CÁCH MẠNG MÀU” – MỘT BIẾN THỂ CỦA “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” VÀ “BẠO LOẠN LẬT ĐỔ” HIỆN NAY

Thứ sáu - 28/06/2024 14:45
Nhận diện về “cách mạng màu”
Không phải ngẫu nhiên chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lựa chọn các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), định hướng XHCN, các nước trong “không gian hậu Xô viết” để tiến hành chính biến bất hợp pháp trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm cuối thế kỷ XX; sự mất ổn định và lâm vào khủng hoảng của một số nước những năm gần đây Nam Tư (2000), Gru-di-a (2003), U-crai-na (2004), Cư-rơ-gư-xtan (2005), Tunisia (2010), Ả Rập Xê Út, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc.... (2011 - 2016) và gần đây là Kazakhstan (1/2022), càng khẳng định sự nguy hại to lớn của “Diễn biến hòa bình” (DBHB), bạo loạn lật đổ “BLLĐ” cách mạng màu “CMM”, đồng thời là lời cảnh báo mãnh liệt đối với Việt Nam.
tai xuong

CMM còn gọi là “Cách mạng nhung”, “cách mạng đường phố” là thuật ngữ chỉ các “kịch bản” lật đổ chính phủ đương nhiệm của một nước bằng các cuộc bạo loạn phi vũ trang, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.  Có thể hiểu CMM là phương thức giành chính quyền bằng biểu tình; thực chất, là cuộc đảo chính chính trị nhằm lật đổ chính quyền không thân Mỹ và phương Tây thông qua các chiến dịch tuyên truyền, đề cao các “giá trị dân chủ” tư sản; đặc biệt là thông qua các chiến dịch vận động tranh cử được tài trợ bởi các tổ chức chính phủ và phi chính phủ với sự tham gia của các cố vấn, các nhà ngoại giao và các nhà xã hội học phương Tây.
Tuy có tính độc lập tương đối nhưng DBHB, BLLĐ và CMM gắn bó hữu cơ với nhau. DBHB, BLLĐ tạo điều kiện và thời cơ để CMM có thể xảy ra và đạt được mục tiêu chủ yếu là tạo dựng ra được chính quyền mới theo kịch bản của các thế lực thù địch. CMM được tiến hành trên cơ sở những kết quả mà DBHB, BLLĐ mang lại. Trong những điều kiện lịch sử cụ thể, các thế lực thù địch có thể thực hiện thành công chiến lược DBHB mà không nhất thiết phải tiến hành BLLĐ, CMM. Tuy nhiên hiện nay, khi đẩy mạnh chiến lược DBHB, các thế lực thù địch thường tiến hành BLLĐ, CMM để thúc đẩy nhanh sự chuyển hoá chế độ xã hội, trước hết và quyết định nhất là thay đổi bộ máy lãnh đạo, điều hành đất nước theo kịch bản của chúng. Do đó, cuộc đấu tranh phòng, chống DBHB, BLLĐ phải gắn chặt với đấu tranh phòng ngừa nguy cơ CMM; làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn DBHB, BLLĐ của các thế lực thù địch và làm triệt tiêu những điều kiện, thời cơ xảy ra CMM.
Khác với DBHB lấy lừa dối, bôi nhọ, lấy chống phá về tư tưởng chính trị, kinh tế và hoạt động tình báo làm trọng điểm thì CMM được Mỹ, phương Tây và các thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức, thông qua nhiều con đường, cả công khai và bí mật tác động một cách toàn diện vào thể chế chính trị và các tầng lớp xã hội các nước “đối tượng” nhằm phân hóa, chia rẽ, khoét sâu mâu thuẫn, khủng hoảng về chính trị xã hội, tạo điều kiện đưa lực lượng đối lập với chính phủ hiện hành lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Trong đó, chúng triệt để khai thác và lợi dụng các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền hiện hành, tạo môi trường thuận lợi cho lực lượng đối lập hoạt động, đấu tranh nghị trường, tìm chọn và dựng “ngọn cờ” dân chủ trong số lãnh đạo hoặc nhân vật có ảnh hưởng bất mãn với chính quyền, thông qua đấu tranh đòi dân chủ hóa, công khai, hợp pháp hóa các hoạt động chính trị đối lập. Đáng chú ý là không chỉ lôi kéo, đào tạo, bồi dưỡng các phần tử “cốt cán” ở tầng lớp trên mà còn vào cả các tầng lớp “cơ sở”, “người đại diện các tầng lớp, thành phần khác nhau. Với phương thức này, chúng triệt để thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO) để gây ảnh hưởng, tuyên truyền mô hình xã hội, văn hóa, lối sống phương  Tây để bồi dưỡng tình cảm thân Mỹ và phương Tây trong đông đảo quần chúng, nhất là đội ngũ trí thức, tầng lớp trẻ.
Thủ đoạn thứ hai là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm tạo dựng môi trường, kích động hoạt động biểu tình bạo loạn trong quá trình CMM. Chúng sử dụng mạng lưới truyền thông của NGO để phục vụ việc tố cáo gian lận bầu cử, kích động quần chúng xuống đường biểu tình trong trường hợp cần thiết.
Thủ đoạn thứ ba dễ nhận thấy là Mỹ và phương Tây tăng cường gây áp lực đối với chính quyền đương nhiệm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng đối lập đẩy mạnh hoạt động chống đối chính phủ trong CMM. Chúng thường có những hành động can thiệp rất thô bạo như: Kích động dân chúng đi biểu tình phản đối chính quyền, mua cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đối lập; thăm dò dư luận ngay tại các điểm bầu cử với tỷ lệ ủng hộ luôn nghiêng về ứng cử viên đối lập...
Thủ đoạn khác không kém phần nham hiểm là dùng tiền, vật chất để kích động, lôi kéo quần chúng, sử dụng quần chúng làm áp lực đối với chính quyền, biểu tinh phản đối kết quả bầu cử khi phần thắng không thuộc về phe đối lập được Mỹ và phương Tây ủng hộ. Dưới sức ép các cuộc biểu tình của quần chúng, chính phủ cầm quyền sẽ phải nhượng bộ, trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho lực lượng đối lập tiến hành bầu cử lại và kết quả là phần thắng bao giờ cũng nghiêng về ứng cử viên thuộc lực lượng đối lập.
Bài học chủ động đấu tranh chống CMM cho Việt Nam
Do có vị trí chiến lược rất quan trọng và là một trong những nước XHCN còn lại đang tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, cho nên, Việt Nam là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng đang ra sức đẩy mạnh chiến lược DBHB và không loại trừ khả năng tiến hành CMM để chống phá cách mạng nước ta. Một trong những thách thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta chỉ ra là: “Hoạt động “DBHB”, BLLĐ của các thế lực thù địch sẽ gia tăng. Các thế lực phản động tiếp tục sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào nội bộ ta”. Đây thực sự là một nguy cơ lớn đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Bởi vậy, chủ động phòng, chống DBHB, BLLĐ và nguy cơ CMM là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
Trên thực tế, mặc dù CMM chưa được các thế lực thù địch thực hiện thành công ở nước ta, nhưng đã có manh nha với những biểu hiện cụ thể của âm mưu, thủ đoạn này ở Việt Nam và gây ra những hậu quả nhất định. Những năm vừa qua đã xuất hiện nhiều vụ việc cho thấy rằng, thế lực thù địch và phản động không ngừng nuôi âm mưu và sử dụng “chiêu thức” phản cách mạng để tấn công vào sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chúng lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng mạng xã hội, Internet cùng những hạn chế trong nhận thức, hiểu biết của một bộ phận không nhỏ quần chúng để xúi giục nhân dân biểu tình. Điển hình như: lấy danh nghĩa “Hướng về biển, đảo quê hương” để kích động biểu tình, bạo loạn, phá hoại, bài xích quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (như vụ phản đối giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam năm 2014 để tiến hành cái gọi là “cách mạng hoa sen”; vụ Formosa gây ra ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết; lấy danh nghĩa bảo vệ môi trường để thực hiện cái gọi là “cách mạng cây”; kêu gọi “xuống đường tổng biểu tình” năm 2018 tại 23 tỉnh, thành phố liên quan đến việc Quốc hội nước ta chuẩn bị thông qua và ban hành Luật An ninh mạng và Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định:Chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng”. Kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân. Kịp thời đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các băng nhóm tội phạm ma túy, có vũ trang, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.
Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Theo đó, để ngăn chặn và triệt tiêu những nguy cơ của của CMM, chúng ta cần nhất quán mục tiêu chủ động, phòng ngừa, phát hiện sớm và loại trừ mọi yếu tố, điều kiện mà các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành DBHB, BLLĐ, CMM, đồng thời triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động của chúng, bảo vệ vững chắc XHCN ở Việt Nam. Nói cách khác, phòng, chống DBHB, BLLĐ, CMM phải đặt trọng tổng thể công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nhằm bảo vệ vững chắc thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phải có sự phối kết hợp của nhiều lực lượng, phương tiện, biện pháp cả công khai và bí mật, đặc biệt là giữa cơ quan an ninh với các cơ quan tuyên giáo, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, đồng thời phải gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo n định chính trị, mở rộng quan hệ đối ngoại, phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực phục vụ tốt nhất cho công cuộc phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; phải gắn kết chặt chẽ với phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Muốn đạt được mục tiêu này, Đảng ta đã xác định quan điểm chỉ đạo là mở rộng dân chủ xã hội XHCN nhưng kiên quyết không đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, huỵ động tổng lực sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo thế và lực cho công cuộc phòng chống DBHB, BLLĐ và CMM; chủ động xây dựng các kịch bản và phương pháp xử lý khi xảy ra BLLĐ, điểm nóng vượt tầm kiểm soát, mục tiêu không để bị cô lập, “thu nhỏ vụ việc, không để ảnh hưởng xấu lan rộng”, lấy vận động chính trị làm nòng cốt.
Trong cuộc chiến âm thầm không tiếng súng này, để hoàn thành mục tiêu cuối cùng, giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, phải “bắt đầu” từ những yếu tố chủ quan, bao gồm tình hình kinh tế - chính trị - xã hội nội tại. Trong đó, không thể không quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục và toàn diện nhiệm vụ đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực xã hội; chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, giải quyết tốt các vấn đề xã hội… để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần giáo dục rộng rãi trong toàn xã hội để mọi người dân, mọi tổ chức chính trị - xã hội đều nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược DBHB, BLLĐ, CMM của các thế lực phản động, quyết tâm không để tồn tại biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác trong một bộ phận nhân dân, học sinh, sinh viên trước âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm chống phá nước ta của kẻ thù. Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho toàn dân, trọng tâm là thanh niên. Xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh về mọi mặt. Đây là cơ sở, tiền đề, là “thành trì” bảo đảm cho chế độ xã hội luôn ổn định, phát triển. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước phải luôn luôn chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngày càng vững mạnh về mọi mặt; nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở các cấp, nhất là ở cơ sở. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Không ngừng chú trọng xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại), xây dựng vững mạnh lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, lực lượng an ninh nhân dân ở cơ sở... 
HL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây