Như tôi thương nhớ

Thứ tư - 27/01/2021 11:02
Cái thời tôi xe đạp cọc cạch vượt đèo Cùa khúc khuỷu, quanh co về quê em trong nắng gió dữ dội của Quảng Trị cách đây cũng khá lâu rồi. Lúc đó, ở vùng Cùa chưa hề có một mét đường nhựa, đường bê tông và điện sáng thì đang là mơ ước vô cùng xa xôi của người dân ở đây. Đường đất đỏ, gặp hôm trời mưa quánh lại thành bùn dẻo quẹo dính chặt vào dép người, lốp xe đi lại khó khăn chẳng kể sao cho hết. Mùa mưa, đi đâu dân cũng phải cầm sẵn một chiếc que để xoi bùn. Dân nơi này gọi “đất mến người”, nghe vừa vui vui, vừa thương thương nỗi gì đó. Cùa, trong tôi còn nguyên vẹn cảm giác buồn buồn của những đêm đông, ngôi nhà tranh làm theo kiểu bánh ít có ngọn đèn dầu hoe hoe sáng bị vây bọc bởi tiếng rơi đều đều rả rích của mưa lạnh, ngọn gió quẩn quanh giữa khu vườn ẩm ướt loang loáng tối. Ở một tàng cây âm u nào đó, bất chợt có tiếng cú rúc, nghe bí hiểm và rờn rợn.
111Cùa chỉ cách quốc lộ 9, một con đường nổi tiếng máu lửa ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ, đoạn qua thị trấn Cam Lộ chừng bảy cây số nhưng hồi những năm tám mươi của thế kỷ trước vẫn được coi là vùng sâu cách biệt của huyện bởi núi non trập trùng và nổi tiếng về nghèo. Muốn vào Cùa phải vượt qua đèo Cùa còn gọi là đèo Vắt (vì vắt nhiều vô kể) quanh co, gập ghềnh mọc nhiều lau lách và sim móc. Có cả hổ beo, những bậc cao niên ở đây kể thế, đôi khi người ta gặp “ông ba mươi” vằn vện ra nằm sưởi nắng trên lối mòn. Còn truyền lưu ở miền đất đỏ này câu ca dao có từ thời xa xửa xa xưa, đọc lên nghe buồn tủi lắm: Ai ơi chớ lấy trai Cùa/ Quanh năm quần cụt bốn mùa áo nâu. Có điều gì hơi sai sai ở đây, tiêu Cùa, chè Cùa, gà Cùa là những thứ nổi tiếng ở vùng đất này cớ sao dân lại nghèo đến vậy. Nghèo đến mức trai làng chẳng sắm nổi chiếc quần dài để mặc thì thật thảm lắm rồi và lại còn bị cạnh khóe về nẻo tình duyên như thế hỏi ai chẳng tự ái. Nói là nói rứa thôi, chứ trai vùng Cùa vẫn chẳng mấy người ế vợ, bằng chứng là đời này qua đời khác thôn làng cứ nhộn nhịp sinh sôi, thế hệ nối tiếp thế hệ tạo dựng nên cuộc sống nhuần thuận hài hòa. Và, không thể không tiết lộ điều này, như nhiều bạn bè tôi thường kháo nhau, Cùa được coi là miền gái đẹp của Quảng Trị.

Tôi trở thành con rể Cùa vào tuổi hai mươi sáu khi đang còn là chàng sĩ quan mang quân hàm cấp úy. Sau những cuộc vượt đèo Cùa khúc khuỷu bất chấp nắng bụi mưa lầy, tôi dính chặt vào Cùa như một tự nguyện ngọt ngào hằng mấy chục năm. Thăng trầm, sướng khổ, vui buồn đủ dựng một tự truyện chừng nửa nghìn trang, từ ngày nhà tranh vách đất đứng trên đồi lồng lộng gió đến những cuộc bìu ríu gánh gồng “đi mô cho thiếp đi cùng” biệt Quảng Trị ra Hà Nội rồi từ Hà Nội về Quảng Trị, nhấp nhô bao ký ức làm ta rưng rưng khôn xiết. Ở và đi, đi và về, đất đều là tâm hồn mình cả; trong Quảng Trị tôi gắn bó dư hai mươi năm với màu áo lính Trường Sơn có Cam Lộ, trong Cam Lộ có Cùa, quê ngoại của các con tôi. Cuộc đời mình như được sắp xếp từ trước, cứ thế mà bước đi theo lập trình của tạo hóa, có muốn đổi thay chắc cũng không dễ, mà chẳng cần đổi thay làm gì cả khi ta dần dà thấm thía chữ Duyên.

Có hương cau và cả mo cau trong không gian Cùa của tôi. Cũng như trong tôi đã chất chứa bao nhiêu hồn cát, trắng đến miên man như phiên bản trữ tình của sóng, mẹ ru tôi ru cả nỗi buồn Ô châu, ai đi đến đó quảy bầu về không. Tôi nghĩ cát Quảng Bình và mẹ đã cho tôi câu thơ hay được bạn bè nhắc tới: Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru. Mẹ mất sớm, em chỉ biết người sinh ra chồng mình qua những câu chuyện rơm rớm nước mắt. Và em thương người mồ côi mẹ từ tuổi mười hai, thương hoài, thương miết cho đến bây giờ. Có em, tôi có thêm một người mẹ đôn hậu nữa. Một người mẹ Cùa sẵn lòng nhường nhịn tất cả để được trọn vẹn hai tiếng yêu thương. Tôi được bù đắp khi có mẹ. Tôi nói điều này từ tấm lòng, không thể khác được. Mẹ đối xử với con rể như người tự mình rứt ruột sinh ra. Và vô cùng tinh tế. Từ Cùa, mẹ gửi ra Hà Nội cho con rể chiếc quạt mo cau. Kỷ vật dân giã đó tôi đặt trên bàn viết của mình. Tôi nghe tiếng bà ru cháu ngoại trong ngan ngát hương cau, nghe nỗi nhọc nhằn tan khuất vào mưa nắng miền Trung, nghe những thầm thì mẫu tử, nghe canh cánh dĩ vãng bazan khát, nghe những gói đùm thơm dẻo của nhẫn nhịn, sẻ chia… Và, như thế tôi vẫn hình dung về Cùa như tôi hằng thương nhớ, chân mộc mà sâu nặng tình người. Tôi thấm thía chiều sâu tâm hồn của một vùng đất qua những con người cụ thể; mẹ là Cùa, em là Cùa của tôi, từ tháng ngày cơ cực đến diện mạo tươi sáng hôm nay. Vẫn là Cùa đấy thôi.

Những con đường nắng bụi mưa lầy chỉ còn trong ký ức. Đèo Cùa trở thành con đường rải nhựa bằng phẳng uốn lượn mềm mại giữa núi đồi. Đoạn dốc khoanh tay cao ngất, lởm chởm sỏi đá hồi nào tôi đã từng ngã xe máy một lần ở đây, nay được hạ thấp, chạy một vòng cung đẹp. Đêm đêm lại được chiếu sáng bằng hệ thống đèn đường chạy bằng năng lượng mặt trời. Dáng dấp Cùa hôm nay là dáng dấp của một thị tứ xanh sạch đẹp như nhiều người mơ ước. Giấc mơ đã thành hiện thực ta có thể chạm vào giữa ngày thường. Đường nhựa, đường bê tông ngang dọc thôn xóm. Hai bên là những chậu hoa, thảm hoa khoe sắc bốn mùa. Hoa do dân trồng và chăm sóc cả đấy. Người dân chăm chút làm đẹp cho thôn xóm của mình, cuộc sống vừa ấm no vừa lãng mạn. Điện đường đêm đêm tỏa sáng. Ngọn đèn dầu trở thành cổ tích xa xưa. Trường học các cấp đều khang trang. Trạm xá cũng không kém. Xa xa là những vạt rừng cao su, tràm keo xanh ngút ngát. Tiêu Cùa, chè Cùa, gà Cùa càng lừng danh hơn. Cùa bắt nhập vào thời đại bằng kết nối mạng, bằng những suy tính vượt ra khỏi tư duy thuần nông để có nhà máy chế biến cao su, có xưởng may công nghiệp…

Cùa, còn quá sớm để được gọi là vùng đất giàu có. Nhưng vùng đất lịch sử thì đương nhiên rồi. Chiến khu Cùa của hai thời kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ chắc nhiều người đã biết. Có một di tích lịch sử mà tôi nghĩ rằng trong tương lai rất gần nó sẽ là điểm nhấn cực kỳ thu hút của du lịch Quảng Trị ở ngay trên đất Cùa. Đó là di tích căn cứ Tân Sở gắn liền với tên tuổi vị vua yêu nước dựng cờ Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược. Vua Hàm Nghi. Lòng yêu nước sẽ mãi bất tử. là ánh sáng không bao giờ tắt. Long vị của Ngài đã được rước từ thành phố Huế về Tân Sở như một cuộc phục sinh lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Dấu ấn lịch sử mang tên Hàm Nghi mặc nhiên được minh định bằng dấu tích Tân Sở trên vùng Cùa. Đó là sự mở đầu cho gần một thế kỷ chống thực dân Pháp xâm lăng dưới ngọn cờ tập hợp của các vị vua và sĩ phu phong kiến yêu nước để kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu Ất Dậu 1945, giành chính quyền về tay nhân dân và tiếp đó là chín năm kháng chiến thánh thần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 do những người cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cùa, những gì tôi lan man cũng chỉ là chấm phá. Riêng, chung nào được nhắc đến cũng là yêu dấu khôn nguôi của tôi với mảnh đất này. Năm tháng đi qua sẽ lưu lại trong tâm hồn ta những gì sâu sắc nhất. Vùng đất. Con người. Dấu vết của quá khứ. Hơi thở, nhịp điệu hôm nay. Khát vọng, dự cảm ngày mai. Tất cả dường như đang được chiếu dọi, ánh xạ trong tâm thức của ngày trở lại. Trở lại nơi ba đứa con của tôi cất tiếng khóc chào đời trong một mùa đông, trong một mùa hạ và trong một mùa thu. Ba mùa khác nhau nhưng đều tràn ngập yêu thương. Mùa yêu thương, lấp lánh mãi. Vâng, trong tôi hiển hiện một vùng Cùa như là thương nhớ.


Tác giả: Nguyễn Hữu Quý
Nguồn Văn nghệ số 4/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,292
  • Tháng hiện tại70,279
  • Tổng lượt truy cập3,040,189
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây