Vui, buồn... nghề báo

Thứ sáu - 04/10/2019 08:33
Nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và đầy nguy hiểm. Với những người làm báo ở một nơi đất rộng, người đông, có đường biên giới giáp Lào, vùng núi hiểm trở thì càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận “dấn thân” để cho “ra đời” những “đứa con tinh thần” ưu tú nhất. Và họ luôn có những kỷ niệm buồn, vui trong nghề không thể nào nói hết...

Vốn là dân văn chính hiệu nhưng tôi “say” làm báo. Tôi còn nhớ như in, khi bước chân vào làng báo, tôi chẳng khác nào một cánh chim lạc đàn. Tôi đã từng rơi nước mắt khi lạc lõng, lúng túng giữa những miền đất xa lạ. Từng buồn da diết khi thấy mình ngơ ngác, đơn độc trong những cuộc hành trình dài. Từng băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu... Sự khắt khe của nghề có nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực. Nhưng lòng “say” nghề đã ăn sâu vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay và những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Tôi mê cái cảm giác được: Xách ba lô lên, đi và... cảm nhận! Những chuyến đi cho tôi những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, để “hiểu mình, hiểu đời”, biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời bất hạnh.
111
Dù công tác trong nghề nhiều năm, tôi vẫn thấy rằng thật khó để nói hết đặc thù công việc của mình. Nhiều anh chị đồng nghiệp của tôi thường nói rằng, vinh quang đến với họ không phải là những giải thưởng, mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời. Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, để trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc.

Nghề báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác, phóng viên phải chịu áp lực từ nhiều phía. Trong quá trình tác nghiệp, người phóng viên không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.

Công việc của phóng viên nhiều khi không kể thời gian, có thể lúc mọi người nghỉ ngơi lại là lúc phóng viên bắt tay vào viết, truyền tin, bài về cơ quan để bộ phận biên tập kịp thời biên tập, lên trang. Và rồi sau mỗi bài viết ấy, các phóng viên lại phải bắt tay ngay vào việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho số báo tiếp theo. Trong cách đánh giá của xã hội, nghề báo và nhà báo thường được gắn với chữ “sợ” và “ghét”. Bởi một tác phẩm báo chí ra đời, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất không chính đáng của một số tổ chức, cá nhân nào đó...

Gắn bó với nghề cũng chưa phải là dài, nhưng những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo khó mà kể hết. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Để rồi, tôi biết đau hơn với nỗi đau những cảnh đời bất hạnh, biết thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực của bà con nông dân khi được chứng kiến hiện trường vụ khai quật thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy). Những nơi ấy, nếu không đi, không cảm nhận thì không thể đau nỗi đau chung của bà con “vùng đất chết” này. Hay những lần bão lũ, tôi cùng các đồng nghiệp lại xách ba lô lên và đi. Đi để đưa cho kịp tính thời sự, nhưng chính những chuyến đi ấy tôi càng thấu hiểu hơn cuộc sống vất vả, cơ cực của bà con ở quê hương mình...

Những chuyến đi, những lần gặp khó khăn khi tác nghiệp càng giúp tôi trưởng thành hơn. Từ một cô bé luôn nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng đã cho tôi cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về cuộc sống, về con người. Có nhiều người bạn bảo tôi rằng: “Còn nhiều nghề khác có thể làm, sao ấy lại chọn cái nghề vất vả này?”. Và nhiều khi chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại yêu nó đến như vậy? Tôi thích những cuộc hành trình mà bất cứ phóng viên nào ở tờ báo này cũng phải trải qua... Chạy theo những cuộc hành trình, đi và viết!

Tôi đến với tờ Báo Thanh Hóa như một cái “duyên” vậy! Dù đã từng làm cho một số tờ báo Trung ương, nhưng không hiểu sao, trên “mảnh đất” mới này vẫn khiến tôi có chút gì đó lúng túng, ngỡ ngàng. Nhưng không phải là cái cảm giác bỡ ngỡ khi bước chân vào nghề, mà bởi cách đặt title, cách đặt vấn đề... như thế nào cho hợp với phong cách của tờ báo, cũng khiến tôi nhiều đêm trăn trở. Dù đã quen với nghề, nhưng có nhiều lúc tôi vẫn thấy áp lực. Nhờ được sự động viên, chỉ bảo tận tình của Ban Biên tập, cũng như các anh chị em đồng nghiệp ở cơ quan đã giúp tôi “xốc” lại tinh thần để tiếp tục theo đuổi đam mê. Mỗi lần “gặp khó” tôi đều nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình cách triển khai bài thế nào, làm sao cho tốt... tất cả đã giúp tôi tự tin hơn với nghề, tôi thầm cảm ơn vì điều đó!.

Và chính “mảnh đất” mới này đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ. Nơi đây đã cho tôi cảm giác thân thương, ấm áp sau những cuộc hành trình. Và hơn hết, chính ngôi nhà chung này giúp tôi hiểu hơn đằng sau mỗi bài viết tràn trang, hay chỉ là một mẩu tin bé nhỏ, đằng sau bút danh của phóng viên cụ thể, là công sức của cả tòa soạn, cả một “cỗ máy”, với rất nhiều người thầm lặng làm việc từ tinh mơ đến tận đêm khuya; từ khâu thu thập tin tức, viết bài, biên tập, lên trang... Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.

Có lần, chúng tôi nhận được đơn, thư phản ánh của người dân thôn 9, 10 xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn về việc cầu bắc qua sông Nhà Lê ở thôn 9 thi công chậm tiến độ, cùng với chất lượng không đảm bảo đã ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân của 2 thôn này. Sau khi xác nhận thông tin là có căn cứ, tôi cùng 2 đồng nghiệp đến hiện trường. Chỉ sau ít phút, khi đang tiếp nhận thông tin từ phía người dân thì có một nhóm người xuất hiện với thái độ không hài lòng và có ý cản trở chúng tôi tác nghiệp, họ còn theo về UBND xã để chụp hình chúng tôi nhằm mục đích “cảnh cáo”.

Hay như gần đây chúng tôi nhận được đơn thư về tình trạng một doanh nghiệp chế biến gỗ làm ô nhiễm môi trường ở huyện Như Xuân. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân cũng như lãnh đạo địa phương. Để có cái nhìn công tâm, tôi cùng đồng nghiệp liên hệ với lãnh đạo của doanh nghiệp này, nhưng sau khi thoái thác trách nhiệm, vị lãnh đạo này còn buông một câu “nếu muốn biết thì gặp anh...” - một trong những “đại ca” trong xã hội đen...

Những kỷ niệm của nghề thì nhiều, kể sao cho hết được, nhưng tôi luôn khâm phục những hy sinh thầm lặng của các anh, chị, em đồng nghiệp. Tôi thấy có gì đó “xót xa” khi nghĩ về những “rạn nứt” trong tình cảm gia đình của các đồng nghiệp. Công việc cuốn lấy, chúng tôi ít có thời gian quan tâm và chăm sóc cho người thân của mình. Áp lực công việc, áp lực thời gian đôi khi biến chúng tôi thành những người... “vô tâm”, “thất hứa”. Tôi thường xuyên nghe các đồng nghiệp nói mấy câu đại loại như: “Anh có việc đột xuất phải đi công tác, em và con chủ động cơm nước nhé, hôm nào xong việc anh về”, hay “Anh đón con giúp em nhé! Em đang đi làm sự kiện, chắc muộn mới về được...”.
Vì lý do công việc, nhiều khi chúng tôi trở về nhà lúc đêm đã khuya, thân xác đã mệt mỏi rã rời, ăn uống qua loa rồi lại vùi đầu vào bài viết, mải mê với tài liệu, với trăn trở suy tư... bởi công việc ngày mai vẫn còn bề bộn. Cũng đúng thôi, nghề này không chỉ đòi hỏi sự hy sinh của người làm báo mà người thân của chúng tôi cũng phải biết hy sinh, chia sẻ và cảm thông.

Với đòi hỏi chuyên môn về sự nhanh nhạy, kịp thời trong thông tin, người làm báo lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp. Họ không chỉ phải lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải hoàn thành tác phẩm đúng kỳ, đúng “hẹn”. Áp lực về thời gian là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, giữa các tờ báo có sự cạnh tranh rất lớn về tính chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin. Do đó, người làm báo phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với những gian nan, khó khăn trong hành trình tác nghiệp, bởi nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều.

Vinh quang và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Còn biết bao nhiêu chuyện vui buồn của giới báo chí mà không cách nào kể hết. Chỉ biết rằng phía sau những tác phẩm là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo chân chính.

Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề vẫn luôn coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Mong rằng, mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó.
 
 Hoài Thu
Báo Thanh Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây