Lặng nghe sông Mẹ kể chuyện ngàn năm

Thứ năm - 14/11/2024 16:10
1 2

Một chiều đầu thu thư thái, đầu gối trên thảm cỏ nhung xanh mượt, chân đạp về phía rặng tre cong huyền thoại - bên này là Bán Nguyệt Hồ nơi lưu giữ vầng trăng cổ tích, bên kia là dòng sông Hồng hiền hòa chảy mang nước phù sa nuôi đời. Từ đây, thả sức phóng mắt lên tầng tầng lớp lớp mây trời cao xanh rộng lớn, nghe gió heo may nhẹ nhàng, êm ái thổi, nghe thì thầm nghìn xưa đất mẹ Hưng Yên hiện về trong từng con sóng nhỏ.

Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149km, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Từ Lào Cai, “con sông Hồng chảy vào đất Việt" qua các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Đoạn chảy qua đất Việt Nam dài 510 km. 
2 1

Nhưng đừng nhìn thấy nét hiền hòa này mà tưởng sông Hồng chỉ một vẻ dịu dàng, bao dung. Chảy trôi trong chiều dài lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm, biến thiên thời đại, sông Hồng cũng có muôn hình vạn trạng để người Việt từ cổ đại tới tận ngày nay tìm hiểu, chinh phục, chế ngự, rồi hòa đồng, sống chung…

Ngày ấy, từ thượng nguồn đổ về, chia nước và phù sa đi muôn nơi, dòng sông Mẹ tạo ra biết bao vùng đất đầm lầy, lau lách um tùm, đâu đâu cũng là muông thú, rắn rết, thuồng luồng. Ngày ấy, có một công chúa xinh đẹp tên gọi Tiên Dung sinh ra vốn đã tự do, khảng khái. Bởi được Hùng Vương yêu chiều mà đến tuổi cập kê, nàng vẫn không chịu yên bề gia thất, chỉ rong ruổi thuyền rồng thăm thú nước non. Đến bãi cát nọ bên dòng sông Hồng đẹp như tiên cảnh, nàng cho quây màn tắm mà gặp được chàng ngư dân họ Chử chấp nhận ở truồng chứ quyết không để cha già mất đi mà không có lấy một tấm khố che thân. Cảm cái đức hiếu thảo của chàng trai, ngẫm là duyên trời định, nàng cùng chàng Đồng Tử nên duyên vợ chồng. Nàng dạy dân biết trồng lúa, ươm tơ, dệt vải, dạy dân biết làm nhà tránh dã thú, biết buôn bán làm ăn. Từ đấy, vùng đất này không còn hoang sơ, thưa thớt tiếng người mà đã thành xóm làng trù phú, rộn tiếng nói cười. Rồi Chử Đồng Tử lại đi tu tiên, học đạo thành tài, trở về dạy vợ cùng chữa bệnh giúp dân, lập nên thành ấp, lầu gác uy nguy. Tiếng lành đồn xa, đến tai vua cha lại trở thành nỗi hiềm lo vợ chồng nàng âm mưu tạo phản. Để không phải đối đầu với quân sĩ của vua cha, với phép thuật tinh thông của vợ chồng chàng, chỉ trong một đêm, thành trì, cung điện và cả bầy tôi đã bay lên trời. Người thì đã hòa cùng sông nước, mây trời nhưng tích xưa để lại thì kể đến bao giờ cho hết. Rằng nơi đây, dòng sông Mẹ yêu thương đã bao dung, hiền hòa cho đất đai phì nhiêu màu mỡ, cho con người biết chăm chỉ, hiếu thảo, hay lam hay làm, lại ham học hỏi, biết yêu thương, đoàn kết bên nhau để chế ngự thiên nhiên, khai sông lấp biển, cùng vun đắp cuộc sống hạnh phúc. Rằng nơi đây đã đóng góp vào khoa tàng tín ngưỡng tâm linh của người Việt cổ một vị Thánh bất tử Chử Đồng Tử. Và bây giờ, chứng tích vẫn còn đây với đầm Nhất Dạ Trạch, với bãi Màn Trù, với đền Đa Hòa - Dạ Trạch ngày ngày thơm ngát khói hương phụng thờ.
3

Nhưng điều đó lại khiến kẻ thù ngoại bang không ngừng khởi lên dã tâm chiếm đoạt. Thế là cùng với hàng nghìn năm đắp bồi, yêu thương, sông Hồng cũng là chứng nhân chứng kiến biết bao cảnh đau thương, tang tóc của con dân đất Việt. Trên lưu vực sông Hồng đã diễn ra bao cảnh giết chóc dã man, phá hoại khủng khiếp của giặc ngoại xâm các triều đại phương Bắc Triệu, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, rồi thực dân Pháp, phát xít Nhật và sau này là chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Thời nào cũng vậy, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Yên với tinh thần bất khuất đã kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, bảo vệ lưu vực sông Hồng yêu quý, với những chiến công vô cùng oanh liệt vang dội núi sông.

Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc, người Hưng Yên đã góp sức người, sức của theo các anh hùng hào kiệt nghĩa sĩ đứng lên chống giặc, điển hình như: nữ tướng Hương Thảo theo cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tây Hán ra khỏi bờ cõi, dựng lại nghiệp xưa họ Hùng (năm 40); Triệu Quang Phục với căn cứ Dạ Trạch khiến quân Lương bao phen kinh hồn khiếp đảm trước thiên la địa võng bủa vây (thế kỷ VI)…

Năm 1010, với tầm nhìn chiến lược của một bậc đế vương đích thực, Lý Công Uẩn đã nhận thấy thành Đại La là “trung tâm trời đất”, “được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”. Vua đã đưa ra một quyết định có ý nghĩa sống còn đối với đất nước, dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La, đổi tên là Thăng Long, sau này là Hà Nội. 
4

Vẫn còn đây cửa sông Hàm Tử (Khoái Châu) “bắt sống Toa Đô”, một tướng giặc hung hãn của quân Nguyên Mông, là tiền đề cho chuỗi thất bại 3 lần liên tiếp trước vua tôi nhà Trần trên đất Đại Việt của đạo quân xâm lược vốn lừng danh bất khả chiến bại khắp chiến trường Nam Bắc Đông Tây. Vẫn còn đây cả một vùng Bãi Sậy (gồm địa phận huyện Văn Giang, Khoái Châu, thị xã Mỹ Hào) nơi năm xưa tướng quân Nguyễn Thiện Thuật lập căn cứ chống Pháp khiến kẻ thù chật vật không yên.

Vẫn còn đây cây đa Sài Thị (Khoái Châu) năm nào nơi những người đảng viên cộng sản đầu tiên về tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh giành độc lập cho đất nước, ruộng đất cho dân cày. Từ nơi đây, chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Hưng Yên - chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị - đã được thành lập (1929), phát triển các tổ chức đảng, làm tiền đề thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (7/1941). Theo đúng đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều kiện thực tiễn ở Hưng Yên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngày một phát triển cùng với cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi tháng Tám năm 1945.

Đất nước đã giành được độc lập nhưng thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Cùng nhân dân cả nước, quân và dân Hưng Yên theo lời Bác gọi “Toàn quốc kháng chiến”, trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến, không kể bộ đội chủ lực hay du kích Hoàng Ngân mà cả cụ già, em thơ, cả bờ đê, ruộng lúa, cả mái đình, cây đa do dòng sông Hồng hiền hòa vun đắp, tưới tắm cũng anh dũng vùng lên làm mồ chôn quân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là một mắt xích quan trọng của miền Bắc, Hưng Yên, rồi Hải Hưng đã thực sự vươn mình thành hậu phương lớn, vững mạnh, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam; cùng quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri năm 1973, rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 
5

 Tại dòng sông Luộc, chi lưu nối dòng chảy sông Hồng với sông Thái Bình trước khi đổ ra biển, di tích quốc gia cây đa và đền La Tiến (Phù Cừ) còn lưu giữ bia căm thù - tấm bia mộ tập thể của 1.145 đồng chí, chiến sĩ cách mạng, đồng bào ta đã bị thực dân Pháp tra tấn, hành hình dã man. Trong số anh hùng, liệt sĩ đó, có nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Khang, quê ở xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, lúc bấy giờ, chị là Huyện uỷ viên, Bí thư phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ, chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân.

Sẽ thật thiếu sót khi nghe sông Hồng kể chuyện mà bỏ qua một chương đau thương mà quật cường của nhân dân Hưng Yên trong công cuộc đắp đê trị thủy. Trước khi trở thành cửa ngõ phía Đông của Kinh đô hoa lệ, trước khi trở thành một Tiểu Tràng An “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, mỗi lúc sông Hồng “khó ở”, người Hưng Yên lại phải gồng mình chống chọi với vô vàn bão lũ hung hãn cuốn trôi tất cả nhà cửa, tài sản, tính mạng, kéo theo đói kém, dịch bệnh, họ hàng thân quyến tan tác, chia lìa. Trong lịch sử, vùng đất Hưng Yên đã từng phải oằn mình trải qua nhiều cơn giận dỗi điên cuồng, vô cớ và khắc nghiệt từ thiên nhiên.
11 1

 Từ năm 1806 - 1898, với 92 năm thì có tới 39 năm đê vỡ, 10 năm hạn hán, 15 năm sâu dịch, riêng ở Hưng Yên, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, đê Cửa Yên vỡ trong 6 năm liên tục. Chính từ những tác động bất lợi, bất ngờ của thiên nhiên đem lại đó đã buộc người dân Hưng Yên phải đoàn kết, gắn bó, sống có nghĩa có tình với nhau hơn, lấy sức người đạp sức thiên nhiên, đắp đê làm thủy lợi, cải tạo những vùng đất chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn thành ruộng lúa, bờ đê với làng mạc trù phú, dệt nên đời sống phồn thịnh. Năm tháng qua đi để lại những già nua, mệt nhọc trên đôi mắt, gương mặt, bàn tay, nhưng ký ức sôi nổi về một thời toàn tỉnh làm thủy lợi “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “thay trời làm mưa”, cùng nhau tạo dựng nên đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải những năm 1958 - 1959 của lớp lớp thanh niên ngày ấy, trong đó có nữ Anh hùng lao động Phạm Thị Vách chắc chắn sẽ không thể nào quên.

Và chắc chắn, dòng sông Mẹ hiền hòa âm thầm mà mãnh liệt, vô hình mà hiện hữu chảy trôi trong suốt chiều dài lịch sử, đã chứng kiến và ghi dấu lại biết bao thiên di trên vùng quê văn hiến Hưng Yên sẽ không bao giờ quên buổi sáng đẹp trời hôm ấy.
7

Mới đó mà đã 27 năm rồi. 27 năm, quãng đường chưa thấm là bao so với nghìn năm lịch sử lòng Mẹ ấp ôm; thành tựu chưa đáng là bao so với nghìn năm ông cha dựng nước và giữ nước. Nhưng 27 năm ấy, đủ để có một cuộc chuyển giao lịch sử từ những lớp cha chú ngày trở về thủ phủ tỉnh với bộn bề công việc, trăm nỗi khó nhọc, lo toan, sang một thế hệ lãnh đạo mới trẻ trung, năng động và tràn đầy nhiệt huyết, được các bậc tiền nhiệm “bắt tay chỉ việc”, tin tưởng trao truyền. Cũng đủ để hai tiếng Hưng Yên vang lên kiêu hãnh, tự hào, tự tin về thế mới, lực mới trong thời đại mới.

Vẫn còn đó thật nhiều khó khăn, thách thức, này là thiên tai, bệnh dịch, này là tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, này là “tự suy thoái, tự chuyển hóa” trong nội bộ; vẫn còn đó bao trăn trở: làm sao để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm sao để kinh tế phát triển hài hòa với văn hóa, môi trường, làm sao để đi tắt đón đầu thành công, làm sao để thu hút đầu tư công nghệ cao, thu hút chất xám trong kêu gọi đầu tư, làm sao để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, làm sao để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…

Chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng hát đâu đây sâu lắng, tự hào
“Hồng Hà réo sóng say sưa
Trông Cha bóng Người mênh mông
Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi…”

 
8

Đúng rồi, có con đường lên hạnh phúc nào bằng phẳng, thênh thang đâu! Chỉ cần vững một niềm tin, vững một tình yêu, một khát khao cống hiến, chắc chắn trang sử vẻ vang của quê hương văn hiến cách mạng Hưng Yên sẽ còn mãi mãi tươi đẹp, rạng ngời như dòng sông Mẹ dấu yêu mãi chảy ngàn năm, vạn năm…
 
Bài và trình bày: Thanh Mai
Ảnh: NSNA Lê Hào

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây