Để từ chức không còn là “của hiếm”(!)

Thứ hai - 07/11/2022 16:05

Đầu tháng 9/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành thông báo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Theo đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Trước đó đầu tháng 11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận khi có đủ căn cứ theo quy định.

Kim cổ Đông Tây, từ chức là chuyện bình thường đối với quan chức. Tháng trước, bà Magdalena Andersson - nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển đã quyết định từ chức và thừa nhận thất bại của đảng Dân chủ Xã hội do bà lãnh đạo. Tuần vừa qua, bà Liz Truss cũng xin chức thủ tướng Anh sau hơn một tháng cầm quyền “do chương trình cải cách kinh tế đã gây ra nhiều chia rẽ trong nội bộ đảng và những tác động không tốt trên thị trường”. Hoặc như Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng xin từ chức vì đại dịch Covid-19 bùng nổ ở Nhật Bản mà không đưa ra các chính sách phòng chống có hiệu quả v.vv… Có thể nói hành động từ chức của các nguyên thủ quốc gia, các quan chức đầu tỉnh, đầu ngành ở nước ngoài là không hiếm, trái lại rất phố biến. Lý do họ từ chức: Có thể là không đủ điều kiện, năng lực đảm nhiệm chức vụ; bất lực, thất bại trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thử thách dữ dội; hoặc có thể là do sức ép của phe đối lập và dư luận xã hội. Cũng có khi vì lý do sức khỏe hoặc vì những bê bối cá nhân; thậm chí chỉ vì những sơ xuất thường nhật như ngủ gật ở nghị trường hay phát ngôn thiếu chuẩn mực…

Ở nước ta, thời phong kiến xa xưa đã có nhiều đại thần, đại quan treo ấn từ chức được ghi vào sử sách. Chu Văn An là người học cao biết sâu rộng, liêm chính, ngay thẳng, khí phách nên được vua Trần Minh Tông “mời làm Quốc tử giám Tư nghiệp, dạy thái tử học. Đến đời Trần Dụ Tông, ông khuyên can vua bớt ăn chơi, xa hoa, chăm lo chính sự, và dâng “thất trảm sớ” chém 7 tên nịnh thần. Vua không nghe, ông không ngần ngại treo mũ từ quan, lui về Chí Linh dạy học. Thời nhà Nguyễn, hàng trăm quan chức “treo ấn từ quan” để thoát khỏi thân phận “Đem thân khoa bảng làm tôi Pháp” (lời Tam Nguyên Vũ Phạm Hàm) và đi cùng nhân dân chống Pháp, cứu nước…

Tuy nhiên thời nay cũng có những trường hợp quan chức xin “từ chức” bị dư luận khen chê đa chiều. Cách đây mấy năm ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cùng viết đơn gửi Trung ương xin nghỉ “do nguyện vọng cá nhân và nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025”. Thực ra trước đó, cả hai ông này, một ông bị kỷ luật cảnh cáo, một ông bị kỉ luật khiển trách. Bị kỷ luật, rồi xin từ chức nhưng vẫn được nhiều người vẫn tán dương, vì dù sao thì hai ông này cũng biết lỗi trước dân, còn lòng tự trọng, có đủ can đảm viết đơn xin nghỉ. Chứ nhiều ông khác bị kỷ luật ở mức tương tự vẫn “cố đấm ăn xôi”, nhẫn nhục chịu điều tiếng xấu, im lặng né tránh búa rìu dư luận, cố thủ giữ ghế. Dù sao thì hai vị kể trên cũng biết được “xu thế thời đại” và biết mình biết ta, chấp nhận bỏ “cuộc chơi”, chứ không như nhiều vị lãnh đạo khác cố thủ bám ghế, dù biết rằng trước sau ghế cũng mất, nhưng quyết liệt “không ăn thì đạp đổ”, hoặc ta chết thì phe cánh kia cũng phải chết mới chịu…

Vì sao ở nước ta, việc cán bộ từ chức lại hiếm hoi như vậy? Theo chúng tôi, trước hết là do dư luận xã hội. Bất cứ người nào từ chức cũng bị coi là “có vấn đề”. Cán bộ chủ động từ chức dường như bị coi là không cùng vây cánh, bị chèn ép, nản quá mà xin nghỉ, hoặc bị ép buộc nghỉ. Cán bộ từ chức bị coi là dính đến nghi án nào đó. Cho nên hành vi từ chức không được dư luận xã hội công nhận là tự nguyện tự giác, mà được cho là “bất đắc dĩ” hoặc “chuột chạy cùng sào”… Mặt khác, hết chức là hết quyền, hết quyền là hết lợi. Quyền to hay bé từ cái ghế lớn hay nhỏ. Quyền là đặc quyền chính trị. Dĩ nhiên, cái lợi cũng đi với cái quyền này. Lợi về chính trị, lợi về kinh tế. Ngoài lương “ba cọc ba đồng” ra thì bổng lộc, là bất động sản, là tiền vàng bạc đụn… Hiện tượng này do cơ chế và trình độ quản lý, giám sát ở nước ta có kẽ hở, còn lỏng lẻo, nên những quan tham lợi dụng cái ghế ngồi của mình, phát huy quyền lực lẽ ra ích nước lợi dân thì lại bòn vét đục khoét ngân khố quốc gia; vun vén cho gia đình, dòng tộc, người thân… Đặc quyền đặc lợi như thế nên rất khó từ bỏ cái ghế đầy xôi thịt. Lại nữa: quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” sau ngàn năm phong kiến vẫn còn ngự trị đời sống tinh thần của xã hội. Đang làm quan, về làng về huyện vẻ vang, vinh quang lắm. Làm quan uy thế gia đình, dòng họ bốc lên cao ngùn ngụt, con cháu được quan tâm ưu ái đủ điều… Và nữa: cái sự chạy chức chạy quyền đã và đang diễn ra tưng bừng. Dù rằng lò vẫn đốt nóng rừng rực, củi nhỏ củi gộc vào lò vẫn không dứt, nhưng cuộc đua quyền lực vẫn quyết liệt. Để chiếm lấy một ghế, người ta phải huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó có chuyện hối lộ tiền bạc. Giành được một cái ghế thì phải củng cố quyền lực và quyết “thu” bằng mọi cách để bù “chi”. Từ quan không dễ còn vì lẽ đó…

Cho nên, câu chuyện chủ động từ chức có từ ngàn năm trước, nhưng đến thời hiện đại vẫn còn là của hiếm. Văn hóa từ chức ở xứ sở chúng ta vừa quý lại vừa hiếm. Làm thế nào để văn hóa từ chức trở thành của quý nhưng không hiếm? Sinh thời Bác Hồ đã nói rằng: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, và “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém…, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Công bằng, khách quan thì chọn lựa cán bộ có đức có tài để gánh vác việc nước. Người có đức có tài bao giờ cũng có lòng tự trọng, có danh dự. Họ sẽ sẵn sàng từ chức khi lãnh đạo quản lý bị xảy ra sự cố, biến cố không tốt. Chọn được cán bộ có đức có tài sẽ có văn hóa từ chức, nhưng phải tạo ra môi trường để văn hóa từ chức phát triển bền vững. Người thân còn gây sức ép để cán bộ không từ chức, cán bộ còn sợ điều tiếng, còn xấu hổ khi chủ động từ chức, còn do dự nghĩ bị ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm khi từ chức… thì rõ ràng môi trường sống chưa có văn hóa từ chức. Người từ chức cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản… chỉ khi họ được sống trong gia đình đầy yêu thương và sự chia sẻ, mến phục của cộng đồng. Làm được điều này, trước hết phải nhận thức được bình đẳng nghề. Nghề nào cũng cao quý vinh quang, chứ không có nghề sang nghề hèn, nếu như ích nước lợi dân. Nghề quan chức với các nghề khác cũng chỉ là nghề kiếm sống chân chính.

Thực tế ở nước ta, vị quan nào chủ động từ chức thì coi như đặt dấu chấm hết cho đời quan trường, chấm dứt sự nghiệp chính trị. Cho nên môi trường văn hóa từ chức phải làm được cái việc: Cán bộ xin từ chức không nhất thiết phải vi phạm khuyết điểm, hay vi phạm pháp luật; từ chức không phải là “hết thời”, mà có thể quay lại chính trường, quay lại cơ quan làm việc rất thoải mái, dễ dàng. Từ chức không có nghĩa là chấm dứt sự nghiệp chính trị hay sự nghiệp quản trị, quản lý… mà vẫn có thể quay lại chính trường, quay lại cơ quan doanh nghiệp phụng sự. Ở nước ngoài, nhiều ông bộ trưởng xin từ chức ở chính phủ trước, có thể lại được mời đảm nhiệm một chức nào đó ở chính phủ sau. Ngay nước ta, thời phong kiến, sau khi Lê Thái Tổ mất, bọn gian thần bè cánh lũng loạn, ghen ghét, dèm pha… Nguyễn Trãi vì thế đã từ quan sống đời hưu trí thường dân ở Côn Sơn. Nhưng được vua Lê Thái Tông trọng dụng vời ra giúp nước giúp dân, ông quay lại tham gia triều chính.

Rõ ràng, văn hóa từ chức sẽ không còn là thứ hiếm hoi chỉ khi xã hội dân chủ, bình đẳng, cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Mọi động thái của quyền lực đều phải đặt trong hiến pháp và pháp luật với chủ trương “dân biết dân bàn dân kiểm tra”. Cho nên, có thể coi Thông báo Kết luận số 20-TB/TW nêu trên như là động lực của văn hóa từ chức, để văn hóa từ chức trở thành một nét sáng của văn hóa chính trị - văn hóa công quyền trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. 

 
Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nguồn Văn nghệ số 45/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây