Nghề dạy học và những điều “vụn vặt”…

Thứ ba - 22/11/2022 15:20

Tôi là nhà văn đã có hơn ba chục năm dạy học phổ thông, trong đó có 31 năm làm hiệu trưởng trước khi nghỉ hưu cách nay dăm năm.

Nhiều người... rất nhiều người cho đến nay vẫn cho rằng Nhà nước ta đang ưu tiên, rất ưu ái cho giáo viên. Xin thưa, nếu trong thang bậc lương của giáo viên hiện nay thì giáo viên vẫn đứng thấp so với rất nhiều ngành nghề. Một giáo viên ra trường được mười năm lương cũng không bằng người làm “osin” trông trẻ. Giáo viên có phụ cấp đứng lớp 25-30% ư? Vâng... chỉ được vài tháng hơn, rồi sau đó tất cả các ngành đều đồng loạt phụ cấp. Một người làm tạp vụ ở cơ quan Đảng, đoàn thể cũng có phụ cấp 30%. Có ngành còn phụ cấp tới hơn 100%... Kết quả cuối cùng người làm nghề cao quý nhất vẫn có mức lương bèo bọt nhất.

Nhìn các thầy cô giáo lúc nào cũng đĩnh đạc khoan thai thì tưởng là “nhàn”, nhưng mấy ai hiểu cho bờ vai của người thầy đang bị đè nặng áp lực công việc. Thế hệ nhà giáo như tôi cả thời đi học và đi dạy đã được hưởng ít nhất 3 lần cải cách giáo dục, bình quân khoảng 10 năm một lần và ngoài ra còn chịu thêm hàng chục lần chỉnh lý, đổi mới… Thời học sinh rồi cũng qua đi nhưng nếu anh còn gắn bó với nhà trường trong công việc giảng dạy thì anh luôn phải thay đổi. Thay đổi đến chóng mặt, người có năng lực cũng rã rời, người không đủ năng lực thì không thể nào theo nổi. Sự thay đổi về chương trình sách giáo khoa, thay đổi về nghiệp vụ giảng dạy, thay đổi về công tác quản lý. Càng về sau càng nhiều sự thay đổi. Đến nay thì giáo viên đã quá mệt mỏi vì các cuộc thay đổi, vì chưa kịp làm quen với cái mới lai tiếp tục thay đổi để thành cái mới hơn. Vẫn biết rằng sự đổi mới là cần thiết nhưng thực ra điều quan trọng là hình như chúng ta đang đưa giáo dục đi theo một cái hướng lòng vòng vô định nên cứ loay hoay thay đổi.

Lại còn các công việc mà cấp trên cùng các chuyên viên luôn nghĩ ra mọi cách để hành hạ giáo viên. Tôi nói “hành hạ” là nói thật không cường điệu. Sinh viên học sư phạm 4 năm đã được nhà trường Sư phạm cho học và làm tất cả các công việc của người thầy. Khi tốt nghiệp ra trường đương nhiên đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của người dạy học. Rồi để được dạy học còn phải qua một kỳ thi tuyển. Thế mà đã dạy dăm mười năm thậm chí gần ba chục năm, ngành còn đòi phải có chứng chỉ dạy học. Lại phải tiếp tục học lại những điều đã học để được cấp chứng chỉ (dĩ nhiên phải nộp tiền học và tiền chứng chỉ). Đấy là sự vô lý, vô lý đến mức không hiểu nổi. Điều dễ hiểu ở đây là mỗi chứng chỉ không dưới 2 triệu (dù có học hay học qua loa), mỗi giáo viên ít nhất 3 chứng chỉ... tính ra mỗi Sở Giáo dục là một con số khủng, toàn quốc sẽ là một con số khủng khiếp. Giáo viên không muốn cũng buộc phải theo. Không thì mất nghề…

Lại nữa: Giáo viên học phổ thông thì một kiểu, đi dạy học dạy theo một kiểu, và đổi mới lại thay đổi theo kiểu khác. Toán học thì mỗi lần thay sách là một hệ Tiên đề khác nhau. Mà hệ Tiên đề mới được thiết lập thì những khái niệm bỗng chốc thay đổi, nếu không chú ý thì giáo viên sẽ nhầm lẫn lung tung. Rồi môn Văn từ chỗ học Văn sang học Tiếng, chẻ hoe câu chữ, biến cái đơn giản thành hàn lâm, biến cái kinh nghiệm giao tiếp bằng tiếng nói thông thường thành cái ma trận rắc rối đến mụ mị đầu óc học sinh, còn giáo viên thì quay cuồng chuyển đổi… Chưa kể đến cái sự tích hợp Sử Địa và Lý Hoá Sinh. Giáo viên được đào tạo chuyên nhưng dạy tích hợp, nếu không cẩn thận thì sẽ dạy sai, nếu không dạy sai thì chắc chắn sẽ hời hợt vì giáo viên đâu có hiểu kỹ? Rồi thay đổi hình thức tên gọi. Ví dụ Natri (Na) thành Sodium, Sắt (Fe) thành Iron, Đồng (Cu) thành Copper. Loạn cả lên, chả biết lối nào mà lần…

Sự thay đổi hình thức đang hành hạ giáo viên bằng những quy định mỗi ngày càng thêm rắc rối. Giáo án đổi thành Thiết kế bài dạy rồi Kế hoạch bài dạy và đưa ra buộc phải thực hiện mẫu giáo án 20 trang cho một giờ lên lớp 45 phút. Rồi các loại hồ sơ sổ sách, ra đề thi theo ma trận, sổ theo dõi ghi chép các loại, rồi quy định dự giờ đồng nghiệp, hội giảng, sáng kiến kinh nghiệm, chấm trả bài... Chỉ những việc hồ sơ sổ sách vậy cũng đã làm giáo viên không thể thở. Ban ngày ở trường, đêm về cặm cụi soạn bài chấm bài…

Lại còn bao nhiêu danh hiệu tập thể và cá nhân phải phấn đấu, bao nhiêu chỉ tiêu này nọ phải đạt bằng được… khiến giáo viên cứ phải quay cuồng trong cái trận đồ bát quái của các loại thành tích khốn khổ. Lại còn các cuộc thi của các ngành, các cấp nhà trường phải tham gia nữa: Nào là tìm hiểu truyền thống của các tổ chức ban ngành, nào là môi trường, nào là dân số, an toàn thực phẩm... Một năm vài ba lần tìm hiểu. Giáo viên là người chịu trận trước tiên. Người nào cũng phải có bài dự thi và còn hướng dẫn cho học sinh lớp mình tìm hiểu. Ít nhất là cũng phải đủ số lượng bài tham gia. Một số nơi còn yêu cầu giáo viên làm những việc vô lý như tiếp khách, văn nghệ để phục vụ các thể loại đại hội, hội nghị, các cuộc thanh tra... Ngành Giáo dục cũng cho rằng đấy là việc phải làm để “phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương” như ông cựu Bộ trưởng nọ đã từng lý giải.

Cho đến giờ chưa phát hiện được ai trong cả triệu giáo viên phổ thông của cả nước tham ô của học sinh dù chỉ 1 đồng. Nhưng giáo viên lại là người bị “chửi” nhiều nhất về việc thu tiền học sinh. Mặc dù Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã riết róng răn đe lạm thu, nhưng xem ra các nhà trường vẫn không bớt mà có khi còn tăng thêm. Có nhà trường tính ra trên hai chục khoản thu. Các ông bà Hiệu trưởng khoán trắng chuyên môn cho giáo viên rồi chỉ chăm chăm nghĩ ra cớ thu tiền học sinh để hưởng hoa hồng từ cái tăm tre đến bảo hiểm, đồng phục…

Những điều nói trên có thể các quan chức cho rằng nói toàn những điều vụn vặt. Nhưng có là giáo viên mới biết những điều tưởng như vụn vặt ấy lại gây cho họ sức ép tâm lý rất nặng nề. Anh nào cũng lo lắng hồi hộp không biết mình có được đánh giá hoàn thành trách nhiệm hay không (như cô giáo ở Bình Định mới đây đã viết trong thư tuyệt mệnh). Thấy một sự việc thì chỉ để thấy mà không dám nói và cũng không muốn nói. Muốn đề xuất một ý kiến thì phải qua nhiều cấp do thiết chế giáo dục chặt chẽ đến mức nghẹt thở từ Tổ trưởng đến Hiệu phó rồi Hiệu trưởng, Công đoàn, Chi bộ... rồi mới lên đến cấp Phòng, sang UBND huyện (quận)… Tính ra, một ý kiến của giáo viên nếu đến Bộ trưởng phải qua áng chừng gần chục cấp kiểm duyệt. Thường thì nó chỉ đến Hiệu trưởng là bị ách lại vì các ông bà Hiệu trưởng vị thành tích. Nếu lên đến cấp huyện thì giáo viên đã bị đánh giá là chống đối. Tiêu cực cứ thế phát sinh mà trên không hề biết. Giáo viên đành chịu ấm ức một mình. Cho nên dễ hiểu vì sao phát hiện những sai sót trong sách giáo khoa mới là do người ngoài ngành và mấy ông giáo về hưu phát hiện, chứ có rất ít tiếng nói của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Cái búa rìu “không hoàn thành nhiệm vụ”, “cố ý chống đối” luôn treo lơ lửng trên đầu giáo viên nên họ phải cố sức để tránh. Từ sinh ra chuyện giáo viên chỉ biết mình, không có sự liên kết bảo vệ nhau. Một sự việc xảy ra đối với một người thì những đồng nghiệp khác sẽ là người ngoài cuộc. Họ dửng dưng vô cảm bởi nếu cất tiếng nói bảo vệ sẽ bị liên luỵ. Đấy là chưa kể còn rất nhiều người a dua nịnh nọt cấp trên, tiếp tay cấp trên đẩy con người trung thực xuống vực thẳm…

Xót xa lắm!

Viết những điều này xin người đọc đừng cho là vụn vặt. Có thấy cái “vụn vặt” mới cảm thông với người dạy học. Nếu coi giáo viên là người thợ thì xin hãy nhìn giáo viên như những công nhân các ngành khác, đừng nghĩ họ là đối tượng để đổ lỗi. Muốn vậy cần phải có sự thay đổi. Việc cần thay đổi đầu tiên là hãy xoá ngay bệnh hình thức trong giáo dục. Nếu có đổi mới phải đổi mới bản chất nội dung phương pháp để giáo dục thực sự khai phóng cho con người, chứ không phải để khoe chữ hàn lâm, khoe thành tích phát triển, khoe quy mô đào tạo…

Đừng bao giờ và không bao giờ cho phép biến nhà trường thành thị trường như hiện nay!

 

Tác giả: Nhà văn Mai Tiến Nghị
Nguồn Văn nghệ số 47/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3865-1.jpg TS9-3931-2.jpg
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,023
  • Tháng hiện tại63,903
  • Tổng lượt truy cập2,347,709
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây