Mùa hạ, là mùa thi, mùa của sự chia tay và cũng là mùa của tuổi thơ... Khi còn là một đứa trẻ ai ai cũng mong hè về sau một năm học hành, được thoát ly khỏi đèn sách. Đó là một ước muốn rất bình dị. Nhưng, những đứa trẻ bây giờ, đặc biệt là trẻ ở thành phố đang bị lấy cắp đi mùa hè và đang mất dần đi tuổi thơ. Áp lực điểm số, bài vở và cái hy vọng quá lớn của cha mẹ đã vô tình lấy đi những thứ đẹp đẽ của tuổi thơ đáng lẽ thuộc về chúng... Tại sao mới chỉ mẫu giáo lớn đã phải học đánh vần, tính toán? Mới năm, sáu tuổi đầu đã phải gánh vác kỳ vọngvào “lớp một chọn”. Khổ nhất là những cô cậu chuyển cấp, từ lớp 5 lên lớp 6 hoặc từ lớp 9 lên lớp 10. Áp lực vào một ngôi trường điểm là vô cùng lớn. Vẫn biết vào được một trường tốt sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển sau này. Nhưng khi nhận thức và trí tuệ của một đứa trẻ không đủ để có thể vào một trường chuyên, thì bố mẹ cũng không nên kỳ vọng nhiều quá. Cái “sĩ” của người Việt thường rất lớn, đặc biệt khi bố mẹ có chức vụ, trong cơ quan mà con của đồng nghiệp đỗ còn con mình không đỗ thì sự ghen ghét, đố kỵ và mọi sự tổn thương nhất sẽ thuộc về đứa trẻ. Khi chuyện học hành thi cử của một đứa trẻ còn gánh vác cả thể diện của gia đình, dòng tộc, gánh nặng đó lớn đến mức chúng phải đánh đổi đi sự hồn nhiên của trẻ thơ, thời gian đẹp đẽ của mùa hè. Cha mẹ vì “sĩ” cũng sẽ nghĩ đủ mọi cách để con họ có thể vào trường chuyên, dù thực lực của các con không đủ. Một xã hội đua bằng cấp, những cuốn sổ học bạ full điểm 10, điểm 9 cũng chỉ lác đác hay chuyện một lớp học có 43 em thì 42 em học sinh giỏi... - Ai cũng giỏi, ai cũng điểm 10 thì các trường biết tuyển thế nào? Chẳng lẽ nước chúng ta nhiều thiên tài, nhiều thần đồng đến vậy sao?
Hay những cuốn học bạ siêu nhân đó được biến hóa bằng quan hệ lẫn tiền bạc? Nhận thức và trí tuệ của mỗi đứa trẻ là khác nhau nên chẳng bao giờ có chuyện ai cũng thành siêu nhân được. Họ đưa con họ vào những cuộc bon chen thành tích khi chúng còn quá nhỏ... Khi mùa hè đến, cứ ngỡ rằng là thời gian đẹp đẽ của tuổi thơ thì trở thành nỗi sợ của thi cử lẫn thành tích. Nhiều đứa trẻ sau khi không đỗ được vào trường mình mong muốn, nhiều em đã stress và còn nhiều điều tồi tệ hơn nữa. Trượt và đỗ là hai chuyện bình thường, mà đâu phải cứ vào trường chuyên là tài giỏi hơn trường thường, rất nhiều em học trường xã, trường huyện ở quê nhưng lại có thành tích cao hơn các học sinh trường chuyên. Môi trường học tốt là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn phải học bằng thực lực, bằng cố gắng của mỗi bản thân học sinh.
Bố mẹ nào cũng thương con, nhưng thương con và hiểu con đúng nghĩa lại là chuyện khác. Họ sẵn sàng vì cái lợi trước mắt - “bằng mọi giá con mình phải đỗ trường chuyên” để đánh đổi cái lâu dài - đó là sự phát triển của một đứa trẻ về tâm hồn lẫn thể chất. Những đứa trẻ chưa phải thi, thì cũng bị nhồi nhét, phải học trước những chương trình của năm học sau. Áp lực ganh đua điểm số của lớp, ít có bố mẹ nào chấp nhận con mình bị bỏ lại với bạn bè cùng lớp. Nhìn những đứa trẻ với cặp kính dày cộp phải học một đống kiến thức sau khi kết thúc năm học, vậy khái niệm “nghỉ hè” là gì? Làm ơn! Hãy trả lại mùa hè, trả lại tuổi thơ hồn nhiên cho chúng. Suy cho cùng, sau này khi lớn lên và trưởng thành những điều đẹp đẽ của thời thơ ấu sẽ đọng lại vào tâm trí của chúng chứ không phải những thành tích thi cử. Những gia đình ở thành phố, làm ơn hãy dạy con mình biết thả diều để nuôi dưỡng phần hồn, biết sinh tồn khi nhà chung cư bị cháy hay biết bơi khi bị khi gặp dòng nước siết... - những điều đó cần thiết gấp vạn lần việc bài học và việc học trước chương trình.
Hãy để mùa hè đến là bao niềm vui vun đắp cho một tuổi thơ đẹp đẽ, đó mới là sự hình thành và phát triển nhân cách và thể chất của mỗi đứa trẻ. Hãy trả lại khái niệm “nghỉ hè” về đúng với khái niệm muôn đời nay.