Thơ cùng người như hoa mộc vườn xuân

Thứ hai - 09/01/2023 16:22

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25/11/1913 trong một gia đình trung lưu ở làng Đô Quan (xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Hồi nhỏ ông được tiếp thu văn học Hán – Nôm và văn chương Pháp ngữ. Lớn lên trở thành anh giáo làng, rồi tham gia phong trào công nhân ở nhà máy sợi Nam Định. Sau cách mạng tháng 8 Đoàn Văn Cừ tham gia nhiều công tác kháng chiến như đại biểu HĐND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 1946-1948, sau đó ông đi bộ đội làm tuyên truyền phiên dịch. Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đoàn Văn Cừ về công tác một số năm tại NXB Phổ thông (Bộ Văn hóa). Khi về ở hẳn quê, ông được địa phương tín nhiệm giới thiệu làm thành viên MTTQ huyện Nam Ninh (tỉnh Nam Hà cũ) suốt gần 20 năm.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ mất ngày 17/6/2004 tại quê nhà.

111
Tác giả và cụ Nguyễn Thị Miều – vợ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ

“Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”. Đó là lời nhận xét cũng là lời ngợi khen của nhà văn Hoài Thanh khi chọn Đoàn Văn Cừ là một trong 46 nhà thơ tiêu biểu của nước ta nửa đầu thế kỷ 20, được tập hợp trong cuốn sách Thi nhân Việt Nam xuất bản lần đầu tiên vào năm 1941.

Nói tới Đoàn Văn Cừ là nói tới sự nghiệp lao động sáng tạo thơ của ông trong suốt hơn 60 năm cầm bút với hàng chục tập thơ, thơ dịch và câu đối. Cả cuộc đời Đoàn Văn Cừ luôn tâm đắc một điều là phụng thờ Tổ quốc, phụng thờ thơ:

Trang thơ góp một đường cày

Nước non gieo hạt mong ngày

nở hoa.

Nói tới thơ Đoàn Văn Cừ mọi người nhớ nhất là bài thơ Chợ Tết. Đây là bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, vào dịp Tết Kỷ Mão 1939. Ngày ấy một người viết trẻ chưa có tên tuổi, ở một vùng quê xa lắc xa lơ nào đó, có một bài thơ dài in vào dịp Tết, được coi như một hiện tượng, gây xôn xao trong giới cầm bút.

Chợ Tết là một bài thơ tả cảnh chợ Tết ở một vùng quê thật sinh động, nhộn nhịp, lung linh và giàu màu sắc: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”. Người đọc như thấy Đoàn Văn Cừ lẫn trong đoàn người đi chợ, không mua bán gì, chỉ đi từ góc chợ này đến góc chợ khác mà quan sát, mà cảm nhận “Những mẹt cam đỏ chót tự son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà sống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. Nhưng chợ Tết phải có nét riêng của nó: “Một thầy phán gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”. Cũng vẫn những làng quê nghèo khó ấy, cũng những người dân quê chân chất hiền lành ấy… Dưới mắt nhìn tươi mới của Đoàn Văn Cừ, nó lung linh bảy sắc cầu vồng, vợi đi bao cảnh nghèo túng lầm than vốn có từ xưa. Đoàn Văn Cừ như một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia, đã đưa nông thôn đồng bằng bắc bộ vào thơ một cách khéo léo tài tình, nó khác hẳn với những cùng cực gian nan, bất ổn qua các tác phẩm của các nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan viết về làng quê thời đó.

Nhìn chung những bài thơ tả thực của Đoàn Văn Cừ dù viết trước Cách mạng Tháng 8, trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước sau này, ta thấy ông luôn nhìn đời bằng đôi mắt trẻ trung, tin yêu cuộc sống mới. Những vướng bận, tiêu cực ngoài xã hội không lọt được vào con mắt thơ của Đoàn Văn Cừ, mà nếu có chạm đến những điều đó thì ông cũng nhìn nhận dưới góc độ nhân văn, nhân ái hơn.

Đoàn Văn Cừ không chỉ có thơ tả thực về làng cảnh nông thôn Việt Nam với những sắc màu rực rỡ xanh đỏ tím vàng… mà hồn thơ ông khá bay bổng, đọc những bài thơ tình ông viết ta thấy tâm hồn nghệ sĩ trong ông không bao giờ ngủ yên, nếu có dịp là nó tuôn trào ra trên đầu ngọn bút. Đoàn Văn Cừ kể lại vào khoảng 1971 ông được mời đi giao lưu thơ ở một trường học (thuộc huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định). Tại đây ông có đọc bài thơ Lá thắm viết tặng bạn gái từ mấy chục năm trước: “Em cứ lại bao giờ tôi cũng có/ Thảm cỏ nhung êm ái để em ngồi/ Mặt gương hồ trong suốt để em soi/ Lược trăng bạc yêu kiều trên mái tóc”, rồi kết lại bài thơ bằng hai câu rất gợi: “Cảnh dân dã quê mình như thế đó/ Khi yêu rồi đâu cũng đẹp như tranh”. Cảm kích trước cái đẹp, cái tình của bài thơ và người làm thơ, thời gian sau ông nhận được một phong thư của cô giáo đến nghe ông đọc thơ hôm nào, gửi mừng thọ ông bằng hai câu thơ rất hóm:

Thi nhân đã tám mươi xuân

Đọc thơ “Lá thắm” tưởng nhầm

đương trai

Đến khi vào độ tuổi gần 80, Đoàn Văn Cừ lại xuất thần viết lên những vần thơ đa tình, mộng mị, thổn thức nỗi lòng mình:

Lòng ơi sao lạ thế lòng

Bỗng dưng đi nhớ người không

nhớ mình

Tuổi xuân quên hết dáng hình

Trăm thương ngàn nhớ cũng đành

phụ nhau.

(Bài Tiếng lòng)

Có một chuyện vui về bài thơ này: một số người vì yêu thơ ông, lúc trà dư tửu hậu đã “chế” hai câu thơ đầu của bài thơ này thành:

Lòng ơi sao lạ thế lòng

Có gan có tiết mà không có dồi

Chuyện đến tai Đoàn Văn Cừ, nhưng ông không hề bận tâm đến, bởi ông nghĩ đã là chuyện phiếm thì rồi nó sẽ lắng lại và chìm đi.

Với cả đời lao động sáng tạo thơ Đoàn Văn Cừ đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có giải thưởng nhà nước về VHNT đợt 1 năm 2001.

***

Người ta thường nói phía sau sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ. Với Đoàn Văn Cừ cũng không là một ngoại lệ: đó là bà Nguyễn Thị Miều – người vợ tào khang của nhà thơ, cùng ông đi hết cuộc đời.

Nhớ lại một lần về thăm “Thảo lư – sông Ngọc” của cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ, chúng tôi gặp cụ Miều trong chính ngôi nhà các cụ đã sinh sống bên nhau mấy chục năm qua. Gặp chúng tôi cụ vui lắm “Đã lâu mới có bạn văn chương của ông tôi tới thăm”. Cụ mời chúng tôi ngồi xuống chiếc chõng tre đặt ngoài sân, cạnh vườn hồng xiêm, bên khóm hoa hồng, hoa mộc… do chính nhà thơ trồng trước đây, giờ vẫn rủ bóng mát, tỏa hương thơm lặng lẽ. Cụ bảo “Các con các cháu cũng muốn đón tôi lên ở với chúng cho có bà có cháu, nhưng ngày ngày lấy ai thay chén nước sạch, dâng bông hoa tươi lên bàn thờ ông tôi được, thế là con cháu cũng chiều theo ý mẹ ý bà”

Chuyện vui thăm hỏi lại tập trung vào thời trai trẻ của Đoàn Văn Cừ. Cụ Miều kể: “Chúng tôi yêu nhau từ khi mới 15,16 tuổi cơ. Khi biết chúng tôi phải lòng nhau, thì gia đình hai bên cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Ngày đó cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó, đố ai dám trái ý các cụ. Thế là anh đi lấy vợ, tôi đi lấy chồng, yên bề gia thất, mối tình ấy đành chôn chặt trong lòng. Mấy năm sau, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, không may vợ ông mất và người chồng của tôi cũng bị bạo bệnh mà qua đời. Trời xui đất khiến thế nào, sau khi mãn tang, chúng tôi rổ rá cạp lại với nhau. Ông đi bộ đội rồi công tác xa nhà ngần ấy năm, hai bàn tay tôi chăm nuôi, dạy dỗ 5 đứa con cả con chung lẫn con riêng, rồi học hành, công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng khắp lượt… Những tưởng cuối đời vợ chồng già được sống bên nhau, nào ngờ ông bỏ lại tôi, theo cánh hạc bay đi mãi mãi…”

Để xua tan không khí trầm lắng ấy, tôi hỏi cụ Miều: “Cả đời thơ của mình, cụ ông có lần nào tặng riêng thơ cho cụ bà không?” - “Có đấy, mà những 3 lần cơ. Lần đầu là khi mới yêu nhau, ông tặng tôi bài thơ có tên Gái quê, sau này đưa vào tuyển tập ông đổi thành Hương đồng gió nội – tặng M. Nhiều năm sống bên nhau ông có bài thơ Tặng vợ thân thương. Đến cuối đời, ông còn tặng tôi đôi câu đối Tóc bạc lòng son, nuôi con trọn tình mẫu tử/ Gan vàng dạ sắt, thờ chồng chọn nghĩa phu thê. Tôi tò mò hỏi nhỏ cụ Miều: “Hồi trẻ, nhà thơ có tặng thơ cho ai nữa không?” - “Ai mến thơ ông thì ông tặng, còn nọ kia kia nọ thì không”. Rồi cụ bảo: “Thơ ông viết Nguyện sống bên em đến bạc đầu, thế mà khi đã ngoài 90 xuân tóc ông vẫn còn xanh lắm…”

***

Nhà thơ đồng quê Đoàn Văn Cừ của chúng ta là như thế đó, cứ bình lặng sống, bình lặng viết để dâng hiến cho thơ, cho đời. Thơ ông chính là cuộc đời ông, như những bông hoa mộc ngoài vườn kia, cứ lặng lẽ tỏa hương, có đến gần mới cảm hết được.

Thơ ông vẫn hiển hiện đâu đây trong mỗi chúng ta, trong phiên chợ Tết và trên mỗi chặng đường xuân.

 

Tác giả: Đỗ Phú Nhuận
Nguồn Văn nghệ số 1/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3865-1.jpg TS9-3931-2.jpg
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay1,313
  • Tháng hiện tại79,293
  • Tổng lượt truy cập2,363,099
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây