"Nhân sinh vì một chữ tình mà đau"

Thứ tư - 09/10/2024 16:13
1 2
 
2 1
 
3
 
4
 
5
 
6
 
7

(Cảm xúc khi đọc tập thơ “Nẻo về’ của Vũ Mai Phong)

Hữu duyên được bước vào vườn thơ Vũ Mai Phong qua tập “Nẻo về”, tôi khó cưỡng lòng mình nhớ về tiếng than bi thống “Hỡi thế gian tình là chi mà khiến đôi lứa hẹn thề sống chết” mỗi lần xuất hiện của nhân vật Lý Mạc Sầu - biểu tượng “chấp niệm” một chữ “tình” trong tiểu thuyết “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung. Tất nhiên, tôi biết sẽ thật khiên cưỡng và cả “oan uổng” cho Vũ Mai Phong khi cả “Đạo” và “Tình” trong “Nẻo về” của anh đều “tịnh tâm” và “nhất thể cùng hòa” hơn nhiều.

Mang xác thân phàm này đến trải nghiệm những bài học của kiếp nhân sinh, “phúc phận” thay, anh đã sẵn hưởng thật nhiều Phật tính từ quê hương thanh bình “Như ngô lúa, như giỏ nước chè xanh”, từ người bà hiền hậu, người ảnh hưởng lớn đến nhân cách sống và phong cách thơ anh:

Ngoại tôi lúc nhớ lúc quên
Nếp từ bi xếp chồng lên tuổi trời
(Tôi)

Và đặc biệt là mẹ anh, người phụ nữ ngót tám mươi năm tảo tần, vai sờn chống cả giông gió đời con, chỉ để con một đời “khiêm hạnh trọng đường nghĩa nhân”, dù cậu trai ấy đã ngót năm mươi thì bà giáo mẹ vẫn không thôi nhắc nhở cái đạo nhu hòa:

Con ơi! Liệu lẽ ở ăn
Phúc ai nấy hưởng tranh giành mà chi
(Mẹ là bà giáo)

Từ cội gốc yêu thương thánh thiện ấy, cậu trai miền biển đã hăm hở dấn thân. Sóng gió cuộc đời mặn mòi, đắng chát có tha gì cậu. Cũng vật vã, bám víu với ái tình, tiền bạc, công danh, lý tưởng như ai:

Ái tình là gốc khổ đau
Bạc tiền nguồn cơn tội lỗi
Chông chênh trên đài danh vọng
Chợt thèm hạnh phúc đơn sơ
Nửa đời lý tưởng ước mơ
Chưa biết chừng nào mới đủ
(Một lần)

Để rồi khi bước sang cái tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, mới rốt ráo nhận ra rằng:

Nửa đời tìm nợ công danh
Người thì ra nửa thị thành nửa quê
Vẫn chưa buông hết bộn bề
Cũng xin gác lại mình về thầy u.
(Mình về)

Mà về với thầy u là về đâu? Nếu không phải là về chốn bình dị, đơn sơ, chốn “từ bi” tự tính. Thế mà trước đây cứ chạy đông, chạy tây, tưởng rằng chữ danh đong đếm bởi bụng chứa thiên kim vạn quyển, tay nắm vật chất thế gian, thạo nghề giỏi nghiệp:

Giàu nghèo từ đôi bàn tay
Giỏi nghề chắc nghiệp tự gây dựng thành
(Về Bát Tràng)

May mắn thay, hoan hỉ thay, không biết từ vô lượng kiếp nào, lúc trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, đã tích trữ nguyện lành:

Xác thân dù có rong rêu
Cũng xin một niệm về phiêu cửa thiền.
(Một niệm)

Nên giữa lúc mải miết kiếp người đa đoan này, cái A nại da thức thiện nghiệp đã sớm giúp kẻ mộng du anh “bừng tỉnh” giữa gập ghềnh sỏi đá, để anh nhận được “chân như” thực tính sớm hơn bao người, bớt đi “vô minh” mà sống chậm lại, an nhiên một kiếp người:

Nghe trong tĩnh lặng thinh không
Trì tâm tam muội lắng trông vào mình
(Góc tối)

Trong ánh sáng trí huệ vô tận và biện tài vô biên của Đức Phật, anh dường như hòa nhập vào thể tính Không, thấu rõ hơn, sớm hơn huyền cơ tạo hóa, nhìn bóng mây hình Phật tọa đài sen như sà xuống đúng ngày bà nội mất, anh tạ thiên ân báo cho biết bà anh đã vãng sinh cõi lành:

Một ngày thu đã thiên thu
Hồng tang xá hóa vân du cõi trời
(Vân du)

anh dự cảm được ý trời khi thấy bóng mây hình chim Phượng hoàng báo hiệu thiên hạ thái bình:

Thiên đôi nặng nghĩa đàn thề
Lời thiêng giáng lá bồ đề còn nguyên
Mạch nguồn Đông Hải nước lên
Lĩnh Nam cương vực ghi trên sách trời
(Lời thiêng Giếng Dạ)

Và nhất là khi thấy thiên tượng hình mắt Phật cát tường, anh cảm tạ phút liễu ngộ tuyệt đối:

Lòng này chợt thấy từ bi
Hương thơm theo gió tỏa đi muôn chiều
(Một niệm)

Giữ tâm thanh tịnh, giới từ bi, đủ hương trí huệ đã cho anh thấu suốt lẽ màu nhiệm của tạo hóa, tự tính, để anh biết:

Vận khí biết thời kỳ thịnh trị
Lòng người đo dấu ấn minh quân

Công với nước soi bằng mắt giếng
Tội với dân định bởi cửa trời!
(Năm Quý Mão về giỗ Tổ Hùng Vương)

Tâm hữu ái - vật hữu linh
Tay vàng hóa tạo
Nhân sinh một đời.
(Về Bát Tràng)

Thậm chí dự cảm được những điều chẳng lành sẽ xảy ra ở thì tương lai, khiến có đôi lúc người đọc thơ anh hoang mang, bối rối bởi những điều người trần mắt thịt chưa tỏ tường, đến khi kiểm chứng được bằng sự việc, sự kiện đã xảy ra thì ngỡ ngàng, bái phục:

Bóng cổ thụ đã sập vào phương tối
Ngổn ngang từng khúc linh hồn què quặt
Từng khúc ruột bầm chiều
Rồi sẽ đi về đâu?
(Khóc cho những linh hồn cổ thụ)

Nếu cứ thẳng một dòng, xuôi một bến thế, thì nẻo về chính đạo của anh thật gần; thơ anh với tính chất dự ngôn chả mấy lúc sẽ trở thành “sấm”, “ký”. Và cũng sẽ chẳng có một Vũ Mai Phong đậm chất thơ tình ngày hôm nay!

Giữa lúc những tưởng đường về nhà Như Lai, mặc áo Như Lai đã thật gần khi anh đã ngộ đạo đến mức:

Dở dang một giấc mơ hoang
Cuộn tròn những nỗi ngổn ngang trong lòng
Tỉnh ra ngộ được chữ “Không”
Phía sau bóng tối là vầng thái dương.
(Ngộ)

Thì hỡi ôi, là vui hay buồn đây (làm sao khẳng định được, bởi chân như vốn không sắc, không không, không đúng mà cũng không có sai, chỉ có nhân quả mà thôi), chưa vui với “một niệm” được “phiêu cửa Thiền”, lại phát hiện ra, có lẽ chẳng phải chỉ kiếp này, anh đã phát nguyện:

Bỏ chữ tình bay theo khói thiên hương
Ta muốn mặc cho buồn đau tự chết
Mà xác phàm nặng chìm vào cõi tục
Trôi lăn theo phúc phận đời này.
(Nguyện)

Thế nên, dù có hiểu rõ lí nhiệm màu của hương giới, định, tuệ, giải thoát, nhất là giải thoát tri kiến hương, thì anh cũng không thực hành được trọn đạo rồi, anh vẫn cam đành vâng chịu kiếp “xác phàm” trong “cõi tục” mà “trôi lăn theo phúc phận đời này”, sống cho trọn kiếp đa đoan cõi người. Trở lại, đã không có giải thoát tri kiến hương, nghĩa là đã để cho tâm mình mắc kẹt, vướng mắc ở cảnh tình bên ngoài thì mong gì giải thoát, an yên? Mà oái oăm thay, cái khiến anh “kẹt”, cũng là cái xưa nay nhân sinh không cưỡng nổi – chữ “tình”:

Cùng nhau đi hết mùa đông
Qua xuân em sẽ lấy chồng, nhé anh!
Thời gian nỗi khổ vô hình
Nhân sinh vì một chữ tình mà đau.
(Chỉ một chữ tình)

Tuyên ngôn rồi, sống cho đúng với lòng mình, buông bỏ tâm cầu giải thoát, anh tự do tỏ bày tâm ý với người mình yêu thương, tưởng nhớ:

Cứ thơm cho hết nẻo trần
Cứ yêu như thể một lần được yêu.
(Mấy lời tịnh tâm)

Tôi đã làm một phép đếm thủ công, sơ sơ cũng có tới 68 bài trực tiếp viết về “em”, đó là chưa kể hàng chục bài ẩn khuất hình ảnh em trong tổng số 159 bài của cả tập thơ. Thế đủ biết, cái tâm “yêu”, cái chữ “tình” trong anh nó mãnh liệt nhường nào. Cứ nhìn cái cách anh ngắn gọn, trực ngôn mà đặt tên cho bài thơ “Em 1”, “Em 2”, “Em 3, “Em 4”, rồi lại “Em”, “Em có thể”, “Em đừng”… đã phần nào hiểu “Em” ám ảnh, đầy ắp trong anh thế nào.

Thuận theo lẽ đời, trong mắt chàng tình si, em đương nhiên đẹp đẽ vô ngần, khiến anh “Run rẩy yêu em”, khiến anh nhẹ nhàng, nâng niu như trân bảo:

Chuyện rằng thuở ấy đôi mươi
Có nàng thiếu nữ miệng cười như hoa

Em cũng đẹp như tường vi tháng chín
Anh nâng niu những mầm nụ đương thì
(Được mất)

Và cũng khiến anh phập phồng lo được lo mất

Tình yêu đầu với bao mộng ước, hẹn hò “sinh ra là để cho nhau”, tưởng không gì chia cắt nổi ấy, thế mà chua xót thay:

Vàng dễ phai
Đá khó bền
(Cây thông và viên đá)

Bẻ vụn và nhìn theo chiều ngược lại câu ca dao cổ “Dẫu cho đá nát vàng phai/ Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào”, Vũ Mai Phong thật giỏi thao túng tâm trạng người đọc, khiến người ta đau đáu câu hỏi không lời đáp: Trong cõi Ta bà vô thường này, đến đá còn khó bền, vàng còn dễ phai thì “sợi tơ duyên có còn”?

Biết đã không duyên, không phận với nhau, chỉ còn là “người dưng”, sao lòng anh, tim anh vẫn hoài bóng em, chìm trong cơn mộng, để cõi ấy còn em:

Này đây là những nụ xanh
Thiên hương ấp ủ em dành cho ai
Thơm rồi nhạt - trắng rồi phai
Giật mình tỉnh giấc mộng dài
Xuân qua.
(Em 1)

lại cả hờn ghen vô cớ:
Hết Giêng xuân cứ sang Hai
Còn em dành nhuận cho ai thì đừng
(Nhớ xuân xưa)

đớn đau vô tận, vô cùng:
Lòng như xương cá gai đâm
Luyến lưu đêm cuối một lần heo may.
(Không đề 3)

Thương nhiều, yêu nhiều đến mức thà nhận lại mình một trời tương tư, cái chàng trai bị tình yêu làm cho bùa mê thuốc lú ấy cũng không đành lòng thấy người yêu dấu không vui:

Không vôi trầu cũng chẳng cay
Nên em đừng tiếc những ngày không nhau
(Em đừng không vui)

Miếng trầu nên nghĩa nên duyên, mà nay cơ sự bẽ bàng làm sao! Cách anh cư xử thật dịu dàng, bao dung, thôi em đừng không vui, thôi em đừng tiếc nuối làm gì, tất cả có gì đâu, tất cả chỉ là “không” – không vôi, chẳng cay, không nhau. Vòng vo trên dưới, lặp đi lặp lại “không” với “chẳng” chỉ khiến người ta ngậm ngùi thay cho chàng trai đem cái sự “có tình” của mình mà đối diện kẻ “vô tâm”!

Trong cuộc tình sầu dằng dặc không tên, đã có lúc kiệt cùng, muốn buông tất cả:

Bỏ yêu thương lại cho đời
Bỏ bình yên lại cho người tri âm
(Buông)

muốn giải thoát cho nhau nợ duyên của vô minh kiếp người, anh đã từng đặt biết bao câu hỏi:

Liệu bây giờ còn nhớ hay không?
Ở cuối đường có thể thấy được nhau?

Thậm chí dặn lòng:

Một đời người, hai lần khờ dại
Nếu quên rồi đừng dại nhé kiếp sau
(Hỏi 1)

Thế mà vẫn bám chấp thế này đây:

Còn bao lâu nữa, này đằng ấy
Thây kệ thời gian, mình cứ sống bây giờ
(Hỏi 1)

Tâm biết đủ là đủ, tâm còn thèm yêu, khát yêu, mơ yêu như vậy thì “Chưa biết chừng nào mới đủ”. Mới biết, Tình khó qua, mà Đạo khó tới. Thôi thì cũng là dịp để ta cùng chiêm ngưỡng khu vườn tâm hồn đầy phong phú, lúc tịnh tâm, thấu suốt, bao dung, khi cuồng quay, ngún lút, mơ hoang, sau rốt của bão giông kiếp người vẫn là lắng lòng gạn đục khơi trong:

Một lần “lắng nghe để hiểu
Một lần “Nhìn lại để thương”.
(Một lần)
Hạ Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây