Sông Luộc vào mùa lũ, nước sông dâng cao, mặt sông gầm gào lên những tiếng kêu đau đớn. Phụng đang vững mái chèo về La Tiến, xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) quê anh. Làng đang có giặc Pháp, chúng đã đóng bốt ở đây được hơn một tháng rồi. Trời tối tèm nhèm, làng La Tiến hiện lên tàn tụi bần cùng, những đám khói bay lên từ những đống đổ nát- giặc đã đốt cả rồi. Ở bên kia sông - địa phận tỉnh Thái Bình, chuông nhà thờ vọng lại những tiếng nghe thê lương tang tóc... Phụng vẫn chèo thuyền, anh tranh thủ về thăm vợ con vì đơn vị của anh chuẩn bị đi chiến đấu ở chiến trường Tây Bắc. Bỗng anh nghe thấy tiếng ai gọi thì phải, nghe như người chết đuối ấy, Phụng lấy đèn pin soi xung quanh, có người đang thoi thóp. Phụng chèo thuyền đến chỗ người gặp nạn rồi kéo lên thuyền. Lấy đèn pin soi kĩ “Ô thì ra là một thằng lính tây”, máu đang chảy trên mặt hắn - Phụng nghĩ: “Hay thả nó xuống sông cho chết, nó là lũ cướp nước mà” Phụng định kéo thằng tây đó xuống sông. Nhưng thằng tây ú ớ van nài, nó nói tiếng gì Phụng chả hiểu, Phụng đoán nó đang cầu cứu. Bọn cướp nước thường như vậy, tội ác thường đi liền với sự nhát chết. Giết nó đang trong lúc nó đang gặp nạn cũng chả đáng, chi bằng cứ đưa nó vào bờ rồi mình đi về nhà. Thế là anh tha chết cho thằng tây, rồi tay vẫn chèo thuyền về nhà, thằng tây đổ nhiều máu chảy thành vũng trên thuyền...! Về đến bến La Tiến, Phụng tìm trong ba lô chút thuốc lào và lấy chiếc áo ba lỗ, băng vào trán thằng tây rồi bịt mồm và trói để nó lại gốc đa ven sông. Thằng tây nhìn anh có cái gì đó lạ lắm, nhưng Phụng không để tâm. Quấn băng xong, anh đi vào trong làng tìm nhà.
Từ trong nhà, thằng cu Tí nhận ra cha liền gọi và chạy ra đón cha. Nó ôm cổ cha, Phụng nhấc bổng con lên.
- Tí có nhớ ba không?
- Dạ có... nó bẽn lẽn trả lời. Tối ngủ ba kể chuyện đánh tây ngoài chiến trường cho con nhé?
- Ừ... à mẹ Tí đâu?
Thằng Tí chưa kịp trả lời thì có người con gái chạy ra, đó là Mùi - dì của Tí
- Chị Mơ đâu em? Phụng hỏi
Thằng Tí và cô Mùi cúi mặt xuống có cái gì đó không dám nói nhưng không thể giấu được, sự bùi ngùi chạy quanh người. Phụng bước nhanh lên thềm, anh giật mình... chiếc ba lô và chiếc mũ cối rơi xuống, mắt anh ngân ngấn nước như sắp trào ra. Có cái gì đó thắt nghẹn ở cổ họng, như ai đó đang cầm dao đâm vào trái tim anh những phát dao đau ghê gớm... Trên bàn thờ, bên cạnh di ảnh thầy anh là Mơ - người vợ đầu gối tay ấp của anh. Ôi có nỗi đau nào khi mất đi những người ta yêu thương nhất. Phụng trào nước mắt, đôi chân anh gục xuống. Người chiến sĩ cụ Hồ mạnh mẽ là thế nhưng trước những nỗi đau như vậy giờ khóc như một đứa trẻ, nước mắt ướt thấm vạt áo lính. Thằng Tí đứng ôm cột nó cũng khóc nức nở, còn Mùi cũng sụt sùi. Cô gạt dòng nước mắt vừa rơi, ra ôm thằng Tí vào lòng. Phụng đứng chết lặng trước bàn thờ vợ. Nỗi đau mất vợ bao giờ mới lành trong trái tim anh, hai dòng nước mắt vẫn chảy. Anh về thăm vợ con, mà giờ Mơ đã đi mãi mãi…!
Từ lúc anh đi chiến trường được ba tuần thì giặc tây kéo vào làng lập bốt, chị Mơ vào du kích... nhưng không may bị giặc phát hiện. Chúng đem tra tấn dã man, để tra tìm cán bộ chính trị, nhưng chị không khai. Rồi chúng đem chị ra cây đa cạnh sông treo cổ rồi ném xác xuống sông. Phải vài ngày sau dân làng mới vớt được xác - Mùi kể trong tiếng nấc nghẹn ngào, rồi quay sang ôm thằng Tí.
- Mẹ lũ khốn nạn! Phụng đấm tay xuống chiếu, hai hàm răng nghiến chặt, mắt anh đỏ sọc lên đầy căm phẫn.
Mất nước, mất người thân - có nỗi đau nào hơn thế?! Nhất định Phụng phải trả thù cho đất nước, cho Mơ. Phụng thoáng nghĩ: “có thể thằng tây lúc nãy mình cứu, cũng là một trong số những quân khốn nạn đã giết vợ mình”!...
Ngay đêm đó Phụng tìm về đơn vị và cùng đồng đội bước vào cuộc chiến đấu mới. Sau năm 1954 anh về lại La Tiến làm nghề đánh cá trên sông và tham gia ban quân sự xã. Rồi đến chiến tranh chống Mỹ, Phụng lại lên đường nhập ngũ anh chiến đấu dũng cảm quên mình cho Tổ quốc. Những lúc rảnh dỗi anh thường lấy ở túi áo ngực ra xem hình ảnh vợ chồng anh trong ngày cưới và nhìn chiếc khăn tay chiếc trâm cài đầu mà hôm nhập ngũ Mơ gửi cho anh. Hồi đánh Khe Sanh, anh tưởng rằng đã chết rồi, anh bị mất cả bàn tay. Rồi may mắn cho anh vẫn được trở về với gia đình, với làng quê có cây đa La Tiến và dòng sông Luộc.
Phụng giờ là đã là ông lão 80, có con cháu đuề huề. Đi qua hai cuộc chiến đã dạy cho con người ông biết bao điều. Chiều nay cũng như mọi chiều khác ông vẫn ra gốc đa La Tiến. Ông ngồi đó nhìn lại cuộc đời mình từ kí ức, cánh tay trái của ông đã bị mảnh bom khứa mất bàn tay. Nhưng mỗi khi ngồi dưới gốc đa tưởng tượng cách đây 60 năm người vợ của ông đang bị giặc Pháp treo trên cành cây. Nghĩ đến đó là nỗi đau đeo đẳng ông suốt cả cuộc đời lại hiện lên. Dưới gốc đa này đâu chỉ có vợ ông nằm xuống và còn hơn một ngàn người khác đã nhuốm máu. Nợ nước, thù nhà ông đã trả. Nhưng nỗi đau mất người thân, mất đồng đội vẫn găm chặt, âm ỉ trong trái tim ông... Ông đứng cạnh cây hoa đại màu đỏ đã nhuốm máu người dân Nguyên Hòa nhìn ra dòng sông Luộc , tiếng xình xịch từ chiếc phà đưa khách qua sông. Bên kia sông, chuông nhà thờ vẫn ngân vang xa thẳm…
- Thưa bác có một cựu chiến binh Pháp muốn gặp bác.
Một người thanh niên ra nói với ông, ông quay lại. Người thanh niên giới thiệu:
- Đây là ông Xăng đơ, một cựu chiến binh Pháp đã từng tham chiến ở nơi đây giờ quay lại có điều muốn nói với ông.
Ông Xăng- đơ nói tiếng Pháp, ông Phụng không hiểu nhưng vẫn gật đầu. Nhưng anh thanh niên đã phiên dịch hộ.
- Ý ông Xăng đơ muốn xin lỗi ông về cuộc chiến tranh người Pháp đã gây ra, và đặc biệt ở đây. Ông xin trả cho bác một tấm ảnh...
Ông Xăng đơ đưa tấm ảnh cho ông Phụng. Đó là bức ảnh của ông với vợ trong ngày cưới, khi ra chiến trường mỗi người cùng giữ một tấm. Ông lấy trong áo ngực tấm ảnh thì hai tấm in hệt, ông giật mình xúc động.
- Ông Xăng đơ đây chính là người ngày xưa bác đã cứu trên khúc sông Luộc này và cũng là một trong những binh lính pháp đã từng thi hành án tử hình ở cây đa này.
Nỗi đau quen thuộc lại nhói lên trong tim ông Phụng, trên khuôn mặt nhăn nheo lại dường như giãn nở hơn. Ông Xăng đơ nắm lấy tay ông Phụng, có cái gì đó mang ơn, cảm tạ đan xen với sự hối lỗi mong được thứ tha. Ông Phụng lần trong túi áo rồi lấy ra một vật và nói: Đây là đầu đạn của các ông đã bắn vào vai tôi, giờ tôi trả lại cho các ông. Chúng tôi sẽ tha thứ cho các ông nhưng sẽ không bao giờ quên những nỗi đau mà các ông đã gây ra cho chúng tôi!... Phố Hiến, mùa hạ 2016