Nhà văn Trần Huy Quang : Còn đó những ký ức khó phai

Thứ hai - 19/12/2022 14:47

Nhà văn Trần Huy Quang sinh năm 1943 tại Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự, ông về học và tốt nghiệp khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở lại Quân đội dậy học. Ông tham gia sáng tác rồi chuyển ngành về làm phóng viên báo Độc Lập từ năm 1977. Mười năm sau, ông chuyển về làm biên tập viên báo Văn Nghệ (1987), rồi Trưởng ban Văn xuôi (1998) cho đến khi nghỉ hưu (2008).

Nhà văn Trần Huy Quang đã xuất bản 15 đầu sách, truyện ngắn, tiểu thuyết và phóng sự xã hội. Ông đã được nhiều giải thưởng văn học và báo chí, đáng chú ý có Giải nhất cuộc thi bút ký năm 1986, với “Câu chuyện ông vua lốp”. Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1998, với tiểu thuyết “Những cô gái Đồng Lộc”, và giải nhì Bút ký của Tạp chí Nhà Văn, năm 2008… Nhà văn Trần Huy Quang đã rời xa cõi tạm ngày 15 tháng 12 năm 2022 (tức ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Dần); Hưởng thọ 80 tuổi.

Lễ viếng nhà văn Trần Huy Quang được tổ chức vào hồi 15 giờ 00 phút, ngày 17 tháng 12 năm 2022, tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Văn nghệ xin gửi đến bạn đọc bài viết của nhà thơ Vương Tâm như một nén tâm nhang tiễn biệt ông—một nhà văn, đồng nghiệp đáng kính.

-----------------------------

Nhà văn Trần Huy Quang

                  Còn đó những ký ức khó phai

Vương Tâm

Nhà văn Trần Huy Quang sớm nổi tiếng ở những phóng sự xã hội, với tư duy phản biện sắc bén, thể hiện tính công dân của một nhà báo đầy trách nhiệm. Có thể nói, những phóng sự của anh, ngoài sự khốc liệt của thực tế, còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Phóng sự của Trần Huy Quang giầu tính văn học và cuốn hút bạn đọc. Mở đầu là “Câu chuyện về ông vua lốp”, gây chấn động làng báo và tạo một hiệu ứng tương tác xã hội tích cực

1. Một nhà báo đầy bản lĩnh
111
Tôi là một trong những nhà báo sống trong thời kỳ “Câu chuyện về ông Vua lốp” (in báo Văn Nghệ-năm 1987) của nhà văn Trần Huy Quang. Hay tin chúng tôi háo hức tìm đọc ngay và lấy làm ngạc nhiên vì tính dữ dội của câu chuyện. Tác giả kể về thân phận của một anh thợ thủ công Hà Nội, mỗi năm làm ra hàng ngàn chiếc lốp xe thô bằng phế liệu, mà còn bị bỏ tù, tịch thu nhà cửa. Trong tù, người thợ này vẫn thắp hương cầu khẩn các cơ quan pháp luật khỏe mạnh và sáng suốt làm cho đúng pháp luật, đừng đổ oan cho người dân làm ăn lương thiện. Đó là tiếng kêu cứu và tiếng chuông cảnh tỉnh lòng người. Phóng sự của anh lập tức gây dư luận nóng bỏng trong đời sống xã hội, bởi tính phản biện sắc sảo, dám chịu trách nhiệm, khi dùng ngòi bút bênh vực và bảo vệ người lao động. Đó cũng là tín hiệu sự bùng nổ của con chữ đứng trước thử thách của thời kỳ đổi mới.

Mới đây có dịp gặp lại anh tại gia đình, chúng tôi như được sống lại với không khí sôi nổi, một thuở cuốn hút bạn đọc. Anh nheo mắt kể, khi viết “Câu chuyện ông Vua lốp” (sau bạn bè thường gọi tắt là “Vua lốp”) đòi hỏi một bản lĩnh bứt thoát khỏi thông tin “một chiều” của thời kỳ bao cấp. Mà báo Văn Nghệ lại là nơi phát hỏa đầu tiên, gợi mở cho sự đổi mới chính ngay trong làng báo Việt Nam. Kết quả hết sức không ngờ, những câu chuyện bức xúc của người lao động trong “Vua lốp” đã được các nhà quản lý ở Hà Nội tổ chức mấy cuộc họp cùng với báo chí giải quyết thấu đáo. Vậy là sự phản biện của báo Văn Nghệ có hiệu quả tích cực càng làm phấn khởi và củng cố lòng tin cho các nhà báo.

 Ngay trong năm đó, nhà văn Trần Huy Quang được chuyển về báo Văn Nghệ làm việc (1987), anh còn viết tiếp những phóng sự mới như “Lời khai của bị can”, và “Người biết làm giầu” cũng với ý tưởng cất lên tiếng kêu cứu cho người lao động, đòi hỏi sự đổi mới cho một hành trình sản xuất và thương mại. Từ đó, trên báo Văn Nghệ xuất hiện hàng loạt phóng sự của những tác giả khác như “Những cơn sốt vàng ở Hiệp Đức” (Trinh Đường), “Đá nổi xôn xao” (Hoài Tố Hạnh); “Làng giáo có gì vui” và “Anh hùng khi đã sa cơ” (Hoàng Minh Tường”; hoặc báo liên tiếp xuất hiện các phóng sự đầy gay cấn khác như “Thủ tục làm người còn sống” (Minh Chuyên); “Đêm hôm ấy đêm gì?” (Phùng Gia Lộc); “Người đàn bà quỳ” (Trần Khắc); hay đầy khắc khoải như “Con đường máu chảy” (Trần Quang Quý); “Tiếng đất” và “Đêm trắng” (Hoàng Hữu Các); “Nỗi oan khuất của cây dâu” (Quách Vinh)…

 Không ít những phóng sự trên Văn Nghệ đã có những phản hồi trái chiều, vẫn được in để phản ảnh một không khí khách quan, người đọc sẽ tự tìm ra lẽ phải và chân lý do các tác giả đã nêu ra. Hầu hết các phóng sự in trên báo Văn Nghệ đều có sức hấp dẫn bạn đọc đón. Có những ngày nhiều người phải xếp hàng mua báo, và thường phải đón sớm ở cổng cơ quan đợi báo về. Tôi còn nhớ nhà báo Trần Bạch Đằng đã viết bài báo cảm nhận và có sự đánh giá cao những phóng sự in trên báo Văn Nghệ trong hai năm, dồn dập những bài hay và phản biện tích cực trong đời sống. Có đoạn ông đã nhấn mạnh đến phóng sự “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang rằng: “Rất ngắn gọn song mang tầm bao quát, phản ánh cái khiến tất cả ai còn chút lương tri đều nhức nhối” (Văn nghệ số 17/1988).

 Thực ra, đó là lời nhận xét và đáng giá chung cho hầu hết các phóng sự và sự dấn thân của các tác giả, khi bước vào thời kỳ “nóng bỏng” của công cuộc đổi mới. Bởi ngày đó, không ít người trong làng báo đi viết phóng sự phản ánh tiêu cực đã bị “ăn đòn” thực sự, hoặc những “tại nạn” vô cớ đã xảy ra. Trần Huy Quang sực nhớ lại chuyện đã xảy ra với tác giả Phùng Gia Lộc khi viết phóng sự “Đêm hôm ấy đêm gì” in báo Văn Nghệ số tết năm 1988. Lập tức phóng sự gây cú sốc trong bạn đọc và làng báo khi ấy. Một không khí rạo rực mới lạ, khi tác giả muốn đứng ra bênh vực bảo vệ quyền lợi và đời sống của người nông dân quê hương mình. Nhưng không ngờ, tác giả bị chính quyền địa phương săn đuổi, phải trốn chạy khỏi quê nhà ra Hà Nội. Nay đây mai đó. Cuối cùng nhà thơ Bế Kiến Quốc cưu mang “ nuôi giấu” anh suốt mấy tháng trời, cho đến khi “vụ án” được giải tỏa.

 Những ký ức tràn về rỡ ràng trên đôi mắt khô khốc ướm màu thời gian của nhà văn Trần Huy Quang. Sống động và đam mê. Tôi có cảm giác niềm vui sướng một thời viết báo với lòng tự nguyện trả giá bằng máu và nước mắt như một thuở chiến trường ngày nào mà Trần Huy Quang đã trải nghiệm 10 năm trên chiến trường. Anh tự tổng kết đời mình chia ra làm ba giai đoạn: Mười năm quân ngũ ở đơn vị pháo binh; 10 năm làm phóng viên báo Độc Lập; Hai mươi năm làm báo Văn nghệ cho đến khi về hưu. Nhưng phải nói vào đầu những năm đổi mới khoảng từ 1987 đến 1997, cuộc đời làm báo của anh thật sự sôi động và có cơ hội thể hiện một tư chất công dân của nhà báo. Văn nghệ chính là cái nôi cho những cây bút phát triển và cất cánh bay cao từ những năm tháng đó.

2. Gánh nặng văn chương một đời

Cũng trong những năm tháng sôi động này, Trần Huy Quang không những thành công ở thể loại phóng sự xã hội, với những giải thưởng cao của báo chí, mà  còn có những thành công trong văn học, với những truyện ngắn hay và tiểu thuyết, được bạn đọc ghi nhận. Anh nhớ lại cuộc thi truyện ngắn vào thời điểm (1990-1991), khi là biên tập viên. Dường như đây là một sự tiếp nối đầy hứng khởi của báo Văn nghệ, sau sự xuất hiện những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn gây dư luận xôn xao, với một không khí mới lạ. Cùng với đó là những truyện ngắn được bạn đọc đón nhận như “Khách ở quê ra” của Nguyễn Minh Châu, “Cái bóng cọc” của Bùi Hiển… Cuộc thi đã ghi dấu ấn cây bút trẻ Lại Văn Long, với truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện” (Giải nhất), cũng đánh dấu một thời kỳ khởi động những câu chuyện gai góc, biến ảo, mới lạ thoát khỏi cách viết mang yếu tố tả thực, hiền lành, không nêu được ý tưởng gì trong thời bao cấp. Chính thời kỳ này, nhà văn Trần Huy Quang đã có những truyện ngắn và tiểu thuyết được đánh giá cao như: “Sự trắc trở đã qua” (Tập truyện ngắn-1984”, “Người làm chứng” (Truyện ngắn và ký-1988); “Ngày mai” (Tiểu thuyết-1985); “Nước mắt đỏ” (Tiểu thuyết-1988); “Mối tình hoang dã” (Tiểu thuyết-1990); “Những cô gái Đồng Lộc” ( Tiểu thuyết-1998)…và mới nhất là “Chân trời xa thẳm” (Tiểu thuyết-2008). Đặc biệt anh gây ấn tượng mạnh ở những truyện ngắn như “Linh Nghiệm”; “Ám ảnh có thật”, hay tiểu thuyết “Nước mắt đỏ”.

 Lẽ dĩ nhiên, dù anh không muốn nhắc lại đến “Linh Nghiệm” in Văn nghệ-1992, một tai nạn văn chương mà anh hứng chịu, nhưng người đọc cũng phải công nhận truyện ngắn của anh có sự ám ảnh và phiêu ảo, với bút pháp mới lạ của một tác giả có tài. Thấy tôi định nói đến chuyện xẩy ra với anh cách đây đã hơn 26 năm, anh chợt gạt đi và nói, báo Văn nghệ có nhiều phen phải kiểm điểm lắm chứ không gì riêng mình. Rồi anh kể một loạt chuyện, nào là tại sao lại in bài này với cái tít “Côi cút giữa vòng đời”; nào là cớ gì mà lại in minh họa con chó đứng trước micro; Rồi nữa có những nghi vấn không đâu về chi tiết người đút tay vào cái bình không rút ra được, trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…Không ít lần có những tay báo phải bỏ đi in lại, lỗ hàng chục triệu chỉ vì những lo toan, non vía ngày đó. Biết sao được, anh chỉ phân vân với những suy diễn, hay ám chỉ “sát hại” phía sau, làm tác giả phải hứng chịu nhưng không có cơ quan nào đứng ra bênh vực, bảo vệ. Họ chính là những người cô đơn, yếu thế phải cam chịu mà không biết bảy tỏ ở nơi nào. Nghe anh nói, tôi chợt nhớ đến trường hợp mới nhất xảy ra, khi báo Văn nghệ bị kiểm điểm và công khai xin lỗi bạn đọc, vì đã in truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của Trần Quỳnh Nga, với những sai trái về lịch sử. Thực ra phải nhìn nhận, tác giả có những ý tưởng tìm tòi nhưng không đạt yêu cầu, vậy cũng chỉ nên nhắc nhở mà thôi. Mọi sự làm quá lên vì dư luận đem đến những hệ lụy cho tác giả không đáng có quả là cay nghiệt. Mục đích văn học là sáng tạo. Mỗi thất bại cho dù cay đắng sẽ làm cho họ trưởng thành. Đây là một tác giả trẻ có tài cần được khích lệ.

Nhà văn Trần Huy Quang chợt mỉm cười, vui vẻ nói báo Văn nghệ là một “Thương hiệu”, nên nhiều tác giả muốn xuất hiện để được khẳng định tài năng. Trước đã vậy, nay vẫn thế, không chỉ những cây bút trẻ và cả những tác giả đã thành danh đều tự hào và lấy làm sung sướng khi được in tác phẩm trên báo Văn nghệ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, những truyện ngắn chưa thu hút nhiều bạn đọc, có thể đây là những tác phẩm không phải xoàng, nhưng vì không có đột phá mới lạ. Âu đó cũng là quy luật. Nếu không nói là cơ hội cho sự xuất hiện những tài năng chưa tới. Tuy nhiên “Thương hiệu” báo Văn nghệ cần phải được giữ gìn, phát huy tối đa có thể. Đó là những tác phẩm hay và đời sống văn học trẻ cần được mở rộng và khích lệ. Cuộc thi nào cũng không hẳn là những thành công như mong đợi, nhưng báo Văn nghệ là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng trẻ, và đem lại hy vọng cho họ.

 Nhà văn Trần Huy Quang tỏ ra rất vui khi được làm việc và phát huy tài năng trong suốt những năm tháng sôi động của thời kỳ đổi mới. Đặc biệt trong mươi năm đầu, báo Văn nghệ gặp không ít “sự cố” nhưng lại là bước tiếp nối cho công cuộc tạo dựng “Thương hiệu” vang danh trong suốt 70 năm của báo. Đó là niềm vinh dự đáng tự hào. Anh cười hằn lên những vệt thời gian khắc khổ của một đời văn chương. Tôi như bắt gặp phía sau những nét xù xì kia là sự mơ mộng đến không cùng của một tấm lòng, hướng thiện cầu mong cho cuộc sống an lành. Những câu chuyện qua các bài báo và truyện ngắn cùng tiểu thuyết của anh đã nói lên điều đó. Sự sẻ chia nhân ái. Sự phẫn nộ với những bất công trong cuộc sống. Cuối cũng là đấu tranh đòi trả lại cuộc sống những gì vốn có của nó. Tôi bỗng nhớ đến lời tự bạch của anh: “Để nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, nâng tôi lên trong cơn tuyệt vọng, đưa tôi vượt qua sự chán nản và đừng ngã lòng trước những hiểm họa và thất vọng” (Khoảng trống-2008). Tôi yêu Trần Huy Quang ở lẽ đó.
 

Nguồn Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây