Viện Báo chí tiền thân là Khoa Báo chí, được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đến tháng 1/2019, Viện Báo chí chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông (trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Với dấu mốc ra đời từ năm 1962, Khoa Báo chí trước đây, nay là Viện Báo chí đã có truyền thống 60 năm hình thành và phát triển.
Viện Báo chí là đơn vị đào tạo cán bộ báo chí - truyền thông lâu đời, uy tín trong cả nước. Viện có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ quan báo chí - truyền thông; nghiên cứu khoa học phát triển lý luận về lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Viện Báo chí hiện có 3 chuyên ngành đào tạo bậc cử nhân (Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện), 2 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí (Báo chí, Quản lý báo chí truyền thông) và Tiến sĩ Báo chí học, cùng nhiều chương trình bồi dưỡng ngắn hạn dành cho tất cả các đối tượng thuộc các vị trí, chức danh trong hệ thống các cơ quan báo chí và quản lý báo chí truyền thông trong nước.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Báo chí đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác đào tạo nhân lực báo chí cách mạng và phát triển lý luận báo chí cách mạng Việt Nam trên nền tảng của khoa học báo chí truyền thông. Hơn nửa thế kỷ qua, Viện Báo chí đã đào tạo gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các khóa, các hệ và các cấp; đồng thời, đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho một số nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Đặc biệt Viện Báo chí đã đạo tạo trên 100 cử nhân truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, khoảng 6000 sinh viên hệ tại chức, vừa làm vừa học tại Học viện và các địa phương trong cả nước. Khoảng 5000 học viên được đào tạo, tập huấn qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn theo chức danh của tòa soạn, theo nhu cầu xã hội và các chương trình đào tạo theo các dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Viện Báo chí đã tham gia thiết kế, thử nghiệm các mô hình/dự án ứng dụng, phát triển báo chí thành công, như: Dự án Báo chí và Quyền trẻ em, xây dựng mạng lưới báo viết về đề tài Trẻ em và Trang Thông tin điện tử Báo chí với Trẻ em (http://cmvn.org.vn ) năm 2005, Bộ giáo trình, sách tham khảo và tập huấn cho hàng ngàn lượt nhà báo về kỹ năng báo chí tiếp cận quyền trẻ em.
Dự án Báo chí điều tra phòng chống tham nhũng (với bộ giáo trình - sách tham khảo Báo chí điều tra - Mô hình Câu lạc bộ Nhà báo điều tra năm 2013 - 2015); mô hình đào tạo thực hành qua đặc san Báo chí Trẻ (từ 2002), Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC (2013).
Gần đây nhất là mô hình Đội thanh niên xung kích truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng (2021 - 2022). Trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu Nhà nước về “Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam”, đề tài cấp bộ “Quản lý thông tin truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam”...
Cũng trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Viện Báo chí đã tổ chức Hội thảo “Viện Báo chí: Truyền thống 60 năm đào tạo, nghiên cứu - vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển”. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đã cùng nhau thảo luận, đánh một cách khách quan, khoa học những thành tựu đạt được của Viện Báo chí trong 60 năm qua. Đồng thời bàn thảo những định hướng, giải pháp phát triển Viện Báo chí - mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí cách mạng trước yêu cầu của nền báo chí số, đa nền tảng, đa phương tiện.
Cùng ngày, Viện Báo chí tổ chức Lễ trao giải báo chí truyền thông Thắp sáng; trao học bổng cho sinh viên và chào tân sinh viên Fire Up 2022.
Them Lê Tâm - Nguyễn Kế/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên