Báo Bắc Giang xây dựng cơ quan văn hóa - Kinh nghiệm từ thực tiễn

Thứ năm - 03/11/2022 11:11
Tham luận của Ban Biên tập Báo Bắc Giang, tại Hội thảo “Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và Người làm báo văn hoá” do Hội Nhà báo Bắc Giang tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập
Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ đề cuộc hội thảo hôm nay. Thực tiễn cho thấy, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là chủ đề rất rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nhiều về thời gian, công sức. Tại hội thảo hôm nay, theo gợi ý của Ban tổ chức, tôi xin chia sẻ về xây dựng cơ quan văn hóa - kinh nghiệm từ thực tế Báo Bắc Giang.
111
Đồng chí Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang.
Tôi rất tâm đắc với những đúc kết của các thế hệ nhà báo đi trước về phẩm chất và yêu cầu đối với mỗi nhà báo, đó là: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”: “Tâm, tầm, tài”; “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”; “Đi, nghe, nghĩ, viết”; “Trái tim nóng, cái đầu lạnh”; “Năng khiếu, nhiệt tình, vốn sống”... Hay ở Báo Bắc Giang của chúng tôi đã có các  khẩu hiệu hành động là “Đi xa, đi sâu, ở lâu cơ sở”; “Nửa đêm chuông gọi, sớm ngày báo ra”; “Đúng, hay, đẹp, thiết thực, kịp thời”... Tôi luôn nghĩ, các thế hệ làm báo tài trí trong gần một thế kỷ qua đã có những đúc kết như trên để gửi tới chúng ta hôm nay, đó là những phẩm chất và yêu cầu chắc chắn sẽ chẳng bao giờ cũ đối với những người làm báo, là hành trang để nâng bước các nhà báo trên con đường sự nghiệp của mình.

Báo Bắc Giang đã đi qua chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay Báo có hơn 60 cán bộ, công nhân viên. Báo phát hành các ấn phẩm báo hằng ngày, báo thứ Bảy, cuối tháng và báo điện tử tiếng Việt, tiếng Anh. Hiện Báo Bắc Giang đang tập trung chuẩn bị xuất bản báo điện tử tiếng Trung Quốc. Từ thực tiễn hiện nay và ôn lại truyền thống hơn 60 năm qua, chúng tôi nhận thức được rằng, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa chính là một trong những nhân tố hàng đầu để tờ báo không ngừng đổi mới, phát triển, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao và đáp ứng sự tin yêu, đồng hành, mong đợi của bạn đọc.
Xác định xây dựng cơ quan báo chí văn hóa là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài; thông qua giáo dục truyền thống cũng là để các thế hệ làm báo tiếp nối thành quả lớp người đi trước tạo nên, từ đó rút ra cho mình nếp nghĩ, cách sống và làm việc có trách nhiệm hơn với hiện tại và tương lai. Vì lẽ đó Ban Biên tập luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức giáo dục truyền thống với nhiều biện pháp, cách thức như: Tổ chức gặp mặt các thế hệ làm báo qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày tờ báo xuất bản số đầu; tổ chức gặp mặt nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hằng năm: tổ chức các chuyến hành trình về nguồn; thành lập đội tuyên truyền ca khúc cách mạng: đặt hàng sáng tác ca khúc về tờ báo... Qua các hoạt động trên và từ những câu chuyện ý nghĩa về nghề nghiệp và cuộc sống, về những bước trưởng thành, vượt qua khó khăn, gian khổ của lớp nhà báo đi trước đã bồi đắp cho những người làm báo về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề và đam mê sáng tạo, tận tâm, tận lực cống hiển vì sự trưởng thành, lớn mạnh của tờ báo.... Bên cạnh đó, căn cứ nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ hay từng năm, Đảng ủy, Ban Biên tập xác định các chủ đề cụ thể để chỉ đạo, thực hiện như: “Năng động - sáng tạo - hiệu quả”, “Đoàn kết - Kỷ cương - Nêu gương”...; đồng thời phát động các phong trào, đợt thi đua, tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cách làm mới, điển hình tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, tạo không khí phấn khởi trong đội ngũ những người làm báo.

Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác tuyên truyền, căn cứ tình hình thực tế, Ban Biên tập kịp thời chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản phục vụ lãnh đạo, quản lý; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng tác phẩm báo chí, như; Rà soát điều chỉnh quy chế hoạt động: xây dựng Quy chế Thi đua - Khen thưởng thực hiện chấm điểm thi đua hằng ngày đối với từng cá nhân làm cơ sở đánh giá, phân loại chất lượng lao động hằng tháng và cả năm; xây dựng quy trình xuất bản đối với từng loại ấn phẩm; ban hành Tiêu chuẩn xuất bản báo Bắc Giang điện tử... Qua thực hiện các văn bản trên đã tạo sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ, rồi kiểm tra, đánh giá kết quả làm việc của các tập thể, cá nhân; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hợp tác; xây dựng tác phong làm việc mình vì mọi người, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công việc. Đối với những biểu hiện lệch lạc, hành vi vi phạm pháp luật, Ban Biên tập kịp thời có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh, thậm chí xử lý kỷ luật để làm tấm gương cho người khác.

Có thể khẳng định, chính từ chú trọng xây dựng cơ quan văn hóa đã giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan thu được nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong những năm gần đây. Trong đó, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa các khâu của quy trình xuất bản, Báo Bắc Giang là một trong số ít cơ quan báo Đảng địa phương đi đầu trong cải tiến, rút ngắn quy trình xuất bản để việc xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời, hấp dẫn hơn. Từ năm 2014, Báo Bắc Giang xây dựng và ứng dụng quy trình "Tòa soạn điện tử". Ưu điểm của quy trình này là xử lý thông tin nhanh, chính xác, tiết kiệm vật tư, nhân lực, nâng cao năng suất lao động; đồng thời tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát thông tin, tạo chuyển biến mới về nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo chí. Cuối  năm 2017, Báo Bắc Giang tiếp tục tập trung triển khai từng bước “Tòa soạn hội tụ, qua đó việc nắm bắt nguồn tín, thảo luận nội dung, cách thức xử lý thông tin được thực hiện nhanh nhạy, chính xác, kịp thời hơn; công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn chặt chẽ, thường xuyên hơn, hạn chế sự chồng chéo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên trong xử lý thông tin có sự chuyên biến, dần làm quen với phương thức làm việc trong môi trường tập trung, tác nghiệp cho nhiều loại hình báo chí.

Với báo điện tử, Ban Biên tập tập trung chỉ đạo cập nhật liên tục thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế. Phương thức làm báo có nhiều đổi mới từ chỗ báo điện tử chủ yếu khai thác lại thông tin trên báo in, đã chuyển sang xuất bản thông tin trước. Từ chỗ chỉ đưa thông tin đơn thuần, đã chú trọng thực hiện các tác phẩm “nhiều cửa sổ thông tin”, các tác phẩm báo chí mới như Emagazine, Infographic... Qua phát phiếu lấy ý kiến đánh giá của bạn đọc cho thấy những sự đổi mới trên là đúng hướng và từ thực tiễn làm việc cho đội ngũ người làm báo Bắc Giang nhưng kinh nghiệm, trải nghiệm mới trong hoạt động nghiệp vụ.

Từ thực tế xây dựng cơ quan báo chí văn hóa ở Báo Bắc Giang, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Trước hết, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa cần phải được thực hiện đồng thời với xây dựng đội ngũ những người làm báo văn hóa. Từ mỗi cá nhân có văn hóa trong lối sống, giao tiếp, ứng xử, có văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp sẽ góp phần xây dựng, vun đắp nên một tập thể có văn hóa. Và để làm được điều đó đòi hỏi sự đề cao và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ chốt của
cơ quan. Không ai khác, chính đội ngũ này là tấm gương sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ. từ đó dẫn dắt và truyền nhiệt huyết tới mỗi cá nhân cùng chung tay, góp sức xây dựng cơ quan.

Thứ hai là xây dựng cơ quan văn hóa là quá trình lâu đài, thường xuyên, do đó cần sự kết hợp hài hòa của nhiều biện pháp, cách thức; trong đó chú trọng giáo dục truyền thống, coi đây là điểm tựa về tinh thần, kết hợp với “luật hóa” các quy định của pháp luật bằng các văn bản áp dụng trong cơ quan để mỗi người làm báo tuân theo và giữ mình, nhất là trong bối cảnh những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, vì lợi ích cá nhân đã có không ít nhà báo thỏa hiệp với cái xấu, thậm chí vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của những người làm báo chân chính. Từ chăm lo xây dựng đội ngũ làm báo có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, hết lòng vì công việc; có ý thức thượng tôn pháp luật, nhận thức rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo thì lúc đó mới xây dựng được cơ quan báo chí và những người làm báo văn hóa.

Thứ ba là xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, quy trình xuất bản bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng tác phẩm. Có như vậy mới thôi thúc mỗi người làm báo hăng say sáng tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng, giàu giá trị văn hóa, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội, đóng góp ngày càng xứng đáng hơn vào thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan báo chí. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây