Văng vẳng bên tai lời của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương

Thứ hai - 30/01/2023 11:16
Trần Quốc Tuấn (1231-1300), năm 1283, được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế - chức vụ cao nhất về quân sự để chống quân Nguyên. Với tài thao lược, Trần Hưng Đạo và quân dân nhà Trần đã 3 lần đánh tan quân Nguyên vào các năm 1258, 1285, 1288 giữ vững bờ cõi.
111
Hai bên cửa đền Kiếp Bạc treo cao lời dạy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
Người Việt ta không mấy ai lại không đọc Hịch tướng sĩ của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo vương để thêm hiểu tấm lòng thương nước của ngài trước họa xâm lăng: “...Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...”
111
Pano trích ghi “ BINH THƯ YẾU LƯỢC” của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói về cách chọn người làm tướng 
Và nhắc đến Hưng Đạo vương, không thể không nhớ tới câu thề thể hiện khí phách yêu nước “Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng” và câu nói như là chân lý của ngài khi được hỏi về kế sách giữ nước: KHOAN THƯ SỨC DÂN. Hai câu gan ruột ấy của Hưng Đạo vương được ghi tại tả hữu cửa đền Vạn Kiếp - nơi ngài  được vua phong tặng thái ấp và đóng bản doanh trấn giữ, nhằm phòng thủ cho kinh thành Thăng Long.
111
Pano in bài thơ ghi công Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn của vua Lê Thánh Tông làm treo trên đường vào đền Vạn Kiếp 
Theo Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học xã hội, trang 68, tập 2: “Tháng 6 ngày 24, sao sa Hưng Đạo vương ốm nặng, vua ngự đến nhà thăm, hỏi rằng; “Chẳng may chết, giặc phương Bắc lại xâm lấn thì kế sách làm sao?”

Hưng Đạo vương lấy ví dụ từ đời Hán, Đường, Tống bên Trung Quốc và các đời Đinh, Lê, Lý bên ta để phân tích về thời thế, trong đó ngài đưa ra những cách đánh lấy đoản binh thắng trường trận và phải thu phục được lòng dân binh cả nước, đối đãi họ như cha con thì mới mong chiến thắng kẻ thù. Và Hưng Đạo vương nhấn mạnh: “khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”.

Như vậy là cách nay 723 năm, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã trối trăng cách giữ nước hay nhất - thượng sách nhất là “khoan thư sức dân”, tức là để cho dân được nhàn, được yên ổn lao động mưu sinh, mà không phải sưu cao thuế nặng, mà không phải lam lũ vất vả quanh năm. Lời trăng trối của ngài như văng vẳng bên tai những du khách về thăm đền Vạn Kiếp hôm nay.
                                  

 
Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây