MINH HOÀNG
Ngày 6/5/2025, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, trong đó, tỉnh Hưng Yên lần đầu tiên ghi dấu ấn đặc biệt khi lọt vào Top 10 các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm 70,18 điểm. Đây là kết quả ấn tượng, ghi nhận hành trình cải cách mạnh mẽ, kiên trì và bền bỉ của tỉnh trong suốt 5 năm qua.
Từ vị trí 53 vươn lên Top 10 trong 5 năm
Theo số liệu từ VCCI và báo cáo công khai từ chính quyền tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2020-2024 đánh dấu bước "chuyển mình" ngoạn mục của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI. Cụ thể:
Năm 2020: Hưng Yên xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố.
Năm 2021: Vươn lên hạng 39, tăng 14 bậc.
Năm 2022: Bứt phá lên vị trí 14, tăng 25 bậc so với năm trước.
Năm 2023: Tiếp tục giữ đà tăng trưởng, lên vị trí 12.
Năm 2024: Lần đầu lọt Top 10 cả nước.
Tốc độ cải thiện thứ hạng nhanh chóng này phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh trong việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cũng như xây dựng một chính quyền kiến tạo, đồng hành với phát triển kinh tế tư nhân.

Các chỉ số thành phần cải thiện rõ nét
Trong PCI 2024, 7/10 chỉ số thành phần của Hưng Yên tăng điểm so với năm trước, cho thấy sự cải thiện đồng bộ trên nhiều mặt:
Chỉ số Gia nhập thị trường: Tăng từ 6,90 (năm 2023) lên 7,48 điểm (2024)
Chỉ số Tiếp cận đất đai: Tăng từ 6,92 lên 7,17 điểm
Chỉ số Tính minh bạch: Tăng từ 5,89 lên 6,26 điểm
Chỉ số Chi phí thời gian: Tăng từ 7,63 lên 7,90 điểm
Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng: Tăng từ 5,88 lên 6,24 điểm
Chỉ số Tính năng động của chính quyền: Tăng từ 6,85 lên 6,87 điểm
Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Tăng từ 6,68 lên 7,13 điểm
Dù vẫn còn một số chỉ số giảm nhẹ như: đào tạo lao động, chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý, nhưng điểm tổng thể và xu hướng chung vẫn là tích cực. Điều này cho thấy tỉnh đã và đang tập trung khắc phục các tồn tại, tăng cường kỷ cương hành chính và minh bạch hóa môi trường đầu tư.
Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện
Điểm nổi bật trong chiến lược phát triển kinh tế của Hưng Yên những năm gần đây là việc tỉnh tập trung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, thực hiện trực tuyến qua hệ thống một cửa điện tử hiện đại, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, logistics và chuyển đổi số. Các cuộc đối thoại định kỳ với doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn, lắng nghe và phản hồi kịp thời các kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, trong quý I/2025, đã có 23 dự án đầu tư FDI và DDI mới với tổng vốn đầu tư gần 480 triệu USD vào các khu công nghiệp của tỉnh. Trong đó, tổng vốn đầu tư FDI (cấp mới và điều chỉnh) là 196,2 triệu USD và tổng vốn DDI thu hút là 1.545 tỷ đồng (tương đương với 283,2 triệu USD. Cũng trong quý I/2025, vốn đầu tư thực hiện của các khu công nghiệp và dự án đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, tương đương 175% vốn đầu tư thực hiện cùng kỳ năm 2024. Toàn tỉnh đã có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp với quy mô diện tích là 2.773,38 ha.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hiện có 35 khu công nghiệp được quy hoạch phát triển, với diện tích 12.048,63 ha. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 sẽ có 30 khu công nghiệp với tổng diện tích là 9.588,63 ha và giai đoạn sau năm 2030, quy hoạch phát triển mới 5 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.460 ha. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của tỉnh đang tăng mạnh, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm chính trị và sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh Hưng Yên trong việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện và đón sóng đầu tư vào tỉnh.
Thúc đẩy văn hóa công vụ và tính trách nhiệm
Một yếu tố quan trọng giúp Hưng Yên vươn lên trong bảng xếp hạng PCI là sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Chính quyền tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, số hóa các quy trình nội bộ, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Tinh thần phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp đã dần trở thành “văn hóa công vụ” của Hưng Yên. Sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao - thể hiện rõ qua chỉ số “Tính năng động của chính quyền” đạt 6,87 điểm.
Việc lọt vào Top 10 PCI 2024 không chỉ là bước ngoặt mang tính định lượng, mà còn có giá trị định hướng cho tương lai phát triển của tỉnh Hưng Yên. Điều này khẳng định rằng khi chính quyền địa phương thực sự cầu thị, đổi mới và hành động quyết liệt, thì sự phát triển đột phá là hoàn toàn khả thi.
Từ nền tảng vững chắc này, Hưng Yên có cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đóng vai trò là cực tăng trưởng mới của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên số đặc biệt (phát hành tháng 6/2025)