Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu, Giang Minh Sài... đều là những vật bước ra từ trang sách, trở thành một kiểu người trong xã hội.
hi nhà văn Lê Lựu nằm xuống, mọi người lập tức nhớ đến nhân vật Giang Minh Sài của ông. Nhiều người thậm chí còn chẳng nhớ tên tác phẩm Thời xa vắng, nhưng tên nhân vật thì lại nhớ. Từ nhớ tên nhân vật đến nhớ tình tiết truyện, nhớ đận vỡ đê quai và mối tình đau đớn của Sài với Hương, nhớ việc cưới hỏi cưỡng ép của gia đình, nhớ sự đớn hèn sau này với cô vợ trẻ. Cái cả đời anh Sài đi tìm đấy là được một lần sống với bản thân mình, cái mình thật có…
Mỗi nhà văn khi đặt bút viết đều muốn kiến tạo nên một thế giới nhân vật chính, phụ thật đặc sắc, có cá tính, đại diện cho thời đại nhân vật (cùng nhà văn) đang sống. Để ngay kể cả khi nhà văn mất đi thì các nhân vật vẫn tiếp tục sống khỏe mạnh, có đời sống riêng biệt của mình, đi vào mọi tầng lớp người (cả đọc sách lẫn không đọc).
Nhưng giữa điều muốn và sự thật diễn ra còn phụ thuộc nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng nhà văn. Trong lịch sử văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến nay có không nhiều nhà văn để lại được nhân vật hư cấu mà lại thực sự “sống”.
Nửa đầu thế kỉ 20 có thể kể đến nhân vật Xuân Tóc Đỏ, cô Tuyết, em chã, bà Phó Đoan, cụ Cố Hồng… trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Tiểu thuyết này đăng trên Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Các nhân vật này đại diện cho tầng lớp trên (tiểu tư sản) trong xã hội Việt Nam phong kiến bước đầu chuyển sang Âu hóa với bao nhố nhăng, lố bịch.
Đến tận bây giờ, câu nói: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” của cụ cố Hồng trở thành câu cảm thán quen thuộc trong cuộc đối thoại khi người nào đó nhắc đi nhắc lại một vấn đề quá nhiều lần. Hay nói đến cô Tuyết là nói đến những cô gái hư hỏng, cố tỏ ra ngây thơ trong trắng trước mặt mọi người. Bà Phó Đoan là những người đàn bà có tuổi đang vào kì hồi xuân. Em chã là những đứa bé thừa cân, thụ động, được bố mẹ chiều chuộng, cưng nựng từng li từng tí, phát triển không đúng tâm sinh lí lứa tuổi.
Ngoài nhà văn Vũ Trọng Phụng thì nhà văn Nam Cao cũng để lại nhiều nhân vật văn học có đời sống riêng. Đầu tiên phải kể đến những nhân vật kinh điển của làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… Ngay cả hình ảnh bát cháo hành mà Thị Nở nấu cho Chí Phèo cũng trở thành hình ảnh quen thuộc của các cặp yêu nhau khi muốn bông đùa, giễu cợt.
Riêng câu nói, “tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện”, được dùng trong các trường hợp túng quẫn, khi con người lâm vào bước đường cùng không có cách nào thoát ra - phải tặc lưỡi làm việc trái với pháp luật, lương tâm. (Cũng có thể hiểu câu nói theo hướng ngụy biện của người làm việc xấu).
Hay như lão Hạc cũng từ trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn bước ra, đi lẫn, ứng vào những người cùng quẫn không còn gì trong tay, đến cả con chó gắn bó, tình cảm nhất cũng phải bán đi.
Nhà văn Ngô Tất Tố chỉ riêng truyện ngắn Tắt đèn đã để lại cho đời một chị Dậu cùng khổ phải bán con bán chó để gom đủ tiền nộp sưu. Sự nghèo đói của các gia đình được ví với sự nghèo đói của chị Dậu trong tác phẩm, không còn gì để bán, không còn gì để bấu víu. Ví dụ: “Nhà nó chị Dậu lắm!”; “Rách như chị Dậu.”; hoặc khi gặp điều sui rủi, không may, thường có câu: đen như tiền đồ chị Dậu.
Riêng nhà văn Nguyên Hồng với tiểu thuyết Bỉ vỏ, được giải Tự Lực văn đoàn năm 1937 đã đưa đến cho đời một trùm đảng Năm Sài Gòn trộm cướp lừng lẫy. Nơi bến xe, bến tàu người ta thường nhắc nhau, “cẩn thận Năm Sài Gòn đấy”, “hớ hênh thế, không sợ Năm Sài Gòn à”, đủ thấy sức sống của nhân vật mạnh mẽ nhường nào…
Phải nhìn nhận công bằng rằng đến nửa sau thế kỉ 20 các nhân vật đi ra từ tác phẩm văn học ít hơn hẳn nửa đầu thế kỉ.
Nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu sở dĩ được bạn đọc nhớ lâu đến thế bởi anh ta đại diện cho một tầng lớp người tiêu biểu của xã hội lúc đó. (Điều này cũng giống Vũ Trọng Phụng với tầng lớp tiểu tư sản. Nam Cao, Ngô Tất Tố với tầng lớp nông dân bị nhốt chặt trong lũy tre làng. Nguyên Hồng với hạng người lưu manh nơi thành phố).
Họ là những người nông dân, đi lính về và sống ở thành phố. Lúc ở quê họ bị các thiết chế làng xã, gia đình bó buộc. Đi lính đối diện với cái sống cái chết họ phải tự nhận thức lại bản thân mình, các thiết chế làng xã phai mờ, thay vào đó là kỉ luật sắt trong quân đội. Hết chiến tranh giải ngũ về họ bỡ ngỡ với cuộc sống xô bồ, vồ vập nơi thành phố. Thêm nữa, lúc này nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ bao cấp sang thị trường. Cái bỡ ngỡ, sự vỡ mộng từ gia đình, cơ quan, bản thân cứ thế nhân lên. Phải sống thế nào để chính là mình?
Tiến thêm một bước về sự hòa nhập cuộc sống, khác với nhân vật Sài, nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh không thể nào thoát khỏi cuộc chiến. Kiên luôn bị giằng níu bởi các bóng ma quá khứ. Anh sống giữa thành phố, ở thì hiện tại nhưng chẳng khác nào sống giữa các trận chiến nơi rừng thẳm với đạn bom, giết chóc.
Tình yêu cứu được Sài của Thời xa vắng chứ không thể nào cứu được Kiên của Nỗi buồn chiến tranh. Kết thúc của hai tác phẩm vì thế cũng khác xa nhau: Sài về làng Hạ Vị với vai trò chủ nhiệm hợp tác xã; còn Kiên chạy trốn cả quá khứ lẫn hiện tại, để lại đống bản thảo dang dở mà người đàn bà câm lưu giữ nơi tầng áp mái. Nhiều người lính bước ra từ cuộc chiến thấy mình giống với Kiên, thấy Kiên là mình…
Cuối những năm 1990 có một nhân vật cũng để lại dấu ấn với người đọc đó là Hoàng trong Cơ hội của Chúa của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Nhân vật này không còn dính dấp gì đến quá khứ chiến tranh nữa. Anh ta mắc kẹt với hiện tại đời sống đều đều của mình. Nền kinh tế khi này cũng cơ bản chuyển đổi sang hướng thị trường. Sách, rượu và đức tin không cứu được Hoàng. Tình yêu, sự đổ vỡ của tình yêu không giúp anh ta khác đi. Mọi thứ trôi qua trong sự sắp đặt trước là chán nản. Nhân vật này nhận được nhiều cảm tình của tầng lớp trí thức lúc đó. Khi học đại học xong, trước áp lực cuộc sống không biết mình cần gì và làm gì.
Hơn hai mươi năm đầu thế kỉ 21 đã qua đi, các nhân vật văn học có thể tự mình “sống” tách khỏi tác phẩm, đi vào đời sống hầu như không có ai nữa. Điều này có thể lý giải do sự phân mảnh của đời sống, sự lên ngôi các phương tiện truyền thông nghe nhìn, bút pháp kể chuyện phi tuyến tính của nhà văn.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng con người ngày càng sống nhạt đi, suy nghĩ lẫn hành động đều lưng chừng nửa vời. Vì con người như thế nên không thể có nhân vật văn học nào thực sự có cá tính, có số phận, đại diện cho thời đại mình đang sống được nữa…
Nguồn Zingnews
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên