Nghề văn và người viết

Thứ hai - 24/10/2022 14:49

Trong xã hội ta từ nhiều năm nay có một thiên kiến dai dẳng: tuổi trẻ đồng nghĩa với sự non dại, non dại đến độ vấp ngã. Một bộ phận cha anh thường nhìn họ với cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật dù nghiệt ngã. Nhưng trong văn học tình hình lại khác. Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn bậc thầy đều được sáng tạo ở tuổi 25 đến 35, có khi còn sớm hơn. Ma lực sáng tạo, điện năng văn chương của họ dường như được tích tụ và phát sáng ở thập niên đầu tiên của nghề cầm bút. Các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn, Thơ mới đều là những nhà sáng tạo ở tuổi đôi mươi.

Những người cầm bút trẻ đi vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, về sau trở thành nhà văn nổi tiếng để lại những trang viết tài hoa, rõ rệt nhất là các nhà văn - chiến sĩ - liệt sĩ: Nam Cao, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi và nhiều tên tuổi khác như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều,... thậm chí rất trẻ như Trần Đăng Khoa... Có nhiều chuyện để nói về nghề văn và người viết trẻ, nhưng trong phạm vi bài viết này, chỉ xin nêu vài điểm nóng của thực trạng văn học những năm gần đây.

1. Cảm hứng và đam mê của một lý tưởng xã hội tiên tiến

111
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X
khai mạc ngày 19.6 tại Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh
 
 

Nghề văn là nghề sáng tạo. Muốn có sức sáng tạo dồi dào trước hết phải có tài, nhưng trước đó nữa, người viết phải có một lý tưởng xã hội. Lâu nay, nói đến lý tưởng xã hội, người ta có thói quen đặt phạm trù này trùng khít với ý thức hệ, cho nên nó vừa hẹp vừa khiên cưỡng. Làm như lý tưởng xã hội là một cái gì khác bên ngoài, do áp lực bên trên áp đặt cho nhà văn. Điều đó dễ làm cho người viết trẻ lo ngại. Thật ra, lý tưởng xã hội là cái nằm trong bầu máu nóng của chúng ta, là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của đời sống con người. Ở đây, nhà văn trẻ viết cho ai? Viết để làm gì? Hai câu hỏi giản dị đó nhưng chưa bao giờ có câu trả lời suôn sẻ của một đời văn, cả đối với những nhà văn trẻ cũng như đối với những nhà văn lão thành. Bởi vì đã dấn thân vào nghề văn mà chỉ coi văn học là nghề kiếm tiền hoặc là phương tiện tiến thân trên con đường chính trị là nhà văn hỏng ngay từ đầu và sa sút uy tín lúc nào không biết. Nghề văn cũng như nghề làm việc thiện, vì nó có thể cứu rỗi tâm hồn nhiều người, có khi hàng triệu người. Các nhà kinh điển gọi nhà văn là “kỹ sư tâm hồn” là vì vậy.

 Để hình thành lý tưởng nghề nghiệp thì trong ba điều bất hủ của một đời văn, lập đức được coi là hàng đầu rồi đến mới đến lập công và lập ngôn. Không phải vô cớ mà các bậc tiền nhân ngày trước thường coi văn chương là sự nghiệp nhìn đời (văn chương thiên cổ sự), trong văn phải có đạođạo ở đây nên hiểu là nội dung, cái ý để nói với đời, để khuyên điều hay, răn điều dữ. Về sau Bác Hồ nói chính tâm và thân dân của người trí thức, trong đó có văn nghệ sĩ đối với nhân dân mình cũng có ý nghĩa của chữ đạo. Không phải vì đạo mà làm nghèo văn chương như một số người nghĩ. Có đạo, có nội dung thì văn chương thịnh, phát đạt, ngược lại thì văn chương suy, hỗn loạn…

 Sự tự do sáng tạo nào cũng bị chi phối bởi cái tất yếu, cũng bị ràng buộc bởi các nguyên tắc thống trị nhất định, chứ không thể có sự tự do nói ngược, đa ngôn, loạn ngôn như một số bài viết những năm trước thời Đổi mới. Họ có nhiều cách nói lúc cao ngạo, lúc ngậm ngùi nhưng tựu chung là trách cứ chê bai một tổ chức nào đó, người nào đó đã chính trị hóa nghệ thuật, không hiểu đặc trưng nghệ thuật. Ví dụ như những câu: “cô đơn vốn là bản chất của nghệ sĩ bởi nó đi tìm cái tuyệt đối, bởi nó không dùng cho số đông...”, “Đọc nhau, xem nhau, nghe nhau bằng nguyên lý là sự đọc, sự xem, sự nghe máy móc nhất và vô duyên nhất vì đánh mất con người nhiều nhất. Nguyên lý còn che đậy những bất lực về rung cảm nghệ thuật...”, “Thực ra văn học không phải cuộc đời mà là ảo ảnh cuộc đời”. Nếu ảo ảnh là hình ảnh giống như thật nhưng không có thật, thì văn học (bao gồm cả hình thái ý thức, tác phẩm, thể loại...) không phải như vậy.

Là hình thái ý thức xã hội, văn học bắt nguồn từ đời sống, tự nhiên trong bản chất của nó mang tính thực tiễn, hoạt động của nó tác động mạnh mẽ đối với ý thức và tư tưởng của xã hội. Như vậy văn học là cuộc sống. Còn với tư cách là tác phẩm thì văn học cũng không phải là ảo ảnh của cuộc sống mà là cuộc sống thật, sôi động, đầy mâu thuẫn… Để đạt tới lý tưởng xã hội tiên tiến, nhà văn cần có sự thôi thúc của con tim, sự sưởi ấm ngọn lửa bên trong được coi là động lực của sáng tạo. Cũng như mọi nguồn sản xuất hàng hóa khác, người sáng tạo văn chương cần viết những cái mà xã hội cần chứ không phải viết cái mình có. Muốn vậy, cần nuôi dưỡng tình yêu nồng cháy đối với cái đẹp, cái thiện, lòng căm thù sâu sắc đối với những hiện tượng suy thoái trong xã hội...

2. Đọc muôn quyển sách đi muôn dặm trường

Cha ông ta thường dạy: “Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì viết văn mới hay. Có lẽ đâu văn chương lại làm cho người ta kiêu căng!?”. Câu này là của Lê Quý Đôn (1726-1784) được trích từ Vân đài loại ngữ. Những bậc thức giả sau Lê Quý Đôn cũng có những đoạn di huấn tương tự. Phan Huy Chú (1782-1840) nói đại ý: để có thể vừa là nhà trước tác vừa là nhà thơ thì phải có đủ cái uyên bác, lại có cả nguồn cảm hứng bay bổng... Còn Nhữ Bá Sĩ (1788-1867) thì coi “đức hạnh, học thức là cái gốc của văn chương”. Xem vậy, thì việc đọc muôn quyển sách là quan trọng biết chừng nào…

Đã đọc muôn quyển sách là phải đi muôn dặm trường. Nền văn học hiện đại của chúng ta có truyền thống đẹp của những chuyến đi: những nhà văn tay cầm bút, tay cầm súng, mang ba lô ra mặt trận cùng với bộ đội dân công trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược. Khẩu hiệu “đến những nơi tiên tiến sống giữa những người tiên tiến” có tác dụng động viên hàng trăm người viết ở các lứa tuổi khác nhau đến những nơi mũi nhọn, cuộc sống lao động của hàng triệu người. Theo chúng tôi nên phục hồi lại cách đi vào đời sống hiện đại hóa, công nghiệp hóa với nhiều phương thức khác nhau. Những chuyến khảo sát văn hóa xuyên Việt cũng là kinh nghiệm hay…

Nhưng nếu không biết khả năng quan sát hiện thực, không có sức tưởng tượng, ước đoán, khả năng trực giác, thiếu đi sự khái quát và sự chộp lấy “sức đẩy của hình thức” thì những trang viết chỉ còn lại là những tài liệu báo chí. Người xưa viết: “Cái tư chất của bậc thượng trí, bên trong thì lớn lao, bên ngoài thì rực rỡ, chạm vào nơi nào thì tứ văn nảy sinh ra nơi ấy, là hoa cỏ của hóa công, là khói sóng của biển lớn, có thể gọi là gạn lọc điều chứa chất trong lòng mà viết nên văn”. Tư chất biết gạn lọc ấy chính là khả năng khái quát hóa, điển hình hóa.

3. Tri thức, tầm nhìn, và chiều cao thời cuộc

Có lần trong cuộc tiếp chuyện với chúng tôi, nhà thơ Tố Hữu nói “làm tuyên huấn mà không biết văn học, nghệ thuật là uổng lắm, là khó thành công”. Còn trước đó rất lâu, trong nhiều điều tâm sự với nhà văn mới vào nghề, M.Gorky đã phân biệt cho họ rõ người thợ văn và nhà văn… Hai thời gian và không gian khác nhau, nhưng hai nghệ sĩ lớn đều gặp nhau ở chỗ: làm nghề gì cũng phải sáng tạo, nghề văn còn hơn thế. Đọc thiên kinh vạn quyển thì cũng quý, nhưng sức người có hạn, vì vậy cần tìm ra cách đọc phù hợp với từng người. Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tạo ra một nền văn hóa nghệ thuật có bản sắc riêng, nhưng phải thừa nhận rằng cha ông ta không quen làm nghệ thuật học, lý luận văn học. Đó là chưa nói hàng vạn trang sách vở văn tự, những loại ca lý dân gian đều bị kẻ thù tiêu hủy qua những cơn binh lửa hoặc bị thất lạc do thiên tai. Dẫu vậy thì những gì còn lại vẫn lấp lánh hào quang của trí tuệ người xưa. Những nguyên lý mỹ học của cha ông vẫn luôn thấm đẫm màu xanh cây đời, có khi rất hiện đại. Xin nêu hai ví dụ: cách đây hàng mấy trăm năm, khi bàn đến bản chất của văn chương, Nguyễn Văn Siêu (1796-1872) đã chia văn chương ra hai loại, với những dòng văn tưởng như mới viết ở thế kỷ chúng ta: “Có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở con người”. Còn Cao Bá Quát thì viết: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ, phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao...”.

Tuy vậy, bơi trong biển triết - mỹ mênh mông phải lượng sức mình. Vẫn là chuyện biết thì thưa thốt, còn chưa biết thì phải có cách học, nhất là đối với những người viết trẻ. Đừng biến chuyện đi tìm kiến thức thành truyện sờ voi trong dân gian. Thật ra, cái gì cũng có mặt trái của nó… Nhiều năm gần đây ở Tây Âu, để nghiên cứu các tác phẩm văn học một cách toàn diện, người ta đã tìm đến với khoa học tiếp cận: tâm lý học, xã hội học, quang học, lý thuyết thông tin, thi pháp ký hiệu học, cấu trúc học... Mục đích của xu hướng nghiên cứu này là nhằm đổi mới việc nghiên cứu văn học, trả lại cho cấu trúc tác phẩm văn học những yếu tố bị lãng quên, bị coi nhẹ hoặc những vùng tiềm năng sáng tạo của nhà văn…

Trong đời sống có nhiều phương thức giao tiếp, con người cũng nghĩ ra nhiều mã được xếp thành ba loại: mã logic, mã thẩm mỹ và mã xã hội. Trong văn học, “xúc cảm chủ quan”, “cảm thụ cá nhân” là một loại mã thẩm mỹ. Việc vận dụng ký hiệu học, thi pháp học vào phân tích tác phẩm văn học chỉ là một phương thức trong quá trình khảo sát tác phẩm đưa lại bổ ích, thú vị trên vài phương diện nào đó. Mọi chuyện ở đời đều có mặt trái, mặt bất cập. Mỗi lý thuyết là một ô cửa sổ con, chỉ nhìn được một khoảng trời nho nhỏ. Lý thuyết thi pháp cũng vậy thôi, tránh thần bí hóa.

Sự chuyển hóa giữa các yếu tố động để bổ sung làm giàu tri thức, kỹ thuật cho nhau giữa các phương pháp là quy luật phát triển của khoa học, không phương pháp phê bình nào nằm ngoài thông lệ đó...


Tác giả: Gs. Hồ Sĩ Vịnh
          
      Nguồn Văn nghệ số 43/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây