải học thật nhiều về ẩm thực nhưng nếu bạn là một người dẫn chương trình thì có ngày bạn phải nói như thể mình là một bác sỹ rất am hiểu về y học rồi có lúc phải nói như một đầu bếp thực thụ và có khi lại như một chính khách rất am hiểu chính trường… Bạn phải đóng rất nhiều vai, hiểu rất nhiều nghề… Đó là điều khác biệt của nghề Mc và nó đòi hỏi sự rèn luyện rất nhiều, đặc biệt với một nhà báo trẻ.
111

Những yêu cầu để “làm dâu  trăm họ”.

“Người dẫn dắt chương trình theo những kịch bản”, “người chủ trò”,  “người kết nối giữa chương trình truyền hình với khán giả”…. có rất nhiều khái niệm để nói về người dẫn chương trình. Nhưng nhiều người trong nghề thường nói với nhau, MC là người “làm dâu trăm họ”. Và làm thế nào để vừa lòng “trăm họ” quả là khó khăn. Bạn có thể giao tiếp trực tiếp với một khách mời trong trường quay hoặc có thể là hàng ngàn khán giả trong một chương trình truyền hình trực tiếp nhưng đằng sau đó, bạn đang giao tiếp với hàng vạn, hàng triệu công chúng.Vậy điều đầu tiên, một người dẫn chương trình phải tạo được sự thiện cảm. Gương mặt không cần phải quá xinh đẹp nhưng bạn phải tạo được sự tin tưởng, phải là bạn của khán giả. Những điều đó chỉ có được khi bạn có sự duyên dáng trong ngôn ngữ, lịch thiệp về cử chỉ và phông kiến thức xã hội rộng. Và rất quan trọng, người dẫn chương trình phải là người có tư duy biên tập rất nhanh, biên tập lời của người khác, biên tập lời của chính mình trong một tích tắc để làm chủ chương trình, dẫn dắt khách mời và cả khán giả. Bạn phải thẩm thấu kịch bản, biến kịch bản thành lời nói của chính mình và thể hiện là chính mình trước khán giả sao cho thật tự nhiên mà phải đúng chừng mực, lịch thiệp.

Làm sao để “làm dâu trăm họ” cho thật vừa lòng

Để có được sự tự tin, duyên dáng trong ngôn ngữ thì yêu cầu bạn phải có được vốn từ vựng vô cùng phong phú. Đọc sách chưa bao giờ là thừa và đặc biệt là với người làm báo. Sách mang đến cho ta một kho từ vựng phong phú và những cách diễn đạt chuẩn mực. Nó cũng sẽ giúp ta rèn luyện được yêu cầu thứ hai, đó là phông kiến thức xã hội. Tuy nhiên, để có được điều đó thì sách thôi là chưa đủ, bạn phải biết tận dụng những lợi thế của thời đại công nghệ để tìm đến nhiều nền tảng có thể cung cấp phông kiến thức rộng rãi cho mình. Có được vốn từ vựng phong phú và phông nền kiến thức sẽ giúp ích rất nhiều cho tư duy biên tập để bạn thể hiện mình tốt trước công chúng.

Đọc sách, trải nghiệm thực tế, luôn có nhu cầu khám phá tìm hiểu, chịu khó giao tiếp với tất cả các đối tượng… dần dần tích lũy lại bạn sẽ có rất nhiều kỹ năng cần thiết cho người dẫn chương trình. Và không quên học từ những người đi trước, những MC nổi tiếng. Học trong chọn lọc chứ không phải là bắt chước những gì họ đã làm.

Rèn cho mình một thái độ lao động nghiêm túc cũng cực kỳ quan trọng. Có thể bạn dẫn một chương trình 30 phút trên truyền hình chỉ có nhuận bút 2-3 trăm nghìn nhưng có thể hàng chục triệu đồng với những sự kiện ngoài trời. Nhưng tất cả đều phải có thái độ lao động nghiêm túc như nhau. Phải có trách nhiệm với tất cả những gì mình phát ngôn.

Rèn luyện để thành người dẫn chương trình tốt thì cần rèn giọng nói, tập phong thái tự tin, tự bồi dưỡng kiến thức nhưng có lẽ ít người nhắc đến một yếu tố cực kỳ quan trọng. Đó chính là sức khỏe. Có sức khỏe bạn mới được giọng nói truyền cảm, mới có đủ năng lực để tư duy phản ứng nhanh và phong thái mới tự tin. Vì vậy, hãy rèn luyện sức khỏe nếu muốn dẫn chương trình tốt….

Chỉ có sự đam mê với những nỗ lực học hỏi hết mình mới có thể giúp bạn dần chạm đến ngưỡng của một MC chuyên nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây