Trọn vẹn một cuộc đời cương cường và nhân nghĩa*

Thứ năm - 29/12/2022 16:12

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN TRẦN HUY QUANG

(Trích Điếu văn của BCH Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà văn Khuất Quang Thụy, Ủy viên BCH,

Tổng Biên tập báo Văn nghệ, đọc tại lễ truy điệu nhà văn Trần Huy Quang - 17/12/2022)

111Nhà văn Trần Huy Quang tên khai sinh đồng thời là bút danh, sinh ngày 9/1/1943. Quê gốc: xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Phổ thông năm 1963, năm 1964, Trần Huy Quang gia nhập Quân đội. Từ 1964 đến 1972, ông là lính pháo binh, phụ trách Thanh niên xung phong, dạy văn hóa trong quân đội, và viết văn. Cái tên Trần Huy Quang xuất hiện trên văn đàn ngay từ khi ông còn là một binh nhì, với truyện ngắn đầu tay in tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1968. Liên tiếp sau đó là những truyện ngắn, bút ký viết về cuộc chiến tranh như mà ông từng tham gia, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ… Cũng trong thời gian này, người lính pháo Trần Huy Quang đã trở thành tân khoa Trạng nguyên Văn của tạp chí Sông La cùng với tân khoa Thơ là Nguyễn Trọng Tạo, trong một cuộc thi sáng tác văn học.

Tám năm sau, năm 1978, anh lính pháo Trần Huy Quang sau khi tốt nghiệp khoa Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội, về làm phóng viên báo Độc Lập. Có lẽ đây là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của ông, ứng với câu “Nghề chọn người”… Để rồi 10 năm sau, năm 1987, do yêu cầu phát triển của báo Văn nghệ, Ban Biên tập báo Văn nghệ khi đó đã xin ông về tăng cường cho Ban văn xuôi của tuần báo. Đây là giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, tại đây, Trần Huy Quang đã nhanh chóng trở thành một cây bút viết phóng sự cự phách, dũng cảm xông thẳng vào mọi mặt của đời sống để phát hiện vấn đề. Chính vì điều đó mà những phóng sự của ông đã khiến cho văn đàn trở nên sôi động một thời, mà Câu chuyện về một ông vua lốp có thể nói là bài báo mở đầu, đưa Trần Huy Quang lên vị trí của một trong những nhà văn tiêu biểu trong văn học Việt Nam giai đoạn Đổi mới. Câu chuyện về một ông vua lốp xuất hiện trên văn đàn vào năm 1987, trong cuộc thi ký do Tuần báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, được dư luận lúc đó đã đánh giá “Giống như tiếng sấm nổ giữa trời quang”… Kết quả tác phẩm đã được trao giải Nhất cùng với 2 tác phẩm khác, nhưng là tác phẩm duy nhất đụng chạm đến những vấn đề thiết cốt nhất của đời sống xã hội lúc ấy.

Tiếp theo “mạch” của câu chuyện này, năm 1988, Lời khai của một bị can ra đời, được đánh giá “là lời tố cáo một cơ chế bất công vô lý tất yếu vùi dập mọi khát vọng và sáng tạo của con người”, định vị một Trần Huy Quang với bút pháp“rất báo chí mà rất văn học” trong thể loại phóng sự. Tác phẩm này sau đó cũng đưa tác giả của nó đến với Giải thưởng báo chí Hội Nhà báo Việt Nam năm đó.

Gặt hái những thành công rực rỡ ở thể loại phóng sự báo chí, song từ sâu thẳm con người mình, Trần Huy Quang vẫn là một nhà văn từ tất cả những nhạy cảm tinh tế của tâm hồn. Các tác phẩm văn học của ông được nhắc đến nhiều như tập truyện ngắn Sự trắc trở đã qua (1984) tiểu thuyết Ngày mai (1985) tiểu thuyết Ngọn khói (1986) tập truyện ký Người làm chứng (1988), tiểu thuyết Nước mắt đỏ (1989) tiểu thuyết Mối tình hoang dã (1990), tiểu thuyết Chị dâu (1994) tiểu thuyết Khúc hoàn lương (1995), tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc (1998), tiểu thuyết Chân trời xa thẳm (2008),  tập ký Thánh ca Truông Bồn (2011) v.v… Ông cũng được xem là một nhà văn “bén duyên” với tiểu thuyết. Đã có những cuốn tiểu thuyết của ông được bạn đọc và giới phê bình đón chào nồng nhiệt, như Nước mắt đỏ, và Mối tình hoang dã. Những tác phẩm viết về chiến tranh này của Trần Huy Quang ít tiếng súng, khói lửa, ít những trận đánh ác liệt, mà nghiêng về những dấu vết của chiến tranh trong tâm hồn con người, về những bi kịch, về nỗi đau, về thân phận... Vậy nên nó khiến cho người đọc thấy tin yêu con người nhiều hơn...

Chuyện văn chương thì thế, còn chuyện cuộc đời, tiếp xúc với Trần Huy Quang, khi đã trở nên thân tình, người ta dễ dàng nhận thấy sự chân thành, nhân hậu. Những chân thành, nhân hậu được đắp bồi từ cuộc sống và những miền đất mà ông đã đi qua, được dung dưỡng bằng tâm hồn mẫn cảm để kết tinh thành sự tin cậy mà người đối thoại cảm nhận được từ ông. Có một câu chuyện không phải do ông mà do bạn văn kể lại, rằng thời còn chiến tranh, đơn vị Đoàn 72 của ông đóng quân ở huyện miên núi Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vậy nên mảnh đất này trở thành nơi gắn bó với ông cả từ hiện thực chiến tranh cho đến tận thời hậu chiến, và trở thành chất liệu để ông viết nên cuốn tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc sau này. Khi cuốn tiểu thuyết được nhận giải A tác phẩm viết về chiến tranh của Tổng cục Chính trị - QĐND Việt Nam, ông đã trở lại Hà Tĩnh, về với Đồng Lộc, đến từng gia đình của 10 cô gái TNXP, nhân vật của cuốn tiểu thuyết để tri ân, và sau đó ông đã hoá 10 cuốn sách nơi khu mộ các cô vào một buổi chiều mùa đông mưa giăng gió lạnh… Những ứng xử ấy thực sự đã biến Trần Huy Quang thành một nhân vật đầy ấn tượng trong cuốn tiểu thuyết của cuộc đời. Nơi đó, ông vừa là tác giả, vừa là nhân vật. Nhân vật Trần Huy Quang trong cuốn sách của đời ông, bên canh những thành công, bên cạnh những vinh quang, bên cạnh những ân tình san sẻ, thì cũng có những góc khuất, những khoảng lặng, những trầm tư u uất. Thế nhưng trước tất cả những điều ấy, nhà văn Trần Huy Quang luôn thể hiện là một người bộc trực mà khiêm cung; thẳng thắn mà kiệm lời; giản dị mà chu đáo; nghiêm khắc mà chân tình; cẩn trọng mà hài hước; chắt lót mà hào sảng. Ông thâm trầm như núi và cuồn cuộn như biển. Ông cũ kĩ như đá và mặn mòi như muối. Ông là một nhân sĩ xứ Nghệ đặc thù, một người tử tế. Càng bị dày vò, dằn hắt, ông càng viết khỏe, dường như mọi phần thưởng hay hình phạt đối với ông đều được biến thành tài sản, thành vốn liếng để làm nên sự cuốn hút của những con chữ mà ông đã và sẽ viết ra…

***

Sinh năm 1943, Tết Quý Mão này nhà văn Trần Huy Quang tròn tuổi 80. Dù không chạy theo số lượng, nhưng với tám tiểu thuyết, bốn tập truyện ngắn và quãng năm mươi bút ký, phóng sự. Từng ấy có lẽ cũng đủ để yên tâm khép lại một đời văn. Nhưng Trần Huy Quang không chỉ có thế. Về với ngôi nhà báo Văn nghệ từ năm 1987, với tư cách là một nhà văn, ông đã thực sự dấn thân một cách quyết liệt để gióng lên những tiếng chuông nhạy cảm giữa bụi bặm cuộc đời bằng ngòi bút của mình; còn với tư cách của một người biên tập, ông đã cùng với những đồng nghiệp ở tòa soạn khi đó, âm thầm tạo ra những cú huých đắc địa và thích đáng để cỗ xe văn học có những chuyển động đáng kể. Hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, nhìn lại bức tranh Văn xuôi trong suốt thời gian ấy, không thể phủ nhận được rằng những cuộc thi truyện ngắn, bút ký trên báo Văn nghệ những năm từ 1991 đến 1997 là những cuộc thi sôi động và xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều tác giả cá tính nhất. Về phía khách quan, đó là thành quả của bầu không khí đổi mới trong đời sống văn học thời gian này. Song về phía chủ quan, thì vai trò của những người “cầm chịch”, của những người “gác cổng” khi ấy cũng là những tác động không hề nhỏ. Không nhỏ, nhưng lại âm thầm khuất lấp, mà Trần Huy Quang là một trong số đó. Trong thời kỳ này, ông từng giữ cương vị Trưởng ban văn xuôi của báo

Gắn bó với báo Văn nghệ đến năm 2006 Trần Huy Quang nghỉ hưu. Ông về sống tại quê Nghệ An, song trên văn đàn nói chung và đặc biệt là báo Văn nghệ nói riêng, cái tên Trần Huy Quang vẫn thường xuyên xuất hiện dười những bài ký, những truyện ngắn sắc sảo và có phần gai góc. Thỉnh thoảng ông vẫn xuất hiện giữa bạn bè trong các cuộc vui, những sự kiện của đời sống văn học với nụ cười mủm mỉm khiêm nhường. Những tưởng ông sẽ tiếp tục ung dung qua cái ngưỡng “Bát thập đắc hi hỉ”. Vậy mà “sinh có hạn, tử bất kỳ”. Chỉ còn vài ngày nữa thì tròn tuổi 80, ông đã vội vã ra đi. Sự ra đi cũng đột ngột, nhưng với Trần Huy Quang thì chẳng có sự đột ngột nào làm ông lúng túng. Vào viện chưa đầy 2 tuần sau khi phát hiện ra trọng bệnh, mặc dù sức khỏe giảm sút rất nhanh, nhưng ông vẫn có những quyết định riêng của mình. Bạn bè vào thăm, ông nói, sống đến tuổi này là đã lãi lắm! rồi tiếp: Vậy là mình khỏe đến lúc chết; mình muốn một cái chết khỏe…

***

Nhà văn Trần Huy Quang đã sống trọn vẹn một cuộc đời cương cường và nhân nghĩa của kẻ sĩ chân chính, như trong câu thơ bạn thơ viết về ông: Mỗi giọt chữ là “nước mắt đỏ”, văn anh nhỏ thấm kiếp người. Dù có lúc vui lúc buồn, nhưng không bao giờ ông là kẻ bi lụy, yếu đuối. Với gia đình, ông luôn thể hiện vai trò của một người trụ cột mẫu mực, là cây cao bóng cả để con cháu quy tụ, trưởng thành. Trong lý lịch của ông không ghi những huân chương, huy chương, không có những danh hiệu được phong tặng. Với ông, bên cạnh sự ghi nhận của độc giả đối với tác phẩm, thì một gia đình êm ấm, con cái trưởng thành, cùng người vợ thuỷ chung, tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu ông hết lòng, cũng là phần thưởng xứng đáng cho một nhân cách lớn…

Với tất cả những gì ông đã làm được trên thế gian này, chắc chắn rằng ở nơi xa kia, ông sẽ thực sự thanh thản.


_____

1. Tiêu đề do tòa soạn đặt.

Nguồn Văn nghệ số 52/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây