Tri ân quá khứ: Sống xứng đáng với mệnh lệnh của lương tri
Thứ ba - 15/07/2025 09:59
Từ năm 1947, ngày 27/7 – Ngày Thương binh liệt sĩ, đã trở thành một truyền thống trong lịch sử tri ân của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là dịp để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về bổn phận, trách nhiệm và đạo lý của mỗi thế hệ hôm nay. Bởi, sự hy sinh vì Tổ quốc không thể chỉ được lưu giữ bằng nước mắt của quá khứ, mà phải được tiếp nối bằng hành động tri ân thiết thực trong hiện tại và tương lai.
Mới đây (ngày 13/7), Đoàn cán bộ tỉnh Hưng Yên đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại (tỉnh Quảng Trị)
Những ký ức khắc sâu vào lịch sử dân tộc
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, đau thương vẫn in hằn trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cả nước đã xác nhận có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, cùng với gần 500.000 thân nhân liệt sĩ và hơn 117.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Cả nước có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng. Họ là những người đã viết lên bản hùng ca bất tử bằng chính máu xương và tuổi trẻ của mình.
Không có thống kê nào có thể kể hết những hy sinh thầm lặng ấy. Từ những người lính xông pha nơi trận mạc, các anh bộ đội cụ Hồ kiên cường ở tuyến đầu, đến những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, những người mẹ tiễn con ra trận rồi âm thầm chịu cảnh góa bụa, mất con, hay những em nhỏ sớm mồ côi cha mẹ vì chiến tranh. Tất cả đã làm nên một bản trường ca về lòng yêu nước và tinh thần bất khuất.
Để đất nước có được hòa bình, để Tổ quốc có ngày độc lập, họ đã đánh đổi những điều quý giá nhất. Chính vì thế, ngày 27/7 không chỉ là một ngày kỷ niệm. Đó là ngày để nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam rằng: có một quá khứ được đánh đổi bằng máu và nước mắt, có những con người đã vĩnh viễn nằm xuống hoặc mang trên mình vết thương không bao giờ lành.
Đoàn Hội Nhà báo Hưng Yên dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị (tháng 5/2025)
Tri ân không chỉ là nghi thức
Mỗi dịp 27/7, trên khắp mọi miền đất nước, những ngọn nến tri ân lại được thắp lên trong các nghĩa trang liệt sĩ. Những vòng hoa, những nén nhang, những phút mặc niệm thành kính… Tất cả đều là biểu tượng của lòng biết ơn và sự tưởng nhớ.
Thế nhưng, tri ân không chỉ dừng lại ở những nghi thức trang trọng. Sự tri ân lớn nhất, ý nghĩa nhất, chính là hành động cụ thể, là việc làm thiết thực hướng về những người có công với cách mạng, những gia đình thương binh, liệt sĩ, những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những thương binh nặng đang sống giữa đời thường. Trong suốt những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa của toàn xã hội. Từ việc xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, đến việc chăm lo đời sống, sức khỏe cho người có công, hỗ trợ con em thương binh, liệt sĩ học tập, lập nghiệp… Những hành động đó không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn là thông điệp nhân văn, thể hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc: Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn.
Không ít người từng nghĩ rằng, những hy sinh, mất mát của chiến tranh chỉ là chuyện của quá khứ. Nhưng quá khứ ấy chưa bao giờ nguôi trong trái tim những gia đình có người thân là liệt sĩ, thương binh. Vẫn còn đó những bà mẹ già cặm cụi bên bàn thờ con, vẫn còn đó những người vợ ngóng chồng trong vô vọng, những đứa trẻ mang trong mình di chứng chất độc da cam, những thương binh mỗi ngày chống chọi với bệnh tật, đau đớn.
Và, ngày 27/7 không thể chỉ là ký ức lặng lẽ nằm trong sử sách hay những bài diễn văn trang trọng. Nó là lời nhắc nhở mạnh mẽ về bổn phận của mỗi người hôm nay: phải biết sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy.
Đó là lý do tại sao ngày 27/7 được gọi là mệnh lệnh của lương tri. Lương tri của con người không cho phép chúng ta thờ ơ với quá khứ, càng không cho phép quên đi những người đã đổ máu vì Tổ quốc. Lương tri cũng không cho phép sự vô cảm, sự hời hợt khi nhắc đến công lao của những người đi trước.
Thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ quê Hưng Yên tại nghĩa trang Trường Sơn
Trách nhiệm của thế hệ hôm nay
Thế hệ trẻ hôm nay lớn lên trong hòa bình, nhưng sự bình yên này không tự nhiên mà có. Nó được đánh đổi bằng tuổi trẻ, bằng máu, bằng nước mắt của bao thế hệ cha anh. Vì thế, bổn phận của thế hệ hôm nay không chỉ là nhớ ơn, mà còn phải hành động: Trách nhiệm đó là bảo vệ thành quả cách mạng, là gìn giữ hòa bình, là xây dựng đất nước ngày càng phát triển, để sự hy sinh của các liệt sĩ, thương binh không trở nên vô nghĩa; Trách nhiệm đó là phải biết sống nhân ái, biết sẻ chia với những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đang từng ngày gánh chịu những hậu quả của chiến tranh. Không chỉ dừng lại ở việc tặng quà dịp 27/7, mà phải là sự quan tâm thường xuyên, lâu dài và bền bỉ; Trách nhiệm đó còn là việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng lối sống lành mạnh, sống có lý tưởng, tránh xa thói ích kỷ, vô cảm hay chạy theo lối sống thực dụng. Thế hệ trẻ hôm nay cần tự hỏi: mình đã làm gì để xứng đáng với những người đã khuất?
Chúng ta đang sống trong thời đại số hóa, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kinh tế và xã hội. Cuộc sống hiện đại có thể khiến con người dễ dàng cuốn vào guồng quay công việc, lo toan vật chất. Nhưng dù bận rộn đến đâu, vẫn không được quên quá khứ. Bởi một dân tộc không biết trân trọng quá khứ sẽ đánh mất tương lai.
Tri ân không chỉ là việc của riêng ngày 27/7. Tri ân phải là hành động thường nhật. Là mỗi khi nhìn thấy những thương binh trên đường, ta cúi đầu kính trọng. Là mỗi khi nghe kể về những anh hùng liệt sĩ, ta biết ơn bằng cả trái tim. Là mỗi khi góp sức cho công cuộc xây dựng đất nước, ta nhớ rằng mình đang tiếp nối sứ mệnh của những người đã hy sinh.
Ngày Thương binh liệt sĩ, vì thế, không chỉ là một ngày kỷ niệm để nhắc nhớ về quá khứ. Nó là mệnh lệnh của lương tri, là lời nhắc nhở về đạo lý sống, về trách nhiệm và bổn phận của mỗi con người Việt Nam hôm nay và mai sau. Khi mỗi người sống tử tế hơn, biết sẻ chia, biết trân trọng quá khứ và chung tay xây dựng tương lai, đó chính là cách tri ân ý nghĩa nhất đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.