Tính nhân văn trong tác phẩm báo chí : Yếu tố không thể thiếu của văn hóa báo chí

Thứ năm - 03/11/2022 14:56
Tham luận của nhà báo Triệu Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Vĩnh Phúc tại Hội thảo “Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và Người làm báo văn hoá” do Hội Nhà báo Bắc Giang tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
“Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tình thân xã hội” là một trong 6 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa. Tính nhân văn trong tác phẩm báo chí có lẽ là thuộc tính xuyên suốt để báo chí thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, là yếu tố không thể thiếu của văn hóa báo chí.
111
Nhà báo Triệu Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Vĩnh Phúc
với câu chuyện về tính nhân văn trong tác phẩm báo chí rất hay, thiết thực
Tác phẩm báo chí đề cao tính nhân tính nhân văn sẽ là tác phẩm báo chí thành công, mang lại hiệu quả tích cực trong việc định hướng dư luận, định hướng tự tưởng, văn hóa, đạo đức xã hội, giúp khơi dậy những tương lai, tiềm năng tươi sáng.

Xuyên suốt lịch sử, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng. phong phú của cuộc sống. Từ đó đấu tranh loại bỏ những nhân tố xấu trong xã hội, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, hướng con người đến giá trị chân, thiện, mỹ... Đội ngũ nhà báo trong quá trình tác nghiệp ngoài việc tôn trọng sự thật phải chú ý đến yếu tố nhân văn trong cách thể hiện. Ngòi bút của người viết phải có tính nhân văn. Khi viết báo phải suy nghĩ đến hiệu quả, đến cái “hậu” về sau, nhà báo không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí”.

Tuy nhiên, những năm gần đây do xu hướng phát triển ồ ạt của các mạng xã hội, báo điện tử đã và đang xuất hiện cách làm báo rất đáng lo ngại gây hoang mang trong dư luận. Một số tờ báo khai thác đời tư cá nhân hoặc đưa những thông tin sai lệch để giật gân, câu khách mà không lường đến hậu quả. Nhiều nhà báo rất nhiệt huyết, xông pha, dũng cảm đi tìm ngọn nguồn sự thật nhưng khi đưa thông tin lại chưa có sự cân nhắc thấu đáo về hậu quả thông tin trong bài báo mình đưa ra. Không ít tờ báo khi đưa tin bài về các vụ án còn nặng về miêu tả chi tiết gây hiếu kỳ, tò mò, kích động, tạo dư luận cách nhìn cực đoan cho giới trẻ về cuộc sống xã hội, hoặc viết về các nạn nhân bị xâm hại không sửa tên, đưa hình ảnh cận mặt, địa chỉ rõ ràng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ sau này; viết bài về người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn nặng về góc nhìn
thương hại, chưa có góc nhìn để thấy tâm thế muốn vươn lên trong cuộc sống của họ. Có những vụ việc xảy ra chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng đồng loạt nhiều báo cùng đưa, tạo làn sóng dư luận gây thiệt hại đến sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, người dân ( VD: Vụ việc 3 trẻ em tử vong nghi do ăn trái vải, vụ việc trái bưởi đỏ có chất độc hại, việc nuôi thủy sản xuất khẩu sử dụng kháng sinh...được nhiều báo chí, kênh truyền hình đăng tải những năm trở về trước...)

Báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Do đó, trước nguy cơ báo chí đang đánh mất công chúng vì chạy theo lợi nhuận với những thông tin sai lệch, giật gân, vô cảm thì việc đề cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Vậy để nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí, trước hết mỗi người làm báo cần phải rèn luyện, trau dồi để không chỉ có tài, có tầm mà còn phải có tâm, đặt lợi ích cộng đồng lên trước; Người làm quản lý báo chí cần kịp thời định hướng, giúp các nhà báo thuộc phạm vi mình quản lý hành nghề chuẩn mực, cho ra đời những đứa con tinh thần có giá trị về mặt thông tin, mang lại hiệu quả xã hội tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, định hướng văn hóa, tinh thần lành mạnh cho công chúng, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ mặt báo, chương trình trước khi đến với công chúng, không để lọt những tác phẩm báo chí thiếu tính nhân văn. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và quan tâm nhiều hơn đến tác động của thông tin với xã hội, với nhân vật hơn là lợi ích kinh tế của tờ báo. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ bằng pháp luật, quy định, quy tắc để điều chỉnh, răn đe, xử phạt cần phải giáo dục, tuyên truyền để cơ quan báo chí và người làm báo tự ý thức về sứ mệnh giữ gìn tính nhân văn của báo chí cách mạng.

Đối với các cấp Hội Nhà báo, hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp định hướng tư tưởng chính trị cho hội viên là rất quan trọng để nhân lên yếu tố nhân văn trong đời sống báo chí. Đặc biệt, cần quan tâm đến giáo dục, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao hiểu biết, nhãn quan chính trị, trách nhiệm xã hội cho các nhà báo trẻ. Thực tế hiện nay, thế hệ các nhà báo trẻ rất năng động sáng tạo, nhiều nhà báo giỏi, tuy nhiên còn không ít nhà báo còn non tuổi nghề, chưa có những trải nghiệm đủ để nêu cao nhận thức chính trị xã hội dẫn đến cho ra đời những tác phẩm báo chí thiếu tính nhân văn. Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên cũng cần phải đổi mới bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực: tổ chức hội thảo, diễn đàn, tổ chức đi thực tế viết bài, rút kinh nghiệm. Trong quá trình tổ chức các cuộc thi báo chí, ban tổ chức, ban giám khảo cần coi hàm lượng tính nhân văn trong tác phẩm báo chí dự thi là một tiêu chí quan trọng đề đánh giá.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Ba mục tiêu chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại đều rất quan trọng. song yếu tố nhân văn là yếu tố cần xuyên suốt, lan tỏa để tạo nên cốt lõi của văn hóa báo chí Việt Nam./. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây