Lại nói về niềm tin

Thứ năm - 08/12/2022 15:53

Tôi cũng từng có đoạn đời là học trò mài quần trên ghế nhà trường phổ thông như bất cứ ai. Thậm chí, từng có lúc còn là cậu học trò được xếp vào loại “cá biệt”, rất ngỗ nghịch, suýt bị nhà trường đuổi học. Là bởi lần ấy tôi đã liều lĩnh viết một bài thơ bốn câu nội dung có tý “phản động” bằng miếng ngói vỡ đỏ như son trên cái chỗ treo bảng gỗ trắng phau trong phòng học. Chả là khi nghỉ hè, tấm bảng gỗ phết sơn đen nhánh được người ta tháo ra, cất vào kho để bảo quản. Năm ấy, tôi vừa học xong lớp 5, tức lớp đầu của cấp 2 phổ thông 3 cấp cách nay ngót sáu chục năm...

Tôi cũng từng trải qua đời lính chiến, mấy năm ròng rã sống và chiến đấu ở chiến trường khu V sục sôi bom đạn đêm ngày. Tôi cũng đã từng có ba chục năm dạy học ở mấy trường cấp 3, sau này gọi là Trung học phổ thông, ở miền Bắc và cả Tây Nguyên nữa. Mãi đến khi nghỉ hưu, tôi mới chính thức làm nghề viết văn cho đến ngày nay…

Từng trải khá nhiều đắng cay, chua ngọt liên quan đến dạy và học, cho nên những điều tôi sắp nói đây là từ chính từ những trải nghiệm của bản thân, những điều mắt thấy-tai nghe ở quanh mình. Dẫu có thể là chẳng có gì to tát, nhưng cũng là điều tôi trăn trở mãi trong lòng…

1. Hơn mười năm trước, nhà tôi ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Thường thì buổi chiều, tôi đẩy xe đưa cháu gái nội đi chơi mấy chỗ công cộng, gần nhà, lại khá sạch sẽ, thoáng mát. Có lần, bên con mương (rạch) cũ chưa được cải tạo, có bóng hàng cây dâu da râm mát, tôi thấy vài ba cậu học trò áo trắng, đeo khăn quàng đỏ đang vui vẻ chơi cờ. Bàn cờ là miếng tường gạch phế liệu, lát gạch men nhẵn bóng, ai đó đã kê sẵn. Tôi dừng xe đẩy, đứng xem một tẹo. Mấy cậu học trò cấp Trung học cơ sở vừa chơi cờ, vừa nói chuyện bung bét. Một cậu hỏi bạn một câu về cô giáo môn toán của chúng, kèm một từ đệm rất tục mà tôi không thể chép ra đây, rồi cả bọn phá lên cười. Đấy! Học trò còn đeo khăn quàng đỏ đấy! Tôi giật mình thất kinh. Ôi chao! Học trò? Ai dạy chúng như vậy nhỉ? Vì sao chúng lại có thể ăn nói như bọn lục lâm thảo khấu như vậy nhỉ? Mà lại nói về cô giáo dạy mình? Tôi về nhà than thở cái điều vừa trông thấy, nghe thấy ấy với bà vợ, cũng là nhà giáo nghỉ hưu. Mà buồn mãi, ấm ức mãi chưa thôi…

Một lần khác. Đúng hơn là nhiều lần khác, tôi cũng dắt cháu đi chơi buổi chiều muộn như mọi bữa. Buổi chiều mát mẻ, ở cái sân láng bê tông phẳng phiu sạch sẽ trong khuôn viên có tượng đài Liệt sĩ kiêm “vườn chơi” dành cho thiếu nhi của phường. Đông đúc đủ loại lứa tuổi thấp cao. Chúng chơi trượt băng, trượt máng nhựa và cả đá bóng. Chúng chả thương gì những cây hoa cây cảnh trong khuôn viên. Hàng chục chiếc ghế đúc bằng bê tông được mài láng bóng rất đẹp, gần như tất cả đều bị sứt mẻ, vỡ nát. Người có tâm cung tiến những chiếc ghế này, chắc đau lòng lắm. Lại có chỗ dưới bóng cây, vài cặp đôi nam nữ học trò cấp 2 ôm nhau, hôn hít, sờ mó, say mê như không thèm để ý đến ai, không cần biết có ai đang làm gì ở bên. Thảo nào mà tình trạng phá thai ở lứa tuổi vị thành niên càng ngày càng tăng lên đến cấp độ chóng mặt, kinh hoàng…

Thời chúng tôi đi học, bất quá cũng chỉ là nghịch ngợm với nhau thôi, chứ đâu có dám hỗn láo với thầy cô. Tình trạng bát nháo, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong nhà trường, lỗi ở đâu đây? Hay ở kinh tế thị trường, yếu tố thương mại xen lẫn vào khu vực trường ốc, xâm hại mối quan hệ đạo đức và tình cảm thầy trò, chính là nguyên nhân và hậu quả vô cùng đáng buồn ấy hay chăng?

Công bằng mà nói, ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đời sống của giáo viên nhìn chung còn rất khó khăn, nhưng quan hệ thầy trò vẫn cơ bản tốt đẹp. Các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, phần lớn đều là những tấm gương trong sáng, giàu đức hy sinh cao cả. Còn quan hệ thầy trò nơi thành thị phồn hoa, đua chen, xô đẩy, chèn lấn lẫn nhau thì… Lý do bởi cơ chế xã hội còn có chỗ bất cập, hay bởi sức công phá dữ dội, sức mê hoặc ghê gớm của đồng tiền?

2. Lại liên hệ chuyện thầy đồ ngày xưa dạy học ở hương xã, ở ngay chính ngôi nhà tranh xơ xác của thầy. Trò từ khắp nơi lặn lội đến xin theo học. Cha mẹ học trò cũng phải ít nhiều có nghĩa vụ chu cấp cho thầy, để thầy còn có miếng ăn mà tồn tại, để có sức khỏe mà dạy trò, năm này qua năm khác. Trò đỗ đạt, làm quan, có bổng lộc thì bảo nhau đóng góp tự nguyện để sửa sang, nâng cấp nhà cửa cho thầy; mua sắm tặng thầy những vật dụng đắt tiền, sang trọng… Đó chính là biểu hiện của cái nghĩa, cái tình, cái đạo lý trong sáng. Thầy ra thầy và trò cũng ra trò…

Thời chúng tôi còn học phổ thông ở quê, một số thầy ở vùng xa được điều động đến. Một số gia đình khá giả “nhà ngói cây mít” tình nguyện nuôi thầy, nhường chỗ ở, chỗ làm việc tốt nhất cho thầy, thậm chí không cần “thu phí”. Là vì lương nhà nước chu cấp cho thầy cũng chả được dư dật được bao nhiêu. Mà thầy còn phải nuôi vợ nuôi con. Dân làng tôn kính các thầy, thường gọi là Ông Giáo. Nghề dạy học tuy nghèo, nhưng thong thả và sang trọng. Thế cũng vui rồi!

Hồi tôi mới học xong Cấp 2 phổ thông ở trường làng, đói lắm. Đói toàn dân, chứ chả phải riêng gia đình đông con như nhà tôi. Tôi lặn lội sang huyện An Lão, thuộc tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng) để mong tìm kiếm thêm cái chữ. Thời gian chờ đợi để được xét vào học Cấp 3 phổ thông (nay là THPT) tôi ở trọ một gia đình nông dân thuần phác. Mới 16 tuổi, nhưng tôi là người có “học vấn” cao nhất ở cái làng trại Công giáo, giữa cánh đồng, xung quanh sông nước bao bọc. Tôi đề nghị ông Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp của làng cho tôi được mở lớp mẫu giáo, lấy gian nhà khách của nhà thờ để dạy học. Hợp tác xã chu cấp cho tôi mỗi tháng đâu như vài ba thùng thóc, đủ sống. Có khoảng gần chục cháu bé cả trai lẫn gái đến học. Tôi mượn được quyển sách giáo khoa vỡ lòng, cứ thế mà dạy bọn trẻ nghêu ngao. Dân làng, kể cả các cụ già chống gậy, gặp tôi đều chào hỏi cung kính, gọi tôi là “Anh Giáo”. Ban đầu tôi hơi ngượng, nhưng rồi quen, cũng tự coi mình như “Anh Giáo” thật. Và rồi luôn tự sửa mình cho đúng với cái danh ấy.

Sau này tôi có gần chục năm dạy học ở trường cấp 3 Tây Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Hồi đó tôi mới tốt nghiệp Đại học sư phạm. Phụ huynh học sinh ở xã Thụy Ninh mời thầy lên thăm gia đình. Tôi cưỡi chiếc xe đạp cũ kỹ lên Thụy Ninh, để tìm hiểu thêm gia cảnh của học trò. Cha mẹ học trò đón tiếp thầy cực kỳ long trọng. Đến bữa cơm, gia đình dọn mâm cơm đặt lên chiếc phản gỗ. Ngỡ rằng, ít ra cũng phải bốn người ngồi rộng rãi. Hóa ra, mâm cơm trên phản chỉ có ông nội của học trò và tôi là thầy giáo được ngồi. Cha mẹ học trò cũng không được phép ngồi cùng. Ôi chao! Ngượng ơi là ngượng. Hóa ra thầy giáo trẻ được tôn quý đến mức đặc biệt như thế này?

Chao ôi, “bao giờ cho đến ngày xưa”?...

***

Nhân đây, có lẽ cũng cần phải nghiêm túc nhắc đến câu chuyện rất đáng quên về sách giáo khoa gần đây. Chúng tôi cũng không thể cầm lòng mà không nói ra những sai sót rất đáng phàn nàn, thậm chí đến mức không thể chấp nhận được, đặc biệt là sách giáo khoa môn Ngữ văn và môn Lịch sử. Những sai sót khi làm sách giáo khoa, có cái là do hoàn cảnh khách quan, nhưng phần nhiều là do chủ quan, hậu quả sẽ rất tai hại. Mong các nhà làm sách giáo khoa nên tự kiểm tra lại mình, có trách nhiệm cao hơn nữa, nâng cao trình độ chuyên môn, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của công việc biên soạn sách giáo khoa. Mong hơn nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học hơn nữa trong việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Đó là cách tốt nhất đem lại niềm tin cho nền giáo dục nước nhà!

Khái niệm “niềm tin” nó trừu tượng lắm, không thể “mắt thấy, tay sờ” được. Tuy nhiên, hai chữ “niềm tin” luôn định hình, tồn tại như một thực thể vô cùng sống động. Nó có thể sống rất lâu, thậm chí sống mãi. Nó có thể chuyển hóa cả về lượng và chất, biến thành “đức tin” tôn giáo vô cùng huyền diệu, vững bền. Nhưng niềm tin cũng có thể bỗng chốc biến mất tiêu bất cứ lúc nào, một khi cái “thực thể niềm tin” kia bị biến tướng, hoặc bị đánh cắp…

 

Tác giả: Vũ Bình Lục
Nguồn Văn nghệ số 49/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây