Nói thật với Ròm

Thứ ba - 26/01/2021 11:23

Phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy chính thức ra rạp ở Việt Nam từ ngày 25/9/2020. Phim nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả yêu điện ảnh, những người đang khao khát quay lại không gian của phòng chiếu màn ảnh rộng sau nhiều tháng “bấm bụng” vì dịch Covid. Ròm đạt doanh thu ấn tượng 30 tỉ đồng sau tuần đầu công chiếu. Đó là thành công không nhỏ đối với một bộ phim dài đầu tay của một đạo diễn mới 30 tuổi.
111

Ròm đã tự nổi tiếng trước khi đến với khán giả. Tháng 10 năm ngoái, bộ phim đoạt giải “Dòng chảy mới” tại Liên hoan phim quốc tế Busan, một trong những đại hội điện ảnh quan trọng nhất ở châu Á. Ban giám khảo đánh giá: “Năng lượng tuyệt vời của bộ phim kết hợp cùng những màn trình diễn xuất sắc và cảnh quay ngoạn mục tạo ra một bộ phim nổi bật. Việc sử dụng các địa điểm thực, sống động đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và phần kết mở rất mĩ mãn.”

Ngay sau khi đoạt giải tại Busan, Ròm lại gây xôn xao dư luận khi bị Cục Điện ảnh ra quyết định phạt 40 triệu đồng và yêu cầu tiêu hủy bản dự thi do tham gia liên hoan phim quốc tế khi chưa được cấp phép công chiếu ở Việt Nam. Tiếp đó là chuỗi ngày chỉnh sửa lại theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim Quốc gia trước khi phim nhận được giấy phép ra rạp tại Việt Nam vào đầu tháng 4/2020. Theo như chia sẻ của chính đạo diễn Trần Thanh Huy với báo giới khi nhận tin Ròm được phổ biến, dù đã trải qua “tiểu phẫu”, bộ phim vẫn giữ độ dài 79 phút như bản đoạt giải và “những điểm đắt giá nhất cùng những cảnh tâm huyết nhất vẫn còn ở đó”.

Trong cái rủi có cái may. Tất cả những lùm xùm trên bỗng trở thành một cú PR hoàn hảo miễn phí cho Ròm. Bảy năm trước, bộ phim hành động Bụi đời Chợ Lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn không được may mắn như vậy. Phim đã bị cấm chiếu hoàn toàn do không vượt qua được sự khe khắt của các nhà kiểm duyệt. Hơn nữa, với giải thưởng danh giá của Liên hoan phim Busan mà Ròm giành được, phim vô tình gieo vào lòng người mộ điệu niềm hi vọng về một tác phẩm độc đáo và tầm cỡ, một mặt tạo tiếng vang cho nền điện ảnh Việt trên thế giới, mặt khác khơi gợi đôi chút niềm tự hào dân tộc, như cách phim Kí sinh trùng đã làm được cho điện ảnh Hàn Quốc.

Chính vì hành trình đến với công chúng của Ròm như một bộ phim đầy kịch tính, nhiều khán giả đã háo hức tới rạp, giới trong nghề nô nức tới dự các buổi ra mắt công chúng như trẩy hội. Sự náo nhiệt này vừa mừng vừa thương. Mừng vì lâu lắm rồi mới có bộ phim tạo thành một sự kiện nghệ thuật cho công chúng, nhất là trong mùa Covid nhiều ảm đạm này. Thương vì khán giả vẫn còn yêu phim Việt lắm, vẫn còn mong chờ, tha thiết dù hết lần này tới lần khác ấm ức, thất vọng vì những bộ phim “made in Vietnam” quá tồi. Chính vì mang theo nhiều kịch tính, nhiều ước ao, nhiều bao dung như thế, nên phản ứng dành cho Ròm nhất định cũng phải tương xứng với cách nó trình làng. Khán giả đón nhận sẽ không thể đơn thuần dành những lời nhận xét chung chung kiểu “hay, dở” hoặc chấm cho một con số lạnh lùng trên thang điểm 10. Ròm phải chấp nhận một cuộc “đại phẫu” từ phía khán giả, có thể còn gai góc hơn, còn đau đớn hơn các cuộc tiểu phẫu của Hội đồng kiểm duyệt. Nhưng đó là cách để nền điện ảnh Việt Nam có thể lớn lên, cách để những nghệ sĩ chọn phim ảnh là nghiệp riêng của mình có thể hưởng lợi từ việc tôn trọng khán giả.

Và dưới đây là những lời nói thật với Ròm.

Cảnh huống Ròm giới thiệu không phải quá mới mẻ, nếu không nói thực ra là một lối mòn. Ròm dựng nên một bức tranh u tối, có phần ngột ngạt về một xóm lao động nghèo với tâm điểm là hai em bé làm nghề cò ghi đề: Ròm (Trần Anh Khoa đóng) và Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú đóng). Suốt chiều dài của bộ phim là các cuộc tranh chấp, giành giật giữa Ròm và Phúc trong từng phi vụ cò đề. Ham mê lô đề từng là một vấn nạn nhức nhối của nhiều gia đình từ Nam chí Bắc nhiều năm về trước, nhưng so với những hình thức cờ bạc, vay nặng lãi mang tính công nghệ cao như cá độ bóng đá, vay tín dụng ngân hàng qua ứng dụng trên mạng... thì nạn lô đề đã ít nhiều mất tính thời sự, và vì vậy cũng trở nên kém hấp dẫn với tư cách là chủ đề được khai thác trên phim ảnh.

Khắc họa một bối cảnh không mấy mới lạ, lại chọn một chủ đề đã mất tính thời sự, Ròm cũng thiếu sự đột phá trong việc lí giải cho hiện trạng của nhân vật. Tác giả để Phúc xuất thân mồ côi còn Ròm thì bố mẹ bỏ rơi khi gia đình bị giải tỏa nhà. Những câu chuyện của quá khứ chỉ được tái hiện hoàn toàn qua lời kể của hai nhân vật, không có bất kì hình ảnh nào để liên tưởng, dẫn dắt. Nó khiến Ròm rơi vào một công thức dễ dãi về xây dựng hình tượng nhân vật: mọi sự bất hạnh đều bắt nguồn từ sự không may, sự lầm lỗi của một ai đó. Nó khiến cho các nhân vật vừa bước vào phim đã mang một dáng dấp bất lực, đáng thương như nhân vật Chí Phèo với câu thét nổi tiếng: “Ai cho tao lương thiện?” Và dù đạo diễn có cho họ chiến đấu ra sao, người xem cũng có thể dễ dàng đoán trước, đó chỉ là những giãy giụa trên một con đường có chiều đi xuống. Sau vài cuộc đánh nhau, đuổi bắt như làm xiếc giữa Ròm và Phúc, người xem thôi mong chờ những cú lật độ ngoạn mục của số phận. Các tuyến nhân vật khác, từ tay xã hội đen (Rapper đang nổi Wowy đóng) tới bà ghi đề, người chơi đề…, cũng chịu chung sự mờ nhạt về thân phận như hai nhân vật chính, dù họ cũng được đặt tên, cũng được ưu ái nhiều cận cảnh.

Đạo diễn Trần Thanh Huy giải cứu sự nhàm chán của chủ đề và làm đầy một câu chuyện không có cốt truyện bằng cách dẫn người xem vào một cuộc chơi về âm thanh, thị giác mang tính thực tế ảo. Tác giả vận dụng triệt để các cú lia máy liên hoàn, những góc quay nghiêng, chuyển động khung hình dồn dập nhằm tạo ra sự náo động, mang đậm tính “trẻ trâu” của hai nhân vật chính, nhưng cũng rất đậm hơi thở Sài Gòn. Phim bao gồm những bối cảnh hết sức phong phú, từ xóm lao động, nghĩa địa tới vùng sông nước, đường phố…; bối cảnh nào cũng có màu sắc riêng và mang tới cảm giác chân thật cho người xem. Trong một số phân đoạn, diễn xuất của diễn viên tạo ra được ít nhiều kịch tính, thậm chí làm khán giả sởn da gà. Như cảnh Ròm rơi tõm vào huyệt mộ đào sẵn, bất lực không thể leo lên; cảnh Ròm cắn Phúc răng đầy máu; cảnh Ròm và Phúc quyết đấu sinh tử khi đoàn tàu lao tới… Dựng phim như vậy phải công nhận là táo bạo, rất nhiều tìm tòi và đã chạm một tay tới “tính hiện thực”. Không có gì khó hiểu khi Ban giám khảo ở Liên hoan phim Busan đã hoàn toàn bị Ròm chinh phục bởi điểm này. Nhưng rất tiếc, vì mới dừng lại ở nỗ lực dựng “thật hơn là thật” một vài vệt nhỏ của đời sống - điều đạo diễn Trần Thanh Huy cũng không phủ nhận khi chia sẻ mục đích chính của mình khi làm phim Ròm - khán giả dù bao dung nhất cũng không thể tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi kiên nhẫn xem Ròm tới tận những giây cuối cùng. Họ đã sẵn sàng để Ròm mang lại ấn tượng sâu sắc, đã chuẩn bị để được Ròm gây ám ảnh. Nhưng Ròm vẫn không thể làm được điều mà khán giả cần nhất khi bỏ công xem một bộ phim: kích hoạt nơi họ một niềm cảm hứng mới, một góc nhìn mới về cuộc sống, về những phận người.

Đạo diễn xây dựng nội tâm nhân vật bằng cách để Ròm cõng thêm ước vọng tìm lại gia đình và trở thành họa sĩ, Phúc hi vọng trở thành dancer nếu có tiền. Một lần nữa, đây là một công thức rất khuôn sáo. Bởi nội tâm của nhân vật hoàn toàn không có gì gắn kết với cảnh huống hiện tại. Tất cả chỉ là sự mơ mộng về tương lai, một tương lai bất định và mơ hồ. Hành trình tìm về quá khứ cũng lỏng lẻo, lỏng lẻo như xuất thân của nhân vật. Cả Ròm và Phúc không có một nỗi đau tâm lí xót xa, thuần khiết nào khiến người xem rung động. Hàng xóm láng giềng của Ròm và Phúc, những khách hàng thân thiết mỗi ngày của họ thua đề hay thắng đề hoàn toàn không mảy may tác động tới hành vi của họ. Phản ứng xuyên suốt của hai nhân vật chỉ là sự tức giận mang bóng dáng manh động của những lần bị giựt tiền hoặc mất mối làm ăn. Việc khắc họa sơ sài tâm lí khiến những cảnh mong nhận được sự cảm thông của khán giả đối với nhân vật đã không đạt hiệu quả. Việc để Ròm nhiều lần tỉ mẩn vẽ hình mẹ lên mái nhà, mỗi ngày quay trở lại bức tường tuổi thơ ngồi vẩn vơ và đau đáu gom đủ một “vé” để được gặp mẹ qua một cuộc điện thoại vu vơ... trở nên nhạt. (Các đạo diễn Việt thường bắt con trẻ trong phim nhớ mẹ một cách nghệ sĩ như vậy!) Để lí giải cho hành vi Ròm tiếp tay đổ xăng thiêu cháy xóm lao động, đạo diễn cho Ròm miếng mồi là 200 ngàn đồng từ tay xã hội đen, đủ tiền tìm mẹ. Một hành vi mang tính giết người hàng loạt như vậy cần một động cơ thấu đáo hơn, một khúc ngoặt éo le hơn là ước vọng đoàn tụ gia đình. Theo những gì hiển hiện trên phim, nhân dáng của Ròm và Phúc cũng đã tầm 15 - 16 tuổi, nhưng đáng tiếc, đạo diễn để cho hai nhân vật có một số ứng xử như trẻ lên 10 đi lạc. Đạo diễn đã không thể tạo ra một cú vặn xoắn về nhận thức nơi người xem bởi thiếu sự quyết liệt ngay từ đầu trong việc định hình sứ mệnh cho các nhân vật của mình. Họ hoặc phải làm tròn nhiệm vụ tạo ra góc nhìn trần trụi, khốc liệt về cuộc sống hoặc khơi gợi sự trắc ẩn của khán giả về thân phận. Đối với đa số người nghèo - thất học, mối lo tồn tại qua ngày, niềm tin hồn nhiên đến u mê về những may mắn giúp đổi đời, sự tự tha hóa, bạo lực hóa và buông tay chấp nhận số phận... đã đủ là một tấn đại bi kịch. Ròm vẫn đi vào con đường cầu toàn, cố vẽ cho các nhân vật một số nét tâm lí, khía cạnh tâm hồn hòng tạo ra con người hai phần chính - tà đầy đủ. Cứ như nếu không có ước mơ trở thành họa sĩ thì khán giả sẽ ghét bỏ Ròm. Nhưng con người, đáng buồn thay, đôi khi chỉ là những sinh vật còm cõi, bế tắc toàn tập khiến mọi sự lí giải tâm lí và hoàn cảnh trở nên xa xỉ và thành công cụ thi vị hóa của người làm nghệ thuật. Lẽ ra phim chỉ cần tập trung vào cuộc đấu sinh tử giữa Ròm và Phúc để sinh tồn là đủ lay động lòng người. Một bộ phim hành động được làm tới nơi tới chốn một cách mới mẻ cũng rất đáng tự hào. Những vật lộn, cấu xé nhau quyết liệt, những chà đạp xuống sình lầy để ngoi lên, nhiều lần suýt soát chạm lằn ranh của tận diệt... là quá đủ cho một thông điệp sâu sắc: Sự tồn tại của một cá thể có ý nghĩa gì với những người xung quanh trong thành phố mang dáng dấp của một siêu đô thị đông đúc này? Cuộc sống có những sự khắc nghiệt hơn nhiều mà không cần tới công thức đâm chém, máu me, nhà cháy.

Ròm không tránh khỏi bị mọi người so sánh với Kí sinh trùng, bộ phim mang tới vinh quang cho điện ảnh Hàn Quốc. Bởi hai phim có sự trùng lặp về đối tượng phản ánh: những người dường như bất lực trong việc sống một cách bình thường. Tuy vậy, người nghèo trong Kí sinh trùng có rất nhiều câu nói sâu sắc, đủ gói ghém nỗi đau và những khát vọng thầm kín, chẳng hạn: “Người có tiền làm gì chẳng dễ!” Các nhân vật của Ròm có rất nhiều cảnh rượt đuổi hay cú parkour hoàn hảo nhưng hoàn toàn vắng bóng những tâm tình đáng nhớ.

Để có thể kể một câu chuyện bi bằng góc nhìn tỉnh táo, bằng hình ảnh mạnh mẽ lẫn sự tinh tế của ngôn từ thật là cuộc chơi khó khăn. Ròm mang tới một vài vị lạ cho thị giác và thính giác nhưng kịch bản chưa đủ sâu để mang tới những cơn sóng cho tâm hồn. Ròm vẫn sẽ có đầy đủ quyền để tự hào vì mình đã tạo ra một sự kiện của điện ảnh Việt. Trong sự kiện ấy, có bóng dáng trưởng thành rất đáng khích lệ của một lớp đạo diễn trẻ, có sự cầu thị của các nhà quản lí điện ảnh sau những quyết định quan liêu, có sự nâng đỡ của khán giả. Nhưng Ròm chưa đủ tầm vóc trở thành một hiện tượng của điện ảnh theo đúng nghĩa của nó để đi vào lịch sử. Và, chúng ta lại tiếp tục chờ.
 

Theo Cẩm Hà/VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,621
  • Tháng hiện tại70,608
  • Tổng lượt truy cập3,040,518
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây