Xây dựng môi trường văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển cơ quan báo chí và tổ chức hội các cấp

Thứ hai - 26/12/2022 02:20
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 24/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thắt chặt kỷ cương, nề nếp, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Trong năm 2022, hoạt động báo chí nói chung, của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực và kịp thời, góp phần không nhỏ vào việc định hướng thông tin cũng như công tác quản lý nhà báo, hội viên, giúp cho báo chí ngày càng có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

111
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tính đến hết tháng 11.2022, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số hội viên là 23.447 hội viên, sinh hoạt tại 288 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 205 chi hội trực thuộc Trung ương.

Báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Báo chí thực sự đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội…

Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền hoặc vì động cơ không trong sáng khác.

Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm. 

“Với góc độ là tổ chức chính trị -xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam thông qua việc giám sát, xử lý các vi phạm Điều lệ Hội, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý các sai phạm” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Lợi cũng thông tin cụ thể về các kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Theo đó, việc thực hiện 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được chú trọng.

Hội Nhà báo Việt Nam trong các cuộc họp giao ban do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã cùng trao đổi, nhận xét, đánh giá tình hình, nội dung thông tin trên báo chí dưới góc độ nghiệp vụ và đạo đức; lưu ý, nhắc nhở, phê bình đối các cơ quan báo chí khi có dấu hiệu sai phạm về tôn chỉ mục đích, Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đồng thời cũng biểu dương, khen ngợi các cơ quan, Báo, tạp chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền của ngành, tổ chức mình, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, làm tốt công tác quản lý phóng viên, nhà báo, đặc biệt là các phóng viên thường trú ở các địa phương.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập trung tiến hành đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, tổ chức nhiều đợt giám sát tại các Liên chi hội, chi hội trực thuộc Trung ương Hội và một số Hội Nhà báo ở các địa phương, góp phần thắt chặt kỷ cương, nề nếp, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo được các cấp hội coi là nhiệm vụ thường xuyên, được lồng ghép trong các chương trình hội nghị, tập huấn nghiệp vụ, giao ban cơ quan…

Qua công tác giám sát có thể thấy, báo chí địa phương thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội và tuân thủ quy định pháp luật, tỷ lệ vi phạm chủ yếu ở báo chí Trung ương tập trung vào Khối các cơ quan Tạp chí điện tử...

“Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” vẫn diễn ra gây bức xúc đối với dư luận xã hội. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; vẫn còn những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo hiện nay” – nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Để khắc phục, chấn chỉnh “báo hoá” tạp chí, trang thông tin, mạng xã hội và biển hiện “tư nhân hoá” báo chí giúp cơ quan chức năng, các báo, tổ chức, cá nhân... nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 302 ngày 27/9/2022 về việc thực hiện Kế hoạch 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay” được tuyên truyền, phổ biến rộng đến các cấp Hội. 

Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp, tham gia ý kiến để Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biển hiện “tư nhân hoá” báo chí. 

Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ, nêu ý kiến ở góc độ Hội vào quy trình xem xét, xử lý các trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí đến mức phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng thông tin thêm về kết quả xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh báo chí thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí, 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân hội viên, nhà báo có sai phạm.

111
Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam được trao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
(Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 9 vụ việc liên quan đến 11 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật. Thường trực Hội đồng xử lý đạo đức nghề nghiệp đã nhắc nhở một số trường hợp nhà báo có những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội…

Trong vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lợi cũng đặt ra giải pháp để khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, tham gia mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng, đó là: Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện nghiêm 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan pháp luật cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện và xử lý nghiêm những nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp bằng nhiều hình thức là đình bản, rút giấy phép, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên. Những hành vi vi phạm pháp luật đến mức truy tố thì xét xử nghiêm minh để tăng tính răn đe, cảnh báo.

Chỉ đạo, quán triệt tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”

Xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài đối với Hội Nhà báo các cấp, nhất là các cơ quan báo chí và người làm báo, coi đây là động lực thúc đẩy sự phát triển cơ quan báo chí và tổ chức hội các cấp.

Trong thời gian qua, Tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo, quán triệt tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết cam kết thực hiện Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Các cấp Hội đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí.

Ngoài ra, trên cơ sở vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Hội, Hội Nhà báo Việt Nam kịp thời xây dựng, định hướng mục tiêu phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội. Với sự chỉ đạo, điều hành sát đúng của lãnh đạo tổ chức Hội, sự hưởng ứng mạnh mẽ của hội viên, sức mạnh đoàn kết, đồng thuận được nhân lên, tạo nên những kết quả hết sức to lớn trong hoạt động báo chí, hoạt động Hội.

Trung ương Hội đã phân công Ban Công tác Hội là đơn vị thường trực giúp việc Thủ trưởng Cơ quan Trung ương Hội; hướng dẫn, động viên các cơ quan báo chí, các cấp Hội tích cực tham gia phong trào, ký kết giao ước thi đua và triển khai thực hiện. Có 94 đơn vị đã nộp bản cam kết, trong đó: 37 Hội Nhà báo tỉnh/thành phố, 6 Liên chi hội và 51 Chi hội trực thuộc.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng tiến hành xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Quy chế thay thế Quy chế thi đua, khen thưởng năm 2018, đưa nội dung văn hóa báo chí, văn hóa người làm báo vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm, trao tặng danh hiệu thi đua nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt.

Các cấp Hội Nhà báo tích cực triển khai thực hiện, tổ chức lễ phát động thi đua trong cơ quan báo chí, ký kết giao ước thi đua trong các chi hội, câu lạc bộ nhà báo, người làm báo trực thuộc; tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhiều đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua như: Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Kon Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long; Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân, Chi hội Nhà báo Báo Nông thôn ngày nay, Chi hội Nhà báo Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Thanh tra...

Đặc biệt, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo báo chí với chủ đề “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và Người làm báo văn hóa” thu hút sự tham gia trao đổi của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài địa phương, các cơ quan quản lý báo chí của tỉnh.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, việc triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trong thời điểm hiện nay là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong “sứ mệnh của người cầm bút”. 

 

Nguồn NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây