Vũ Ân Thy như tôi biết và cảm

Thứ năm - 05/01/2023 14:27

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VŨ ÂN THY

Nhà thơ Vũ Ân Thy tên khai sinh là Vũ Xuân Khoa, sinh ngày 25/9/1947, quê quán huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ nhà thơ Vũ Ân Thy sống cùng gia đình và học phổ thông ở thị trấn Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1970, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam khoá IV, vào làm phóng viên chiến trường Nam Bộ. Sau năm 1975, Vũ Ân Thy về Tp. Hồ Chí Minh công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, đến năm 1983 chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên, Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ báo Sài Gòn Giải Phóng cho tới khi nghỉ hưu.

Vũ Ân Thy có thơ đăng báo từ thời học phổ thông. Ở chiến trường, ông vừa viết báo cho Đài Phát thanh Giải Phóng, vừa làm thơ ca ngợi chiến công của chiến sĩ, đồng bào. Thơ anh đằm thắm, sâu nặng ân tình với đất nước, quê hương, có nhiều bài được bạn đọc yêu thích.

Nhà thơ, nhà báo Vũ Ân Thy đã từ trần lúc 20h20 ngày 17/12/2022 (tức ngày 24 tháng 11 năm Nhâm Dần) sau một cơn đau tim nặng tại Tp. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi.

Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu quý nhà nhà thơ, nhà báo Vũ Ân Thy.

VN

111Tôi đi Huế mấy ngày không xem báo. Khi về, tin nhà thơ Vũ Ân Thy từ trần đột ngột dội vào tôi mạnh quá. Có gì vừa thương yêu, vừa xót xa khi người bạn cũ từ thời chiến tranh của mình không còn nữa...

Từ “Đêm đom đóm”…

Tôi học Tổng hợp văn Hà Nội cùng Vũ Ân Thy, mấy năm học đều sơ tán trên rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên. Khi tôi học Văn 3 thì Vũ Ân Thy học Văn 2. Tôi biết Thy vì cùng tập làm thơ, vì yêu thơ, và đều muốn thơ mình dù còn ngây thơ hồn nhiên nhưng phải có gì khác lạ.

Tôi nhớ, có một lần trong đêm giữa thung lũng Vạn Thọ, Vũ Ân Thy cùng mấy bạn làm thơ lớp mình tổ chức một “Đêm đom đóm”, một đêm đọc thơ giữa cánh đồng đầy đom đóm. Tôi không đi dự được, nhưng bạn tôi, sau này là nhà thơ Lê Xuân Đố, đi dự đêm thơ đặc biệt này và về khoe với tôi: “rất thú vị tuy có hơi… rợn vì cách tổ chức đêm thơ này. Nhưng bài thơ Đêm đom đóm của gã Vũ Xuân Khoa này (tên thật của Vũ Ân Thy) lạ mà hay”.

Đom đóm là một “đặc sản” của vùng quê thung lũng Vạn Thọ nơi chúng tôi học sơ tán, nhưng từ những cánh đồng đầy đom đóm về đêm tới bài thơ Đêm đom đóm là một câu chuyện. Thơ bắt đầu từ đời sống, nhưng luôn khát khao vượt lên một cách khác lạ, đó là đời sống được chiếu qua nội cảm người làm thơ, như những con đom đóm trên cánh đồng vừa thực vừa ảo. Bấy giờ chúng tôi còn là những cậu sinh viên trẻ măng, mới tập làm thơ, nhưng khao khát đi chiến trường để trải nghiệm, để đối mặt chiến tranh, biết đâu mình làm được… thơ, thì túc trực trong đầu chúng tôi. May quá, khi vừa ra trường, Vũ Ân Thy cùng Đỗ Nam Cao, Nguyễn Thế Khoa… bạn học cùng lớp, đã được Hội nhà văn Việt Nam “tuyển” vào một lớp học đặc biệt để sau một thời gian học, tập huấn, sẽ được đi chiến trường. Lớp tôi cũng có anh Nguyễn Văn Đồng, trên lớp tôi có Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai… được tập trung bồi dưỡng tại lớp học đặc biệt này. Tôi không xin được vào lớp, vì đã nhập ngũ, và đang công tác tại Phòng tuyên truyền Binh vận của Tổng cục chính trị, nhưng cuối cùng, tôi lại đi chiến trường Nam Bộ trước các bạn học lớp đặc biệt này 3 tháng. Với chúng tôi hồi ấy, được đi chiến trường còn hấp dẫn và sôi sục hơn cả được đi học nước ngoài. Vũ Ân Thy, Đỗ Nam Cao được đi chiến trường Nam Bộ, cùng với Phạm Quang Nghị học bên Tổng hợp Sử và một số bạn khác. Được đi chiến trường B2 (Nam Bộ) lúc ấy là nguyện vọng của tôi và các bạn Thy, Cao, Nghị… hồi ấy thật hồn nhiên và đặc biệt trong sáng. Đó là chuyến đi chiến trường nhiều tháng năm của một lớp thanh niên có học và chấp nhận gian khổ, thậm chí, hy sinh. 

… Tới “Đêm Trường Sơn

Khi tôi vào gần tới B2 thì lớp học nhà văn của các bạn Vũ Ân Thy… mới lên đường. Cũng đường Trường Sơn ấy thôi, chúng tôi vừa hành quân vừa… sốt rét cũng mất hơn 4 tháng mới tới đích. Có một buổi sáng, khi tôi đã yên vị ở B6 Tuyên truyền Binh vận thuộc Trung ương Cục, thì được tin có người bạn ở lớp nhà văn vừa vào tới trạm Tập kết. Tôi theo giao liên đi bộ một buổi sáng, tới nơi để gặp bạn, dù chưa biết bạn nào. Hóa ra, bạn ấy là Vũ Ân Thy. Chúng tôi ôm nhau, mừng quá. Vậy là đã tới nơi, dù mỗi người ở một cơ quan khác khau.

Không ngờ, chỉ mấy tháng sau, tôi được biệt phái qua làm việc ở Đài phát thanh Giải phóng, và gặp cả Lê Điệp, Vũ Ân Thy cùng ở đó. Ở chiến trường, mà được làm việc cùng bạn bè thân thiết, còn gì bằng!

Lê Điệp và Vũ Ân Thy ở Ban Đô thị miền Nam, tôi ở Binh vận, nhưng chúng tôi không chỉ gặp nhau hàng ngày mà còn có lúc ở chung nhau trong…hầm tránh bom. Vui đáo để. Buổi trưa, tôi với Lê Điệp và Vũ Ân Thy thường mang cần câu tự tạo ra suối câu cá đỏ đuôi để cải thiện, vì dạo đó ở rừng sâu, lại sốt rét, nên mặt mày anh nào cũng xanh lét. Lê Điệp lúc ấy đã là nhà văn có tên tuổi, tôi với Vũ Ân Thy mới làm thơ dọc đường Trường Sơn, nhưng chúng tôi viết được cái gì mới, thơ hay văn xuôi, đều chia sẻ với nhau. Chúng tôi lại hay chơi với chú Tư Tịnh Đức, chú Sáu Hoàng Hà… là những bậc đàn anh đàn chú đã công tác ở chiến trường nhiều năm. Hai chú lại đang trong “Hội Sếp” ở Đài, nên chúng tôi học được nhiều điều về cách sống, cách làm việc, về bài vở viết ở chiến trường. Nhiều buổi chiều tối, trước giờ B52 và B57 thả bom, chúng tôi lại trò chuyện, đôi khi có cút rượu “đồng bào” bù khú với chú Tịnh Đức. Trong rừng lạnh, nhưng tình anh em, chú chau vẫn ấm áp. Tối ngủ dưới hầm tránh bom, nhưng chúng tôi vẫn viết được bài, làm được thơ. Tôi nhớ gương mặt sáng trong và những chuyện hài hước của Vũ Ân Thy, dù đang bị sốt rét. Vũ Ân Thy làm quen rất nhanh với công việc mới ở Đài. Tôi thì nhờ vào B2 trước các bạn 3 tháng, nên quen việc hơn. Chúng tôi rất chịu khó “cày” bài, dù bài phát thanh ngày ấy không được một đồng nhuận bút nào. Chiến trường mà!

Thời gian chúng tôi ở bên nhau chưa được tròn năm, thì Lê Điệp, Kha Lương Ngãi và Vũ Ân Thy được đi chiến trường Củ Chi, còn tôi được trở về Ban tuyên truyền Binh vận để chuẩn bị đi chiến trường Mỹ Tho. Chúng tôi tạm xa nhau, hẹn ngày gặp lại.

Giữa năm 1973, chúng tôi từ chiến trường về lại chiến khu, và lại gặp nhau, mừng hết lớn luôn. Tôi nhớ, có một lần, hình như sau Tết 1974, tôi đạp xe đi công tác, và bất ngờ gặp Vũ Ân Thy cũng đạp xe đi công tác về. Gặp nhau tình cờ giữa trảng cỏ voi, hai đứa thả xe đạp ra đất, ngồi với nhau nửa tiếng đồng hồ. Vũ Ân Thy chợt đọc to hai câu thơ của tôi trong bài Những dấu chân qua trảng cỏ: “Chiếc bòng con đựng những gì/ Mà đi cuối đất mà đi cùng trời…”.

Hai chúng tôi lúc đều mang chiếc bòng nhỏ (thay ba lô) và cùng lang thang trên đường. Đó là lần hai chúng tôi gặp nhau khiến tôi nhớ mãi tới giờ. Vì chỉ có hai thằng làm thơ ngồi với nhau, nói ít mà im lặng nhiều hơn, sau khi đã trải nghiệm thực sự nơi chiến trường Củ Chi (T4) và Mỹ Tho.

Sau Giải phóng, chúng tôi lại xa nhau. Tôi về Trại sáng tác văn học Quân khu Năm ở Đà Nẵng, còn Vũ Ân Thy tiếp tục làm báo, từ Đài phát thanh sang báo Sài Gòn Giải phóng. Nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau, khi tôi vào Sài Gòn. Vũ Ân Thy vẫn kiên trì với nghề báo. Anh chẳng phải lãnh đạo gì, nhưng là nhà báo thâm niên đầy kinh nghiệm. Có một lần, vào khoảng tháng 2 năm 2007, tôi tình cờ đọc trên báo Thanh Niên mà tôi thường xuyên cộng tác một bài viết của Vũ Ân Thy, bài viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhan đề: Giải mã nhạc thơ Trịnh Công Sơn. Một bài viết thật hay của một nhà thơ viết về một nhạc sĩ thiên tài hát thơ, với những phát hiện khiến người đọc rất thú vị. Tôi thích nhất khi Vũ Ân Thy phân tích nhạc Trịnh Công Sơn xuất xuất từ thơ mang hình thức dân gian như thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ… nhưng cấu trúc nhạc thơ lại mang hình thức lập thể, kiểu nghệ thuật hội họa lập thể của Pablo Picasso. Và bản thân Trịnh Công Sơn cũng là một họa sĩ, và anh đặc biệt yêu thích hội họa Picasso… Đó là lần đầu tiên tôi đọc một nhà thơ phân tích âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng một tư duy nghệ thuật mới mẻ như vậy. Nhất là gọi nhạc thơ Trịnh Công Sơn là nhạc thơ lập thể.

Một nhà thơ “Việt Cộng” đã trải qua chiến tranh lại biết bảo vệ và xiển dương sáng tác của một nhạc sĩ ở “trong thành”, cách viết giản dị và hiện đại, phát hiện bất ngờ và lý thú, Vũ Ân Thy đã chứng tỏ anh là một người không chỉ làm thơ, còn am hiểu âm nhạc, và đánh giá đúng thiên tài Trịnh Công Sơn.

Vũ Ân Thy, bạn tôi, sống khiêm nhường, không ham chức quyền, cười nhiều hơn nói, là một người kháng chiến cũ mà tôi luôn quí trọng và cảm thấy thân gần. Vĩnh biệt anh!


Thanh Thảo
Nguồn Văn nghệ số 53/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây