Sàng lọc tin tức nhìn từ trách nhiệm của báo chí

Thứ năm - 20/10/2022 14:44

 Trong việc chấn chỉnh, xử lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có hiện tượng báo hóa, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng là rất quan trọng.

111

Nhưng việc sàng lọc tin tức, lan tỏa thông tin tích cực và nâng cao công tác tuyên truyền để tăng sức đề kháng cho người dân, công chúng tiếp nhận thông tin từ trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội còn có một phần trách nhiệm của người làm báo.

Không chỉ là câu chuyện xử phạt

Sự quyết tâm dẹp loạn từ Bộ Thông tin & Truyền thông, đến sự vào cuộc của các Sở Thông tin & Truyền thông với các phương thức triển khai đa dạng đã phần nào mang đến những kết quả bước đầu. Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” chỉ là các gạch đầu dòng được phác thảo nhưng khi đi vào thực tế đã tạo nên sức nặng rất lớn.

Như ông Lê Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa chia sẻ: “Với nội dung của Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành, đã giúp các cơ quan quản lý báo chí có công cụ nhận diện từng vấn đề, vụ việc cụ thể để xử lý đảm bảo cơ sở pháp lý. Do vậy hoạt động tác nghiệp sai quy định đã giảm, thông tin trên báo chí đã cân đối được nội dung tích cực với phản ánh thông tin sự kiện, vụ việc sự vụ, làm cho môi trường báo chí ở Thanh Hóa đi vào nền nếp”.

Cùng với các tiêu chí đó, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, trong năm 2022, Bộ Thông tin & Truyền thông đã tăng cường sử dụng công nghệ để đo kiểm, rà quét, đánh giá hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trong đó tập trung giám sát và phát hiện những sai phạm liên quan đến việc đăng tải nội dung thông tin, mục đích và phạm vi cung cấp dịch vụ, các dấu hiệu “báo hóa”… để nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật (áp dụng các biện pháp tạm dừng tên miền, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động, tịch thu phương tiện vi phạm...), đặc biệt là các hành vi hoạt động không đúng nội dung thông tin và phạm vi cung cấp thông tin trong giấy phép đã được cấp, hành vi lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, hành vi tái phạm nhiều lần… Các biện pháp này đã và đang được các Sở Thông tin & Truyền thông áp dụng triệt để.

Theo kỳ vọng của các nhà quản lý, lãnh đạo báo chí, nếu thực tiễn, các trang TTĐTTH hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép, chắc chắn sẽ trở thành những “cánh tay nối dài” của các cơ quan báo chí, làm lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, đất nước... tới đông đảo công chúng, tạo sức lan tỏa, góp phần xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, đẩy lùi những thông tin sai trái, tiêu cực trên các mạng xã hội đang lan tràn.

Tuy nhiên, vấn đề phức tạp nảy sinh ở chỗ, thay vì tuân thủ quy định “có tính chất báo chí”, “cung cấp thông tin tổng hợp” của báo chí, thì thực tế, không ít trang TTĐTTH đã “lách luật”, “xé rào”“báo hóa” trang TTĐTTH. Nút thắt ấy dù muốn hay không cũng đang tạo ra những “lực cản” trong hành trình tạo dựng niềm tin của công chúng với báo chí. Và hơn hết khiến cho dòng tin tức trên môi trường mạng, trong xã hội bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay.

Tăng sức đề kháng trong tiếp nhận thông tin

Biện pháp phối hợp để “mạnh tay” chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang TTĐTTH một cách nghiêm khắc hơn nữa vẫn cần là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Ban Tuyên giáo T.Ư, tuyên truyền, phối hợp thắt chặt quản lý các cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, nhắc nhở hội viên quán triệt nghiêm túc Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành năm 2018…”

111
Chấn chỉnh, xử lý báo hóa TTDTTH, mạng xã hội cần nhiều biện pháp, trong đó có vai trò định hướng thông tin, lan tỏa tin tức tích cực của báo chí.

Các cơ quan chức năng đã và đang rất nỗ lực chung sức đẩy lùi hiện tượng báo hóa TTTĐTTH, mạng xã hội nhưng, như đã nhấn mạnh, vai trò thông tin của báo chí cũng quan trọng không kém. “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” hay tạo ra một “vùng xanh” tin tức đã được các chuyên gia nhắc đến nhiều. Trong vấn đề này, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng: Việc thiết lập “vùng xanh” tin tức, thông tin tích cực, chính thống được lan tỏa là rất quan trọng.

Ông nhấn mạnh ba điều: Thứ nhất, tăng cường phủ sóng thêm nhiều kênh thông tin chính thống trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok, Instagram…) để người dân có thể nhận diện được thông tin đúng đắn và tạo sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền khác không chính thống trên các trang TTĐTTH, trên không gian mạng. Từ đó tạo thói quen có sự tham khảo khi sử dụng thông tin, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.

Thứ hai, tuyên truyền qua các kênh thông tin ở “vùng xanh” để giúp người dân có thể nhận diện được các kênh có tin giả thường các đặc điểm sau: Tin giả thường có tiêu đề giật tít, không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, đưa ra những thông tin khẳng định, mang tính chủ quan, thổi phồng… nhằm thu hút sự chú ý của người đọc và đường dẫn liên kết thường gần giống đường dẫn của các kênh chính thống.

Thứ ba, tuyên truyền để người dân biết nếu muốn nắm bắt được các thông tin chính trị, kinh tế - xã hội chính xác thì xem ở các trang thông tin của ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng nào hay ở các tờ báo chính thống, uy tín nào. Đồng thời, kêu gọi người dân không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng để tạo thói quen, nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia vào không gian mạng.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới các tổ chức, doanh nghiệp để họ nhận thức, hiểu đúng và làm theo đúng quy định của pháp luật liên quan tới trang TTĐTTH không chỉ là nhiệm vụ của các Sở Thông tin & Truyền thông mà các cơ quan báo chí trong vai trò thông tin tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh hơn nữa.

Có thể nói, công tác chấn chỉnh, xử lý hiện tượng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội suy cho cùng chính là cách xác lập chế tài, thực hiện nghiêm minh quy định pháp luật để nỗ lực hướng đến môi trường thông tin lành mạnh. Và dĩ nhiên, mọi biện pháp cũng đều hướng đến làm sao để thông tin chuẩn mực, xác thực và người dân được “ăn” những món ăn tinh thần hữu ích nhất có thể.

Bởi vậy, quan tâm trong công tác rà soát, tìm ra sai sót để xử lý là biện pháp quan trọng nhưng để triệt để và tạo dựng hệ sinh thái thông tin chuẩn mực thì cần kíp sự chung tay, tổng hòa nhiều biện pháp hơn nữa. Trong đó, vấn đề tích cực lan tỏa những thông tin chính thống trên các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội là rất hiệu quả, tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc hại…

 

Theo Hà Vân/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây