Chiếc bánh chưng xanh

Thứ bảy - 21/01/2023 17:32
Cách đây mấy nghìn năm, vào một ngày chuẩn bị đón năm mới, chiếc bánh chưng, bánh dầy của chàng hoàng tử thứ mười tám có tên Lang Liêu được vua cha là Vua Hùng đời thứ 6 chọn làm vật cúng lễ Tiên Vương nhân dịp đầu xuân. Cũng từ đó Lang Liêu dạy người Việt làm bánh chưng, nên đến nay đã trải qua hàng nghìn năm, món bánh chưng là thứ không thể thiếu trong mâm cơm cỗ của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về.
111
Bánh chưng – biểu tượng của ẩm thực truyền thống dịp Tết của người Việt
Cũng không biết từ bao giờ, nhắc đến Tết cổ truyền của dân tộc là người ta thường nhắc đến ; “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, trong đó việc gói bánh chưng là quan trọng nhất, được coi là linh hồn của các hương vị làm nên Tết Việt. Vì lẽ đó cả mấy ngàn năm nay, từ hình thức, đến nguyên liệu làm nên chiếc bánh chưng không hề thay đổi, vẫn là gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, được gói bởi lá dong xanh, và về hình thức, bao giờ chiếc bánh chưng cũng phải là hình vuông, bốn cạnh bằng nhau. Việc gói bánh chưng của người Việt cũng được câu đố, tục ngữ, ca dao ghi lại “...tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong...”. Chiếc bánh chưng xanh đã trở thành nét đẹp tinh hoa, độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Tôi có khá nhiều kỷ niệm về chiếc bánh chưng xanh. Những ngày còn nhỏ, chúng tôi háo hức đón tết về bao nhiêu thì cũng trông đợi được bố cho riêng một chiếc bánh chưng nhỏ xíu chỉ bằng bàn tay em bé bấy nhiêu. Ngày ấy, năm nào cũng vậy, dù nhiều hay ít, bố mẹ tôi đều gói bánh chưng để cả nhà ăn tết. Và chỉ có đến Tết chúng tôi mới được ăn bánh chưng. Trong số các nguyên liệu để gói bánh chưng, có lẽ chỉ duy nhất một thứ đó là ống dang người ta chặt, rồi mang từ trên rừng về bán là mẹ tôi phải mua ở chợ Thi về để bố tôi chẻ lạt dùng để vừa buộc vừa xắt bánh chưng. Để ý, tôi thấy gióng của cây dang dài hơn gióng tre vì thế, lạt dang không có mấu lại mềm, dẻo, bền, rất phù hợp cho việc gói bánh chưng. Còn lại các nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh chưng từ thịt lợn đến đỗ xanh, hay củ hành, lá dong đều là của nhà làm ra. Con lợn hơn 80 kg của nhà tôi béo núng nính bố mẹ tôi cho hơn chục hộ gia đình trong xóm ăn đụng được thịt hôm giáp tết, mẹ tôi đã nuôi trước đó gần năm trời. Gạo nếp cũng được tuyển chọn kỹ càng từ thóc nếp cấy vào vụ lúa mùa, đã thế chỉ lấy hạt ở đầu bông chắc, mẩy. Đỗ xanh, lá dong, củ hành được trồng ngay trong vườn nhà.

Bố tôi gói bánh chưng rất khéo, ông  không cần dùng khuôn, chỉ dùng tay gói vo song chiếc nào cũng vuông vức, bằng nhau, đều như chia. Bố bảo bánh chưng gói vo thường chặt tay, bánh xăn chắc, ăn sẽ ngon hơn bánh chưng gói bằng khuôn. Trước khi kết thúc việc gói bánh, bao giờ bố cũng dành một ít gạo, thịt, đỗ để gói cho anh em tôi mỗi người một chiếc bánh chưng nhỏ, đấy là lý do năm nào anh em chúng tôi cũng thức, hoặc ngủ dưới bếp cùng với bố luộc bánh chưng. Sau vài lần quan sát, tôi thấy riêng việc luộc bánh chưng cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo néo, cẩn thận và tâm huyết. Công đoạn đầu tiên là việc xếp bánh chưng vào nồi. Bao giờ dưới đáy nồi cũng dải một lượt cọng lá dong, đề phòng nhỡ khi cạn nước thì bánh cũng không bị cháy. Cũng phải biết cách xếp bánh chưng vào nồi luộc, sao cho phần xoắn lạt của hai chiếc bánh úp vào nhau để khi vớt bánh được dễ ràng, lá bọc bánh không bị rách, xước. Nước dùng để luộc bánh chưng thường là nước mưa để không ảnh hưởng đến sự trắng trong của hạt gạo. Xếp bánh chưng vào nồi xong, bố dùng những sợi rơm của vụ lúa mùa vừa gặt, còn thơm thơm mùi lúa nếp bện lại thành nùn rơm rồi quấn vòng tròn rải kín mặt nồi bánh chưng rồi mới đậy vung. Bố bảo như thế chiếc bánh chưng ở mặt trên cùng cũng chín đều như chiếc xếp ở đáy nồi. Khi luộc bánh chưng thường phải cho thêm nước, song nước đó cũng đã được đun sôi, bảo đảm bánh chưng luôn ở trong nhiệt độ sôi của nước, như thế bánh sẽ rền hơn. Nhớ lại, tôi thấy việc luộc bánh chưng có thú vui của nó. Các bạn tưởng tượng xem, những ngày áp Tết thường là trời rất rét. Những năm tháng ấy của mấy chục năm về trước quần áo ấm không nhiều như bây giờ, nhiều khi bụng còn đói khiến người ta xuýt xoa,vì đói rét, muốn được ngồi bên bếp lửa cho ấm, vừa trông bánh, vừa mong có thêm bắp ngô, hoặc củ khoai lang cho vào bếp nướng ăn cho đỡ đói. Có khi mấy anh chị em tôi còn rủ nhau, rải rơm xuống nền bếp ngồi cho đỡ lạnh, dưới ánh lửa bập bùng cháy sáng, chúng tôi giở cỗ bài tam cúc ra chơi, đến khuya lăn ra ngủ lúc nào không hay, bố lại một mình với nồi bánh chưng sôi ùng ục, hơi nước bốc lên nghi ngút, theo gió bay ra khỏi bếp, người qua đường vô tình ngửi thấy là biết nhà ai đó đang luộc bánh chưng. Thời gian luộc nồi bánh chưng khá lâu, phải sau ít nhất 12 tiếng đồng hồ, và thường luộc xong trước lúc đón giao thừa. Sau đó bánh được vớt ra, để nguội, xếp lại gọn gàng ngay ngắn rồi dùng vật nặng vừa phải, có mặt phẳng đè lên bánh, gọi là “nén” bánh cho chặt, khi ăn, bánh sẽ ngon vì không bị bễu, như thế, việc luộc bánh chưng coi như xong.

Đến sáng mồng một Tết, mâm cơm cỗ đầu tiên của năm mới, gia đình nào cũng bóc bánh chưng, trước là dâng lên ông, bà tiên tổ, sau là cả gia đình quây quần bên mâm cơm, thưởng thức thứ bánh cây nhà, lá vườn mà Lang Liêu đã dạy cách làm từ mấy nghìn năm trước, ai cũng tấm tắc khen bánh chưng rền dẻo, ngậy, thơm, ngon. Mấy anh em tôi ăn vèo hết chiếc bánh chưng mà vẫn thấy thòm thèm, đòi bóc thêm chiếc bánh nữa nhưng bu tôi bảo ăn từ từ thôi để mấy hôm nữa đi nhổ mạ, đi cấy vụ lúa xuân còn có cái mà ăn sáng, tôi đành đem chiếc bánh cất đi trong sự thèm thuồng, tiếc nuối.

Ngày nay, khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, có nhiều loại bánh khác ra đời, song bánh chưng vẫn là hồn cốt làm cho Tết Việt thêm đậm đà sung túc, tình thân trong mỗi gia đình bền chặt xum vầy, vui vẻ bên nhau. Đó cũng chính là lý do bánh chưng tồn tại, gắn bó với người Việt hàng nghìn năm nay.

C.Đ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây