Từ Phố Hiến giong buồm, xuôi sông Mẹ ra khơi

Chủ nhật - 29/09/2024 17:04
(Cảm nhận về tập thơ “Đất ngàn lau” của tác giả Nguyễn Đức Minh)
ls
 

Cầm trên tay tập bản thảo “Đất ngàn lau” của Nguyễn Đức Minh, thú thực cũng nghĩ là quý mến, nể vì cái thịnh tình của người làm thơ mà đọc cho vừa lòng nhau. Ấy thế mà rồi bị cuốn vào lúc nào không hay. Bảo sắc sảo ư? Không. Bảo có cái gì đó vượt trội, phá cách, dẫn đường ư? Cũng không. Bảo đúng cái “gu” ngôn tình, ngọt ngào của tôi ư? Cũng không nốt. Thế thì sao lại cuốn nhỉ? Ngẩn ra một lúc. Chịu. Cuốn là cuốn, giống như người ta cảm mến nhau, say nắng nhau thì ai biết được vì cái gì mà mến, mà say.

Nhưng mà say một hồi rồi cũng phải tỉnh chứ, ai ở mãi trong ảo mộng được. Mà đã tỉnh thì phải tìm ra chí ít một lí do để biết vì sao lại say. Lòng vòng, quanh co mãi, chi bằng giở bản thảo ra đọc lại xem sao!

53 bài thơ với tông chủ đạo là thơ tự do, thi thoảng xen ít lục bát khiến tập thơ không đơn điệu, không quá ào ạt, nồng nhiệt chạy theo cảm xúc mà có nốt thăng, nốt trầm, có quãng ngưng nghỉ về biên độ cảm xúc. Cứ nhẩn nha, nhẹ nhàng mà có thể một mạch đọc lại cả tập thơ không mệt mỏi, gượng ép.

Là bạn thơ Nguyễn Đức Minh từ những ngày anh trình làng hai tập “Lời xưa” (2015), “Nắng chiều” (2020), vốn nghĩ cũng hiểu anh kha khá. Rằng xuất thân là chàng kỹ sư đo đạc bản đồ nhưng thơ anh lại không hề trúc trắc, mạnh mẽ, gân guốc chút nào, trái lại, có gì đó thật dịu dàng, nhẹ nhàng, đôi khi mong manh, dễ vỡ. Với trái tim đa cảm, nàng thơ cho anh sống trọn với tình yêu xóm làng, đồng ruộng, với nghĩa mẹ, tình cha và người yêu dấu. Thế nên những mảnh ghép cảm xúc của anh trước giờ thường chưa ra khỏi cảm thức của Phố Hiến, vùng quê hai mùa sen nhãn, những vàng son lộng lẫy thủa “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” chỉ còn trong ký ức, chỉ là “vang bóng một thời”.

Những cảm xúc ấy, thế mạnh ấy đương nhiên sẽ vẫn xuất hiện tương đối nhiều (chiếm trên một nửa) ở tập thơ này. Đến mức, theo chia sẻ của anh, ban đầu, anh vẫn định lấy cảm hứng chủ đạo “Giữa miền quê hương” này làm nhan đề chung cho cả tập thơ. Bởi, như đã nói, cái “chất quê” đã nuôi lớn anh, theo anh đi khắp chân trời góc bể, đến lúc “nắng chiều” vẫn ăm ắp ngọt lành:

Bình yên sau những bão giông
Hội đình lại mở chợ làng lại đông
Để ta áo gấm phấn hồng
Cùng em san sẻ gánh gồng nước non.

(Giữa miền quê hương)

Trải bao “bão giông” quăng quật của cuộc đời, những ký ức về tuổi thơ cá cua, cơm cà, đầu trần tắm sông, rồi những phận đời, phận người dưới lũy tre làng:
Chiều quê nắng ngược sườn đê
Ngày anh ra trận, chị về làm dâu
...
Bi bô tiếng trẻ gọi bà
Ngây thơ con hỏi cha đâu không về?

          (Chuyện đời thường)

như lạ, như quen the thẽ theo cùng. Hành trang làm người quê hương trao anh không chỉ mềm mại tiếng mẹ ru mà còn là mạch ngầm hào khí, sự cang cường của lớp lớp thế hệ cha anh:
Rêu xanh, mộ cỏ còn lưu
Trai Nghĩa Trụ
Cánh chim bằng ấp ủ
Đất phương Nam nuôi chí cứu nước nhà

(Dưới lớp rêu xanh)

và tất nhiên, sẽ thật khuyết thiếu khi không nhắc đến những dịu dàng, nâng đỡ yêu thương của người vợ, người yêu thủy chung như nhất:
 Nhớ không em
Đánh Pháp năm xưa cũng trên mảnh đất này
Là hình ảnh của bà, của mẹ
Và hôm nay tiếp trang vàng đẹp đẽ
Có những người con gái như em

(Anh về đất nhãn quê em)

Nhưng món dù ngon đến mấy mãi cũng thành nhạt, đề tài dễ có được sự đồng cảm đến mấy cũng có nguy cơ thành nhàm. Cả một tập thơ mà trước mẹ, sau em, trước quê sau làng, cái nguy cơ đọc một bài coi như đọc cả tập thơ cũng khó mà tránh được. May mắn thay và cũng bất ngờ thay, “Đất ngàn lau” không bị rơi vào hướng ấy. Chính lối rẽ khác với chính mình này đã giúp Nguyễn Đức Minh cộng thêm điểm nhấn cho cả tập thơ.

Như thầm hiểu, cái nhan đề “Đất ngàn lau” đã tự nói lên được nhiều điều. Rằng đây không phải đại bản doanh quen thuộc, vùng đất Phố Hiến – Hưng Yên, nơi con sông Hồng chảy vào đất mẹ, mà là một không gian khác, xa hơn, rộng hơn, mênh mang hơn. Đó là rộng dài đất nước, là thăm thẳm chiều kích không gian, thời gian.

Bỗng thấy thật thú vị khi nghĩ rằng, hình như trước kia có một chàng trai nhẫn nại, rong ruổi từng bước chân trên khắp mọi miền Tổ quốc để đo đo, vẽ vẽ, xác định những mốc tọa độ cơ sở trên bản đồ quốc gia, thì hôm nay, cũng có một chàng trai đang lặng lẽ ghim những tọa độ tâm hồn trên từng tên đất thân thương, để gọi thương, gọi nhớ, gọi “hồn lau” vạn “nẻo bến bờ”.

Theo bước chân người thơ ấy, từ Hưng Yên ta đi:
Đất nghĩa tình trải bao độ gió sương
Lúa vẫn thắm, nuôi mầm non bừng nhú
Đời dậy men sau tháng ngày ấp ủ
Rượu nhấp môi chưa uống đã say mềm.

(Anh về đất nhãn quê em)

 
tn

Bởi “chưa uống đã say mềm” nghĩa đất tình quê, nên thật dễ lí giải cho trạng thái thăng hoa, phơi phới tự hào khi nhắc đến mỗi địa danh khắp Bắc – Trung – Nam của đất nước Việt Nam mến yêu:
Bạn ở Tây Nguyên, dáng Đam Rông kỳ vĩ!
Tình đại ngàn, hương bát ngát cao nguyên.
Bạn ở Hà Tuyên, hay Đồng Đăng xứ Lạng
Hòa Bình, Mộc Châu, Móng Cái địa đầu?
Nên thắm đượm lời câu si, câu lượn!
Khèn dập dìu say nghiêng ngả chợ xuân!

 (Bản tình ca cuộc sống mới quê mình)

Rất hiếm khi thấy thơ Nguyễn Đức Minh say vậy, vui vậy, nên cứ mở lòng, khoan khoái say cùng anh. Mà đã say thì đừng có mong lí lẽ, trật tự với tuyến tính gì cả. Từ Tây Nguyên bát ngát đại ngàn, trong tiếng chiêng, tiếng chống, rượu rót đầy, lửa thắp sáng tràn đêm, tiếng già làng trầm hùng, u u dội xuống dọc ngang kèo cột nhà rông, sử thi kể mãi chuyện cha trời mẹ đất... Tiếng ngàn xưa vọng đến ngàn sau. Là thiêng liêng, là nguồn cội, là thương, là nhớ, là đợi, là chờ. Tất cả đều hội tụ về một nơi thẳm sâu nhất, yêu thương và tự hào nhất – hồn thơ anh. Thế nên, chạm vào đâu trong các mốc tọa độ, các tên đất, tên làng cũng làm bật dậy những xúc cảm thơ anh.

Cảm hứng sử thi nâng đỡ Nguyễn Đức Minh qua từng không gian, thời gian, khiến những sự kiện lịch sử, chứng nhân lịch sử đi vào thơ anh tự nhiên, đa nghĩa, dù thủ thỉ, tâm tình hay xúc động, nghẹn ngào vẫn vút lên chất tráng ca, tầm vóc và rưng rưng tự hào. Đó là cây đa Tân Trào (Cây đa với vị tướng già), nán Nà Nưa (Về Nà Nưa), cao nguyên đất đỏ (Chuyện kể em nghe), dòng Lam quê Bác (Con tạ từ xin về lại lần sau), mặt trận Quảng Trị (Đi về phía tháng Tư), nghĩa trang Đức Linh (Đức Linh bản hùng ca; Trở lại với Đức Linh, Bình Thuận)... Ngay cả khi từ đôi giày thi ca vạn dặm, trở lại quê nhà vẫn ngây ngất khúc tráng ca:
duc linh cai tang hcls

Tảng đá trước thềm nâng bàn chân mạnh mẽ
Người mãi còn đây với đất quê mình.
Mái lá gồi đừng rớt lệ rưng rưng
Khi sương đọng hay mưa rừng xối xả...

(Mảnh đất ngàn lau)

Và tất nhiên, thành quả của những thăng hoa đích thực, hướng tới Chân – Thiện – Mỹ sẽ là những tứ thơ lạ, hình ảnh đẹp, từ ngữ đắt mà đôi khi có dụng công đến mấy cũng không sở hữu được. Rõ ràng là kể lể, liệt kê, rõ ràng là miêu tả mà đăng đối, hài hòa và ấn tượng biết bao:

Đất địa linh, sinh anh hùng hào kiệt
Phẩy quạt thơ thành bão nổi đất bằng
Hạ ngọn bút ngàn giáo gươm trỗi dậy
Bến sông Hàm lưu tiếng mãi ngàn sau.
...
Mắt quầng sâu, mặt héo nhàu
Bện vào nhau vùng lên đánh giặc
Tằm ăn lá dâu - thương lòng nghẹn đặc
Khung cửi kẽo cà dưới mái rạ đêm sương.

(Mảnh đất ngàn lau)

Nhìn bông hoa héo mong manh
Treo mình mỏm đá bên thành vực sâu
Còn đây dây bí dây bầu
Hóa thân làm những cây cầu ái nhân

(Có những người như thế)

Người Hưng Yên cũng con Lạc cháu Hồng
Chung nguồn cội
Chung biển Đông trùng sóng!
giong cánh buồm, xuôi sông Mẹ ra khơi.

(Bản tình ca cuộc sống mới quê mình)

          Điều gì để “Đất ngàn lau” cân bằng, kết nối được hai thái cực cảm xúc: một bên là nồng nhiệt, đậm đặc tính sử thi và những đề tài mang tính rộng lớn, phổ quát, với một bên là yêu thương, mến nhớ, lãng đãng cá nhân? Thưa rằng có ạ, và có rất thành công, rất thuyết phục. Đó là hình bóng lồng lộng của người mẹ xuyên suốt tập thơ anh. Vẫn là mẹ quê nghèo, yêu thương, “chắt chiu” tất cả cho con, mong mỏi có cháu để bế để bồng, sớm hôm tựa cửa trông tin con chiến đấu xa nhà, nhưng cũng lại là một Mẹ Việt Nam Anh hùng, hy sinh, dâng hiến thanh xuân cho đất nước, dâng hiến cả nguồn vui, lẽ sống – chồng và con trai – vì cuộc chiến tranh chính nghĩa, cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc:
Thân ngược gió
Đường nhân sinh lầy lội
Bao phận người
Bóng ruộng nước nổi trôi.

 (Bên kia bờ nhớ)
 
Mẹ còn là Phật, là tiên: “Cho con cạn kiệt vẫn còn/ Cuối đời mẹ vẫn sáng tròn trăng thu”, là dấu chấm lặng con không thể nói:
Con thương mẹ
Một bài thơ viết vội
Không đặt tên
Để cho mãi mãi bền

(Không tên)
 
Khép lại những dòng cảm xúc phiêu du “Giữa vạn ngân hà” của tập thơ “Đất ngàn lau”, tự thấy mình có chút tham lam khi lộ ra nhiều “mốc tọa độ cảm xúc” mà Nguyễn Đức Minh gửi gắm trong từng trang thơ. Trong ba sáu cách hối lỗi, sửa sai, xin chọn cách cuối cùng mà khôn ngoan nhất cổ nhân từng dạy: dừng lời tại đây. Cứ đi ắt đến. Hữu duyên ắt ngộ. Thơ anh đã dâng đời rồi, chỉ chờ tri âm mở khóa “đồng thanh tương ứng” mà thôi!

 
TM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây