Dọn vườn: Có nên gọi Nhật Bản là thị trường "khó tính"

Thứ bảy - 09/10/2021 16:35
Chương trình Thời sự 12 giờ trưa của VOV ngày 8/10/2021 đã đưa tin thanh long Bình Thuận được cấp chứng chỉ để tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản. Đây là tin vui cho bà con nông dân. Vì giá thanh long trong nước khoảng 30 nghìn VNĐ/1kg, trong khi ta xuất sang Australia được 14 USD/1kg, tương đương với 300 nghìn VNĐ. Giá thanh long xuất sang Nhật Bản chắc là cũng tương đương với xuất sang các nước khác.
111
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu Biên tập viên của chương trình Thời sự không nói: “Thanh long Bình Thuận được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp chỉ dẫn địa lý tại thị trường khó tính bậc nhất châu Á này”. Và BTV lần thứ 2 dùng từ “khó tính” khi nói đại ý rằng thanh long đã có thể tiêu thụ tại các thị trường khác nhau, “nhất là tại các thị trường khó tính” (?) và rồi bản tin Nông nghiệp hồi 13 giờ cùng ngày của hệ VOV1 cũng đưa tin thanh long Bình Thuận đã vào được thị trường “ khó tính” là Nhật Bản.

Một số cơ quan Báo chí khác thỉnh thoảng cũng dùng từ “thị trường khó tính” như VOV  để nói việc nước ta xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, Hoa Kì và thị trường các nước châu Âu... Ví dụ: Báo Công An điện tử ngày 3/9/2021 cũng đưa tin thanh long Việt Nam có cơ hội “chinh phục thị trường khó tính” để nói việc bán thanh long sang châu Âu, Nhật Bản...

Vậy có đúng Nhật Bản là thị trường “khó tính” như cách dùng từ nêu trên của các nhà báo hệ VOV1?

Từ “khó tính” được hiểu là không dễ dãi, không dễ hòa đồng chia sẻ trong quan hệ  giữa con người với con người. Ai đó được coi là “khó tính”, thì mọi người thường có cảm giác e ngại khi phải tiếp xúc. Và từ “khó tính” cũng có khi được dùng để chỉ sự không thân thiện, thậm chí là chê bai đối với ai đó được cho là người “khó tính”. Ví dụ: “Cô ta khó tính khó nết lắm...”

Như vậy, việc đem một từ được dùng để chỉ tính cách con người sang một lĩnh vực vực khác như lĩnh vực buôn bán xuất khẩu là không phù hợp. Từ “khó tính” trong văn cảnh chỉ việc xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản cần được hiểu là “yêu cầu cao” về an toàn thực phẩm cũng như về chất lượng sản phẩm. “Yêu cầu cao” hoàn toàn khác với “khó tính”.

Để tôn trọng một ai đó, chúng ta  không bao giờ được gọi họ là “khó tính”. Vậy nên, chúng ta không dùng cụm từ "thị trường khó tính” mà dùng từ “thị trường yêu cầu cao”. Gọi thế tuy hơi dài, nhưng báo chí cần phải dùng từ chính xác.
                       
NGƯỜI DỌN VƯỜN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây