Giấc mơ đàn bà trên sân ga vợ cũ

Thứ ba - 19/01/2021 16:28
1.
Chiều đông trở gió. Chúng tôi ngồi đây, trong một quán nước ven Hồ Tây. Thy Nguyên (Phạm Thúy Nga) đọc thơ, nói về thơ chị và tôi chăm chú lắng nghe. Những con sóng lăn tăn không ngừng dồn đuổi trên mặt hồ rộng lớn như những bóng chữ chưa khi nào ngưng đổ tràn trên trang viết của người đàn bà thơ Thy Nguyên.
111
Nhà thơ Thy Nguyên

2.

Chúng tôi đã từng gặp nhau cách đây 10 năm, tại Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ VIII. Khi ấy, tôi và Thy Nguyên còn trẻ, thanh xuân phơi phới và cả một bầu trời sáng tạo lung linh ở phía trước. Sau 10 năm, tôi dường như vẫn đứng đấy, ở điểm khởi đầu: Một tay amateur nhì nhằng viết mỗi năm vài ba cái truyện, dăm bài báo rồi ngủ triền miên, tách mình với văn chương chữ nghĩa. Còn Thy Nguyên lặng lẽ, chuyên cần như một con ong vượt qua mọi giông gió để đến với cây đời, tìm hoa và dâng mật cho người... Mười năm, Thy Nguyên ra sáu tập thơ Sân người (2010), Cầm mưa (2013), Phố đông người (2014), Ga nổi (2015), Người dưng (2019), Phòng tam giác (2020). Đặc biệt, Thy Nguyên là một trong ba nữ sĩ thế hệ 8x (cùng với Phạm Vân Anh, Lữ Thị Mai) công bố trường ca và chị là người duy nhất sở hữu hai cuốn (Đời đá (2017) và Hỏi một nhà văn vừa ra mắt vào những ngày cuối đông này)Tôi có cảm giác rằng mạch nguồn sáng tạo trong người đàn bà thơ này luôn âm ỉ sục sôi như dòng nham thạch có thể phun trào bất cứ lúc nào. Vài hôm lại thấy chị post một bài thơ lên facetime, có khi với những chữ lỗi kĩ thuật tứ tung. Chị bảo đấy là lúc chị tranh thủ sáng tác, trong khi đang làm một việc gì đấy ở nhà. Tôi gặp những ngọn gió trôi lang thang giữa cõi người để kể chuyện mình, chuyện đời trong thơ Thy Nguyên. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thật chân xác, tinh tường khi cảm nhận về giọng điệu thi ca của Thy Nguyên: “Với cách nhìn của mình, tôi nhận thấy: Có một người đàn bà ngồi xuống, vấn tóc chậm rãi và bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện. Ngôn từ của chị giản dị, thành thật, chính xác, cảm xúc kìm nén nhưng da diết. Người đàn bà ấy có tên Phạm Thúy Nga - Thy Nguyên”.

3.

Thy Nguyên là người đàn bà của yêu thương và những khát khao. Chị yêu thương, trân trọng cuộc sống lứa đôi. Nhưng rồi đa đoan tội tình như một cái án cho kiếp má hồng vướng phải sao thi nhân chiếu mệnh! Thế nên dễ nhận thấy thơ Thy Nguyên là miền day trở, thoi nhói, chơ vơ mà vẫn kiêu hãnh của con số lẻ ra sau một phép chia. “Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa/ Nắng cứ mềm uống những lần em khóc/ Trăm hiu hắt đuổi nhau thành mưa móc/ Phố gối đầu lên sóng tắm ba mươi”. Xót xa, đau lên từng con chữ. Đọc những câu này cùng với cái status viết về “Phố Vợ Cũ” của chị trên facebook, nhiều người hỏi nhau: “Hải Phòng có cái Phố - Vợ - Cũ thật ư?”. Một lần Thy Nguyên chia sẻ: “Tên đó là sự liên tưởng trong một bài thơ Thy Nguyên viết chưa lâu. Trong thực tế thì nơi đâu cũng có vợ cũ/ chồng cũ. Vì có vợ cũ mới có chồng cũ. Cũ như áo mặc qua tay, như câu chuyện đã sang trang, như một đoạn đường ngắn kết thúc và người đi phải rẽ sang ngả khác. Nhân duyên là thế”. Ừ, nhân duyên đành vậy, cầm lòng vậy mà buốt rát trong cái bóng chơ vơ. Này đây là nhắn nhủ với vợ mới của chồng cũ: “Thôi em dừng cuộc giãi bày/ Ghét ghen đã đủ mưa vày bấy lâu.../ Thôi em xé toạc phép chia/ Đường quang em bước đường mưa chị về” (Thư cho vợ mới người dưng)Tôi không thẩm bình những câu thơ này nữa, bởi nó đã nói hết những điều cần nói. Này đây nuối tiếc, day diết của người đàn bà từng bầu bạn, ru rín với mẹ chồng giờ thành nước lã người dưng. Mẹ giờ: “Tháng tư thiếu lá trồng không/ Mẹ chồng vôi vỏ pháo nồng nhà ai”, còn con: “Chiều nay nhớ mẹ người xưa/ Cứ quanh quẩn khóc... bưng mưa bạn bầu/ Mẹ chồng ngày trước con dâu/ Bánh xe tước cả hai đầu nhớ quên” (Nhớ mẹ chồng). Tôi đã thảng thốt, nghẹn lại khi đọc những dòng này: “Ông trời đưa lạc mái nhà tôi/ mẹ thành cha tôi/ chị thành cha con chị/ tôi thành cha của hai đứa trẻ.../ Thế giới người đàn bà trong vì lân tinh nhỏ/ ngẫm đợi chiều/ lạc cả mùa yêu” (Bốn người đi lạc). Phải chăng là đa đoan cũng di truyền? Có lẽ Bốn người đi lạc và một số bài thơ khác về mẹ, về những đứa con gái má đỏ môi hồng của mẹ là những cơn gió đầu tiên cho một trận bão táp chữ đổ vào vùng sáng tạo mang tên đa - đoan -  đàn - bà đã làm nên trường ca Đời đá. Tôi thấy ở Đời đá thật nhiều sắc thái đá - sắc thái đàn bà. Hình tượng đá chính là niềm kiêu hãnh của những người đàn bà hao khuyết.

4.

Là Trưởng phòng ở Trung tâm xét nghiệm ADN Hải Phòng, nơi đi tìm sự thật trong quá khứ nên Thy Nguyên luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, say mê với công việc của một người làm khoa học. Chị phải cân bằng cảm xúc và “cai” thơ khi ở nơi làm việc. Nhưng chính những câu chuyện trong lòng mỗi người tìm đến, ký thác và gửi gắm vào khoa học để giải tỏa và cùng với những gì đời đã va vào người đàn bà thơ đã cho Thy Nguyên thấu cảm hơn với nỗi người, nỗi đời. Nếu Sân người, Cầm mưa, Phố đông ngườiGa nổi, Đời đá là khúc vọng ngân bản ngã, bài thương ca bản thể, thì sang đến Người dưng, Phòng tam giác thêm đa mang ôm chứa nỗi niềm về những vênh vao, di biến, đớn đau thế sự...“Nước mắt dẫu mỏng chiến trường/ Cũng thành quả núi chân hương đắp hờ/ Bao giờ thau rửa mùa khô/ Lá vàng hết lá hết mồ vô danh/ Gõ câu trời đất mà xanh/ Mà thành năm tháng góa vành khăn xô” (Viết trước nghĩa trang Trường Sơn). Tôi cho đây là những câu thơ thật hay, thật ám ảnh về chiến tranh, về những người lính ngã xuống vì Tổ quốc. Còn đây là nỗi lòng về mảnh hồn làng trước những đổi thay - được mất, nơi người thơ đã lớn lên và ra đi: “Thầy vá lại mảnh quê bằng mây đan, tre nứa/ Nhắc nhở cháu con giữ lại hồn làng/ Chiếc gầu múc trăng, chiếc nơm đồng cạn/ Con rỗ con mè một thuở sương loang” (Hồn làng). Góc khuất, bóng tối, bí mật đầy rẫy giữa thăm thẳm đời đi vào thơ Thy Nguyên như một nhu cầu cần được giải mã: “Trong góc một sự kiện kín bưng/ Lũ chuột chào nhau đưa ma người sống/ Chỗ tôi đứng người ta thay nhau gột/ Giặt tẩy tên mình trong bóng bẩy sức thơm” và vì thế “Trên đỉnh cầu còn không sao chân cầu đã rạn/ Lỗ thủng ngoác ra xẩm chiều trơ nguội/ Ai rào? Ai giậu? Ai chế? Ai sống?/ Đừng trả lời mà lạnh xương” (Lỗ thủng). Câu hỏi này tiếp tục dâng lên thành những con sóng chữ dập dồn truy vấn lương tâm, trách nhiệm của không chỉ người cầm bút: “Anh là ai/ Anh đến từ đâu/ Anh đang đi về đâu?/ Hãy kêu tiếng kêu của ngọn đuốc/ Cháy một đời rừng/ Chảy một đời sông/ Cho tôi được khóc.../ Nhà văn/ Anh đã viết gì?/ Tự do lặng im hay tự do sải cánh?/ Tự do sát thương hay tự do bẫy nạp?/ Không ai trả lời.../ Chỉ có tiếng gió tru lên vỡ trong không cùng mục nát...” (Hỏi một nhà văn). Trả lời những câu hỏi rung ngân từ trái tim đa cảm của mình, Thy Nguyên đã bước vào cuộc đời để nâng đỡ những thân phận mà chị có thể nâng đỡ. Năm 2018, tôi gặp chị trong một chương trình truyền hình: Thy Nguyên kể lại hành trình chị tham gia giải cứu em gái tên Linh cùng quê bị bán sang Trung Quốc đã 17 năm. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in câu chuyện xúc động ấy.

5.

Thy Nguyên là người nữ đa tài. Chị tự vẽ minh họa cho một vài thi tập của mình. Những bức minh họa chỉ vài nét vẽ nhưng không hề giản đơn, chấm phá mà mềm mại, nữ tính. Gần đây, bạn bè lại “ồ, à” về kí họa chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn và một số văn nghệ sĩ Hải Phòng của Thy Nguyên. Tài hoa của chị là tối giản mà vẫn bắt được cái thần của nhân vật. Nữ sĩ đất cảng còn là người có tâm liên tài. Thy Nguyên đến với bạn bè văn chương từ những đồng cảm, sẻ chia, chị giúp đỡ, động viên những người đi sau bằng tấm lòng của người chị, một người “cùng hội cùng thuyền”. Chị luôn cho đi bằng tấm chân tình nên nhận về thật nhiều ấm áp, mến yêu. Năm lần Thy Nguyên ra mắt thơ tại Hải Phòng đều do bạn bè văn chương và giới mộ điệu đứng ra giúp đỡ. Đấy chính là nguồn năng lượng đẹp cho tâm hồn thi ca Thy Nguyên cất cánh.

6.

Khi đọc thơ Thy Nguyên, nghĩ về quãng đời đã qua của chị, tôi cứ nhớ đến nữ văn sĩ tài hoa của đất cảng Hải Phòng, đó là Đoàn Lê. Ngày nhà văn Đoàn Lê ra đi, tôi đã viết những câu này lên trang facebook: “Hoa gạo đỏ máu trời đã rụng/ Sợi tơ nào theo gió bay đi/ Người xa khuất/ vé khứ hồi ai nhận?/ Ga cuối rồi.../ hết kiếp đa đoan. Còn với Thy Nguyên, tôi hỏi chị về những ngày phía sau, về bến đỗ bình yên cho người đàn bà một lần đò dang dở, chị lặng im, khép hờ mi xanh, khuôn mặt an yên kì lạ. Rồi chị bảo: “Vẫn biết cuộc đời điều tốt đẹp luôn nhiều như lá cây rừng, nhưng Thy Nguyên xin được im lặng sống, im lặng viết, im lặng mơ ước.

Tôi biết, chị chỉ muốn lấy thơ chuyên chở giãi bày, làm nguồn năng lượng để yêu - sống. Thy Nguyên cũng muốn giữ những điều nên niêm cất ở trong sâu thẳm vùng mơ ước, riêng tư.

Và khi những con chữ này khép lại, tôi thấy ở nơi rất xa, phía cửa biển có người đàn bà lặng lẽ đi giữa sương chiều mùa đông bảng lảng, chị vừa đi vừa mơ những giấc mơ đàn bà trên một sân ga hiu hắt. Cái ga ấy có tên là “Vợ Cũ”!


Tác giả: Nguyễn Phú
Nguồn Văn nghệ số 3/2021

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay2,048
  • Tháng hiện tại71,035
  • Tổng lượt truy cập3,040,945
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây